Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích bốn dòng thơ cuối trong bài Tràng giang của Huy Cận

Thứ sáu - 15/04/2022 05:48
Tràng giang là một bài thơ nổi tiếng không chỉ của Huy Cận mà của cả phong trào “Thơ mới” (1932-1942). Bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Huy Cận - một phong cách rộng mở luôn tìm đến vũ trụ bao la và thấm đượm một tình cảm sâu lắng đối với quê hương.
Bài thơ là một nỗi buồn về sự chia lìa tan tác của cuộc đời Toàn cảnh trời rộng, sông dài tuyệt nhiên không có bóng người, không “một chuyến đò ngang”, “không cầu”,.., những cái có thể gợi đến cảnh sống quen thuộc. Bốn câu kết bài thơ hiện rõ tấm lòng tác giả và cũng là ý tưởng chung toàn bài:
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa,
Lòng quê dợn dợn vời con nước.
Không khói hoàng hôn củng nhớ nhà”.


Cảnh sắc thiên nhiên ở đây rất đẹp và kì vĩ lạ lùng. Trên trời từng đám mây bạc lững lờ. Những đám mây trắng của mùa thu đùn lên phía chân trời “lớp lớp”, ánh chiều phản chiếu lấp lánh như những núi bạc. Trước cảnh sông nước, mây trời bao la ấy hiện lên một cánh chim bé bỏng bay lạc, cánh chim càng nhỏ nhoi, cô đơn hơn. “Chim nghiêng cánh nhỏ” thì bóng chiều như sa xuống, rớt xuống. Buổi chiều lại càng buồn hơn.

Ở trên, khổ thơ thứ hai: “Nắng xuống, trời lên sâu chót vót”, trưa đã ngả sang chiều nhưng còn nhiều ánh sáng nên mới thấy được thật xa, thật mênh mông, khổ cuối bài thơ thì càng gần về hoàng hòn, con chim đang xòe cánh bay vội, bóng chiều ập xuống.

Xưa nay thơ ca nói về cảnh hoàng hôn thường vẫn điểm thêm một cánh chim trên nền trời: “Chim bay về núi, tối rồi” (ca dao), “Chim hôm thoi thóp về rừng” (Nguyễn Du)... Tất cả đều gợi lên nỗi buồn. Nghệ thuật đối lập giữa cánh chim nhỏ bé với vũ trụ bao la làm cho cảnh rộng hơn, mênh mông, xa vắng hơn và cũng buồn hơn.

Ý vị cổ điển của bài Tràng giang thể hiện ở hình ảnh nhà thơ một mình trước vũ trụ để cảm nhận cái vĩnh viên, cái vô tận vô cùng của không gian, thời gian đối lập với kiếp người. Y vị cổ điển lại được tô đậm thêm hai câu thơ cuối toát ra từ một ý thơ Đường, câu thơ của Thôi Hiệu trong bài Hoàng hạc lâu: “Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Tản Đà dịch: Trên dòng khói sóng cho buồn lòng ai). Người xưa nhìn khói sóng mà nhớ nhà, Huy Cận nói nỗi nhớ cao độ hơn, không cần thấy khói hoàng hôn cũng nhớ nhà. Tâm sự nhà thơ dồn lại ở hai câu kết sau này:
“Lòng quệ dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.

Chúng ta cần chú ý đến khả năng sử dụng thể thơ của Huy Cận. Thơ 7 chữ, nhạc điệu phong phú, từ ngữ hàm súc, tinh tế đã đem lại cho Tràng giang một sự hài hòa giữa ý tình mới mẻ và sự trang trọng cổ kính khi hoài vọng quê hương.

Nhiều năm đã qua đi, song vẻ đẹp cùng nỗi buồn mà Tràng giang gợi lên vẫn sẽ còn mãi với nhiều thế hệ bạn đọc. Và hơn tất cả, tấm lòng quê hương vẫn là giá trị lớn lao và cao quý nhất mà nhà thơ có được.​​​​

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây