Đọc bài văn, tôi như cảm nhận rõ tâm trạng, suy nghĩ của mẹ vào đêm trước ngày khai trường của con. Bồi hồi, xao xuyến, bâng khuâng... đó là tất cả những gì mẹ cảm nhận được khi nhớ về ngày khai trường của chính mình. Mẹ hồi tưởng nhớ lại cái ngày mẹ cùng bà ngoại tiến đến ngôi trường và nỗi chơi vơi, hốt hoảng khi cổng trường đóng lại.
Qua những câu văn đầy cảm xúc, tôi hình dung được một cô bé trạc lớp một đang đứng giữa một biển người, mắt hưứng về phía cổng trường - nơi có mẹ cô đứng đó, vẫy tay chào. Nỗi lo sợ không người thân, người chia sẻ sẽ khiến cô bé như mất đi sự tự tin, hoạt bát vốn có. Nhưng phải chăng đó là thử thách khó khăn đầu đời mà cô bé phải vượt qua. Chắc hẳn, sẽ có nhiều người như tôi, cũng xao xuyến khi hiểu được nỗi lòng mỗi người học sinh bước chân qua thế giới mới. Trong tâm trí mẹ lúc này, không còn chút gì là lo lắng cho ngày khai trường của con nữa, tất cả chĩ là câu nói: “Hằng năm, cứ đến cuối thu, mẹ tôi lại âu yếm dẫn tôi đi trên con đường dài và hẹp”. Liệu bạn có bao giờ tự hỏi: “Mình cảm thấy gì trong ngày khai trường đầu tiên?”. Liệu bạn có bao giờ cảm thấy bâng khuâng vì những xúc cảm trong ngày đầu tiên bước vào trường ùa về? Người mẹ đã liên tưởng cảm xúc của mình cách đây mấy chục năm. Bây giờ, tất cả vẫn hiện lên rõ ràng, hệt như mẹ đang ở trong cái ngày đó vậy.
Bài văn thể hiện sự tin tưởng của mẹ đối với nhà trường, đối với thầy, cô giáo. Phải, ai cũng biết: một sai lầm - cả một thế hệ đi sai hướng. Nhưng dâu có được nhiều người quan tâm đến nó như người mẹ này. Bạn có bao giờ nghĩ mình là người như họ. Bản thân tôi, tôi thừa nhận mình thờ ơ với nền giáo dục Việt Nam. Liệu tôi có đủ quan tâm để có thể tạo ra những dòng cảm xúc. Để tìm hiểu, tôi đã hỏi một số người trong gia đình.
Đầu tiên, tôi hỏi bà, bà lại bảo: “Cho đến giờ, bà vẫn thấy giáo dục của Việt Nam tốt đấy chứ. Có gì sai sót đâu?”. Có vẻ bà tôi rất tin vào nền giáo dục hiện nay. Nhưng liệu có một nước nào có thể phát triển mà không có chút sai sót, có chút vấp ngã? Tiếp đến, tôi hỏi người trẻ tuổi nhất nhà: em tôi. Nó lại trả lời: “Em thì thấy nền giáo dục hiện giờ nhiều chỗ sai sót lắm. Nhất là trong việc tuyển chọn giáo viên. Nhiều cô giáo, thầy giáo xấu tính cực kì, cứ như “trù” bọn em ý, toàn điểm kém thôi”. Tôi công nhận, có thể giáo dục còn nhiều chỗ chưa hợp lí như theo nhận xét của em tôi, nhưng đâu phải thầy cô giáo nào cũng thế. Có thể họ cũng chỉ mong muốn chúng ta nên người mà thôi.
Cuối cùng, tôi hỏi mẹ. Và tôi đã có câu trả lời hợp lí nhất: “Giáo dục không phải ngày một ngày hai là có thể hoàn thiện được con ạ. Nhưng chỉ khi chúng ta tin tưởng vào nhà trường - người trực tiếp dạy dỗ các con, họ mới có động lực để cố gắng làm nền giáo dục ngày một phát triển hơn”. Đúng vậy, các bạn ạ. Mẹ luôn là người quan tâm đến giáo dục nhất, luôn là người quan tâm đến ta nhất. Mẹ tôi, cũng như người mẹ trong tác phẩm này, cũng chu đáo, muốn con được sống trong một môi trường tốt đẹp nhất.
Trải qua nhiều thế hệ, ta dường như đã hiểu được điều mẹ mong muốn cho con. Khi dắt con đến trường, mẹ sẽ nói: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”. Phải, người mẹ sẽ đưa con đến cổng trường rồi mới buông tay. Chứng tỏ người mẹ muốn con có đủ động lực để tự khám phá thế giới đó. Mẹ đã cho con hiểu thế giới tươi đẹp đằng sau cánh cổng trường và con sẽ tự mình khám phá nó.
Đọc xong văn bản này, tôi muốn nói lời cảm ơn với mẹ. Mẹ luôn là người ủng hộ con hơn ai hết và mẹ đã thắp sáng cho con ngọn lửa của sự dũng cảm khi con tự mình khám phá thế giới mới. Nhờ tác phẩm này, tôi mới nhận ra: tôi đang sống trong một thế giới diệu kì. Tôi đã hiểu được vai trò của người mẹ to lớn đến nhường nào. Và tôi muốn được mẹ mãi mãi ở bên, giữ ánh sáng dũng cảm đó cho tôi. Cũng nhờ những câu văn đầy cảm xúc của Lý Lan, tôi muốn nói với cô rằng: “Cháu cảm ơn cô đã viết những trang văn này. Cháu đã biết được rất nhiều, hiểu được rất nhiều về những cảm xúc của mẹ trước ngày khai trường. Giờ cháu mới thấu hiểu được công lao to lớn của mẹ. Quả thực dưới ngòi bút tài hoa của cô, cháu đã nhận ra những gì trước kia cháu thờ ơ: nền giáo dục, xúc cảm khi bước chân vào cổng trường... và trên hết là tâm trạng của mẹ. Cháu sẽ luôn nhớ mãi từng câu văn của cô để sống sao cho đúng với công lao của mẹ, cô ạ!”.
Tác phẩm này đã gửi tới một thông điệp quan trọng: bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra. Tôi tin rằng đây chính là điều mà tác giả muốn nói với tất cả chúng ta: Hãy luôn biết ơn mẹ, biết ơn nhà trường và đừng bao giờ đi lệch khỏi con đường đó.