Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Giá trị và ý nghĩa của lời nói trong cuộc sống qua câu tục ngữ: Lời nói gói vàng và Lời nói chẳng mất tiền mua

Thứ hai - 09/03/2020 11:31
Dân gian có câu: Lời nói gói vàng, đồng thời lại có câu: Lời nói chẳng mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Qua hai câu trên, em hãy cho biết dân gian đã hiểu như thế nào về giá trị, ý nghĩa của lời nói trong cuộc sống.
Giá trị và ý nghĩa của lời nói trong cuộc sống qua câu tục ngữ: Lời nói gói vàng và Lời nói chẳng mất tiền mua
Trong xã hội ngày nay, khi sự giao lưu giữa người với người đang ngày càng phát triển thì vai trò của giao tiếp, của những lời ăn tiếng nói hằng ngày càng trở nên quan trọng. Từ xa xưa, cha ông ta đã đúc kết thành kinh nghiệm: Lời nói gói vàng và khuyên bảo nhau:

Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Hai câu nói trên tuy có vẻ trái ngược nhau nhưng khẳng định một điều rằng: ở mọi lúc, mọi nơi, lời nói luôn có một ý nghĩa và vai trò quan trọng.

Vàng là kim loại, là tài sản vật chất. Trong mua bán giao dịch, vàng có giá trị trao đổi như tiền. Câu tục ngữ: Lời nói gói vàng hàm ý so sánh lời nói quý giá như gói vàng, khẳng định ý nghĩa quan trọng của lời nói trong đời sống xã hội. Mặt khác, câu ca dao sau lại bổ sung ý nghĩa cho câu tục ngữ trên:

Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Lời nói rất quan trọng nhưng đó là thứ vô hình và không mất tiền mua, ai ai cũng có. Vậy cần phải nói như thế nào để lời nói đạt được giá trị lớn nhất? Câu ca dao đã bổ sung cho câu tục ngữ về cách thức giao tiếp: Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. “Lựa lời” là biết chọn từ ngữ, chọn cách biểu cảm của gương mặt, ánh mắt... đi kèm để làm đẹp lòng người tiếp chuyện “cho vừa lòng nhau”. Tránh vì những sơ suất không đáng có mà ảnh hưởng tới quan hệ vốn có của mọi người.

Tại sao lời nói lại có ý nghĩa và giá trị lớn như vậy?

Một điều không khó nhận ra là trong đời sống xã hội, lời nói có vị trí rất đặc biệt. Đó là phương tiện để con người giao tiếp với nhau hằng ngày, giúp con người hiểu nhau hơn, nắm bắt được mọi tình hình của xã hội, nhờ đó mà tồn tại và phát triển. Những lời nói phản ánh đúng sự thật giúp con người có nhận thức đúng đắn về thế giới, từ đó có những hành động đúng. Trái lại, những lời nói sai sự thật sẽ mang đến những hậu quả vô cùng tai hại. Mặt khác, lời nói cũng có tác động rất lớn đến tình cảm, cảm xúc của con người. Lời nói dịu dàng, lịch sự khiến người nghe thấy dễ chịu, vui vẻ. Điều đó khiến không khí nói chuyện trở nên thân mật, mọi người xích lại gần nhau, tạo được quan hệ gần gũi, chan hòa. Ngược lại, sự cộc cằn, thô lỗ trong giao tiếp chỉ khiến những người xung quanh khó chịu, bực dọc. Điều đó rất có hại cho quan hệ của mọi người với nhau.

Không chỉ vậy, bản thân lời nói cũng thể hiện nhân cách của người phát ngôn. Dân gian ta cũng từng có câu:

Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.

Những lời nói lịch sự, đúng đắn bộc lộ một nhân cách tốt đẹp, đáng trân trọng. Sự thô thiển, tục tằn chỉ “tố cáo” chủ nhân là một người nhiều khiếm khuyết về văn hóa, đạo đức mà thôi.

Qua hai câu tục ngữ và ca dao, dân gian đã khẳng định ý nghĩa quan trọng và giá trị to lớn của lời nói trong quan hệ xã hội. Hiểu được điều đó, mỗi người cần có ý thức trong lời nói của mình. Lời nói được nói ra phải là lời nói đúng, phản ánh trung thành sự thực; phải là lời nói phù hợp với hoàn cảnh thực tế, khiến người nghe dễ chấp nhận,... Muốn được như vậy, không gì hơn là cần rèn cho mình một nhân cách trong sáng, tốt đẹp; tập cho mình cách nói điềm đạm, bình tĩnh,...

Với học sinh chúng em, việc luyện rèn những lời nói “cho vừa lòng nhau” lại càng quan trọng. Vì chúng em còn nhỏ, cần biết nói năng lễ phép với ông bà, cha mẹ, thầy cô, anh chị,... Mặt khác, việc luyện rèn ấy sẽ tạo ra những thói quen nói năng tốt về sau này, giúp chúng em có được mối quan hệ tốt với bạn bè và những người xung quanh.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây