Tác phẩm lúc đầu lấy tên là “Dòng chữ cuối cùng”, kể về cuộc hội ngộ tri kỉ chưa từng có giữa Huấn Cao - một người tử tù - với một bên là viên quản ngục tỉnh Sơn- người chịu trách nhiệm giam giữ Huấn Cao trong những ngày cuối đời. Dẫu Huấn Cao có tài hoa đi nữa, có bản lĩnh đi nữa thì chuyện cũng chẳng có gì để nói nếu viên quản ngục kia chỉ tầm thường như những kẻ khác. Nhưng người quản ngục đây, tuy là người mẫn cán với nhà nước nhưng cũng là người biết yêu, biết trân trọng cái đẹp. Xét trên bình diện xã hội, hai người họ là kẻ thù, nhưng xét trên, bình diện nghệ thuật họ lại là tri kỉ, tri âm. Tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” của ông được cảm nhận qua sự ân cần, chu đáo khi biết mình sắp “đón” Huấn Cao: cho quét dọn buồng giam sạch sẽ, đốt thêm đuốc, cấm mấy thằng lính đánh bạc, thắp thêm đèn, ngồi trầm tư suy nghĩ. Rõ ràng tấm lòng của ông dành cho Huấn Cao là chân thành nhưng ông lại sợ rào cản là địa vị xã hội.
Người ta vẫn hay nói Huấn Cao là người dũng cảm, nhưng xin nhớ cho, viên quản ngục cũng là người có gan hùm: dám ngày ngày mang rượu thịt đến thiết đãi những kẻ phản nghịch triều đình, tấm lòng ấy, trước còn bị nghi ngờ, còn bị ông Huấn Cao “Khinh bạc đến điều”, nhưng ông không tức giận, mà đối đãi còn thêm hậu. Suy nghĩ “những người như vậy, trên đầu họ còn chẳng biết có ai, huống chi mình chỉ là kẻ tiểu lại giữ tù” cho thấy ông vô cùng kính trọng cái tài, cái bản lĩnh của người tù kia, đến nỗi tự cho mình là kẻ thấp hơn trong xã hội. Chính nhân cách ấy đã làm ông Huấn cảm động, khi ông được nghe thầy thơ lại kể ông phải thốt lên: “Suýt chút nữa ta đã phụ mất một tấm lộng trong thiên hạ”.
Chữ ông Huấn Cao đẹp không chỉ vì “vuông lắm, đẹp lắm”, mà còn vì chữ của ông mang hoài bão của một đời người, nét chữ mang từng chí tung hoành bay lượn trên trang giấy, nên có chữ Huấn Cao mà treo là vật báu trên đời. Người quản ngục biết vậy nhưng hèn nỗi số mình chỉ là kẻ nhỏ mọn. Ấy nên, khi hai người tỏ lòng nhau, ngục quan sẵn sàng tổ chức một buổi cho chữ đáng giá ba cái thủ cấp. Giữa buồng giam tồi tàn ẩm thấp, tối om, đầy phân chuột phân gián, ánh sáng từ ngọn đuốc hắt lên, từ vuông lụa trắng làm ba người say mê. Ông Huấn Cao tuy đeo gông nhưng vẫn đậm tô nét chữ. Vuông lụa như cái đẹp trong xã hội, sáng bừng lên và thu hút những con người biết thưởng thức, biết yêu. Ngục quan khúm núm đúng dáng của người xin chữ thực thụ cho thấy trái tim trân trọng người tài và yêu cái đẹp của ông.
Giống như nốt nhạc trong trẻo vút lên giữa bản đàn mà các âm luật đều xô bồ, hỗn độn, ngục quan nỗi lên trong sự trân trọng dành cho nghệ thuật. Bằng việc xây dựng nhân vật độc đáo, Nguyễn Tuân đã đẩy cảnh cho chữ đến mức éo le mà cảm động. Lời di huấn của Huấn Cao cũng chính là lời nói của tác giả vậy. Qua đó Nguyễn Tuân muốn nói với người đọc: Cái đẹp có thể nảy sinh nơi cái ác nhưng cái đẹp không thể chung sống cùng cái ác. Cái đẹp có thể bị lấn át nhưng không thể bị phá hủy. Ngục quan là người như vậy, tình yêu cái đẹp, nghệ thuật nằm trong thiên lương trong sáng của ông.
Bằng nghệ thuật xây dựng nhân vật, xây dựng tình huống truyện độc đáo, Nguyễn Tuân đã tạo nên một câu chuyên “không phải người viết mà là thần viết”.