Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi

Thứ năm - 17/03/2022 09:36
Trong nền văn học trung đại Việt Nam hiếm thấy một danh nhân nào lớn như Nguyễn Trãi, lớn trong sự nghiệp giữ nước và cả ở trước tác văn chương. Riêng về thơ, văn, kích thước ấy khó có một khuôn mẫu ôm trùm. Nó cũng phong phú như chính cuộc đời của một người “chân đạp đất Việt Nam, đầu đội trời Việt Nam, tâm hồn lộng gió của thời đại lúc bấy giờ” (Phạm Văn Đồng). Từ cái điệp trùng núi cao những sáng tác vô cùng phong phú ấy, ta nhận ra một đỉnh cao viên mãn, một thiên cổ hùng văn: Bình Ngô đại cáo.
Tài năng lớn ở Ức Trai tiên sinh là với tư cách một Đại phu nhập nội hành khiển kiêm Hàn lâm viện thừa chỉ học sĩ thay Lê Lợi viết một bản tổng kết chiến tranh đã biến một thứ chiếu, biểu hành chính đơn điệu thành một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời ít có một cái gì tương đồng để so sánh. Để có bản luận văn nghệ thuật bậc thầy này, Nguyễn Trãi đâu có viết bằng trí nhớ, hồi tưởng với các dữ kiện, tư liệu thông thường. Dường như đây là một cơ may, một cơ hội hiếm hoi nếu không phải là duy nhất để được nói lên đầy đủ, sâu sắc, thiết tha cùng với niềm hạnh phúc vô biên về một sự nghiệp mà ông mong đợi, khao khát từ lâu và đã hết sức làm tròn bằng công việc múa gươm. Còn bây giờ là việc cầm bút. Cầm bút cũng được ý thức như cầm gươm thì đó là sức mạnh tinh thần tạo nên chiến công, đại thắng. Từ lời căn dặn của cha già Nguyền Phi Khanh khi dừng lại hồi lâu nơi biên ải: Rửa nhục cho nước, trả thù cho cha, Nguyễn Trãi đã mang một trọng trách lớn hơn chữ hiếu một ngàn lần. Bởi đằng sau cái riêng là cái chung đêm ngày kêu gọi. Tổng kết một sự nghiệp toàn dân, bài văn giống như một mũi tên bắn ra từ một cánh cung nén đợi đâu chỉ mười năm! Chất trí tuệ, khả năng rung cảm tâm hồn cộng với sức công phá ngôn từ như người xung trận, Nguyễn Trãi đã đi một đường gươm hiếm có, tài hoa. Không phải ngẫu nhiên mà Tô Thế Huy (thế kỉ XVIII) đã phải thừa nhận đây đúng là một thứ “sao Ngưu sao Đẩu ở trong các sao vậy”. Còn Lê Quý Đôn thì tấm tắc: “Viết thư, thảo hịch tài giỏi hơn hết một thời”.

Bài văn có 145 câu, không thừa một chữ. Không chỉ hoàn thành nhiệm vu thông tin chiến sự, nó còn là bài ca ra trận hào hùng và rạng rỡ với khúc khải hoàn đại thắng. Mơ đầu bài cáo lạ thay lại là một tư tưởng. Tư tưởng ấy, bản thân nó chỉ là một kế thừa, một phát huy để đến lượt mình, lần đầu tiên trở thành đạo lí: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. “Nhân nghĩa” vốn là một khái niệm, một sản phẩm của Nho gia. Nó đóng  khung trong một phạm trù hẹp, phạm vi ứng xử giữa con người, chủ yếu trong đạo “vua tôi” của người quân tử. Với Nguyễn Trãi, lần đầu khái niệm này được mở rộng ra, nâng dần lên tới cái đỉnh tột cùng “cốt ố yên dân”. Không dừng lại ở cái đích của mối quan hệ giữa cái riêng với cái riêng, nó còn là, chủ yếu còn là then chốt của sự nghiệp kinh bang tế thế. “Dân vi bản” đã đành là một thứ mũi tên chỉ đường, là điếm tựa cho một cuộc xuất phát, với mọi quân tử, chính nhân. Ở Nguyễn Trãi, nó trở thành cái tối hậu, tối đa, cái cốt lõi của tinh thần quyền mưu thượng võ. Cho nên trong suốt bài Cáo, dù là trình bày hoàn cảnh nổ ra cuộc khởi nghĩa “trừ bạo” hay diễn biến chiến trường cũng như phút dừng lại đúng lúc của việc múa gươm, “cốt ở yên dân” vẫn là một thước đo chuẩn mực.

Vì sao cơn bão nổ ra để sấm sét giáng xuống đầu quân tàn bạo? Ở đây có hai lí do: nước mất, nhà tan. Nhưng giữa hai vế cân bằng này, Nguyễn Trãi nghiêng về phía “nhà tan” hơn là “nước mất”. Tội ác của kẻ thù đâu chỉ là chuyện “uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ” (Hịch tướng sĩ - Trần Quốc Tuấn) mà chính là ở chỗ “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”. Ngay việc tái hiện chân dung kẻ thù; Nguyễn Trãi cũng nhìn chúng ở góc độ ấy: “Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán... chân tay nào phục dịch cho vừa”. Nạn nhân của cuộc xâm lược đâu còn chỉ là vua quan? “Độc ác thay! Trúc Nam Sơn không ghi hết tội. Dơ bẩn thay! Nước Đông Hải không rửa sạch mùi” chính là từ phía đó, phía người dân vô tội mà phát ngôn, phía những “dân đen”, “con đỏ” vốn đã lầm than đói khổ, như một cốc nước cay đắng ngập tràn thêm một giọt nữa phải trào ra. Sức mạnh căm thù này là cơ sở của nền văn hiến được xâu chuỗi lại qua các chiến tích Bạch Đằng, Hàm Tử tạo dựng một tư thế tự cường độc lập, trường tồn một nước Việt Nam song song với mọi triều đại phong kiến Bắc phương trong vị thế ngang hàng.

Đoạn tiếp theo, đoạn chủ yếu, như thường lệ, bài cáo phải là một bức tranh chiến trận với những cột mốc thời gian và xương sống sự kiện tên đất tên người. Đó là cái vỏ, cái xác khô. Nguyễn Trãi kiêu dũng và tài hoa đã thổi vào đó một linh hồn làm tất cả trở nên lung linh như một thể sống. Điều đó đâu phải ngẫu nhiên. Qua chữ nghĩa, ta hiểu một con người, một trái tim rung cảm. Chính từ góc độ ấy, chữ “nhân”, chữ “nghĩa” ở phần đầu đã mở ra một cái nhìn rộng lớn:
Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược
Có nhân, có trí, có anh hùng
(Tức sự - bài 5)

Tư tưởng ấy - một thứ tình cảm nén chặt mà phát sinh đã tự chắt lọc cho mình một thi pháp dùng từ vừa đắc địa vừa đồng điệu khi nói tới người xưa. Đối lập với cái “tham công”, “thích lớn” phù vân của tướng giặc là một nền văn hiến vững bền mà cha ông ta đã dày công tạo dựng. Những cái mốc vẻ vang của nó được ghi nhận như những sảng khoái vô biên với những tươi rói chiến công trận mạc: Toa Đô bị “bắt sống”, Ô Mã Nhi bị “giết tươi”, chưa nói đến Lưu Cung, Triệu Tiết...

Hịch, cáo đều là văn nghị luận, đều mở ra từ những nguyên lí, tín điều. Song, tránh khuynh hướng sách vở giáo điều, Nguyên Trãi - chỉ bằng vài câu - đã vững chắc đặt được những viên gạch đầu tiên. Phong cách như một tuyên ngôn vừa sắc sảo vừa vững bền như trời đất núi sông mà lịch sử bàn giao và cháu con thời thế kỉ XV đón nhận. Nó giống như một “thệ hải minh sơn” không lời mà nặng sâu, thiết cốt, thiêng liêng. Nếu lịch sử là một con sông thì chẳng những nước đã có dòng và trên mặt nước đã không ngừng gió to sóng cả. Đến thời đại mình, Nguyễn Trãi cùng Lê Lợi làm tiếp cái việc cha ông đã làm cho dù phải trả giá đến đâu. Hamlet của Sêchxpia đã nói một câu thấm thía: “Thật sự vĩ đại thì không hành động khi không có lí do vĩ đại. Nhưng khi danh dự bị xúc phạm thì chỉ cần một việc như cái rơm cái rác cũng ra tay”. Lê Lợi đứng lên trong hoàn cảnh ấy. Nguyễn Trãi từ Đông Quan vào dâng Bình Ngô sách cho Lê Lợi ở Lỗi Giang là trong hoàn cảnh ấy. Ở đây có sự gặp gỡ của hai người anh hùng “Ngẫm thù lớn há đội trời chung. Căm giặc nước thề không cùng sống”. Trong bài Phú núi Chí Linh, Nguyễn Trãi nói rõ thêm:
Gối gai mà nằm, treo mật mà nếm
Lo rửa sạch thẹn củ, để phục lại cõi xưa


Trong tương quan chênh lệch ấy, người cầm quân thức thời không khỏi bàn khoăn “Đương buổi nghĩa binh mới nổi, thế giặc đang cường. Anh hùng trong nước như lá gặp thu sương” (Phú núi Chi Linh). Ấy thế mà Lê Lợi - Nguyễn Trãi vẫn tiên lượng được tình hình, nhìn ra cái xu thế không gì đảo ngược! Cái “trí” là sự hiểu biết binh cơ, thời thế cùng với cái “chí” nếm mật nằm gai đã dẫn đến quyết định đột phá táo bạo bất ngờ. Trong bài Văn bia Vĩnh Lăng, ông cũng nói lại điều này: “Nhà vua vâng mệnh ông cha rất mực cẩn thận, tuy gặp buổi loạn to mà chí càng thêm vững...”. Lại nữa, trong Chiếu cấm các đại thần, tổng quản cùng các cơ quan ở viện, sảnh, cục tham lam lười biếng, ông viết thay lời Lê Lợi “Ta lấy đại nghĩa mà được lòng người, nhưng cũng bởi trời chán ghét giặc mà phó thác cho ta vậy”. Chính là biết phát huy sức mạnh tiềm năng ấy mà Lê Lợi dám “Thế trận xuất kì lấy yếu chống mạnh. Dùng quân mai phục lấy ít địch nhiều”.

Thật rõ như lòng bàn tay. Con đường mà Lê Lợi - Nguyễn Trãi cùng nghĩa quân đã đi là con đường mà trên một phương diện nào đó, kẻ thù đã đặt ta vào chứ đâu phải ai khác. Và khi con đường ấy đã được mở ra, nó sẽ đi tới cái đích cuối cùng, cái nơi cần đến. Thì ra những người cầm gươm như dân tộc ta chưa một lần lấy việc cầm gươm làm lẽ sống. Chính đó lại là sức mạnh của kẻ cầm gươm. Như một cánh chim bay, ngay vòng lượn đầu đã đẹp. Lực lượng nghĩa quân thật là “thần xuất quỷ nhập”, như từ trên trời rơi xuống, từ dưới đất mọc lên, đối với quân giặc là một sự khiếp đảm kinh hoàng. Kẻ uống máu ăn gan phải đền nợ máu. Câu văn nói đến sự chết chóc mà lại hả hê chính là vì vậy. Nào là nơi “máu chảy đầy sông”, nào là nơi “thây chết đầy nội”. Cái chết thuộc về đối tượng gieo gió, kẻ thù của đạo trời và đạo người. Nó tanh tưởi, hôi thối, nhơ nhuốc đến “ngàn năm”. Còn về phía ta, đúng là sức mạnh dời non lấp biển “Đánh một trận sạch không kình ngạc. Đánh hai trận tan tác chim muông”. Chưa một lúc nào trong lịch sử mà chiến thắng của ta lại dồn dập như những ngày này. Nó rực rỡ, huy hoàng như một giấc chiêm bao:
Ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu
Ngày hăm nhăm, bá tước Lương Minh đại bại tử vong
Ngày hăm tám, thượng thư Lí Khánh cùng kế tự vẫn...

Đoạn văn tỉnh táo, khách quan tường thuật mà nao nức say người. Kẻ thù cứ như tự đem đầu đến trước lưỡi dao nộp mạng. Tiếp nối cái hào khi Đông A của nhiều thế kỉ trước, lần đầu Nguyễn Trãi gọi đích danh bậc thiên tử của thiên triều là “thằng nhãi con Tuyên Đức”. Bằng cách ấy Nguyễn Trãi đã qua văn chương mà tạo nên một dáng đứng kì lạ cho dân tộc mình - không chỉ ngang hàng mà còn trên kẻ thù một bậc (tất nhiên là trên ý nghĩa văn hiến, nhân văn). Bởi vì ngôi chí tôn mà không chỉ một dân tộc ta phải thần phục chẳng qua cũng chỉ là một ông vua mà tội ác trời không dung, đất không tha.

Ta càng đánh càng mạnh. Địch càng đánh càng thua. Đoạn văn trần thuật của Nguyễn Trãi sở dĩ không rơi vào tình trạng nhạt tẻ, tầm thường vì nhiều lẽ. Trước hết, bản thân chiến trường đã là một hoành tráng sử khó lặp lại đến hai lần. Thêm nữa, học sĩ là người trong cuộc. Hơn thế đây lại là một minh chứng, một luận chứng hùng hồn cho tính bất di bất dịch của một đạo lí, một triết lí nhân sinh vốn sâu rễ bền gốc lâu đời. Nguyên một cách xưng gọi kẻ thù, văn ức Trai đã bao nhiêu cung bậc: Trần Trí Sơn Thọ: trần trụi như bị lột hết áo mũ, cân đai. Gọi Trần Hiệp là “phúc tâm quân giặc”. Lí Lượng là: “mọt gian kẻ thù”: kèm thêm một nụ cười mai mỉa. Hơn thế nữa, khi gọi vua nhà Minh là Tuyên Đức bằng “thằng nhãi con Tuyên Đức” thì đó là cách lột tả tuyệt vời tính cách chơi trội, đành hanh, mù quáng - một sự giáng cấp đột ngột về mặt tinh thần... Còn cái chết của chúng đều thật đáng xấu hổ. Nhưng có tư thế nào giống nhau? Đứa treo cổ, kẻ bêu đầu, tên thì cùng kế tự vẫn. Như đàn kiến trong chảo nóng, thôi thì tướng với quân mạnh ai nấy chạy, mà chạy không kịp, hoảng loạn cuống cuồng:
Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng
Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng...

Biết phát động cuộc chiến tranh hợp thời cơ quy luật, Lê Lợi và Nguyễn Trãi biết dừng cuộc chiến tranh đúng lúc, kịp thời.

Nếu lí do cuộc động binh, lí do của việc “trừ bạo” là an dân, “cốt ở yên dân” thì khi mục tiêu cao cả đó đã đạt rồi, gươm lại tra vào vỏ. Cái đích của sự “mưu phạt, tâm công” là đánh gục, bẻ gãy ý chí tội lỗi của kẻ thù xâm lược. Nay chúng đã không còn khả năng “gieo vạ cho bao nhiêu khác”, sau khi nhận cái giá phải trả là “để cười cho tất cả thế gian”. Còn với dân ta, nạn can qua đã khỏi, bắt dân chinh chiến kéo dài phỏng có lợi gì đâu:
Họ đã tham sống sợ chết mà hoà hiếu thực lòng
Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.

Rõ ràng sợi dây nhân nghĩa, vì dân, an dân là mục tiêu khởi sự cũng là cái đích cuối cùng. Trong sự nghiệp ấy, Lê Lợi đã biết dựa vào dân mà có trong tay lực lượng “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới”. Chính trong thử thách mất còn này, dân và vua, quân tướng đã chia bùi sẻ ngọt “Tướng sĩ một lòng phụ tử”. Có thể nói: Chiến thắng của Lê Lợi là chiến thắng của nhân dân, chiến thắng của quan điểm “dân là gốc”. Trong quan điểm nhất quán này còn có niềm tin sâu sắc vào sức mạnh vô tận của nhân dân “Vả lại, mến người có nhân là dân mà chở thuyền và lật thuyền cũng là dân” (Chiếu răn dạy thái tử).

Chù nghĩa xã hội cách Nguyễn Trãi trên dưới năm trăm năm, như đọc thơ văn ông, ta thấy ức Trai không hề xa lạ. Chẳng qua là: ước mơ  của tiên sinh đến thời đại ngày nay mới được hiện thực hóa. Nhưng ngay từ thời đại mình, Nguyễn Trãi đã biết “tiên ưu” - lo trước cái lo của thiên hạ. Đó chính là  bậc chính nhân rường cột một thời “Chăn dân mà lo mất lòng dân” (Gương báu răn mình) và:
Suốt đời ôm nỗi tiên ưu mãi
Đêm lạnh quàng chăn ngủ chẳng yên.
(Đêm đậu thuyền ở cửa biển có cảm xúc - bài II)

Cuộc đời Nguyễn Trãi nếu không có cái án “Lệ chi viên” thì đã tránh cho dân tộc ta một ân hận không cùng. Một con người là hóa thân ( bao nhiêu tư tưởng sáng ngời, một nhân vật khác thường) cuối cùng phải gánh chịu một oan ức đời thường. Song, về một phương diện nào đó, chính vì thế mà tư tưởng, tâm hồn và tài năng lớn ấy kí thác trong Cáo Bình Ngô đã và sẽ còn khả năng trường tồn, bất tử. Bởi lẽ những điều Ức Trai viết ra bằng máu của mình chính là lời mà dân tộc phát ngôn bằng hành động cùng với tiên sinh tạo dựng nên một thời vàng son trong lịch sử.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây