Thơ văn Trần Tế Xương gồm hai mảng lớn: Trào phúng và trữ tình. Nhưng hai mảng không tuyệt đối ngăn cách. Có bài hoàn toàn là đả kích, châm biếm. Có bài thuần như trữ tình. Nhưng thường châm biếm. Sâu sắc đều có ẩn chất trữ tình. Ngược lại, trữ tình thấm thía cũng pha chút cười cợt theo thói quen trào phúng.
Trong văn thơ Trần Tế Xương cũng có một mảng thơ lấy đề tài bản thân mình hoặc vợ con. Đây là một bằng chứng cho sự bế tắc cùng cực trong tâm trạng nhà thơ. Tú Xương có một nỗi bất mãn lớn đối với xã hội thực dân phong kiến buổi giao thời. Đả kích nó, Tú Xương đã từng làm, nhưng đối với nó chỉ có đánh đổ, điều ấy Tú Xương không có sức. Cho nên đến một lúc, ông cảm thấy bế tắc. Bấy giờ ông quay về cắn rứt bản thân mình và cả vợ con mình, ông cũng đều lôi ra để cười cợt. Nào là bố làm quan con làm lính, nhưng quan ấy ăn lương vợ. Nào là đi làm thầy đồ dạy con bà chủ rồi cãi vã với bà chủ, té ra bà chủ là vợ, thầy đồ là chính mình. Nào là vợ đang sống mà làm văn tế vợ... Giọng điệu cũng là cười cợt nhưng nhìn kĩ vào trong thì có khi đó là cười ra nước mắt. Ở những chỗ này, trào phúng và trữ tình lẫn lộn.
Thương vợ là một bài nằm bên cạnh mảng thơ văn này. Nó nhiều chất trữ tình nhưng không phải trào phúng đã vắng bóng.
Ngày xưa các tác giả thường ít nói về vợ mình. Có nói đến thì phần nhiều là khi vợ đã qua đời. Thỉnh thoảng mới thấy nói đến người vợ đang còn sống. Cố nhiên cũng để ca ngợi đức “thờ chồng” của các bà. Nghĩa là các ông có thương vợ nhưng là thương trong tư cách một ông chồng phong kiến, theo quan điểm phu phụ của Nho giáo. Ví dụ: Các bài Được thư và quà vợ gởi của Cao Bá Quát, Giã vợ nhà đi làm quan của Phan Thanh Giản, Đưa vợ về Nam của Nguyễn Thông. Thậm chí một chí sĩ như Huỳnh Thúc Kháng, khi ở Côn Đảo gửi thư về cho vợ, cũng không thoát khỏi khuôn khổ của lễ giáo phong kiến, mặc dù tình cảm đặc biệt thiết tha.
Tú Xương không hề giống những người ấy trong bài thơ này. Cho nên bài này có một vị trí riêng biệt trong “thơ văn thương vợ” cùng loại.
Tú Xương miêu tả cảnh làm ăn tần tảo của vợ, thấu hiểu công lao khó nhọc, sức đảm đang lớn lao của bà, và tự nguyền rủa mình là đồ vô dụng, đã không giúp được gì mà còn làm gánh nặng cho vợ. Từ đó, Tú Xương bộc lộ lòng thương vợ của mình khi biết nghĩ lại, mong chuộc tội đối với người vợ kính yêu.
Tinh thần của bài thơ là một lời tự rủa mình chân thành. Sự sám hối ấy lúc đầu kín đáo, về sau bộc lộ, cũng như ban đầu lời thơ là lời tác giả, nhưng về sau lại ra lời vợ mình, và theo thói quen đều pha chút hóm hỉnh.
Câu 1, 2:
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng
Mom sông là chỗ đất nhô ra dòng sông, cũng là một địa điểm phía Bắc thành phố Nam Định; ngày xưa đó là nơi trên bến dưới thuyền, các địa phương đổ về buôn bán. Bà Tú buôn gạo ở đó.
Thế là quanh năm bà làm ăn ở đó và nuôi được cả gia đình, trong đó, không kể bà, còn có ông Tú và năm con.
Thơ văn ông, sinh thời, chưa hề được in. Mãi về sau, mới có người sao chép lại cho nên có khi đầu đề là do họ đặt vào. Cho Thương vợ là đầu đề của ông Tú nêu ra, thì hai câu phá, thừa như vậy là hợp cách: hai câu đầu nói về vợ. Chẳng lẽ nuôi con và nuôi chồng lại là người nào, không phải vợ? Và chữ thương đã lấp ló, rõ nhất là đằng sau các chữ quanh năm và nuôi đủ. Ông Tú làm thơ, có vẻ như chơi nhưng tài nghệ nghiêm túc là như vậy. Huống gì ở đây, nào phải chuyện đùa. Không phải chuyện bẫy tình của con người là điều nghiêm trọng, đây lại là thương vợ, thương người bạn trăm nặm, mối tình rất thiêng liêng. Con người vốn có khiếu hài hước lại hay cười, nhưng phải xếp cái đó lại, xếp lại mà có lúc cứ tòi ra. Đi sâu vào câu thơ mà xem.
Có người đào xới nhiều quá ở chữ quanh năm. Đúng là bà Tú làm ăn quanh năm ở chốn này. Quanh năm thì nói quanh năm, có cách nào khác? Nhưng cũng là nói nỗi vất vả không ngơi ngày nào. Chính chữ mom sông mới làm cho nỗi vất vả thêm cái thế cheo leo, không vững vàng gì. Mom sông mà lại! Tức là một địa thế thừa của đất liền ba bề là nước, đổ ùm xuống sông lúc nào không biết chừng. Đó là khái quát không gian và thời gian làm ăn của bà Tú, cả cái tinh thần của việc làm ăn ấy; vất vả và cheo leo. Bà Tú buôn. Để làm gì? Để nuôi chồng nuôi con. Ngày xưa nhà nho dành cho phụ nữ một công thức nhân sinh rất đơn giản: thờ chồng nuôi con. Nói đúng ra thì đó là phụ nữ từ tầng lớp trung trở lên, chứ như trong vòng nhân dân lao động với nhau thì “chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”, cái việc gọi là thờ chồng chẳng qua là chuyện chịu an phận phục tòng. Với bà Tú chắc là có việc thờ chồng. Thờ chồng bao hàm cả nuôi chồng. Đó là tình hình bất công của xã hội, nhưng, đứng về đức độ phụ nữ thì phải khen sức đảm đang tháo vát của người vợ. Đó cũng là chuyện bình thường. Cái không bình thường là cái đếm số. Giá như tính gộp và nói là sáu miệng ăn thì tuy một mình bà Tú mà cáng đáng đến chừng ấy túi đựng cơm, cũng đã là nhiều, và trên đời nhiều chị em cũng gặp cảnh ấy. Đằng này thì đếm hẳn hoi: năm con với một chồng. Đặc biệt là tách ông chồng ra và đếm là một. Chỗ này Xuân Diệu có một ý rất hay: té ra ông chồng này cũng phải được nuôi, tựa hồ cũng bé bỏng như lũ con nên cũng đếm ngang hàng với chúng nó: 1 miệng ăn, 2 miệng ăn... Mà nuôi ông đâu phải như nuôi con. Cơm đã đành, có khi phải có tí rượu cho ông ngâm nga câu thơ; áo đã đành, có khi phải có bộ cánh cho ông đi ra đi vào với bè bạn, chứ nào phải để cho ông “bứt sốt nhưng mình vẫn áo bông” và “một đoàn rách rưới con như bố”; lại có lúc phải cho ông trong túi xỏng xảnh ít tiền, gặp bạn gặp bè có chén trà chén rượu... Ấy thế mà nuôi đủ. Tức là đủ cả, về số lượng lẫn chất lượng, tức không phải chỉ nuôi mà còn cung phụng.
Té ra cái hiện thực bà vợ nuôi cả con lẫn ông chồng này lớn quá. Mới khơi ra ở câu đề mà đã quá dồi dào, kì lạ nữa. Nhưng đó cũng chứng tỏ ông chồng có thấu hiểu và biết đánh giá một cách xứng đáng công lao của bà vợ. Như vậy là thương vợ.
Chưa hết. Trong quan hệ vợ chồng theo cái giềng mối thứ ba của Nho giáo thì ông cũng đã đặt bà lên trên cao, còn khiêm tốn và kín đáo hạ mình xuống rất thấp, ngang hàng... với con. Ôi! Cái chữ một chồng sao mà tai quái thế! Nó Tú Xương làm sao! Trước hết, đặt chữ một trước chồng là y như triệt tiêu cái đấng gọi là chồng. Đã là một trong hệ thống tính năm với một, thì đó chỉ là con số như mười con số trong cách tính thập phân, rất trừu tượng, để chỉ một miệng ăn, còn chồng trở thành hoàn toàn vô nghĩa. Sâu nữa, một chồng nghe như là một thứ nghịch lí: chẳng lẽ có hai ba chồng hay sao mà gọi một chồng? Đó cũng là một cách ông chồng có đó mà cũng coi như không có. Vậy thì cái đấng ông chồng phu xướng phụ tòng của đạo thánh hiền ở đâu rồi? Cái ông chồng nhiều phen đã “vuốt râu” “quắc mắt” đã huênh hoang “Tiền bạc phó cho con mụ kiếm. Ngựa xe chẳng có lúc nào ngơi” đã ra làm sao rồi? Không dám nói ông Tú đã cách tân sửa đổi gì, nhưng chắc chắn đó là một cách tự trách mình rất kín đáo, khá hóm hỉnh, nhưng nghĩ lại cũng rất tội nghiệp. Âm thầm tự trách mình như vậy không phải là thương vợ sao?
Câu 3,4:
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Trích dùng một điển hình ở cửa miệng dân gian về thân phận phụ nữ lao động ngày xưa: “Con cò lặn lội bờ sông...”. Eo sèo chỉ sự nói đi vặn lại, có ý bất bình. Nếu thân cò ở câu trên là c và lặn lội là v thì ở câu dưới mặt đất và eo sèo cũng giữ những chức năng tương đương. Vậy mặt nước eo sèo có nghĩa thế nào? Chỗ này có liên quan đến buổi đò đông. Đò đông có thể hiểu hai cách: một là đò ngang đã chở đông người; hai là đò các nơi tập hợp lại đông. Có thể hiểu cả hai cách cũng vẫn phù hợp với ý định lột tả cái khó nhọc và gian nan, nguy hiểm trong cảnh kiếm ăn của bà Tú. Cho nên câu Eo sèo mặt nước buổi đò đông có thể hiểu là: trên sông trên nước, gặp chuyến đò đầy, kẻ eo người sèo nhưng bà Tú cũng tranh đi cho kịp buổi bán buôn; hoặc là: trên sông trên nước, trong những buổi đò thuyền đông đúc, người buôn kẻ bán eo sèo giành giật, bà Tú cũng len lỏi vào để kiếm mối tìm hàng.
Hai câu thực miêu tả nỗi vất vả cực nhọc của bà Tú trong việc làm ăn: lúc thì một mình lặn lội đường xa quãng vắng, khi thì cãi vã giành giật ngay trên sông nước với những chuyến đò đông.
Con cò trong ca dao là một sự lựa chọn hình tượng rất nghệ thuật. Con cò trong cảnh đi kiếm ăn mặt ruộng bờ sông trông đã tội nghiệp: gầy lêu khêu, bước lững thững, một thân một mình. Lấy nó tiêu biểu cho người phụ nữ lao động tảo tần, một nắng hai sương, lếch thếch, thui thủi, vì chồng vì con, lại càng tội nghiệp. Tú Xương đi xa hơn. Ông không so sánh, ông đồng nhất con cò với thân bà thành thân cò. Tấm thân mảnh dẻ như thân cò của bà Tú mà phải nắng sương tất tả thì đã là gian nan, tội nghiệp. Dân gian vốn ái ngại bao nhiêu cho “thân gái dăm trường”. Mà đó mới là ái ngại cho thân gái một mình trên đường xa. Còn đây bà Tú lại phải lặn lội. Nghĩa đen của từ này cũng gợi ra đầy đủ cái vất vả khó nhọc trong nghĩa bóng. Bà có đi chơi đâu, bà đi làm ăn. Đi làm ăn chẳng lẽ tay không. Không biết có phải nghĩ đến chuyện bà phải gánh gồng, hay tay xách nách ôm không nhỉ? Vượt lên trên tất cả những cái tủn mủn cụ thể ấy, lấy ý nghĩa thường là tượng trưng của chữ nghĩa thơ xưa mà nói, thì cũng không sao không thấy tất cả những nỗi gian lao cực nhọc của bà. Tấm thân cò ấy lại lặn lội trên quãng vắng đường xa. Nói quãng vắng là tự nhiên nổi lên cái lẻ loi, hiu quạnh, lúc cần không biết đâu mà tựa nương, chưa nói đến cái hiểm nguy bất trắc đối với thân gái một mình... Có ai học được chữ ngờ?
Tuy vây, cái khổ đâu phải chỉ ở tấm thân cò cụ thể. Cái khổ còn ghê gớm hơn bởi vì đó là cái khổ của cả một số kiếp, của thân phận một con người. Bên cạnh cái khổ vật chất còn có cái khổ tinh thần. Vì chồng con mà lặn lội dường xa quãng vắng, nhưng chồng con có biết cho đâu? Và như vậy cho đến hết kiếp suốt đời... số phận bà Tú là vậy. Số phận của phụ nữ ngày xưa là vậỵ. Câu thơ miêu tả mà đầy chất trữ tình, nghe tội nghiệp một cách kì lạ. Ông Tú tỏ ra thấu hiểu nỗi khó nhọc của vợ mình, và thương vợ một cách đằm thắm đấy chứ!
Câu tiếp theo lại là một cảnh làm ăn khác. Vắng vẻ đã khổ vì quạnh hiu, đông đúc lại mệt vì eo sèo. Đông người ít chỗ, ít hàng mà muốn được đi, muốn được mua, ắt phải chen lấn, tranh giành, cãi cọ, eo sèo. Nếu là chuyến đò đông thì đã hiểm nghèo. Mẹ thường dạy con: “Ra đi, mẹ dặn lời này: Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua”. Nhưng dù là đò ngang hay đò dọc buôn hàng thì sự việc đều xảy ra trên mặt nước. Mà chỗ sông nước không phải là chỗ của đàn bà con gái, ở đó là nặng nhọc, hiểm nguy. Ấy mà đó lại là nơi làm ăn, đó là cách làm ân của bà Tú: hiểm nguy không sợ, nặng nhọc không từ. Còn cái này nữa: không sợ chút tai tiếng nào cả. Mình ít ra cũng là gia đình nền nếp, lễ nghĩa, có buôn có bán thì cũng thành hàng thành họ, nói năng, đối xử làm sao có thể xô bồ như kẻ ở ngoài chợ!
Như vậy là ông Tú hiểu thấu cả hai mặt làm ăn của bà Tú. Khi quãng vắng, buổi đò đông, bà đều vất vả khó nhọc, không kể gian nan, không quản thân mình, một lòng vì chồng vì con. Bà Tú mà nghe được những lời như thế chắc cũng thấy gánh nặng trên vai mình nhẹ đi một phần, và trong thâm tâm chắc cũng được an ủi.
Ông Tú nào phải chỉ có thấu hiểu. Những hai lần, ông đã nêu ra những trường hợp hiểm nghèo. Kinh nghiệm ở đời cho thấy không thể để người phụ nữ phải lâm vào những cảnh đó: thân gái đường xa, đàn bà trên sống nước. Ca ngợi sự hi sinh dũng cảm thì đúng rồi, nhưng cứ để tư nhiên cho vợ mình xông pha vào những cảnh gian nguy chỉ có thể dành chọ người làn ông như vậy mà yên tâm được hay sao? Không, ông Tú nào có thản nhiên. Ngay cái giọng điệu trữ tình lồng trong hai câu tường thuật - miêu tả ấy (câu 3, 4) cũng tỏ ra tim ông không phải dửng dưng. Làm sao không nghe cái vang vọng mà hai câu này gợi lên trong tâm hồn người làm thơ? Sao lại đê cho vợ mình đến nông nỗi vậy? Làm sao không thấy thấp thoáng đàng sau cảnh tình hai câu ấy một câu hỏi rất nhân tình, rất đạo lí: Quãng vắng đường xa, eo sèo mặt nước, vậy chứ mình là chồng, mình ơ đâu? Thương cho vợ nhưng cũng là tự trách mình. Không phải tự coi mình chỉ còn là một miệng ăn như ở trên. Đây là hổ thẹn, thấy mình có gì nhân tâm. Tự trách mình như thế cũng là thương vợ thêm sâu. Chưa kể theo phong cách cố hữu của mình không phải không có bóng dáng hóm hĩnh trong hình ảnh thán cò và âm thanh eo sèo, mặc dù rất kín đáo.
