Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích bài ca dao Trèo lên cây bưởi hái hoa

Thứ hai - 14/03/2022 09:00
Khi cần khảo sát một bài ca dao, nếu có thể được, theo tôi nên thả nó vào môi trường văn hóa dân gian. Cái cụ thể nhất mà ta có thể thấy được ở thể loại ca dao là nó dường như luôn gắn liền với ca hát dân gian. Nguồn gốc cổ xưa trong sinh hoạt văn nghệ của người lao động dường như không tách rời những yếu tố nghệ thuật của kịch, của vũ, của âm nhạc và của lời ca. Cho nên tôi rất đồng ý với sách giáo khoa lớp 10 của Hội Nghiên cứu văn học Thành phố Hồ Chí Minh đã có bài khái quát với tựa đề: “Ca dao, dân ca” chứ không tách văn bản ca dao ra như sách của Đại học Sư phạm Hà Nội với tựa đề: Ca dao.
Tôi mở đầu hơi dài dòng, nhưng tôi vẫn cho là cần thiết, bởi bài ca dao vốn quen thuộc: “Trèo lên cây bưởi hái hoa” là một tác phẩm khá thú vị.

Nếu đọc kĩ, người ta không thể cho đây chỉ là một “bài”, hay nói cách khác: nó không phải là tâm trạng của một người! Một bài ca dao ngắn, nhưng lại có đến hai nhân vật trữ tình. Dường như là hai đoạn đối thoại của người con trai và người con gái trong một câu chuyện tâm tình vậy. Điều cũng dễ hiểu, bởi trong sinh hoạt văn hóa xưa kia của nhân dân lao động, lối đối đáp để giao tiếp, để hiểu nhau, để trao đổi tình cảm với nhau là một nhu cầu, khi là luật lệ hà khắc của chế độ phong kiến luôn kềm tỏa tình cảm con người. Và, một điều quan trọng nữa là do không có phương tiện bằng chữ viết, người lao động phải nhờ “nói” để chuyển tải tâm trạng của mình. Có lẽ, cái van có thể mở ra trong cái bình áp suất quá cao mà những bức bối tình cảm luôn luôn có nhu cầu vọt trào ra ngoài, là những lúc hội hè đình đám, những đêm trăng với tiếng hò qua sông nước và những khi người ta chơi xuân trong dịp thanh minh...

Bài “Trèo lên cây bưởi”, nó có rất nhiều giai thoại mà tiêu biểu là chuyện Trịnh Tráng muốn thu phục Đào Duy Từ về làm quân sư cho mình; tương truyền Đào đã làm bài thơ này để trả lời. Sau đó Tráng còn kiên trì với Đào Duy Từ một lần nữa, nhưng họ Đào viết ra Đàng Ngoài mấy câu:
Có lòng xin tạ ơn lòng
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen
(Giai thoại văn học Việt Nam. NXB Văn học, Hà Nội 1990, tr.74)

Tất nhiên, giai thoại có thể tin đó là... giai thoại thôi. Nếu đặt ra chuyện cụ Từ có mượn chuyện tình yêu để nói với Đàng Ngoài, thì chúng ta cũng nên khảo sát thật kĩ phần văn bản lưu truyền của bài ca dao này. Ngoài tình yêu đích thực của một bài ca dao tình cảm được phát ngôn ở người con gái, còn có phần chàng trai? Chẳng lẽ là một sự chắp ghép hay sao? Hay đây là bức thư của Trịnh Tráng muốn “bóng gió” với Đào? Dĩ nhiên, không ai hiểu một cách ngô nghê như thế và không ai lại đi giảng bài ca dao của tình yêu này thành lối nói chữ nghĩa của các “nhà chính trị” trong quá khứ. Thế thì tại sao tôi cứ giẫm chân tại đây mà lẩn thẩn với nó? Tôi nghĩ rằng có người đã bị ảnh hưởng của giai thoại này, đặc biệt bị ảnh hưởng của hai câu:
Có lòng xin tạ ơn lòng
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen

Phân tích theo một hướng, khó có thể chấp nhận được. Quan điểm ấy cho rằng người con gái đi dự hội xuân nhưng gặp người con trai buông lời tỏ tình (thậm chí chọc ghẹo). Cô gái phản ứng và cố chứng minh rằng mình là gái đã có chồng để bảo vệ phẩm tiết của người phụ nữ Việt Nam trong truyền thống? Bài ca dao là một lời lên tiếng của đạo đức nhưng rất tế nhị, rất đoan trang và rất khôn khéo của người phụ nữ...

Tôi nghĩ rằng, cái giai thoại ở trên rất có ích nếu như chúng ta cần xác định, cần phàn vùng bài ca này. Ít nhất cũng có một dấu hiệu là vào thời Đào Duy Từ ở miền Đàng Trong, bài ca dao rất phổ biến trong sinh hoạt dân gian. Vậy thì cái cây tầm xuân có phải là loại cây bông hồng có nụ và bông rất nhỏ như Từ điển tiếng Việt xác định không? (ở một số vùng miền Trung ngoài Huế, người ta lại nói là bông hồng loại nhỏ nhưng cánh màu trắng!). Nên nhớ rằng có những địa phương ở trong Nam thì lại xác định cây tầm xuân là cây hoa mọc hoang ở trong vườn và quả là có màu tím biếc. Điều này cần phải xác định thêm. Riêng tôi thì tôi vẫn cho rằng “nụ tầm xuân” này là của đất -“Đàng Trong”. Do đó không cần đặt ra vấn đề tại sao cây hồng kiểng mà lại mọc dưới vườn cà và nhìn cành hồng trở nên “tím biếc”.

Có người cho rằng hành động “trèo lên” - “bước xuống” rồi nhìn bông hồng thành “xanh biếc” chỉ là miêu tả vu vơ, để thấy được tâm trạng bối rối không có chủ định. Ca dao Việt Nam đã từng có lối nói vô lí ấy.

Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang

Mà để qua một con sông. Nhưng nó thật hữu ý khi miêu tả tình cảm. Phải chăng chàng trai ở bài ca dao trên cũng như thế?

Tôi cho rằng ba câu đầu bài ca dao (mà cũng là lời của chàng trai) không thể nhìn nhận giản đơn như vậy. Cái “trèo lên”, “bước xuống”, cái “hái hoa”, “hái nụ” và sự vỡ lẽ: “nụ” đã “nở ra” rồi đã làm cho chàng trai thảng thốt mà nói câu thứ tư không bóng gió, không xa xôi: “Em đã có chồng anh tiếc lắm thay”. Nỗi đau trần trụi ít khi người ta dùng hoa hòe, hoa sói để che giấu được. Hồ Xuân Hương đã chẳng ngần ngại dùng cả câu chửi cho nỗi đau được thoát ra đó ư? (“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”).

Trong thơ, nhiều người đọc nhận những tín hiệu ấy và hiểu nó. Nhưng nếu đặt ra một giả thiết thì nhiều lúc giết chết bài thơ. Tôi thấy vẫn cần đặt ra một giả thiết! Hai người đã sống với cuộc tình này, có thể là đã có kỉ niệm. Chàng trai vẫn chưa đi tới bước quyết định. Có lẽ chàng nói rất thật: “Tôi đã dại dột leo cao, đã leo theo những giấc mơ xa vời và tôi đã thất bại. Hoặc giả tôi đã nhận ra đó là ảo tưởng. Tôi thấy rằng hôn nhân thực tế nhất là trở về với người lao động chân chất, mộc mạc và gần gũi. Tôi leo lên hái bông hoa bưởi (tất nhiên chưa hẳn là hoa của quý phái, của giai cấp khác), nhưng bông hoa đó đã nở. Tôi xuống để tìm hái “nụ” nhưng nụ lại nở rồi (trong tình yêu nhiều lúc lỡ một khoảnh khắc là lỡ một cuộc tình). Chàng trai đã nhận ra một sự thật đau lòng, câu nói than thở không phải là không tội nghiệp: “Em đã có chồng anh tiếc lắm thay!” Như vậy là trong lần gặp gỡ này, chàng trai đã biết hoàn cảnh của cô gái. Một lời than để đau khổ được chia đôi, chứ không phải nhằm thay đổi tình thế. Hai người đã có quan hệ với nhau như vậy thì cần gì phải vòng vo và nói vu vơ như những cặp trai gái mới đến với cuộc tình? Và do đó, không nên coi nhẹ ba câu đầu chàng trai thổ lộ, và cũng đừng nghĩ rằng chàng trai “đánh hỏa mù”, để nói được cái điều khó nói sau cùng bằng cách nhìn bông hồng ra xanh biếc, tìm bông hồng dưới cây cà... Cuộc tình đau mà làm (hay nói) những điều “nực cười” ấy liệu có xúc phạm tới cô gái hay không? Và càng vô lí khi chính chàng trai ấy cũng đang mang một nỗi đau trong lòng?

Tôi nghĩ rằng, chàng trai phải đau đớn và thất vọng. Tất nhiên không đau đớn và tuyệt vọng như cô gái, cho nên chàng trai mới nhận được lời đáp đầy nước mắt và cảm thông của cô gái. Nếu như cho chàng trai chỉ là bông đùa mà cô gái lại chí tình, thì lại là sự xúc phạm nặng nề hơn nhân cách cô gái, nhân cách vị tha đáng quý của người phụ nữ Việt Nam.

Trong tương quan của hai lời đối đáp, tôi nghĩ rằng, để có những lời như cô gái thì không lẽ gì chàng trai chỉ bày tỏ một cách vu vơ và có thể trên ngôn từ chưa sâu đậm, nhưng trong lòng chàng trai đau đớn thế nào thì cô gái cũng biết một phần rồi.

Cùng là nỗi đau nhưng ở cô gái nó phức tạp hơn. Cũng là cách dùng ẩn dụ nhưng cô gái “chỉ cụ thể hơn” vào nỗi đau đó.

Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?

“Cau trầu” nó không khó hiểu như bông bưởi, tầm xuân mà trong liên tưởng của người dân Việt Nam nó bộc lộ ý nghĩa rất rõ: Đó là lễ vật để đến với một hôn nhân! Trầu cau nó ràng buộc người nam và người nữ lại trong quan hệ vợ chồng nếu như đó là do tục lệ “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Nhưng trầu cau cũng có nghĩa là khăng khít những hạnh phúc lứa đôi khi cuộc tình đó vốn trước đã đâm chồi nẩy lộc! Dĩ nhiên trong bài ca dao này, cô gái không thỏa mãn với hạnh phúc của mình, cho nên nói tới cuộc hôn nhân ấy sao mà nó chì chiết, ghẻ lạnh quá!

Có thể là một lời trách khéo chàng trai. Nhưng thái độ hơi thái quá của cô gái cho phép ta nghĩ rằng cô căm phẫn, bất bình với cái cuộc hôn nhân ngang trái đã xảy ra. Cô không nói “Tiền cheo, tiền cưới chừng chín nghìn”, mà cuộc hôn nhân ấy nó rẻ rúng làm sao: “Ba đồng!” cô không nói “một đĩa trầu cau” mà là “một mớ trầu cay”! Cái ức ối, bực bội nó nằm trong cái từ mớ và cay ấy (Hồ Xuân Hương đã từng viết: “Miếng trầu hôi”. Có lẽ cái từ hôi đó, cũng là tiếng nói căm giận với tình dời phũ phàng và thân phận bạc bẽo của mình).

Hướng tới đối tượng là chàng trai, nhưng có lẽ nhắc cái ngày về nhà chồng, cô gái cảm thấy đau đớn và phẫn uất cho số phận đen bạc của mình. Cái hỉ niệm không mấy tốt đẹp đó được gợi lại: cô giận mình, giận cho sự ngang trái của mình. Và đó có phải là lí do để cô trách hờn người yêu không? Hơi vô lí, nhưng có thể là sự thật của tâm trạng, nhưng ở câu sau, không phải chỉ là lời trách:
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?

Từ còn không được sử dụng lâm thời trong câu thơ, gợi những liên tưởng thú vị. Tình yêu chỉ có thể tác thành khi có cuộc hôn nhân. Tình yêu là thiêng liêng nhưng nhiều lúc nó là sợi tơ mỏng manh. Cái ranh giới giữa còn và không cũng chính là giá trị thực tế của tình yêu trong cuộc đời. Đặc biệt là trong xã hội cũ, khi chưa có hôn nhân thì còn đó nhưng mà cũng là không đó.

Còn không là lối nói đa nghĩa, gợi về một quá khứ: “những ngày em còn xuân sắc”, "còn chưa có chồng”, nó gợi lên một thực tế  thực tại: “Thuở ấy, em không bị trói buộc như bây giờ”. Câu thơ được rõ dần trước thực tế phũ phàng:
Bây giờ em đã có chồng.

Có phải là một thông báo cần thiết cho chàng trai không? Không cần thiết. Chàng trai đã biết điều đó rồi cơ mà:
Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay.

Thế thì mục đích của cô gái là ở những câu sau. Cô gái có chồng nhưng sống trong một hoàn cảnh bị o bế, chứ không hạnh phúc gì. Một so sánh thường thấy trong dân gian:
“Như chim vào lồng, như cá cắn câu”

Rõ là một thân phận bi đát. Một số phận, một hoàn cảnh được so sánh với hai số phận, hai hoàn cảnh. Ta hiểu rõ cô gái đau khổ đến mức nào. Có thể dừng lại ở đây được rồi. Chẳng nói gì thêm nữa thì chàng trai cũng đã cảm thông với cảnh “chim vào lồng, cá cắn câu” này. Vậy mà cô gái vẫn triển khai làm rõ hoàn cảnh bằng cách khai thác hai hình ảnh ẩn dụ:

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra

Có thể nói đây là tiếng thở dài tuyệt vọng và bất lực của cô gái cho hoàn cảnh của mình. Nhưng thực tế tâm trạng lại là một tâm hồn muốn vươn ra, muốn được bứt ra, muốn được sống trong khát vọng hạnh phúc “biết đâu mà gỡ”“biết thuở nào ra”, tức là tâm hồn của cô gái vẫn muốn được thoát ra. Trong ý thức vẫn không chấp nhận một cuộc sống vợ chồng cưỡng bức.

Nói thì hơi xa đề, nhưng tôi tin rằng: nếu chàng trai có chí hướng và đưa cô gái đi, chắc cô ta “một liều ba bảy cũng liều”, cô ta sẽ từ giã không thương tiếc cái anh chồng bất đắc dĩ đó. Khát vọng muốn thoát khỏi hoàn cảnh thực tế này, lời thanh minh dài dòng này, còn có một ý nghĩa thứ hai là mong chàng hiểu cho, đừng có hờn trách mình. Thổ lộ nỗi khổ của mình, cô gái muốn xoa nhẹ vết thương cho chàng trai. Hoàn cảnh của mình đau khổ gấp nhiều lần nhưng vẫn nghĩ rằng người đau là chàng trai. Đó phải chăng là tấm lòng của Thuý Kiều bán mình mà vẫn còn lạy Thuý Vân để lo cho duyên chàng Kim? Đó phải chăng là đức vi tha, một trong những đức tính tuyệt vời của người phụ nữ Việt Nam trong truyền thống?​
 

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây