Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo.

Thứ tư - 29/04/2020 09:26
DÀN Ý
- Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác.
- Tóm tắt quá trình tha hóa, lưu manh hóa và khát vọng hoàn lương của Chí.
- Phân tích bi kịch bị cự tuyệt:
+ Nguyên nhân: Bà cô Thị Nở - đại diện cho định kiến xã hội.
+ Diễn biến tâm trạng: sửng sốt - chạy đến nắm tay Thị - cố níu kéo - uống rượu, thoảng hơi cháo hành, ôm mặt khóc rưng rức.
+ Hành động: xách dao đến nhà Thị Nở, nhưng cuối cùng đến nhà Bá Kiến.
+ Đổi thoại: đòi lương thiện.
+ Kết quả: giết Bá Kiến và kết liễu đời mình.
- Nghệ thuật xây dựng nhâu vật
+ Giá trị, ý nghĩa (như phẩn I)
BÀI LÀM
Để phát hiện ra và khẳng định niềm khát khao mãnh liệt được trở lại làm người lương thiện của Chí Phèo. Trong cái xã hội cạn kiệt tình thương ấy vẫn còn có Thị Nở. Tình người của Thị Nở đã làm thức dậy tính người trong Chí, đã giúp cho Chí từ cõi quên trở về cõi nhớ: "Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao!” Bát cháo hành của Thị Nở như một liều tiên dược, gợi mở trong ý chí cái khát khao lương thiện. Nhưng, bi kịch thì vẫn cứ là bi kịch. Ngay cả Thị Nở cũng chẳng thể gắn bó thêm nữa với Chí Phèo. Lời nói của bà cô: “Ai lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha không mẹ như cái thằng Chí Phèo” đã trở thành vật cản, chắn ngang lối về với xã hội loài người của Chí. Một gáo nước lạnh tạt ngang vào ngọn lửa hồng lương thiện vừa được Thị Nở nhen nhúm. Chút hạnh phúc nhỏ nhoi cuối cùng vẫn không đến được với Chí Phèo. Trớ trêu thay, khi tính người nơi Chí Phèo trỗi dậy, cũng là lúc Chí Phèo hiểu rằng mình không còn trở về với lương thiện được nữa. Thị Nở đến rồi đi, chỉ như một lằn roi tia chớp rạch ngang bầu trời đêm đen của Chí Phèo, chỉ đủ để soi lên một niềm cảm thông ngắn ngủi. Nói xa hơn, cái xã hội thực dân nửa phong kiến đó đã cướp đi của Chí quyền làm người và vĩnh viễn không trả lại. Nó đã bẻ gãy chiếc cầu nối Chí với cuộc đời.

Chí Phèo lại tìm đến rượu nhưng rượu không phải bao giờ cũng làm cho người ta say, nhất là khi hơi rượu lại lẫn với hơi cháo hành. Một bên đại diện cho con người anh Chí lương thiện, bên còn lại đại diện cho con quỷ Chí Phèo. Càng uống Chí càng tỉnh, càng tỉnh càng nhận ra bi kịch của cuộc đời mình. Hắn không muốn quay lại cuộc đời như trước. Hắn đau đớn ôm mặt khóc rưng rức. Phẫn uất, Chí xách dao đi, định đến nhà Thị Nở. Trong ý định, Chí định đến nhà đâm chết con “khọm già”, con "đĩ Nở” nhưng hắn lại đi nhầm đường. Nhầm đường nhưng đúng hướng. Hơn ai hết lúc này Chí hiểu ra rằng: kẻ đã làm cho mình phải mang lốt quỷ, kẻ đã làm mình ra nông nỗi khốn cùng này chính là Bá Kiến. Hắn càng thấm thía nỗi đau bị kẻ cướp cướp đi quyền làm người, cướp đi cả bộ mặt và linh hồn của mình. Chí Phèo đến nhà Bá Kiến vói từ cách là một nô lệ thức tỉnh, đòi quyền làm người:

“Tao muốn làm người lương thiện?
Ai cho tao lương thiện?”

Câu hỏi vút lên, quật vào giữa tác phẩm, đánh thẳng và chỉ mặt xã hội bất lương cũ. Đồng thời cũng cứa vào lòng người đọc sự xót xa thương cảm. Lương thiện có ngay trong mỗi con người, là di sản tinh thần của mỗi người. Tại sao phải đi đòi lương thiện? Khốn nạn thay cho Chí, ngay cả cái quyền được làm một con người cũng bị xã hội người ăn thịt người ấy cướp đi nốt. Cái chết bi thảm của Chí Phèo là lời kết án đanh thép cái xã hội vô nhân đạo, là tiếng kêu cứu về quyền làm người, cũng là tiếng trầm mặc đau khổ dằn vặt của nhà văn: Con người bao giờ mới yêu thương nhau?

Chỉ năm ngày sống với Thị Nở nhưng Chí đã được sống như một con người và khi chết, Chí cũng đã chết như một con người. Chí Phèo đã chết ngay trên ngưỡng cửa của cuộc đời lương thiện khi khát vọng hoàn lương chưa được thực hiện, hoàn toàn. Bi kịch của nhân vật Chí Phèo là ở chỗ không muốn bị lưu manh hoá thì trở thành kẻ lưu manh hoá lúc nào không biết; muốn trở lại cuộc đời lương thiện thì không được. Qua vụ giết người và tự sát bất ngờ này Nam Cao đã cảm nhận được tình trạng xung đột giai cấp ở nông thôn là hết sức gay gắt, không gì có thể xoa dịu và mối căm thù giai cấp âm ỉ trong lòng xã hội nông thôn cũng không có gì có thể dập tắt, càng nén xuống càng dễ bùng nổ. Điều đó cho thấy cảm quan hiện thực nhạy bén sâu sắc của Nam Cao.

Nam Cao cũng cố gắng lý giải cắt nghĩa những nguyên nhân đã cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo, đã tước đoạt khát vọng hoàn lương của Chí. Cự tuyệt quyền làm người của Chí là toàn bộ hiện thực xã hội khắc nghiệt và tàn bạo đương thời. Xã hội ấy không chấp nhận khát vọng hoàn lương của những người từng bị lưu manh hóa. Nhìn bề ngoài đó chỉ là hành động Thị Nở từ chối tình yêu, nhưng nguyên nhân sâu xa hơn chính là định kiến xã hội. Chính vì định kiến ấy Chí Phèo bị xa lánh ruồng rẫy khi ở tù về, bị dấn sâu hơn vào con đường tội lỗi, định kiến này ẩn sâu trong mỗi con người làng Vũ Đại kể cả nạn nhân, mà người tình của y và cô Thị Nở là một biểu hiện sống động. Trong quan niệm của bà cô Thị Nở ở làng Vũ Đại Chí Phèo mãi chỉ là một kẻ lưu manh, một con quỷ dữ, một thằng rạch mặt ăn vạ làm nghề nghiệp sống của mình. Chính định kiến ấy đã giết chết Chí Phèo, đã ngăn cản khát vọng hoàn lương của Chí. Như vậy, mệnh lệnh xuất phát từ trái tim Nam Cao, lời đề nghị tha thiết của Nam Cao là đừng bao giờ định kiến với con người.

Tác phẩm Chí Phèo thông qua tấn bi kịch bị cự tuyệt quyển làm người của nhân vật chính, nhà văn đã mang đến những giá trị nhân văn cao đẹp. Tác phẩm đã lên án, tố cáo tội ác của chế độ thực dân nửa phong kiến đã đàn áp và bóc lột nhân dân lao động. Qua đó nhà văn đồng cảm với những nỗi khổ đau, bị đày đọa và lăng nhục của người nông dân. Đồng thời nhà văn cũng kịp thời phát hiện và trân trọng trước vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật và khao khát thay đổi thực tại để mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây