Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích các sắc thái tình cảm khác nhau của Thuý Kiều qua đoạn trích Những nỗi lòng tê tái

Thứ tư - 25/10/2017 08:12
Từ ngày bán mình để cứu cha và em, cuộc đời nàng Kiều chuyển qua giai đoạn đầy giông bão. Biết bao nỗi đau liên tiếp đã dội xuống người con gái tài hoa và đức hạnh này. Nỗi đau khi phải trao duyên cho Thuý Vân, khi bị Mã Giám Sinh lừa đảo, khi bị Tú Bà đánh đập và buộc phải tiếp khách làng chơi và còn bao nhiêu nỗi đau khác nữa, kéo dài suốt mười lăm năm trời.
Ta hãy cùng Nguyễn Du lắng nghe tâm sự của nàng Kiều khi nàng rơi vào cạm bẫy của Tú Bà. Nàng tự bộc bạch cảnh ngộ trớ trêu chua xót, đau đớn của mình:
 
“Khi tỉnh rượu, lúc tàn ca
Giật mình, mình lại thương mình xót xa”
 
Từ một cô gái khuê các, nết na, vừa sống trong cảnh “phong gấm rủ là” nay bỗng trở thành một cô gái lầu xanh để cho “bướm chán ong chường” thì không tủi nhục sao được? Nàng tự ví mình như một cánh hoa rơi giữa đường đã bị bao bàn chân vũ phu giẫm nát: “Giờ sao tan tác như hoa giữa đường”. Nàng giật mình là phải. “Giật mình” vì thấy ghê tởm cho cái cảnh truy lạc nơi chốn lầu xanh. “Giật mình” hay rùng mình vì tấm thân mà mình đã “gìn vàng, giữ ngọc” cho Kim Trọng, bây giờ đành phải để cho khách làng chơi giày vò. Trong ý thức, nàng tự tách mình ra khỏi cuộc sông bẩn thỉu, ô uế đó:
 
“Mặc người mưa Sở, mây Tần,
Riêng mình nào biết có xuân là gì!”.
 
Sống trong chốn lầu xanh, nàng chẳng khác gì con cừu non trước nanh hổ đói. Nỗi buồn đến tê tái luôn xâm chiếm hồn nàng, khiến nàng có lúc như vô cảm trước cái đẹp của thiên nhiên, “phong, hoa, tuyết, nguyệt” cũng chẳng còn ý nghĩa gì với tâm hồn đa cảm của nàng nữa, bởi “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Cũng có lúc nàng buộc phải thể hiện tài năng “Cầm, kì, thi, họa” của mình để thoả mãn sự hiếu kì của khách. Những lúc ấy, nàng phải đóng kịch, phải tự dối mình, phải sống giả tạo, phải tươi cười niềm nở để vừa lòng khách và cùng là để vừa lòng mụ chủ. Nàng phải vui, nhưng “vui là vui gượng kẻo là”. Đằng sau “kẻo là” có thể là một trận lôi đình hoặc ít ra là một cơn thịnh nộ. Nàng không thể chống lại hiện thực phũ phàng đó, dẫu nàng rất ghê tởm, rất căm ghét cái địa ngục trần gian này. “Ai tri âm đó mặn mà với ai?”. Làm gì có ai là “tri âm” “tri kỉ” ở đây. Nàng cảm thấy mình sẽ mòn mỏi đi theo năm tháng. Thể xác bị đày đoạ đến tan nát, tâm hồn bị đau đớn đến quằn quại, càng nghĩ ngợi nhiều càng thấy bế tắc, đành “ôm lòng” vậy. Ruột gan rối như tơ vò:
 
“Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau”
v.v...
 
Càng tủi nhục cho bản thán mình, nàng càng nhớ thương cha mẹ, tuổi cao sức yếu, thiếu bàn tay săn sóc của mình. Công cha mẹ dưỡng dục sinh thành sâu nặng mà mình chưa đền đáp được gì. Đó cũng là nỗi khổ tâm mà nàng chỉ biết tự trách mình vậy. Nàng đúng là một con người có đức vị tha, bản thân mình thì đang bị đầy đoạ nhưng lại luôn lo nghĩ đến những điều bất hạnh của người khác. Nghĩ đến cha mẹ, rồi lại nghĩ đến chàng Kim. Không biết Thuý Vân đã thay mình để đáp nghĩa cho Kim Trọng chưa? Không biết chàng có thấu hiểu cho cảnh ngộ của mình không? Đúng là:
 
“Mối tình đòi đoạn vò tơ,
Giấc hương quan luống lần mơ canh dài”.
 
Thương mình, thương cha mẹ, thương chàng Kim. Một mình vò võ nơi phương trời, biết làm sao đươc, mà thời gian cứ trôi đi một cách lạnh lùng:
 
“Song sa vò võ phương trời,
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng”
 
Nàng có cảm giác là số mệnh buộc nàng phải như vậy. Nàng đã có tên trong đoạn trường mà Đạm Tiên - một hồn ma - đã báo cho nàng biết sau cái buổi đi thanh minh về. Thôi đành cam chịu !
 
“Đã cho lấy chữ hồng nhan,
Làm cho cho hại cho tàn cho cân.
Đã đày vào kiếp phong trần,
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi”
 
Âu đó cũng chỉ là một cách mà nàng - và cả Nguyễn Du nữa đã cắt nghĩa cho nỗi đoạn trường của mình. Chấp nhận định mệnh nghiệt ngã của số phận như Nguyễn Du đã tuyên ngôn từ đầu tác phẩm:
 
“Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”
 
Có lẽ trong đời, một cô gái thông minh, tài hoa, có ý thức về cuộc sống, về nhân phẩm của mình mà lại phải sa vào lầu xanh để cho khách làng chơi hưởng lạc, tưởng không có gì đau đớn và tê tái hơn. Nỗi lòng tê tái đó đã được Nguyễn Du tái hiện cực kì xúc động như chính nỗi đau của ông.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây