Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích bài Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi

Thứ năm - 17/03/2022 09:42
Trong “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi (sáng tác giai đoạn ở Côn Sơn), có một chùm 61 bài mang tên “Báo kính cảnh giới” (Gương báu răn mình). Đặc sắc của chùm thơ là kết hợp được tính giáo huấn với hồn thơ phong phú.
Đây là bài số 43. Có thể diễn xuôi bài thơ như sau:

Ngày dài lúc rỗi rãi ngồi hóng mát
Thấy màu xanh tán cây hòe tỏa rộng xum xuê.
Cây thạch lựu trước hiên nhà nở hoa màu đỏ
Sen hồng dưới ao đã hết mùi thơm
Tiếng lao xao của chợ cá làng ngư phủ
Tiếng ve ran như tiếng đàn bên lầu lúc mặt trời xế bóng
Lẽ ra nên có tiếng đàn của vua Ngu Thuấn ngân lên một tiếng
Để cho khắp nơi nhân dân thêm giàu có, hạnh phúc.

Bài thơ có một kết thúc khá rõ, sáu câu đầu là bức tranh đời xôn xao sự sống của thiên nhiên và con người, hai câu kết bộc lộ trực tiếp niềm khát vọng của Nguyễn Trãi. Bức tranh đời đắm say hồn thi sĩ, niềm khát vọng vụt sáng tấm lòng của bậc đại trí, đại nhân gợi ra một tư thế, một ánh mắt, mà đôi tai thính nhạy.

Câu mở đầu “hóng mát”, tư thế ngoạn cảnh, nhàn nhã, thảnh thơi. Thảnh thơi trí, thảnh thơi hồn, nên nhàn nhã cả phần thân xác.

Nên nhớ, đây là thơ của vị tướng cầm quân từng xông pha trận mạc một thời, từng “đau lòng nhức óc” vì vận nước để cùng Lê Lợi “dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới”, và sau này sắm vai ẩn sĩ mà tấc lòng vì dân vì nước không lúc nào yên “Đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng”. Đặt trong nỗi truân chuyên của cuộc đời dài, mới thấy quý cái phút giây ngắn ngủi hiếm hoi này, mới thấy cái tư thế của người ngoạn cảnh kia là sự hưởng thụ chân chính. Sau tư thế ấy dường như cảm thấy cả cái không khí yên bình của cả một dân tộc vừa qua cơn binh lửa.

Tinh tế, đắm say từ ánh mắt Nguyễn Trãi, hiện ra hình ảnh: cây hòe, thạch lựu, sen ao. Nguyễn ngắm cảnh với đôi mắt rất sành: ba loại cây, ba dáng vẻ kia không trùng lặp. Tả cây mà lộ ra cả bước đi của thiên nhiên. Cây hoa hòe tán xanh xum xuê, tỏa rộng sức bật cuối thu đầu hạ. Thạch lựu rừng rực sắc đỏ - tín hiệu tiết chính hạ. Sen ao: đã cạn hương gợi cái lụi tàn cuối hạ chớm đầu thu. Thời gian nghệ thuật trong bài thơ mang tính tổng hợp, và cái thế ngồi trên kia của Nguyễn không chỉ một lần. Ba loại cây, ba dáng vẻ, lại còn ba màu sắc nữa (xanh, đỏ, hồng). Thơ vị quốc sư mà ăm ắp ngôn ngữ sống động của đời thường, chữ “đùn đùn” thật tầng lớp, lan tỏa, cựa quậy; chữ “phun” còn lạ hơn: không tả hoa đỏ, mà cảm nhận cây lựu đang phun, đang tủa sắc đỏ ra. Đến chữ “tịn” (hết - từ cổ), ánh mắt đắm đuối bỗng xôn xao cái nhìn tiếc nuối. Có sinh, có diệt - Lẽ tạo hóa thổn thức trong thơ. Bước qua thời gian, dòng chuyển tâm linh gợi lên biết bao gắn bó của một hồn thơ nhạy cảm tinh tế với đời.

Nhà họa sĩ thiên nhiên trong thi nhân Nguyễn Trãi thế kỉ XV ở Việt Nam dường như rất gần, đại danh họa Hà Lan thế kỷ XIX Vanh Văng Vangốc. Không phải ở những sắc màu được sử dụng, mà ở cách thức sử dụng nó. Vangốc vẽ đồng lúa mà ta ngỡ cánh đồng bốc cháy. Hàng cây quằn quại vệt lửa bên đường. Vangốc đốt cháy mình trong tranh. Nguyễn Trãi đốt cháy mình trong thơ chữ “đùn đùn”, “phun” rừng rực bằng lửa sống.

