Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Người xưa muốn nhắn nhủ gì qua câu: Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng

Thứ hai - 09/03/2020 11:39
Nhân dân ta có truyền thống đoàn kết từ bao đời nay, truyền thông đó đã làm nên những trang sử vẻ vang trong các chặng đường lịch sử. Vì thế, người xưa muôn nhắn nhủ chúng ta phải kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp đó, lời nhắn nhủ ấy vang vọng trong câu ca dao:
Người xưa muốn nhắn nhủ gì qua câu: Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Hình ảnh “nhiễu điều”“giá gương” luôn đi đôi với nhau và là một biểu tượng của sự đoàn kết, chung sức và gắn bó, “nhiễu điều” là tấm vải đỏ dùng để che phủ “giá gương”. Để cho tấm gương trên giá gỗ được sáng trong thì tấm vải đỏ này phải hứng chịu bao nhiêu bụi bặm. Tuy thế, “nhiễu điều” phủ trên giá gương thì sẽ tăng thêm cái rực rỡ nổi bật của mình.

Từ hình ảnh đó, người xưa muốn nhắn nhủ mọi người trong xã hội: phải đoàn kết, thương yêu và gắn bó với nhau, không sống đơn độc một mình như một ốc đảo giữa biển khơi. Chúng ta là người một nước phải xem như một đại gia đình dân tộc Việt Nam. Hơn nữa tổ tiên chúng ta được sinh ra từ một cái bọc trứng của mẹ Âu Cơ, mang dòng máu Lạc Hồng. Nên các dân tộc trên đất nước ta đều là anh em, cùng chung máu thịt. Và đặc biệt, chúng ta cùng chung một người Bác: Bác Hồ kính yêu.

Người là cha, là Bác, là anh
Trái tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ.

Bởi thế, chúng ta cần phải thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết, chung sức chung lòng để tạo nên sức mạnh trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, khắc phục hậu quả của thiên tai, phòng chống các tệ nạn xã hội. Noi gương người xưa, chúng ta đà thể hiện được lòng nhân ái:

Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.

Chúng ta không thể nào quên những thiệt hại mà nhân dân miền Trung phải gánh chịu do những cơn bão lũ hoành hành, nó để lại biết bao nhiêu cảnh màn trời, chiếu đất, đói ăn, thiếu mặc, bệnh tật,... Nếu như không có sự thương yêu đùm bọc, giúp đỡ của đồng bào cả nước thì làm sao nhân dân miền Trung vượt qua những khó khăn do thiên tai để lại. Thật xúc động với những hình ảnh ủng hộ đồng bào bị bão lụt, tấm lòng “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” của mọi tầng lớp trong xã hội. Cả nước đều đau cái nỗi đau mà đồng bào bị nạn đang gánh chịu, ủng hộ vật chất, tinh thần, cùng góp sức người, sức của. Nhờ thế, đồng bào bị nạn đã vượt qua được những khó khăn, mất mát để xây dựng lại cuộc sống.

Ngày nay đất nước ta đang trên đà phát triển, đời sống nhân dân ta đã được nâng cao hơn. Chúng ta không chỉ đoàn kết, giúp đỡ những người cùng chung đất nước, cùng chung quốc tịch mà chúng ta cần mở rộng vòng tay bè bạn năm châu, hợp tác đoàn kết để cùng nhau phát triển. Mọi người trên thế giới đều phải yêu thương nhau, xích lại gần nhau hơn, cùng nhau chống chiến tranh và bảo vệ hòa bình.

Tóm lại, bằng những làn điệu ca dao, dân ca rết dễ nhớ, dễ thuộc, người xưa muốn nhắn gửi mọi người phải đoàn kết yêu thương và gắn bó lẫn nhau, cùng nhau “chia bùi sẻ ngọt”, “gánh vác khó khăn” để xây dựng một xã hội tốt đẹp, một thế giới hòa bình.

Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng em thâm thía lời dạy của cha ông để lại qua ca dao, tục ngữ. Chúng em nguyện sẽ thực hiện tốt năm điều Bác Hồ dạy, thực hiện tốt lời nhắn nhủ của người xưa về tinh thần đoàn kết. Có đoàn kết thì mới có thành công, đoàn kết để xây dựng một tập thể vững mạnh, đoàn kết thương yêu nhau để cùng tiến bộ, cùng vững bước vào tương lai tươi sáng đang chờ ở ngày mai.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây