Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích đoạn thơ “Nỗi nhớ nhung sầu muộn của người chinh phụ”

Thứ sáu - 27/10/2017 05:24
Chinh phụ ngâm khúc, tác phẩm chữ Hán nổi tiếng của Đặng Trần Côn mang dấu ấn của thời đại, đã gây tiếng vang lớn trong cuộc sống xã hội. Lời dịch thanh thoát, uyển chuyển, mượt mà của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã góp phần không nhỏ làm cho tác phẩm có một vị trí trong đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân và trong lịch sử phát triển của văn học dân tộc.
Chinh phụ ngâm khúc thành công trong việc miêu tả nỗi khổ của người phụ nữ có chồng đi chiến đấu nơi xa trong cuộc chiến tranh phong kiến. Toàn bộ khúc ngâm là lời tự bày tỏ tâm tình thiết tha, sâu sắc, qua đó toát lên tinh thần oán ghét chiến tranh, khao khát sống trong hoà bình, hạnh phúc của người phụ nữ. Sức mạnh nghệ thuật của tác phẩm tập trung miêu tả tình cảnh, tâm trạng đau khổ của người chinh phụ trong cảnh cô đơn. Đoạn trích trong sách giáo khoa Văn học 10, tập một. Nỗi nhớ nhung sầu muộn của người chinh phụ có những nét tiêu biểu cho nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
 
Nỗi nhớ nhung, sầu muộn được biểu hiện bằng bức tranh thiên nhiên lạnh lẽo, thê lương với những âm thanh buồn bã, não nùng:
 
“Sương như búa, bổ mòn gốc liễu
Tuyết dường cưa, xẻ héo cành ngô
Giọt sương phủ, bụi chim gù
Sâu tường kêu vẳng, chuông chùa nên khơi”
 
Cảnh vật ở đây dữ dội quá: sương thì bổ mòn còn tuyết thì xẻ héo. Cách dùng từ mạnh này diễn tả người chinh phụ thấy thiên nhiên trở nên ác nghiệt. “Sương như búa, bổ mòn gốc liễu” hay bổ mòn trái tim người chinh phụ?
 
Bác Hồ của chúng ta cũng có những câu thơ rất hay, rất mạnh nói về sự khắc nghiệt của thiên nhiên:
 
“Gió sắc tự gươm mài đá núi
Rét như dùi nhọn chích cành cây”
 
Câu thơ của Bác chủ yếu nói đến sự khắc nghiệt của thiên nhiên đối để nêu bật sức mạnh tinh thần của con người. Còn ở đoạn thơ này, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm miêu tả sự khắc nghiệt của thiên nhiên để nói lên sự buồn khổ, héo hắt, vò xé trong trái tim con người. Phải có sự đồng cảm đối với nhân vật trữ tình như thế nào mới viết được như vậy, mới làm cho ngoại cảnh trở thành tâm cảnh và câu thơ tả cảnh mới cay dứt lòng người đến vậy? Có thể nói cách tả cảnh để ngụ tình của tác giả trong đoạn này đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật.
 
“Giọt sương phủ, hụi chim gù”
 
Đến đây ấn tượng cảm xúc của câu thơ có kém mạnh hơn nhưng nỗi buồn vẫn cứ thấm đượm trong từng câu, từng chữ:
 
“Sâu tường kêu vẳng, chuông chùa nện khơi”
 
Câu thơ mang một nét đặc trưng của nghệ thuật cổ điển: Lấy cái động để tả cái tĩnh, tả tiếng sâu, tiếng chuông để tả cái tĩnh lặng mênh mông của đêm và nỗi cô đơn, âm thầm của người chinh phụ. Nỗi buồn như tan ra, như không mất đi. Sâu tường vang ra một âm thanh lạnh lùng, đơn điệu như cứa vào nỗi buồn. Còn tiếng chuông chùa đột nhiên vang lên một tiếng rồi tắt lịm, tiếng chuông đưa hồn người ra xa, rồi chìm vào đêm mênh mông, lặng lẽ làm hồn người ta lạc mất, chỉ còn lại một mình người phụ nữ trong không gian tối tăm, yên lặng, rộng lớn với nỗi buồn khổ âm thầm, sâu thẳm, vô tận.
 
Vẫn biện pháp nghệ thuật tả cảnh để tả tình, khung cảnh thiên nhiên ở khổ thơ sau cũng không kém phần buồn thảm, tác động vào tâm não của con người.
 
Cũng vẫn chỉ là những cảnh vật lẻ loi, buồn tẻ, lạnh lẽo:
 
“Vài tiếng dế, nguyệt soi trước ốc”
 
Nếu có một hình ảnh mạnh mẽ thì nó chỉ biểu hiện sự phũ phàng của thiên nhiên:
 
“Một hàng tiêu gió thốc ngoài hiên”
 
Ngọn gió ngoài kia như thốc vào tâm tư con người. Hình ảnh ngọn gió xuyên “lay động lá màn” làm ta nhớ đến một tứ thơ của Lí Bạch:
 
“Gió xuân có biết chi nhau
Cớ sao lại lọt vào sau lá màn?”
 
Ở đây, người thiếu phụ thấy lá màn lay động như bởi một tầm tay vô hình. Điều đó làm cho nàng chạnh lòng, tủi phận, nhìn ra ngoài nàng đã thấy:
 
“Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm”
 
Hoa và trăng lộng lẫy, quấn quýt:
 
“Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm
Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông
Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng
Nguyệt hoa, dưới nguyệt trong lòng xiết đâu”
 
Ánh trăng càng lộng lẫy hơn khi rót xuống hoa, hoa càng tươi thắm hơn khi nở đón ánh trăng. Sự kết hợp biện pháp nghệ thuật điệp ngữ và liên hoàn đã tạo nên những câu thơ đẹp tuyệt vời. Đẹp không phải chỉ vì tả cảnh đẹp mà đẹp vì diễn tả một tâm trạng thực: niềm khao khát hạnh phúc rạo rực và liền sau đó là nỗi đau, nỗi đau khôn xiết.
 
Nếu như ở phần đầu đoạn, thiên nhiên là sự phụ hoạ với tâm trang, bào mòn thêm tâm não thì ở cuối đoạn, thiên nhiên trái ngược với tâm trạng như khêu gợi, như trêu ngươi. Hai cảnh đối nghịch nhaụ nhưng cùng thống nhất làm tăng thêm nỗi nhớ nhung sầu muộn của người chinh phụ.
 
Tác giả và dịch giả đã thành công trong việc diễn tả tâm trạng nhân vật trữ tình. Tác giả đặt nhân vật trữ tình trong khung cảnh không gian và thời gian có ý nghĩa phúng dụ. Hình ảnh ước lệ, tượng trưng được tạo dựng bằng những từ ngữ có hồn đã khắc hoạ sâu sắc tâm trạng nhân vật bằng biện pháp tả cảnh, ngụ tình. Đoạn trích có sức cuốn hút, lay động mạnh mẽ, làm cho người đọc hiểu và thông cảm sâu sắc với số phận và nỗi bất hạnh của người thiếu phụ trong Chinh phụ ngâm khúc cũng như với bao phụ nữ khác vì chiến tranh mà phải xa chồng và phải sống trong cô đơn, trong sự lo buồn, đợi mong mòn mỏi.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây