Vâng, quả là một buổi sáng mùa xuân được hồi ức lại. Phần lớn những bài thơ được khơi gợi từ kí ức bao giờ cũng được thanh lọc đến mức trong veo đầy gợi cảm và dĩ nhiên ăm ắp màu sắc lãng mạn. Một Tố Hữu nhớ lại cái “Từ ấy” gặp lí tưởng cộng sản, một Hoàng cầm đưa em về “Bên kia sông Đuống” ngày xưa, một nỗi niềm xao xuyến của Nguyễn Đình Thi khi nhớ về buổi sáng mát trong của năm xưa... Rõ ràng cảm xúc của bài thơ là cảm hứng bày tỏ tình yêu và bộc lộ một niềm ước ao được kết duyên cùng em của “anh”. Tuy nhiên, bài thơ này vẫn có mạch ngầm của một cảm hứng cắt nghĩa, lí giải cái khái niệm duyên tình hóc búa mà ngay cả Nguyễn Du cũng đã từng bối rối:
“Cơ duyên đâu bỗng lạ sao?
Người đâu gặp gỡ làm chi?
Trăm năm biết có duyên gì hay không?”
Khổ thơ đầu tiên như là khúc dạo đầu của một bản nhạc, nó dạo lên những giai điệu hạnh phúc:
“Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên
Cây me ríu rít cặp chim chuyền
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá
Thu đến nơi nơi động tiếng huyền”
Rất nhiều sự vật và rất nhiều hành động, tất cả đều tìm đôi tìm lứa, khổ thơ nó cứ ríu rít cả lên. Các đường ranh của thế giới thực và ảo bị xóa nhòa, nhà thơ đã cố tình lướt qua những sắc màu, dáng nét cụ thể của sự vật để làm cho âm hưởng được ngân lên, làm cho cuộc hòa thơ trong buổi chiều mộng rộn ràng náo nức. Dĩ nhiên là qua đôi tai của người nghệ sĩ, của tâm hồn đang yêu. Dường như tất cả thế giới duyên tình của thiên nhiên đều chiếu ứng vào hiện tượng của cặp chim ríu rít. Thế giới ấy bắt đầu lan tỏa dần theo tiếng chim làm cho cả không gian quanh, trong, trên vòm me nó nhiễm vào bầu không khí của từ trường tình ái.
Dòng thơ đầu nếu tách ra từng tiếng thì nó có ý nghĩa cụ thể nhưng nếu nhập lại thì nó cứ mờ ảo, xôn xao, nó không chỉ thấm vào hồn ta bằng hội họa mà còn bằng âm vang của tiếng nhạc nữa. Thực ra, phải đọc câu thơ thứ hai thi mới hiểu cách lí giải của Xuân Diệu. Chính vì có một đôi chim lứa đôi ríu rít, yêu đương cho nên cái nhánh me nó đậu đã trở thành nhánh duyên, buổi chiều có hai tiếng hót gọi nhau nó mới thành chiều mộng. Thế giới của thời gian và thế giới hiện hữu của không gian (chiều, nhánh) vốn rất xa lạ với nhau cũng hòa thơ để cặp thành đôi lứa. Hình ảnh “đôi chim” ở đây được diễn tả rất sinh động, hình thức đảo ngữ của câu thơ này làm cho âm thanh ríu rít của chim trở nên nổi trội. Không chỉ nó hót mà nó còn chuyền cành đuổi bắt nhau một cách vô tư. Dĩ nhiên là nó khơi gợi đến những nam thanh nữ tú trong cuộc đời. Câu thơ thứ ba nó tạo ra một dải mờ cho người đọc phán đoán. Ai đổ màu xanh ngọc? Hay trời đổ màu xanh ngọc cho vòm lá me?... Chúng ta đã gặp màu xanh ngọc này trong câu thơ của Hàn Mặc Tử: “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Rõ ràng, màu xanh ngọc cổ tích này đã có, sẵn mà chỉ khi nắng mới lên của bình minh nó mới kì diệu như vậy. Ở câu thơ này, rõ ràng hoàng hôn đã pha vào màu lá khó có thể nhìn thấy màu xanh ngọc. Thế nhưng trong đôi mắt của người đang yêu, vòm me không những đã xanh