Bài làm 1: Hãy kể lại một chuyến đi đáng nhớ của em
Chiến tranh đã đi qua lâu rồi nhưng những chiến tích và di tích lịch sử vẫn còn đấy. Chúng em đã được đến thăm khu chứng tích Sơn Mỹ - một di tích lịch sử của tỉnh Quảng Ngãi, nơi đã để lại trong chúng em những ấn tượng khó quên.
Hôm ấy là một sáng cuối xuân, trời thật đẹp. Đoàn xe tham quan của trường em chuyển bánh. Những chiếc đầy ắp tiếng cười lướt nhẹ qua cây cầu bắc ngang qua sông Trà Khúc. Chúng em đưa mắt xuống dòng sông. Sông dịu hiền như chiếc áo the xanh duyên dáng. Đi hết cây cầu, đoàn xe rẽ xuống hướng đông. Xe vẫn bon bon trên con đường nhựa mịn màng, cảnh vật nơi đây thật đẹp, núi Thiên An uy nghi, trầm mặc hướng ra sông. Sông ôm bóng núi và quyện với mây trời. Nhìn núi Ấn sông Trà, ẹm lại càng tự hào về quê hương Quảng Ngãi - nơi đã ghi dấu ấn của một thời oanh liệt, hào hùng. Chúng em cùng nhau ôn lại lịch sử đấu tranh của người dân nơi đây. Ai cũng muốn đi ngược thời gian để tưởng nhớ những người chiến sĩ đã ra đi từ núi sông này. Dòng suy nghĩ chưa dứt thì đoàn xe tham quan đã đến nơi. Như không hẹn trước tất cả cùng nhau hô to:
- Đến nơi rồi! Đến nơi rồi!
Xe giảm tốc độ và dừng lại, đoàn tham quan lần lượt xuống xe. Lá cờ đỏ sao vàng cắm ở trên đầu xe tung bay trong gió. Chúng em xếp hàng ngay ngắn rồi theo cô hướng dẫn viên tiến vào trong khu di tích. Cô hướng dẫn viên đưa chúng em đi thăm nhà lưu niệm. Những hiện vật vẫn còn đó, được lưu giữ rất cẩn thận. Sau vụ thảm sát ngày 16-3-1968 tại đây, 504 người dân vô tội đã ra đi, trong đó phần lớn là cụ già, phụ nữ và trẻ em. Cô hướng dẫn viên còn đưa chúng em ra thắp hương tại tượng đài - hình ảnh một người mẹ đang che chở cho nhũng đứa con khi cái chết cận kề. Ôi! Thật thương tâm: Chúng em không sao kìm được xúc động, căm thù. Em thầm nghĩ: Đây là một chứng tích phơi bày tội ác man rợ của quân hiếu chiến, cướp nước. Đấy là nơi tưởng niệm đồng bào vô tội đã bị tàn sát dã man trong chiến tranh. Chúng em đi thăm những căn hầm, những chiến hào đã từng che bom chắn đạn, thăm con mương cạn mà quân đội Mỹ đã dồn phụ nữ và trẻ em vào đó để xả súng bắn. Nghe kể lại, tất cả chúng em đều ghê rợn, kinh hoàng. Tận mắt chứng kiến những bức ảnh về vụ thảm sát do một người Mỹ có lương tâm chụp và công bố lá bằng chứng quan trọng, buộc tòa án Mỹ phải đem vụ thảm sát Sơn Mỹ ra xét xử.
Ba giờ đồng hồ trôi qua đoàn tham quan đã thăm viếng hết khu chứng tích, đã chứng kiến những cảnh thương tâm. Ai cũng muốn nói lên lời giã từ quá khứ đau thương, phẫn nộ chiến tranh và ước vọng hòa bình. Chúng em thành kính thắp những nén hương tưởng niệm trước lúc ra về.
Tạm biệt khu di tích Sơn Mỹ, chúng em ai nấy đều hiểu thêm lịch sử về quê hương, đất nước, con người. Chúng em mong sao thế giới này mãi mãi hòa bình.
Bài làm 2: Hãy kể lại một chuyến đi đáng nhớ của em
Quê em ở nông thôn nhưng em sống ở thành phố - nơi bố mẹ đang công tác. Đã mấy tháng qua, gia đình em chưa về quê vì bố mẹ quá bận việc. Rồi một ngày đầu xuân, trong không khí tưng bừng của năm mới và niềm vui chuẩn bị đón tết Nguyên đán, cả nhà em về thăm quê.
Hôm ấy, em và chị gái thật háo hức. Chị gái vui quá cất lên tiếng hát:
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Còn em, em chỉ hình dung quê hương là những người bà con thỉnh thoảng ghé thăm và cho em nào là ngô bung, lạc nấu. Quê hương là cây đa, giếng nước đầu làng, là mái đình cổ kính rêu phong mà bà con họ hàng tập trung vào những ngày lễ hội, tết cổ truyền. Nghĩ đến đây, em lại càng mong sớm về đến quê để thăm những người thân, những cảnh vật đã gắn bó với mình thuở bé.
Xe vẫn cứ bon bon chạy trên con đường nhựa rồi lên con đường đất đỏ mịn màng như dải lụa. Chúng em đăm đắm nhìn những cảnh vật hai bên đường. Cảnh vật ở miền quê hiện lên với nét giản dị, thanh bình nhưng trù phú. Đi ngang qua cánh đồng, từ trong biển lá xanh non đang ngát dậy một mùi hương ngây ngất. Mùi hương của cỏ hoa đồng nội, mùi hương nước ruộng đang thấm sâu trong từng mạch đất. Hết cánh đồng là xóm làng, mái ngói đỏ tươi thấp thoáng, dưới vườn cây xanh nõn. Nhà nhà đều có những khóm hoa đua nhau khoe sắc khiến cho miền quê vốn dĩ yên bình nay trở nên sinh động.
Về đến quê, một phong cảnh đẹp đã hiện ra rõ nét, không phải cái cảnh đẹp thấp thoáng ở hai bên đường mà cái đẹp thật cụ thể gần gũi với em. Đó là đồng cỏ bao la xanh mơn mởn trong ngày xuân nắng ấm, cái đẹp của con sông nhỏ đang róc rách tiếng nước trong, lúc rì rầm, lúc ngân vang như muốn đánh thức một miền quê yên bình và vô cùng tươi đẹp này. Và thật vui tai trên những cây cao cạnh bờ sông lại vọng về tiếng chim ca, vui mừng chào xuân tới.
Càng vui hơn nữa khi gia đình em gặp lại họ hàng, bà con làng xóm. Bố mẹ đưa chúng em đi viếng mộ tổ tiên, thắp những nén hương với tấm lòng thành kính và biết ơn sâu sắc. Rồi chúng em được theo bố mẹ đi thăm bà con họ hàng trong niềm vui đầm ấm lạ thường. Chúng em ra đầu làng thăm giếng nước trong, ôi, nước giếng trong lành, mát rươi, thật là thích, bọn trẻ ở quê mặc những bộ quần áo mới tụ họp rất đông ở sân đình. Em cùng bọn nó vui chơi thỏa thích nhưng không quên ghé thăm cây đa ở góc sân đình, thăm mái đền cổ kính rêu phong - một di tích văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc ở quê em.
Chiều xuống, gia đình chúng em từ giã quê hương để trở về thành phô, ai cũng thấy tiếc vì thời gian trội đi nhanh quá.
Ôi! Quê hương của em, nó gần gũi thân thương đối với em biết nhường nào. Dù sống ở đâu em vẫn luôn nhớ đến quê hương, nhớ đến quê cha đất tổ, nhớ đến nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Em mong còn có dược nhiều dịp về thâm quê như thế.
Bài làm 3: Hãy kể lại một chuyến đi đáng nhớ của em
Như các bạn đã biết, thì chúng ta vừa kết thúc học kì I, nhà trường và hội phụ huynh thống nhất tổ chức một chuyến đi tham quan di tích lịch sử. Đây vừa là phần thưởng cho những nỗ lực, cố gắng trong học kì vừa qua mà đó còn là dịp để chúng ta thêm hiểu biết về những truyền thống lịch sử quý giá của dân tộc. Địa điểm của chuyến đi là di tích lịch sử thành Cổ Loa.
Như các bạn đã biết thì đây là di tích lịch sử nổi tiếng của Việt Nam, chứa đựng bài học dựng nước, giữ nước của các vua Hùng. Chúng ta đã biết về di tích thành Cổ Loa thông qua truyền thuyết về An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta cùng nhau đặt chân đến địa danh lịch sử, địa danh của những câu chuyện kì bí, hấp dẫn này.
Hôm đó, các lớp đã tập trung ở trường trước 6 giờ sáng. Rồi mỗi lớp sẽ được cô giáo chủ nhiệm và đại diện hội phụ huynh của lớp đó cùng thực hiện chuyến đi lí thú này. Vì di tích thành Cổ Loa khá xa trường học nên sau ba mươi phút tập trung thì các đoàn xe bắt đầu chuyển bánh. Sau hai tiếng chạy xe, cuối cùng chúng ta đã đến được di tích thành Cổ Loa. Tại đây, chúng ta được cô hướng dẫn viên du lịch nồng nhiệt tiếp đón và hướng dẫn hành trình cũng như giới thiệu, thuyết minh về khu di tích thành Cổ Loa này. Khu di tích Thành Cổ Loa nằm ở huyện Đông Anh, ngoại thành của thủ đô Hà Nội. Đây là nơi diễn ra câu chuyện dựng nước, giữ nước của vua Thục Phán An Dương Vương và câu chuyện tình yêu bi thảm của công chúa Mị Châu và con trai của Triệu Đà – Trọng Thủy.
Các bạn có để ý hôm đó, không gian của khu di tích thành Cổ Loa cũng cổ kính, trang nghiêm, mang màu sắc dân gian như trong những câu chuyện cổ mà chúng ta từng đọc? Những mái nhà ngói đỏ, những cây đa, cây đề lớn, có lẽ chúng cũng đã sống qua rất nhiều năm rồi, là nhân chứng cho những sự kiện lịch sử đó! Trung tâm của di tích thành Cổ Loa chính là đền thờ An Dương Vương, đây là điện thờ chính nên rất rộng lớn và trang nghiêm, dẫn vào đền thờ phải đi qua một khoảng sân rộng lớn, hai bên sân có trồng rất nhiều cây cổ thụ, tôi có cảm tưởng những cây cổ thụ như những người hiền thần luôn ở bên, trung nghĩa với vua An Dương Vương vậy.
Ngôi đền có mái cong hình đầu rồng vô cùng trang nghiêm, trong điện được trưng bày những câu đối lớn bằng tiếng Hán. Chính giữa của điện thờ là một bức tượng An Dương Vương uy nghi trong bộ hoàng bào, ngồi từ trên cao nhìn xuống khiến tôi phải tôn kính, tự hào. Hai bên điện thờ là những bức tượng của những vị quan có công với dân, với nước, những người hiền thần có công giúp vua An Dương Vương dựng nước.
Bên cạnh đền thờ An Dương Vương là một am nhỏ thờ công chúa Mị Châu, công chúa Mị Châu là con gái của vua An Dương Vương, vì ngây thơ, cả tin mà Mị Châu có một kết thúc thật bi thảm. Bức tượng công chúa Mị Châu trong am thờ là một bức tượng không đầu, nó làm cho tôi nhớ lại sự việc công chúa Mị Châu bị vua cha trừng phạt khi nghe Rùa Vàng kết tội. Nhìn hình ảnh bức tượng không đầu mà lòng tôi không ngừng xót xa cho người công chúa này. Nàng là một người ngây thơ, cả tin vì quá tin tưởng vào người chồng mà vô tình lộ bí mật quốc gia, dẫn đến bi kịch mất nước nhà tan. Theo tôi thì Mị Nương là một người đáng thương hơn đáng trách. Đằng sau truyền thuyết về An Dương Vương, Mị Châu – Trọng Thủy là bài học về giữ nước, nhưng ta đều cảm thông cho sự dại khờ, thủy chung của công chúa Mị Châu cùng cái chết đầy oan nghiệt của nàng.
Chuyến tham quan di tích thành Cổ Loa là một chuyến đi thực sự bổ ích và lí thú, chúng ta đã biết nhiều hơn về những câu chuyện lịch sử, được tận mắt chứng kiến những nơi diễn ra câu chuyện lịch sử ấy, thông qua chuyến đi chúng ta cũng thêm hiểu hơn về những bài học trên lớp, là cơ hội để chúng ta mở mang sự hiểu biết. Mong cả lớp chúng ta sẽ có nhiều chuyến đi bổ ích như thế này!