Nếu thị giác tinh tường đã tạo cảnh bài họa, thì thính giác nhạy bén tạo cảnh bằng âm nhạc. Hai chữ “lao xao” đủ chở hồn của một chợ cá xa xa đến với người đọc, gợi cái hơi thở rõ ràng bình yên của đời thường. Nếu “lao xao” là khúc hợp tấu, vắt ngang bài thơ nét nhạc của cuộc sống dân dã, thì “dắng dỏi cầm ve” tấu lên âm thanh của cây đàn độc huyền, ngân lên tha thiết cuối chiều, vấn vương nét quý tộc bởi bóng dáng lầu cao (dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương) Hai phong điệu dân dã và quý tộc không đối mà hợp, bởi chất keo dính của đời thường hồn nhiên mà đậm đà hơi thở cuộc sống.

Đâu chỉ là vấn đề giác quan mà là câu chuyện của tâm hồn – tâm hồn tinh tế, đằm thắm rất nghệ sĩ của một vị quốc sĩ: Nguyễn Trãi. Hơi thở đời thường không hề hạ thấp, trái lại, mở rộng hồn thơ ức Trai về phía sự Nống, về phía con người.

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương.

Từ trực tiếp hướng ngoại (đoạn một) đến trực tiếp hướng nội (đoạn hai), tức từ trực tiếp miêu tả sang trực tiếp biểu hiện, từ trực tiếp tái tạo khách thể sang trực tiếp tái tạo chủ thể giản dị: Nguyễn Trãi trực tiếp bộc lộ nỗi lòng mình trong hai câu thơ kết. Từ hai dòng thơ, ấp ủ cả một giấc mơ và cả một học thuyết.

Giấc mơ - Đó là giấc mơ Nghiêu Thuấn “Dẽ có Ngu cầm đàn một giấc”, mơ cổ đại mà vĩnh hằng của con người, mong cho nhân ấm no hạnh phúc. Giấc mơ này vang lên trong thơ Nguyễn Trãi bằng tiếng đàn thì đã được nửa phần hiện thực trong thơ Lê Thánh Tông bằng tiếng hát:
Nhà nam nhà bắc đều no mặt
Lừng lẫy cùng ca khúc thái bình
(Vịnh năm canh)

Nếu giấc mơ đẹp, nhân ái làm sao “Dẽ có” (lẽ ra nên có) - khắc khoải khát vọng, vì bức tranh đời trên kia bình yên nhưng chưa sung mãn. Khát vọng khôn cùng cho dân giàu nước mạnh là giấc mơ của bậc đại nhân

Nếu giấc mơ là của bậc đại nhân thì cái lõi tư tưởng của giấc mơ là của bậc đại trí. Đó là tư tưởng “thân dân” (dĩ dân vi bản – lấy dân làm gốc), từng được khẳng định dứt khoát, mạnh mẽ trong anh hùng ca “Bình Ngô đại cáo”.
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân.

Đó là một tư tưởng lớn. Với Nguyễn Trãi, tư tưởng ấy từng sôi sục trong hành động, khắc khoải trong tâm tưởng, rát bỏng trong thi ca. Cả bài thơ tám chữ, đến tận dòng cuối cùng chữ “dân” mới hé ra, song lập tức trở thành một cái đế cho cả bài thơ, xâu chuỗi cả tám câu lại theo một định hướng tư tưởng và cảm hứng “thân dân”.

“Cảnh tỉnh mùa hè” không có tính giáo huấn, ngỡ như lạc khỏi đề tài chung. Nguyễn Trãi không răn dạy ai. Chỉ có hồn thi nhân tha thiết trước cuộc đời và con người, chỉ có những khắc khoải nhân ái của một nhà tư tưởng tạo độ lớn cho bài thơ. Những điều đó va đập vào tâm hồn người đọc đến đâu là tùy tiềm năng, tùy tâm, trí họ.

Ngôn ngữ tiếng Việt đã hé lộ những khả năng to lớn trong bài thơ. Những “đùn đùn”, “phun” khiến cả những độc giả cuối thế kỉ XX chưa hết giật mình. Cho hay, dẫu chỉ một bài, nhưng cả một tâm hồn lớn, tài năng lớn có khác. ​

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây