Bài làm 1: Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử
Hàn Mặc Tử (1912 - 1940) tên thật là Nguyễn Trọng Trí, người làng Lệ Mỹ, Đồng Hới (Quảng Bình). Từng ở Huế, Quy Nhơn, Sài Gòn... Đây là con người đầy bất hạnh: tình duyên trắc trở, lại bị chứng bệnh nan y (bệnh phong) dẫn đến cái chết trẻ (khi mới 28 tuổi). Ông là hiện tượng lớn và lạ của phong trào Thơ mới: một hồn thơ mãnh liệt, quằn quại đến kinh dị. Tác phẩm chính: Gái quê, Thơ điên, Thượng thanh khí, Cẩm Châu duyên, Duyên kì ngộ, Quần tiên hội. Cạnh những vần thơ kinh dị “Đây thôn Vĩ Dạ” (rút trong tập “Thơ điên”) lại trong trẻo lạ thường. Bài thơ tuyệt bút này từng gây nhiều tranh luận. Có người gắn nó với mối tình câm giữa Hàn Mặc Tử và Hoàng Cúc, có người lại liên hệ chiếc thuyền sông Hương với cô gái giang hồ. Cách phân tích như vậy là quên văn bản nghệ thuật. Có người nhớ văn bản thì lại chỉ thấy hình ảnh đẹp của người Huế, cảnh Huế thơ mộng, không lần vào được cấu trúc hình tượng của bài thơ để khám phá dòng tâm linh thăm thẳm của thi nhân...
Thực chất, khổ 1 là một câu hỏi. Lời hỏi bức xúc đặt ngay ra từ đầu: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?. Bảy chữ chứa tới 6 thanh bằng, làm âm điệu trách cứ dịu nhẹ đi, trách đấy mà sao tha thiết bâng khuâng. Câu hỏi khơi tỏa một tình thế: mong anh về thôn Vĩ đã lâu mà sao không thấy? Chính bức xúc tâm trạng tạo ra bức xúc thi ca - bài thơ ra đời từ đó.
Nhưng ai hỏi? Thực chất, đây là chủ thể trữ tình Hàn Mặc Tử đã phân thân để tự đối thoại, đúng ra là độc thoại nội tâm. Từ nỗi lòng da diết với Huế của thi nhân mà vút lên câu hỏi tự vấn khắc khoải này.
Sau câu hỏi, khổ thơ mở ra cả thế giới thơ mộng của vườn tược thôn Vĩ, nhưng cũng là để nhấn mạnh cái ý hỏi của câu 1 mà thôi (cảnh đẹp thế mà sao anh không về?). Nhấn mạnh kín đáo bằng bút pháp miêu tả mê hồn. Câu thứ 2 hướng lên cao với hình ảnh nắng lấp lóa trên những hàng cau thanh mảnh, thẳng tắp: “Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên”. Hai chữ “nắng” quấn riết lấy thân cau, đọt cau tầng tầng lớp, khiến câu thơ như tỏa ra thứ ánh sáng thôn dã thân quen mà lộng lẫy.
Hai câu sau đưa ta về với đất. Câu 3 “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” bật thốt lên tiếng trầm trồ ngưỡng vọng trước vẻ đẹp kì thú của vườn - nét đặc sắc rất riêng của không gian Huế. Câu chữ của tác giả rất tinh tế. Cái ý “xanh” ở câu dưới đón rất trúng cái ý “nắng” ở câu trên gợi cảm giác ánh nắng chan hòa phản chiếu nơi sắc lá đẫm sương đêm, làm ánh lên sắc màu kì lạ “xanh như ngọc” - sắc anh tinh khiết, nõn nà , trong trẻo của một bình minh thanh tân ngà ngọc. Nếu câu 3 là sắc, câu 4 lại thiên về hỉnh, một kiểu tạo hình không tả mà gợi, làm nên một câu thơ đầy e ấp:
“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Câu thơ như lặn sâu vào tâm hồn Huế để lột tả một vẻ đẹp khác: vẻ đẹp bên trong, vẻ đẹp phẩm chất người. Hình ảnh “Mặt chữ điền” là một biểu tượng phúc hậu có từ thuở ca dao:
Mặt em vuông tượng chữ điền
Da em thì trắng áo đen mặc ngoài
Lòng em có đất có trời
Có câu nhân nghĩa có lời thủy chung
Điều độc đáo là ở khuôn mặt chữ điền ấy. Hàn Mặc Tử đã để một lá trúc che ngang, gợi một vẻ đẹp rất phương Đông: cái đẹp là sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, cái đẹp ắt phải là cái hợp đạo đức. Cái lá trúc tài tình của nhà thơ làm vẻ đẹp của con người xứ Huế thêm kín, dịu, bí ẩn và khêu gợi - vẻ đẹp của đất.
Mới dạo đầu mà bài thơ đã ẩn chứa bên trong những khúc ngân da diết của tâm hồn. Đọc ngược khổ thơ từ dưới lên, ta bất ngờ nhận ra câu thơ mở đầu vừa như hỏi, vừa như chào mời, vừa xen niềm tiếc nuối thăm thảm. Bởi vì, bệnh tật đã đẩy thôn Vì về phía sau lưng Hàn Mặc Tử. Một mối tình câm nào đó đã đưa thôn Vì vào hoài niệm xa vời. Điều đó khiến bốn câu thơ vui say trên bề nổi mà lặn chìm vào bề sâu một nỗi niềm đau đáu khát khao một cái gì rất đẹp nhưng rất xa vời của tình đời, tình người.
Khổ 2,3 là một lời đáp rất lạ. Trước hết là một thiên nhiên đứt gãy: “Gió theo lối gió, mây đường mây”. Cái phi lí của câu thơ không còn hướng vào gió mây của trời đất nữa mà như một phát hiện riêng đầy u uất của Hàn Mặc Tử, khiến tứ thơ vận động từ thực sang ảo. Bức tranh vườn tược ở khổ 1 là Huế chung của mọi người, nên câu hỏi cũng đứng ở nguyên cớ chung mà thắc mắc. Bức tranh sông nước ở khổ 2 là Huế riêng của Hàn Mặc Tử, nên lời đáp đứng ở nguyên cớ riêng mà trả lời. Ừ thì Huế đẹp, Huế thơ, nhưng mà Huế... gió theo lối gió, mây đường mây - trắc trở lắm thay. Nguyên cớ riêng ấy là gì?
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Ô kìa, sao lại lôi câu hỏi ra mà trả lời? Một kiểu “đánh bùn sang ao”? Một trạng thái siêu logic? Cái chới với của người đọc có cội nguồn từ cái chới với của thi nhân.
Thôi. Hãy tạm dẹp các phép logic lại để thưởng thức cái hay của câu thơ đã. Câu trên: một con thuyền, một dòng sông bọc trong trăng. Cảnh thực hay huyền thoại? Cuộc đời hay giấc mơ? Câu dưới còn thảng thốt hơn:
Có chở trăng / về/ kịp tối nay? Câu thơ đầy phấp phỏng: “Có chở trăng - thấp thỏm hi vọng, “Có chở trăng về” - da diết ngóng trông, “có chở trăng về kịp” - Khắc khoải lo âu vì sợ muộn màng. Một niềm khát vọng thật đau đớn!
Đuổi theo một lời đáp thì người đọc lại vấp phải một câu hỏi tiếp theo. Thật rắc rối. Mọi hi vọng của người đọc đành dồn xuống khổ thơ cuối cùng. – Khô ng ngờ... “Mơ khách đường xa khách đường xa - Áo em trắng quá nhìn không ra - Ở đây sương khói mờ nhân ảnh - Ai biết tình ai có đậm đà?” Lai một câu hỏi nằm trong phần lời đáp!
Hãy khoan, thử xem câu hỏi ẩn chứa điều gì. Cả khổ thơ xoáy vào hình bóng một mĩ nhân - không phải trong tầm mắt mà trong mộng ảo. Thế giới ảo tràn ngập khổ thơ, chồng chất ba tầng.
Thứ nhất - cái ảo của một giấc mơ. Giấc mơ bị cắt ra hai cõi. Mơ - cõi chủ thể, ngóng đợi đau đáu đến mộng mị. Khách đường xa - cõi khách thể, phép điệp ngữ đẩy bóng mĩ nhân xa dần... xa dần... rồi hút bóng. Chủ thể hướng tới, khách thể lùi xa, khiến phép điệp ngữ như tiếng gọi cuống quýt bất lực của thi nhân.
Thứ hai - cái ảo của một sắc áo. Vì mĩ nhân xa hút, hình ảnh thành ao ảnh, sắc áo không còn mà chỉ có một ấn tượng ghê gớm: “Áo em trắng quá nhìn không ra”. Hàn Mặc Tử vốn sành tả sắc trắng với một cảm quan đặc biệt. Trước bắp chân trần của một cô thôn nữ, thi sĩ thấy một sắc trắng chạy dọc sống lưng: “Ống quần vo xắn lên đầu gối - Da thịt, trời ơi! Trắng rợn mình” (Nụ cười). “Mùa xuân chín” cũng có một sắc trắng nhức mắt: “Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”. Song, tất cả dừng ở hình ảnh thị giác. Trong “Đây thôn Vĩ Dạ”, sắc trắng làm nhòa thị giác (nhìn không ra), chỉ còn ẩn tượng cảm giác (trắng quá). Thị giác bất lực trước một sắc trắng không bình thường, trong một cái nhìn không bình thường, tất cả run lên trong một câu thơ quá hồi hộp, quá dam mê, quá ngưỡng vọng cho nên quá xót xa. Một vẻ đẹp quá tầm tay. Một khát vọng quằn quại vì bất lực. Một niềm yêu và nỗi đau thật riêng tư, bức bối.
Thứ ba - Cái ảo của một lời giải thích. Tại sao sắc áo “nhìn không ra?”. Vì khách quan (sương khói mờ nhân ảnh)? Hay vì chủ quan (Ai biết tình ai...)? Thì ra trái tim mĩ nhân mới chính là thiên đường bí mật nằm trong tà áo trắng. Đâu phải chuyện không nhìn ra sắc áo, mà là chuyện không nhìn ra sác lòng. Cái hàm bí mật này mới là cội nguồn đích thực của bài thơ. Tình thế thơ ở khổ một hóa ra là tình thế giả.
Đến câu kết bài thơ ta mới bất ngờ nhận ra nơi ẩn náu của tình thế thật trong bài thơ: tình thế tương tư. Phép kết cấu bài thơ đến đây mới lộ hết cái khác thường của nó. Cả bài thơ chứa tới 3 câu hỏi. Khổ 1: Hỏi (Sao anh không về chơi, thôn Vĩ?) - Lẽ đương nhiên. Khổ 2-3: ném tiếp 2 câu hỏi nằm trong phần lời đáp (lí do vì sao không về) - lạ. Dấu chấm than của lời đáp bị đánh tráo thành dấu hỏi, tạo một kết cấu kiểu trò chơi ú tim: càng tìm lời giải, càng mất. Bảng lảng trong bài thơ là một tà áo kì lạ, như có, nhưng không. Cái đẹp là thế; vừa quyến rũ cao sang để ta đam mê, ngưỡng vọng, vừa quá tầm tay, đầy bí ẩn để ta suốt đời theo đuổi rồi hụt hẫng...
Bài thơ đan cài cái hư - thực, tỉnh - say... trong một bút pháp lãng mạn giàu màu sắc siêu thực, với nhiều đột biến bất ngờ, rất đặc trưng cho hon thơ Hàn Mặc Tử.
Thiên nhiên trong bài thơ chưa phải là chủ ý chính của Hàn Mặc Tử, dường như thi sĩ muốn hướng tới một cái đẹp tổng hợp hơn - Cái đẹp của tình đời, tình người, vừa cao khiết vừa thánh thiện. Nhưng dễ mấy ai trong đời nắm được trong tay một cái đẹp như thế. Cái dẹp là bí ẩn, đó là sức hút vô tận của thơ ca và của cuộc đời này.
Bài làm 2: Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử
Bài thơ có vẻ đơn giản, kì thực không dễ hiểu.
Tiếp cận nó băng tư duy lôgic bình thường sẽ thấy không ổn.
Khổ 1: Hai dòng đầu, chủ thể là cô gái, nói: Sao anh không về... để nhìn nắng hàng cau. Vậy sao cô lại nói: Vườn ai mướt quá...? Nếu cho rằng vườn ai là vườn em, nói duyên với chàng trai thì Lá trúc che ngang mặt chữ điền là mặt của ai vậy? Phải chăng là lời hỏi của người khác.
Khổ 2: Ở khổ 1, nếu là cảnh do cô gái ca ngợi, thì ở khổ 2 là cảnh do chàng trai nhớ lại theo kí ức mình. Cho là như thế đi. Vậy Dòng nước buồn thiu là cảnh nào? Thuyền ai đậu bến sông trăng là thuyền ai? Rồi Có chở trăng về kịp tối nay? Tối nay là tối nào? Ai hẹn với ai mà nói tối nay, chính xác như thế?
Khổ 3: Mơ khách đường xa... Ai mơ? Khách đường xa là ai? Ở đây là nơi nào? Nếu ở đây là Vĩ Dạ thì người mơ là cô gái. Nếu ở đây là Quy Nhơn thì người mơ là chàng trai rồi! Hiểu thế nào là đúng?
Vạch ra như vậy có lẽ hoặc chưa hết hoặc chưa đúng, nhưng đọc bài thơ này với lôgic bình thường quả có gì không hợp. Đang say, đang mơ, nói đã chẳng mạch lạc gì, huống gì nhà thơ lúc này, tỉnh đấy nhưng trong tỉnh ấy đã ẩn cái say, cái mơ, cả cái “điên” (Bây giờ tôi dại tôi diên, Chắp tay tôi lạy cả miền không gian - Một miệng trăng). Do vậy, lắng vào bên trong vẫn là một ‘cái gì rất thực, rất sâu, ta có thể tin được. Đó là chất đời của người hết mực tha thiết với cuộc sống. Vượt qua tất cả những gì lệch chuẩn, không “lôgic” là một ước mong vô cùng tha thiết, ước mong gặp được, thấy được, nắm bắt được cái đẹp, nhưng cuối cùng đều tay không, chỉ còn đọng lại một tấm lòng thật đậm đà nhưng đành chỉ lạt tanh.
Đây là bài thơ tác giả làm tại Quy Nhơn khi nhận được tấm ảnh phong cảnh Huế do một người con gái mà anh yêu mến gửi vào tấm ảnh có sông, có trăng, có con đò, cành trúc... Đầu đề Đây thôn Vĩ Dạ nghe như một tiếng reo vui khi gặp lại người xưa, cảnh cũ.
Khổ 1: Bắt đầu bằng một lời trách. Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Trách nhè nhẹ, sơ sơ, nói theo kiểu Huế “nghe dễ ghét” (tức dễ thương, đáng yêu). Trách có nghĩa là phải thân đến chừng mực nào mới dám trách. Trách mà ngụ ý mời mọc; diễn ra văn xuôi là: Lẽ ra anh phải về thăm, chứ sao anh lại không về? Bởi đâu chỉ về thăm thôn này, còn thăm em nữa chứ.
Nhưng điều đó, cô gái giấu, cô nhờ cái nắng hàng cau: Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên. Không phải về để nhìn em mà để nhìn nắng hàng cau nắng mới lên buổi sớm mai phơn phớt hồng trên tán lá xanh cao vút, từ xa đã đập vào mắt.
Đến đó là lời cô gái (cố nhiên là do tác giả nghe thấy và nói thay). Tiếp theo lại không phải. Như trên kia đã khơi lên; mạch lôgic bị đứt. Nhưng trong tâm linh mạch ấy vẫn liền. Chàng trai nhìn vào tấm ảnh, đặc biệt dừng lại trước một cảnh: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc, chữ ai này, trong tiếng Việt của cha ông ta, nó kì lắm. Tư duy biện chứng nằm trong nó: nó vừa là nó vừa không phải nó. Vườn ai là vườn ai, chả biết thật, nhưng cũng có thể là vườn của người mình thương, vườn cô gái! Vườn cô gái thật xanh tươi, đầy sức sống trong hai chữ “mướt quá”, lại cao quý nữa trong mấy chữ “xanh như ngọc”. Chưa hết. Vườn ai không chỉ tươi, đẹp mà còn có người: Lá trúc che ngang mặt chữ điền. Ông già bà cả xứ Huế khen khuôn mặt chữ điền là nhìn cái đẹp phúc hậu, nhìn mặt mà thấy luôn cả tinh thần. Ca dao có câu:
Mặt em vuông tượng chữ điền,
Da em thì trắng, áo đen mặc ngoài.
Lòng em có đất có trời,
Có câu nhân nghĩa, có lời thủy chung.
Cũng là nói tới cái đẹp phúc hậu. Bây giờ mặt chữ điền ấy lại có lá trúc che ngang. Con người hiện trong vườn cây, nếu lộ hẳn khuôn mặt chắc không đẹp, phải để khuất một chút sau lá theo nguyên tắc nghệ thuật cho nó e ấp, kín đáo. Ai vậy? Một cô gái bất kì trong một cảnh vườn bất kì chăng? Vườn đã là vườn ai thì cô gái chính là kẻ được gởi gắm sau chữ ai ấy: đó là em, kẻ trách móc ở trên.
Khổ thơ này là vậy. cầm tấm ảnh phong cảnh Huế mà nghe như có lời người hỏi thăm. Nhìn sâu vào cảnh thì thấy cảnh thôn dã, quen thân, đầy sức sống, thấp thoáng như thấy người đẹp, phúc hậu. Một cuộc hội ngộ âm thầm không nói ra mà vui thấm vào cảnh vật, nghe như tiếng thì thầm của gặp gỡ, tươi vui.
Khổ 2: Phút vui không dài. Không một chuyển tiếp nào, cái buồn tiếp theo ngay:
Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.
Cảnh buồn này hình như là một cảnh khác xuất hiện trong tâm linh bắt nguồn từ trong sự thật, là chẳng làm sao chung đời được, số phận Hàn Mặc Tử đã được định đoạt rồi. Chuyện chung đôi chỉ còn là chuyện gió mây chia đường. Gió thổi mây bay thường là một chiều, đây lại đứt gãy: Gió theo lối gió, mây theo đường mây. Lại ngăn cách dứt khoát, gió đóng khung trong gió (hai chữ gió đóng hai đầu), mây cuộn trong mây (hai chữ mây cũng khép kín vòng lại), số kiếp của cô gái và chàng trai này là vậy Cho nên dòng nước cũng như buồn theo và hoa bắp cũng vật vờ lay động như tự mình lảo đảo bên cạnh dòng nước không nói không rằng.
Buồn đền thế ư? Nhưng bức ảnh thơ mộng vẫn gợi lên một mong ước thật mong manh:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Câu thơ sáng lên. Thuyền đậu, thuyền đi trên sông Hương đêm trăng là bình thường. Thuyền chở tràng, chở cả tình cũng hình dung được. Nhưng “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó” là một ý thơ sáng tạo thật đẹp. Nó như là cảnh tiên. Thơ Hàn Mặc Tử cũng mơ nhiều tới cảnh tiên. Liệu con thuyền đậu bến sông trăng đó có phép lạ chở được tràng về kịp tối nay với ta để thay đổi dòng nước buồn thiu thành ám ảnh này không? Hi vọng mảnh như tờ giấy, bởi nó đặt thành một nghi vấn. Nhưng sao lại phải “kịp tối nay”? Phải chăng nếu không thì quá muộn?
Bốn câu thơ khổ này là vậy. Gió mây chia đường. Bạn tình rẽ đôi. Buồn đến cả dòng sông, ngọn bắp. Buồn quá Thuyền ai đó hay thuyền em mà sáng đầy trăng... Ôi, phải chi thuyền trăng em về kịp tối nay.
Nhưng đó chỉ là ước mong, sáng lòng mà mờ ảo, mông lung.
Khổ 3:
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mà nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà!
Tiếp sau mong ước thuyền “chở trăng về kịp tối nay”, nhà thơ liền “mơ khách đường xa”. Hai lần lặp lại “khách đường xa”, “khách đường xa” làm cho ước mơ thêm da diết, tha thiết. Nhưng mơ ước lại vỡ tan: Áo em trắng quá nhìn không ra. Trắng quá lóa mắt? Áo em trắng hay con người em, tâm hồn em trắng? Em tinh sạch quá, trinh trắng quá, như ánh sáng (em là trăng mà!), anh nhìn không ra. Hay em chỉ là ảo ảnh? Câu thơ trên đương còn là mơ, câu này đã bay vào ảo giác, rồi từ ảo giác trở về với thực tại, một thực tại trống trải phũ phàng.
Đâu còn nắng hàng cau, vườn mướt quá, đâu còn xanh như ngọc, mặt chữ điền! Cũng chẳng còn sông trăng và thuyền chở trăng... Xóa hết, bay hết. Ở đây chỉ còn sương khói che khuất bóng người: Ở đây sương khói mờ nhân ảnh. Sương khói là biểu trưng của hư vô. Anh đang tan trong khói sương lạnh lẽo, mịt mù của hư vô. Còn lại may có chữ tình, nhưng ai có biết cho ai! Ai biết tình ai có đậm đà? Ai trước là người nào, ai sau là người nào? Ai biết tình đậm đà nơi khói sương mờ nhân ảnh?
Dù hiểu cách nào đi nữa, câu thơ vẫn gieo thêm một nỗi lửng lơ nghi hoặc vào lòng người, vừa nêu một câu hỏi day dứt, chờ mong sự đáp lại.
Vậy thì bài thơ này muốn nói với người đọc điều gì?
Có phải bài thơ chỉ giới hạn ở một nỗi đau cụ thể là mối tình đứt gãy với cô Cúc vì bệnh tật? Nếu vậy, số mệnh nó chắc không đài đến tận nay. Cũng không phải nó nói giùm niềm đau của thiên vạn chàng trai không may trong trường tình. Bài thơ nói với ta về tình yêu cuộc sống và khát vọng về tình yêu nhân hậu của con người, ngay khi sống trong nghịch cảnh.