Bài làm 1: Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận
Đôi khi người ta thường hiểu Tràng giang là bài thơ miêu tả phong cảnh quê hương đất nước, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, nhưng đúng hơn, đây là bài thơ thể hiện nỗi cô đơn, bơ vơ của con người ngay giữa quê hương mình.
Tràng Giang in trong tập Lửa thiêng của Huy Cận, xuất bản năm 1940. Đúng như nhà thơ Huy Cận từng nói, bài thơ này được sông Hồng quãng Chèm Vẽ và những con sông khác gợi tứ, nhưng nó là bài thơ nói về nỗi buồn thế hệ, nỗi buồn không tìm được lối ra, nên như kéo dài triền miên.
Trước hết ta chú ý đầu đề bài thơ là Tràng giang chứ không phải “Trường giang”, để ta không lầm với sông Trường Giang, Trung Quốc, hay con sông dài nói chung. Trong tiếng Việt “tràng giang” thường nằm trong thành ngữ “tràng giang đại hải”, chỉ một hiện tượng mênh mông bất tận.
Mở đầu bài thơ đúng là một cảnh sông nước mênh mông bất tận.
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả.
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Ngay câu đầu bài thơ không chỉ nói sông, mà nói buồn, nói về một buồn bất tận. bằng một hình ảnh ẩn dụ: Sóng gợn tràng giang trùng trùng điệp điệp như nỗi buồn trùng trùng điệp điệp. Con thuyền thường là hình ảnh tượng trưng cho cuộc đời lênh đênh, cô đơn, vô định. Ở đây con thuyền buông mái chèo xuôi dòng (xuôi mái) theo dòng nước nhưng thuyền và nước chỉ “song song” với nhau, chứ không gắn bó gì với nhau. Thuyền đi với dòng để rồi chia li với dòng. Câu thứ ba đã nói tới sự chia li thuyền về, nước lại sầu trăm ngả Nước buồn như không biết trôi về đâu. Câu cuối đoạn này càng thể hiện tập trung cho kiếp người nhỏ nhoi lạc lõng vô định.
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Tác giả lưu ý, không phải là gỗ, thân gỗ, mà chỉ là “củi một cành khô”, một mảnh rơi gẫy, khô xác của thân cây.
Cả khổ thơ đầu đã vẽ lên một không gian sông nước bao la, vô định, rời rạc, hờ hững. Những đường nét song song, buồn điệp điệp, sầu trăm ngả, lạc mấy dòng, không hứa hẹn gì về hội tụ, gặp gỡ mà chỉ là chia tan, xa rời. Trên con sông đó một con thuyền một nhánh củi lênh đênh càng tỏ ra nhỏ nhoi, bất lực. Ở đây không chỉ thuyền 'buồn, cành củi khô buồn, mà cả sóng gợn, sông nước đều buồn.
Khổ thứ hai tiếp tục cái mạch thơ của khổ đầu...
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Một cái cồn nhỏ, lơ thơ, vắng vẻ, lại thêm ngọn gió đìu hiu, càng thêm vắng vẻ buồn bã hơn, như bị cuộc sống bỏ quên. Huy Cận nói , ông đã đọc được chữ “đìu hiu” trong câu thơ Chinh phụ ngâm: “Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò” cũng nói về cảnh vắng vẻ, không người. Âm thanh của cuộc sống náo động của các phiên chợ, của làng quê nghe rất xa vắng, càng tăng thêm cảm giác bị bỏ quên ở đây. Hai dòng cuối càng tô đậm thêm cảm giác lạc lõng: nắng xuống, trời lên không chỉ gợi ra khung cảnh nắng chiều, mà bản thân hai hướng lên xuống, như không ăn nhập với nhau, và sông dài, trời rộng càng tăng thêm cái vắng vẻ của bến sông. Cô liêu và vắng vẻ. Trong hai dòng này nhà thơ đã đem đặt bên nhau những yếu tố vốn không có gì là buồn để tạo nên một cảnh buồn. Giữa các yếu tố đó đều có đặt dấu phẩy (,).
Khổ thứ ba vẫn tiếp tục mạch cảm xúc về sự hờ hững, mất hết liên lạc giữa các sự vật.
Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến dò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
vẫn các sự vật đặt bên nhau: bèo hàng nối hàng, bờ xanh tiếp bãi vàng, hai bờ sông mênh mông không cầu, không đò ngang, tạo thành một thế giới không liên hệ. Từ sóng, thuyền, củi, dòng trôi đến cồn nhỏ, làng xa chợ chiều, rồi nắng xuống, trời lên sông dài, trời rộng, bến vắng, cả hai bờ cũng không có đò ngang, không cầu, bờ tiếp nối bờ lặng lẽ... Mọi vật thì vẫn có, nhưng không vật nào có ý tìm nhau, đến với nhau, cần đến nhau.
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.
Lòng quê dạn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Lớp lớp mây cao đùn ra thành từng núi mây bạc, chữ “đùn” mượn từ thơ cổ của Đỗ Phủ, nói rằng mây trôi ra, lừng lững như núi trên trời. Cánh chim nghiêng nghiêng bay về tổ ấm được cảm nhận như chịu sức nặng của bóng chiều đè xuống. Bóng chiều mông lung bỗng trở thành có hình có khối như có thể cảm nhận được bằng đôi cánh nhỏ. Và cánh chim bay đi đâu cho thoát khỏi cái bóng chiều đang đè nặng xuống mình?
Lòng quê là lòng nhớ quê hương, lấy từ hai chữ “hương tâm”, chứ không phải là tấm lòng chất phác, quê mùa. Dợn là gợn lên, như ta nói sóng dợn, chỉ một chất lỏng xao động chuyển động dâng lên, uốn xuống. Dợn dợn là dợn liên tục, nhiều lần, hô ứng với chữ “sóng gợn”, “điệp điệp” ở dòng đầu bài thơ, không phải là dờn dợn, chỉ mức độ xao động thấp. Chính vì vậy mà nhà thơ phiền lòng khi thấy người ta đọc chệch thành “dờn dợn” hay “rờn rợn”, làm mất ý nghĩa câu thơ.
Cả câu này có nghĩa là lồng nhớ quê hương dâng mãi lên khi phóng tầm mắt nhìn con nước. Chữ “vời” cũng hay, ta cảm thấy như gặp ý câu Kiều:
Bốn phương mây trắng một màu
Trông vời cố quốc biết đâu là nhà?
Lòng nhớ quê được gợi lên từ mây trắng từ cánh chim chiều, nhưng mạnh hơn là từ con nước. Và nhà thơ kết thúc bài thơ bằng câu: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Viết câu thơ này chứng tỏ Huy Cận đã biết có câu thơ Thôi Hiệu trong bài Hoàng Hạc lâu do Tản Đà dịch:
“Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”.
Nhà thơ dựa ý thơ Thôi Hiệu để nói ý mình.
Nhiều người, kể cả nhà thơ, khi đọc đến câu này đều nói rằng Huy Cận buồn hơn Thôi Hiệu. Bởi Thôi Hiệu trông khói sóng mới nhớ nhà, còn Huy Cận thì ngược lại, không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà. Thực ra ai buồn hơn ai làm sao mà xác định được. Điều quan trọng là Huy Cận có một ý thơ khác. Xưa Thôi Hiệu buồn vì cõi tiên mờ mịt, quê nhà cách xa, khói sóng trên sông gợi lên cảnh mờ mịt mà sầu. Nay Huy Cận buồn trước không gian hoang vắng, sóng gợn tràng giang khiến ông nhớ tới quê hương như một nguồn ấm áp. Xưa Thôi Hiệu tìm giấc mơ tiên chỉ thấy hư vô, lòng khát khao một cõi quê hương thực tại. Nay Huy Cận một mình đối diện với khung cảnh vô tình, dợn lên nỗi khát khao quê nhà ấm áp. Một đằng ý thức về thực tại, một đằng là ý thức về tình người.
Tràng giang là một bài thơ buồn, dòng nào cũng buồn. Nhưng Tràng giang là một bài thơ vẽ lên một phong cảnh đẹp, giàu màu sắc (núi bạc, bờ xanh, bãi vàng), nhiều đường nét hùng vĩ, mở ra, vô tận (buồn điệp diệp, sâu chót vót, sông dài, trời rộng...), nhiều tương phản, nhiều động từ chỉ sức sống rộn ràng, sóng gợn, mây đùn, thuyền về, nước lại, nắng xuống, trời lên... Cái buồn của bài thơ rõ ràng không phải do cảnh vật tàn phai, không gian chật hẹp tù túng, mọi vật chết chóc ngưng đọng. Cái buồn như toát ra từ cấu tạo của thế giới, từ cái đẹp thiếu tình người, từ một sự mất liên lạc có tính phổ quát gây nên. Một cái buồn đậm màu triết lí. Nỗi buồn này cũng phản ánh sự đổi thay của đời sống xã hội; xã hội cộng đồng truyền thống vô vàn mối dây liên hệ đã dứt tung để thay vào một xã hội đô thị với vô vàn cái tôi rời rạc, bơ vơ.
Bài làm 2: Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận
Tràng giang là một bài thơ nổi tiếng, in trong tập Lửa thiêng (1940) của Huy Cận. Tràng giang mang phong vị Đường thi khá rõ. Ngay từ hai câu đầu:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song”
Ta thấy phảng phất nhạc điệu và tứ thơ của Đỗ Phủ trong bài Đăng cao:
“Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ
Bất tận trường giang cổn cổn lai”
(Ngàn cây bát ngát lá rụng xào xạc
Dòng sông dằng dặc nước cuồn cuộn trôi)
Có thể nói nhạc điệu và hồn thơ Đường đã thấm sâu vào tâm hồn Huy Cận từ thời niên thiếu. Nhưng “Tràng giang” ở đây là thiên nhiên, đất nước Việt Nam, là những sông lớn như sông Hồng và những dòng sông khác của quê hương. Điều đáng chú ý là trong thơ Huy Cận, con sông nào nước cũng dềnh lên mênh mông, bát ngát, cảm giác về không gian trong thơ Huy Cận gắn liền với hình ảnh những dòng sông:
- “Tới ngã ba sông nước bốn bề...”
- “Chiều mưa trên bãi nước sông đầy...”
- “Sông mát tràn xuân nước đậm bờ...”
- “Trăng phơi đầu bãi, nước dồn mênh mang...”
Đất nước, những xóm làng trù phú đã hình thành dần lên ven những con sông lớn. Sông lớn tượng trưng cho đất nước, giang sơn bền vững muôn đời. Sau này Nguyễn Đình Thi cũng viết:
“Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước của những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về...”
Sau một thời kì khám phá, tìm tòi, “Thơ mới” đã dần dần định hình và có một số bài mang dáng dấp cổ điển. Tràng giang là một bài thơ như thế. Xuân Diệu nhận xét: “Bài thơ hầu như trở thành cổ điển, của một nhà “Thơ mới”. Vào một cách dõng dạc, đàng hoàng vì đây là “đại giang”, là sông lớn, ví dụ như sông Hồng là tràng giang, rộng, bao gồm cả trường giang, dài; sầu trăm ngả chứ không phải ít ngả, vì là sông lớn. Hơi thơ cổ điển là đúng... duy câu thứ tư thì là hiện đại, thơ truyền thống của cha ông ta không đưa cái nét hiện thực, thực tế, nôm na, chân thật đến sống sít, là củi một cành khô trôi đi trên sông”. Tràng giang đã kết hợp được thơ ca truyền thống của dân tộc, những nét cổ điển của thơ Đường với những nét hiện đại. Những hình ảnh “con thuyền xuôi mái”, “củi một cành khô”, “làng xa vãn chợ chiểu”, “bèo dạt về đâu hàng nối hàng” mang tính chân thực của đời thường, không ước lệ, tượng trưng như trong thơ Đường (tất nhiên trong bài thơ cũng có những hình ảnh mang vẻ đẹp tượng trưng; nhà thơ nhìn dòng sông lớn mà cảm thấy nỗi buồn của mình cũng đang trải ra như những lớp sóng trùng điệp).
Thơ Huy Cận trước cách mạng thường buồn. Đó là cái buồn và nỗi cô đơn của các nhà “thơ mới” lãng mạn. Tuổi trẻ của Huy Cận mang theo cái buồn heo hút của một làng sơn cước cách Linh Cảm bốn cây số và cái buồn của một gia đình nhà nho tàn tạ, có nhiều chuyện bất hòa, không vui. Những kỉ niệm đau buồn của thời thơ ấu đã để lại ấn tượng khá sâu sắc trong tâm hồn các nhà thơ. Lớn lên bước chân vào nhà trường đế quốc, họ lại gặp một tiếng khóc dài trong văn học (Tản Đà, Tương Phố, Lamactin, Muytxê...). Bước vào đời lại gặp cái đau buồn của xã hội, nôi tủi nhục của người trí thức mất nước. Bản thân họ thì hoang mang bế tắc, không tìm thấy con đường đi, cái buồn trong cuộc đời thực đà biến thành những dòng lệ trong vân chương. Cái buồn da diết nhất, ảo não nhất là cái buồn trong cuộc đời thực đã biến thành những dòng lệ trong văn chương. Cái buồn da diết nhất, ảo não nhất là cái buồn trong Lửa thiêng. Ở đây, cái buồn bàng bạc cả không gian, thời gian: sóng gợn tràng giang, trăng phơi đầu bãi, tiếng đìu hiu của bờ lau khóm trúc, nỗi buồn nhân thế tự ngàn xưa theo gió thổi về... Và Huy Cận cũng như các nhà thơ lãng mạn cho rằng “cái đẹp bao giờ cũng hơi buồn” (Kinh cầu tự). Sau này, trong bài Một số ý kiến về hai bài thơ “Tràng Giang” và “Đoàn thuyền đánh cá” (1990) Huy Cận viết: “Thiên nhiên tạo vật buồn nhưng đôi lúc bộc lộ vẻ đẹp kì vĩ lạ lùng:
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa...”
Mây trắng hết lớp này đến lớp khác như những búp bông trắng nở ra trên trời cao. Ánh chiều trước khi vụt tắt rạng lên vẻ đẹp. Cánh chim bay liệng tuy gợi lên một chút ấm cúng cho cảnh vật nhưng nhỏ bé, mông lung quá”.
Cái buồn của Huy Cận là cái sầu vũ trụ, là cảm giác cô đơn của con người trước không gian ba chiều mênh mông, bát ngát:
“Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”
Sầu vũ trụ, vũ trụ ca và cách đặt tên các tập thơ sau này cũng mang cảm xúc vũ trụ: Trời mỗi ngày lại sáng, Đất nở hoa... Huy Cận đã tập trung tất cả hình ảnh, nhạc điệu để làm nổi bật nên nỗi buồn cô liêu của con người trước cảnh sông dài trời rộng. Nhà thơ thích chữ “tràng giang” hơn “trường giang” vì cái âm ang nghe nó mênh mông bát ngát hơn. Và hai bờ sông ở đây hoang vắng quá, cô liêu như thời tiền sử, bởi vì không một chiếc cầu, một chuyến đò ngang làm dấu nối. Hai bờ của một dòng sông cứ thế chạy dài về phía chân trời xa như hai thế giới cô đơn, xa lạ, không bao giờ gặp nhau, không “chút niềm thân mật” của những tâm hồn đồng điệu. Không có những dấu vết của con người, ở đây Huy Cận dùng thủ pháp nghệ thuật lấy “không” để nói “có”: nhắc đến những hình ảnh chợ chiều đã vãn, không có tiếng người, một dòng sông hoang vắng, không cầu, không đò làm cho ta lại càng tha thiết, khao khát cuộc sống ấm cúng, đông vui của con người.
Các nhà thơ lãng mạn đã mang cái tâm trạng buồn và cô đơn của mình phủ lên thiên nhiên. Cho nên cái thiên nhiên trong “Thơ mới” nói chung, trong thơ Huy Cận nói riêng, thường mênh mông rợn ngợp, hoặc xa vắng, quạnh hiu. Ở đây con người thường tan biến đi, mất hút đi trong thiên nhiên. Kiếp người như cánh bèo trôi dạt như “Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Đến bốn câu kết thì nỗi buồn da diết không chỉ đóng khung trong cảnh sông nước Nhị Hà mà đã mở rộng đến những chân trời ở miền quê xa:
“Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
Trong tứ thơ đã có một nét mới so với bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu đời Đường. Trong bài thơ của Thôi Hiệu, khách nhìn thấy khói tỏa, sóng gợn mà trong lòng nhớ quê hương (“Nhật mộ hương quan hà xứ thị? - Yên ba giang thượng sử nhân sầu”). Có thể nói hồn thơ Đường đã thấm khá sâu vào thơ Huy Cận. Và tuy học tập Đường thi, Huy Cận vẫn tạo nên trong thơ mình một nét riêng độc đáo của Huy Cận, của Việt Nam. Như trên đã nói: cái buồn trước cảnh “Sông dài, trời rộng, bến cô liêu” là cái buồn vũ trụ của Huy Cận, và những câu:
“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”
đã gợi lên một không khí rất quen thuộc của Việt Nam, không khí đó gợi nhớ đến quê hương của Huy Cận, một cái làng sơn cước heo hút thuộc Hương Sơn, Hà Tĩnh, ở tả ngạn sông Thâm bên núi Mồng Gà:
“Tới ngã ba sông nước bốn bể
Nửa chiều gà lạ gáy ven đê”
Cái tiếng gà lạc lõng cất lên ven một con đê hoang vắng lúc chợ chiều đã vãn, ở một miền sơn cước, nghe mà buồn đứt ruột!
Tình yêu quê hương trong bài Tràng giang thấm đậm một nỗi buồn sông núi, nỗi buồn về đất nước. Nỗi buồn đó trong thơ Huy Cận là một nỗi đau đời, “Cùng đất nước mà nặng buồn sông núi” (Mai sau). Các nhà thơ lãng mạn gửi gắm vào trong thơ một tấm lòng tha thiết yêu thiên nhiên đất nước và một sự nâng niu đối với tiếng Việt, lúc bấy giờ bị xem như tiếng mẹ ghẻ, tiếng con đòi...
Tiếng nói trong “Thơ mới” là tiếng mẹ đẻ yêu thương, phong cảnh trong “Thơ mới” chính là đất nước Việt Nam mĩ lệ với những vẻ đẹp riêng của từng vùng quê hương (Quê hương của Tế Hanh, Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, Đà Lạt đêm sương của Quách Tấn, Chùa Hương của Nguyên Nhược Pháp, Chiều xuân của Anh Thơ...). Cho nên ta có thể dễ dàng thống nhất với Xuân Diệu khi anh viết: “Tràng giang là một bài thơ ca hát non sông đất nước, do đó dọn đường cho lòng yêu giang sơn Tổ quốc”.