Câu 5,6
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Lại cũng vận dụng một thành ngữ, một câu ca dân gian khác: “Vợ chồng là duyên là nợ”, “một duyên hai nợ ba tình...” “Chồng gì anh, vợ gì tôi. Chẳng qua là cái nợ đời chi đây...” Duyên vốn là một khái niệm nhà Phật nhưng được dân gian hóa. Bỏ đi mọi cái rắc rối vô ích thì vợ chồng gặp nhau là do đâu từ kiếp trước hoặc có duyên thì tốt đẹp hạnh phúc, hoặc do nạ thì đau khổ một đời.
Có lẽ đây là ông mượn lời bà suy nghĩ: lấy chồng như thế này thì cũng là duyên hoặc là nợ thôi, số phận đã thế thì cũng đành thế. Cho nên có khố cực bao nhiêu (năm nắng mười mưa) cũng phải chịu, phải lo, chẳng dám tiếc công.
Vẫn cứ coi đây là lời ông Tú thì đây không còn là chuyện thân nữa, dù là thân cò, mà đã là duyên phận rồi. Trên kia có bàn đến cái khổ của tấm thân cò ấy là cái khổ của cả một kiếp một đời. Đây là nâng lên cao hơn: đó là số phận. Nghĩ mà thương. Lấy được chồng học hành, mong đỗ đạt cao, ông nghè ông cử, võng anh đi trước võng nàng theo sau không xong, thì thôi được chút bà Tú, không đến nỗi kém em kém chị gì lắm cũng tạm được. Nhà lại có cơ ngơi, phố phường, chẳng chân lấm tay bùn gì, cũng là mát mặt. Gọi là duyên may cũng được đó chứ! Nhưng rồi vật đổi sao dời, cửa nhà sa sút dần, chồng lại dở dở ương ương, chẳng nghề chẳng ngỗng gì, lại phết phong lưu không bỏ, con cái thành đàn, tất cả đều trút lên vài bà. Như thế còn gì mà không phải là nợ? Ôi! Lấy vợ lấy chồng, người ta bảo là duyên là nợ, nghĩ đúng thật, số phận nó như thế, cũng đành thôi, chứ biết làm thế nào! Cái số kiếp con gái đàn bà nó như thế. Như tấm lụa, như hạt mưa, như con thuyền trước mười hai bến nước, như cơm nguội lúc đói lòng... Trách làm sao được! Phải trả cho xong cái nợ đời này. Còn kể gì gian lao, còn quản gì mưa nắng! Ôi! Đức ông chồng ơi! Em xin gánh chịu tất cả, em xin cúi đầu trước số phận. Ông cứ yên tâm!
Trên kia có rao trước là hãy cứ coi như lời ông Tú. Nhưng vừa rồi là cái đà phân tích đã đẩy cây bút chuyển sang lời bà Tú một cách tự nhiên không sao ghìm lại được. Có sức mạnh gì bên trong câu thơ? Đúng là vì lời thơ với sức mạnh nội tại của nó đã quyết định khuynh hướng ấy: đó rất ít còn là lời ông Tú, dù là lời thương yêu đến mực, mà đã là lời ông Tú hóa thân thành bà Tú, nay đã nhập vào vai bà Tú mà nói lên ruột gan của bà. Nói đến duyên nợ là đã có gì bất bình, oán trách, thì lời ông nói cho bà cũng được, nhưng là lời của đích thân bà thì tình cảm thấm thía hơn nhiều. Còn những chữ một, hai, năm, mười nữa. Tại sao trong bài này có nhiều lần đếm số thế? Năm con, một chồng, một duyên hai nợ, năm nắng mười mưa? Đành rằng một hai và năm mười không có nghĩa xác định hẳn hoi như năm con, một chồng. Phải chăng bài thơ dù sao cũng có ý nghĩa tính công? Bà không tính nhưng ông tính. Bà không tính vì bà đành phận, nhưng ông tính vì ông thương. Lại thêm mấy nhóm từ âu đành, dám quản. Âu đành là một sự bất đắc dĩ, xếp lại, nén xuống những gì bất bình, tủi nhục. Dám quản tức không dám quản gì đến công lao, là thái độ bề dưới, gánh chịu mọi sự nhọc nhằn, bất hạnh. Những từ ấy rõ rệt là của bà Tú, sau khi trách móc, bực mình, đã dằn lòng an phận, bao nhiêu gian lao vất vả, bao nhiêu đau khổ, buồn rầu đều đẩy vào trong, nhẫn nhục một cách anh hùng trong im lặng. Thêm âm thanh của từ phận ở cuối câu, vừa tối, vừa khép lại, càng làm cho câu thơ khép lại như có gì gói kín, phù hợp với sự dồn ép vào trong của cả câu. Như thế còn gì mà không phải là lời của bà?
Thương vợ mà nói mình thương cũng đã quý, nay không những nói mình thương mà còn nhập thân vào vợ để lắng hết nỗi niềm uất đau của vợ, và nói ra bằng lời thật cân xứng, như vậy mà thương không sâu sao?
Đó là thương vợ, còn tự trách mình?
Trong các câu đề và thực đã vừa có thương vừa có tự trách, nhưng lời tự trách đang ẩn đằng sau. Không kể ở câu đề đang còn là nói chung, hai câu thực chưa thật liên quan trực tiếp đến ông Tú, lời tự trách mới chỉ có thể nhận thức bằng suy luận, chủ yếu bằng cảm thụ nghệ thuật. Sang hai câu luận này sự liên can là rõ ràng. Trong cảnh vợ chồng mà vợ phải lôi ra những chuyện duyên nợ rủi may hồi mới lấy nhau thì chắc đó không phải chỉ là chuyện mình bà vợ, ông chồng nhất định có liên can. Nỗi gì mà bà phải dằn vặt vì duyên vì nợ, nếu ông không có trách nhiệm trong đó? Mà nào phải giận duyên tủi phận rồi bà làm vung lên thì đã một lẽ. Đằng này bà khốn khổ với số kiếp nhưng rồi bà cắn răng nuốt nước mắt. Nghĩa là bà cam nhận cái nợ ba đời mà bà phải còng lưng kéo cày để trả. Vậy còn gì mà không rõ ra là ông chính đã gây ra cái nợ ấy, chính ông là cái của nợ. Trời ơi! Còn gì khổ tâm bằng! Ngồi không làm một miệng ăn cho vợ nuôi, điềm nhiên khi vợ ngược xuôi tần tảo, nghe cũng đã có gì bất nhẫn. Nay vợ oán trách tủi giận mà quy tất cả cái số phận bất hạnh ấy cho mình ông chồng còn làm sao không thấy tội lỗi lớn lao của mình?
Tự trách đến như vậy, lòng thương đã kèm thêm ý thức trách nhiệm. Không lạ mà từ đứng ngoài tường thuật hay miêu tả ở các câu trên, ở câu này, tình cảm buộc ông phải lấy lời bà thì mới nói hết được.
Câu 7,8
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững củng như không.
Bà Tú oán trách tủi giận đến thế, ông Tú tự trách mình đến thế thì đúng là lúc phải văng ra câu chửi độc này. Chắc với thái độ an phận như trên, với phẩm chất của bà, bà Tú không đến nỗi lăng loàn đến vậy, mặc du người ta vẫn có thể hiểu rằng: mọi sự dồn nén rồi có lúc phải bùng nổ. Vậy đây là lời ông Tú tức uất giùm cho bà. Có thể coi là kì lạ không? Độ sâu của sự tự trách mình đến đâu! Nhận lấy hết tội lỗi chưa đủ. Nguyền rũa mình bằng câu chửi đỏng mới thấm thìa với tội lỗi. Lại chẳng dè dặt gì với chữ nghĩa, dùng luôn tiếng chửi: Cha mẹ thói đời.
Bà Tú cũng không kết luận là ông ăn ở bạc, nhưng ông thì gọi đích danh tội mình ra như vậy. Vợ chồng với nhau mà ông ăn ở như vậy còn gì mà không phải là ăn ở bạc? Người ta hết tình hết nghĩa với mình mà minh thì chẳng những không biết cho lòng người ta, cho công người ta, mà đối xử lại phũ phàng, đó là ăn ở bạc. Khối gì đấng ông chồng phong kiến, đã vợ lo cho ăn, cho chơi mà rồi còn hạch sách, chửi mắng, đánh đập vợ, y như một tên bạo chúa trong nhà. Người ta không nghĩ rằng ông Tú đã tệ bạc đến vô lương tâm. Ngay những lúc “vuốt râu”, “quắc mắt” ra bộ ta đây là bề trên, trong lòng ông Tú vẫn dành cho bà một nỗi yêu thương, kính mến, coi bà như chỗ dựa. Nhưng đúng là sau khi đi sâu vào công việc làm ăn vất vả của bà, thấy mình quá vô lo, vô trách nhiệm, quá nhẫn tâm, ông chỉ còn có kết án mình thật nặng như vậy mới mong muốn một chuộc lại được tội lỗi tầy đình của bản thân đối với người vợ đáng kính, đáng phục.
Ông lại không nói trực tiếp là mình ăn ở bạc, nhưng còn ai vào đây nữa. Ông lại khái quát nó thành thói đời. Thói đời đen bạc là đặc trưng của xã hội đồng tiền. Xã hội giao thời của thực dân phong kiến ở thành thị thời Tú Xương lại còn tệ hại hơn. Ông muốn coi cách ăn ở phụ bạc là thói đời để giảm nhẹ tội mình chăng? Không phải. Ông Tú thì muốn lên án mình rất nặng, nhưng đây phải tiếp tục khí văn ở câu luận để cho thành lời của bà Tú. Đã là lời chửi đổng thì không thể nào để thành chửi thẳng vào ông, mà phải khúc xạ qua cái thói đời khách quan, khái quát cho phù hợp với đạo đức phẩm chất của bà, với thái độ chịu đựng ở trên. Cha mẹ cái thói đời đen bạc! Nó là vậy, tràn đìa ra đây, đâu phải chỉ mình 'mình gặp phải người đen bạc! Có chồng như vậy coi cũng như không.
Câu kết cuối cùng là một sự phán xét vô cùng đau đớn, nhưng cũng rất công minh. Ông Tú xỉ vả mình là ăn ở bạc, nhưng xét ra cái bạc ấy chỉ là cái hờ hững. Hờ hững trước mọi việc nhà, trước mọi lo toan, vất vả, trước sự cam phận nén lòng của vợ. Vợ chồng chung sống, trăm sự cùng lo mới phải. Bà Tú cũng không đòi ông vất vả như bà, Bà mong ông đừng hờ hững, ông lo cho chút ít, trên hết ông biết cho bà, như thế cũng đủ cho bà ấm lòng và tăng sức mạnh. Nhưng ông thì như một mực hững hờ. Cho đến hôm nay, làm bài thơ này, ông mới thấy mình có tội. Chồng hững hờ như thế thì có cũng như không. Cả bài thơ rút lại ở ý này. Ở câu đề, ông chồng có với tư cách là một miệng ăn phải nuôi. Ở câu thực, câu luận, ông chồng vắng bóng, ẩn ra đằng sau. Đến câu kết, ông hiện diện nhưng để được đánh giá là có cũng như không. Đó là nỗi đau khổ của bà. Đó cũng là điều ông tự trách ông. Đau khổ của bà, tự trách của ông chung quy cũng là niềm thương của ông đối với bà, niềm thương vợ. Có điều bài thơ chấm dứt trong âm điệu não nùng của từ không lại càng làm tăng nỗi đau khổ trong lòng vợ và ai oán thêm niềm tự giận mình trong tim chồng. Mình có đó, hiện diện trên đời này hẳn hoi, ngày cơm ăn ba bữa, trong họ ngoài làng gọi ông Tú rành rành, thế mà coi như mình không có, không tồn tại, dù là mới trong phạm vi gia đình, chắc ông cũng lấy làm đau đớn, sỉ nhục, nhưng đồng thời cũng là rất can đảm, rất trung thực. Lại vẫn có phong cách Tú Xương ít nhiều ở đây. Dù không nói quá cũng nói gắt gao, ráo riết.
Nằm ở giao điểm của trào phúng và trữ tình, chủ yếu là trữ tình, bài thơ này nội dung, hình thức đều có nhiều tầng nhiều lớp. Thấu hiểu cảnh tình của vợ, thương vợ, trách mình cũng đó. Lời của ông, lời của bà cùng một câu, vừa là lời bà vừa là lời ông cũng một câu. Tất cả rồi cũng đi đến kết luận chung là thương vợ đằm thắm, chân thành. Viết về vợ trực tiếp có ba bài thì bài này nghiêm trang nhất và cũng sâu sắc nhất.
Tú Xương làm thơ có khi đem đọc cho vợ nghe. Bài Dán câu đối Tết là một bằng chứng: Ông “viết vào giấy dán ngay lên cột, Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay”? và bà đáp: “Rằng hay thì thật là hay. Không hay sao lại đỗ ngay tú tài”! Không rõ làm xong bài này ông có làm như vậy không. Nếu có thì tin rằng, ông đọc đến đâu bà gật gù đến đó, và đến câu kết thì bà cười xòa, nở gan nở ruột, mắng yêu ông: Cái ông này, nói quá, em đâu dám!
Có lẽ Tú Xương cũng không định đặt vấn đề gì lớn, chỉ nhân thương vợ, nghĩ mình như vô dụng trong việc nhà, mà viết ra. Nhưng vì thương sâu xa, nghĩ trung thực nên vô hình trung đã khơi ra mấy vấn đề quan trọng. Bài thơ vốn là một lời cảm khái, tự trào, lấy cảnh gia đình riêng làm phạm vi, bỗng dưng đượm một ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đối tượng miêu tả là một con người cụ thể, nhưng xuyên qua đó là hình ảnh khái quá của người phụ nữ ngày xưa. Thương chồng thương con rất mực, một đời tần tảo lo cho chồng cho con, gian lao, vất vả nhưng yên lặng hi sinh cam chịu số phận. Đức hi sinh, dũng cảm ấy thật là cao cả, nhưng thái độ an phận kia là tàn tích của lễ giáo phong kiến bất công, độc ác không còn phù hợp với ngày nay. Tú Xương không đi xa lắm ở lĩnh vực này nhưng không phải không có chút phản ứng nào. Tú Xương có nói đến an phận nhưng ông cũng có lời phản kháng, dù đó mới là lời chửi đổng, và chửi đổng vào cái thói đời tức là cái lễ giáo nhà Nho đã thể hiện thành nếp sống xã hội, cái nếp sống cho phép người đàn ông được sống trên lưng vợ mình một cách vô cùng bất công, phi nhân đạo.
Hơn nữa, Tú Xương lại công khai xỉ vả người chồng là mình, nào là thứ ăn hại, vô tình, vô lo, nào là nhẫn tâm, bạc bẽo, có cũng như không. Như vậy khác gì ông đả kích vào cái kỉ cương phu phụ trịnh trọng và cứng rắn của nhà Nho từ nghìn xưa? Ở chỗ này, Tú Xương ít nhiều đã trở về với nhân dân, với cái lương tri lực lưỡng của người lao động, nên đã thấy được, nói đúng hơn, đã hổ thẹn với cái quan hệ phong kiến bất công vô nhân đạo.
Và trùm lên tất cả vẫn là cái phong cách không lẫn lộn được của ông. Đã nói cái gì là sát gốc, tận cuống tận đầu, ráo riết, mãnh liệt, ở ông người ta đã biết là không có cái lưng chừng, cái nửa giọng, cái nhàn nhạt. Và dù cho nghiêm trang bao nhiêu, theo thói tật, cũng pha vào đó chút hương, chút vị hóm hỉnh. Mom sông, một chồng, lặn lội thân cò, eo sèo mặt nước, ăn ở bạc, có củng như không là vậy. Lời ông nhưng sao nghe như lời bà, đâu là lời ông đâu là lời bà, lẫn lộn nhưng mà phân biệt, chỗ nào là thương vợ, chỗ nào là tự trách mình, không nói ra nhưng mà lộ rõ, cũng là vậy.
Đọc đến bài thơ này làm sao không đại xá cho nhà thơ tài tình của đất Vị Xuyên? Cứ gì một mình bà Tú!