như ngọc mà dổn tất cả màu xanh ngọc của bầu trời, màu xanh ấy vẫn cứ tiếp tục đổ xuống. Nghĩa là màu xanh của trời cao không chảy mà cứ như đổ xuống ào ào. Câu thơ rất mạnh bạo nhưng cũng rất tinh vi, nó chính là màu của tấc lòng, của cảm xúc chứ không phải màu thanh thiên xanh ngắt như thơ xưa. Xuân Diệu đã tả màu trời, màu lá trong cái thế cho một cách hào phóng và có cả người nhận. Thực ra, đó chính là một quan hệ cặp đôi đã xuất hiện trong buổi chiều ấy. Câu thơ cuối cùng là âm thanh của tiếng huyền, một âm thanh không rõ rệt, rạch ròi. Chẳng qua là vạn vật nức xuân tâm mà thôi. Tất cả đều như phát ra tiếng, nó là âm vang của cảm xúc. Đó là tiếng chim hót, tiếng hoa lá trở mình khẽ khàng, tiếng của mùa sắc xôn xao. Tất cả hòa điệu theo sự chỉ huy của thần ái tình. Nói cách khác, tiếng huyền nó mơ hồ mà như có một giai điệu nào đó dìu dặt và có lẽ nó càng dìu dặt réo rắt trong cái mơ hồ ấy. Ai cũng biết câu thơ nổi tiếng trong Truyện Kiểu khi chàng Kim xuất hiện Kiều đã nhìn thấy “Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời”. Màu cỏ xuân trên mặt đất mơn mởn đã pha màu với cái áo chàng Kim đang mặc để rồi hai cái màu xanh ấy như có phép thần kì nhuộm non da trời một màu xanh ngọc. Câu thơ này là cái nhìn của Kiều nhi vào một buổi chiều nhưng chính chàng Kim đã làm cho buổi chiều thành buổi sáng mùa xuân. Rõ ràng, ở khổ thơ đầu tiên của bài Thơ duyên không thể là một buổi chiều thu dù Xuân Diệu có nói chiều, chiều mộng thu đến. Bởi vì trên cái tín hiệu thực, chiều về “Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ” chứ không thể “Cây me ríu rít cặp chim chuyền”. Chiều không có sự khởi đầu hoạt động hứng thú như buổi sáng. Dường như tất cả sự vật mới bắt đầu chứng minh sức sống của mình, sự giao hòa của mình.
Nếu hai dòng đầu ở khổ thơ thứ hai nói về những mối quan hệ cặp đôi, duyên lứa của thiên nhiên thì hai dòng sau nó hồi ức về cái buổi ấy giữa nhân vật “ta” và nhân vật “bạn”. Rõ ràng là đã có một sự cắt nghĩa thầm kín rằng thiên nhiên đang gây áp lực cho con người, nó quyến rũ con người theo cách riêng của nó. Các từ láy “nhỏ nhỏ”, “xiêu xiêu”, “lả lả” đã mô phỏng được những dáng điệu và chuyên động rất tinh vi của sự vật. Dĩ nhiên, thiên nhiên đắm đuối ấy đã được nhìn trong đôi mắt chếnh choáng của một kẻ lần đầu rung dộng nỗi thương yêu. Tất cả con đường ấy, cành hoang ấy, buổi chiều ấy, vốn hết sức bình dị thế nhưng khi lòng ta nghe ý bạn thì ta cũng xiêu xiêu lả lả và nhìn cảnh vật cũng không rõ hình rõ nét. Có thể nói thiên nhiên ở đây rất đỗi bình dị nhưng có duyên với nhau say đắm hơn. Câu thơ này rất dễ gợi đến một câu thơ trong Truyện Kiều:
“Sóng tình dường đã xiêu xiêu
Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”
Câu thơ của Xuân Diệu cũng có cái xiêu xiêu, có cái lả lả, lơi lơi ấy. Dù không có từ “âu yếm” nhưng các sự vật ở đây sao mà gắn bó kết thân. Sau này, trong bài “Mượn nhà vũ trụ” Xuân Diệu cũng nói:
“Một lần đặt bước đôi ta,
Gốc cây đường cái bỗng là thịt xương.
Chiều hôm bỗng hóa tâm hồn”...?
Vâng, thiên nhiên ở đây có sóng tình của thế giới thực (con đường, cành hoang) với thế giới vô hình khó nắm bắt (ngọn gió xiêu xiêu, đó là nắng trở chiều).. Thế giới hữu hình và vô hình ấy kết duyên với nhau, đắm đuối với nhau khiến cho buổi chiều mộng càng thêm mộng mơ, huyền hoặc. Nếu thiên nhiên là nhạc đệm, là cái nền, cái phông thì con người xuất hiện ở đây mới là nhân vật chính. Thật khó giải thích lòng ta và ý bạn nghe nhau như thế nào? Có lẽ hãy để cho chữ “duyên” cắt nghĩa hộ. Buổi ấy là một quá khứ êm đẹp đã xa. Lần đầu trong hạnh phúc bao giờ cũng là giây phút với tình yêu một đi không trở lại. Chẳng trách gì mà Thế Lữ đã tâm sự:
“Cái buổi ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”
Chế Lan Viên cũng đã từng phát hiện quy luật này:
“Ôi cái thuở lòng ta yêu Tổ quốc
Hạnh phúc nào không hạnh phúc đầu tiên”
Khổ thơ thứ ba mở ra một không gian êm ả hơn. Thiên nhiên đã mờ đi để chỉ còn lại đôi tình nhân. Đại từ “ta với bạn” đã chuyển thành anh và em. Sợi tơ mong manh của khái niệm “duyên” ấy đã xích lại gần hơn, lã óng ánh hơn. Tuy nhiên, “tình trong như đã mặt ngọài còn e” bởi:
“Em bước điểm nhiên không vướg chân
Anh đi lững đững chẳng theo gần”
Hai dòng thơ được viết theo cấu trúc Đường luật, nó như hai câu đối, ngỡ như đối lập nhưng nếu thiếu mất một câu thi nó sẽ không còn là câu đối. Nói rõ hơn thì dù em bước điềm nhiên vẫn rất cần cái dáng ngập ngừng mà quả quyết của anh. Sự điềm nhiên của “em” đã giữ cho “anh” một khoảng cách nhưng sự thật cái vô tâm của em, cái lững đững của anh không còn điềm nhiên vô tâm nữa. Hai dòng sau Xuân Diệu đã sáng tạo ra một so sánh thật hay. “Anh với em như một cặp vần” trong một bài thơ dịu. Tất cả mọi sự vật đều đang dệt nên bài “Thơ duyên” êm dịu và anh với em chính là cặp vần trong bài thơ ấy. Chính con người đã làm nên cái duyên trong cuộc hòa thơ về duyên bởi nếu không có cặp vần thì không có bài thơ. Thâm thúy hơn cặp vần là biểu tượng cho sự không thể tách rời. Nếu không có anh và em thì những mối tơ duyên của vạn vật không có ý nghĩa. Anh và em đã là khái niệm trung tâm của chữ duyên.
Khổ thơ thứ tư lại hướng về đối tượng thiên nhiên. Buổi chiều mộng đã trở thành buổi chiều muộn. Bài thơ trong sáng rộn ràng đã chuyển sang những nốt nhạc buồn lo lắng. Đôi chim ríu rít gợi tình ái giờ đây chỉ còn lại một con chim, một đôi cánh cò trên ruộng phân vân. Hình ảnh này chính là sự hóa thân của anh. Nó gợi lên một nỗi buồn trơ trọi. Thực ra cảm hứng lí giải này về chữ duyên nó đã có sẵn trong cái cảm thức lứa đôi - Na dim Hit met có nói:
“Em là lòng sầu xứ của tôi,
Lúc tới được em là tôi biết không khi nào tới được”
Nói rõ ra đây là một sự mặc cảm tất yếu do tình yêu trong sáng mở ra. Đây cũng chính là một cảm thức rất Xuân Diệu. Tình yêu mới khẽ khàng như cánh bướm non thì nhà thơ đã lo sợ nó sẽ mất chỉ còn lại nôi cô đơn. Vì vậy mọi gắng gỏi để dang đôi cánh xóa bớt trống trải là vô vọng. Xung quanh thiên nhiên đã bắt đầu thấm nỗi buồn của chia li, già nua.
“Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần”
Khổ thơ đã có một cái phấp phỏng về cái gấp gáp của thời gian.
“Mây biếc về đâu bay gấp gấp”
Cô đơn, trống trải, lạnh lẽo người ta cần phải đến với tình yêu. Thế thì phải vội vàng lên và đây chính là nội dung của khổ thơ cuối. Khổ thơ cuối cũng đã bộc lộ toàn bộ sự cắt nghĩa của Xuân Diệu. Nó có thể được viết thành một đoạn văn nghị luận để đưa đến một kết luận chắc chắn. Chữ “thôi” ờ đây là không thề cưỡng lại, chữ “cưới lòng” ở đây là một cuộc đính ước bí mật của hai tâm hồn. Nó diễn ra ngấm ngầm mà viên mãn hoàn tất, cắt nghĩa hoàn toàn “chữ duyên”. Tuy nhiên sự cắt nghĩa ấy coi như chưa cắt nghĩa. Đó chính là tình yêu.