Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Kể một câu chuyện em được chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia thế hiện tinh thần kiên trì vượt khó

Thứ ba - 18/08/2020 04:39
Bài làm 1:Thưa các bạn, câu chuyện mà các bạn đang đọc gồm hai nhân vật: tôi Triều níu no và bạn thân của tôi, Toàn gà bới. Qua biệt danh trên, các bạn đã hiểu về nhược điểm một thời của chúng tôi. Gọi là một thời, có nghĩa là đã qua. Vâng, những biệt danh đó đã bị chúng tôi xóa sổ khá gọn gàng.
Câu chuyện xóa sổ biệt danh đó bắt đầu thế này: Nhân ngày 20-11 vừa qua, lớp tôi tặng cô giáo một bó hoa lớn và một gói quà lớn. Cô giáo rất vui nhưng chỉ nhận một bông hoa rồi âu yếm nhìn chúng tôi, cười nói:

- Các em quý cô như vậy, cô rất cảm động. Nhưng cô nghĩ thế này: Từ nay cả lớp phải hứa với cô một điều: Từ nay đến hết học kì I, mỗi em phải tự sửa một khuyết điểm, nhược điểm hoặc tật xấu nó đó của bản thân, đấy sẽ là những món quà quý nhất mà các em tặng cô... Các bạn có dám hứa với cô không nào?

Cả lớp đang vui vẻ, nghe lời đề nghị của cô giáo đều gãi đầu, gãi tai, nhưng rồi tất cả đều lần lượt giơ tay: Em hứa! Em xin hứa. Tôi và Toàn gà bới cũng giơ tay xin hứa!...

Khi vui thì hứa vậy, nhưng sau lại nghĩ lại, thấy không phải là chuyện đùa. Đã hứa thì phải làm, chứ không thể lời nói gió bay được. Mình có tật xấu gì nhỉ? Hai đứa chúng tôi bàn bạc với nhau, nghĩ một hồi, Toàn gà bới vỗ vai tôi:

- Chuyện gì cho xa xôi, cái chuyện nói ngọng của cậu đấy.

- Ừ, đúng đấy! Còn cậu làm sao xóa sổ cái biệt danh gà bới!...

Thế là chúng tôi đã tìm được điều cần sửa. Nhưng, thấy được tật xấu của mình là một chuyện, còn sửa như thế nào và sửa được hay không mới là điều khó. Chúng tôi đã từng nghe kể về một nhà hùng biện ngậm sỏi để chữa ngọng, hét thi cùng sóng biển để luyện giọng nói. Chúng tôi cũng nhớ đến tấm gương rèn chữ viết của Cao Bá Quát, gương tập viết của anh Kí. Thế nhưng đấy là chuyện của những con người mà tên tuổi đã đi vào sử sách!... Còn bọn tôi. Không, cũng phải nghĩ cách mà sửa chứ!... Chúng tôi bàn soạn cách thức động viên nhau cùng rèn luyện.

Đầu tiên, tôi phải tập phát âm các từ ngữ có phụ âm l, n ở đầu. Tức thật, có mỗi câu cái lọ nó lăn lông lốc mà cứ nói cái nọ nó năn nông nốc! Tôi phát âm thật chậm, thật chậm dần rồi nhanh dần, nhanh dần. Một lúc là cứng lưỡi, hết nói! Khi phát âm từng từ ngữ đã khá chính xác, tôi tập đọc từng bài ở sách Tiếng Việt. Mắt nhìn thấy chữ nào có l, n, tôi đọc chậm lại, uốn lưỡi cho đúng rồi mới phát âm.

Dần dân, tôi tập đọc diễn cảm. Tôi đọc cho Toàn và nhiều lúc nó bụm miệng cười. Thế là mình vẫn còn nói ngọng!... Hơn tháng sau, nhiều lúc nghe tôi đọc, Toàn đã khen và động viên tôi xung phong đọc trên lớp. Bữa đó, thấy tôi giơ tay xin đọc diễn cảm, cả lớp trố mắt nhìn. Cô giáo ngạc nhiên mỉm cười cho tôi đọc. Lúc đầu, tôi đọc từ tốn, cố ý xem mình có bị nói ngọng không. Rồi tôi bị cuốn hút dần vào bài văn, đọc say sưa, quên luôn cả việc mình có bị ngọng hay không... Một tràng vỗ tay tán thưởng của cả lớp vang lên. Cô giáo hết lời khen tôi và cho tôi hai điểm mười cùng một lúc!...

Cùng lúc tôi tập chữa ngọng, Toàn tập viết. Toàn mua sách tập viết lớp 1 về tập tô chữ. Cứ ba ngày tô và viết hết một cuốn. Chẳng bao lâu, số vở tập viết đã dùng xếp cao hơn gang tay. Rồi Toàn tập chép các bài chính tả, tập viết chữ thường và viết đến cứng tay mới chịu nghỉ. Toàn viết chậm, và nắn nót từng nét rồi nhanh dần, nhanh dần. Chữ viết ở nhà đã đẹp chữ viết ở lớp cũng đẹp luôn! Một kì kiểm tra vở sạch chữ đẹp, cô giáo tuyên dương Toàn và đưa vở của bạn cho cả lớp xem. Chúng tôi nhìn nhau, mủm mỉm cười, mãn nguyện.

Đấy, câu chuyện sửa tật xấu của hai đứa chúng tôi là vậy. Chúng tôi đã thực hiện đúng lời hứa với cô giáo. Trước đây nhiều lúc tôi vẫn nói câu: Có công mài sắt có ngày nên kim nhưng sức thấm hiểu ý nghĩa của câu nói này còn hời hợt. Qua sự việc vừa rồi, tôi đã hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của câu tục ngữ đó.
(Dẫn theo Đặng Mạnh Thường)

Bài làm 2:
Nguyễn Ngọc Kí tập cắt chữ bằng chân
Sau giờ thủ công hôm ấy, về nhà tôi suy nghĩ mãi. Chả lẽ mình chịu cái môn cắt chữ này thật ư? Không! Các bạn cắt được, sao mình lại không cắt được ư? Tôi nghĩ lại nên lại lục giấy, kéo ra ngồi tập. Nhưng rồi tập mãi, tôi vẫn không sao cầm được kéo. Thấy nản quá, tôi liền vơ luôn cả dao kéo vứt vào một xó.

Giữa lúc ấy. Tôi bất chợt lên tấm ảnh Bác treo giữa nhà. Tôi vụt nghĩ là sắp đến ngày sinh nhật Bác, thảo nào gần một tháng nay trường tôi đã phát động phong trào Thi đua học tập và lao động thật tốt để lấy thành tích mừng sinh nhật Bác. Ngày sinh nhật của Bác sắp đến mà tôi vẫn chưa có một thành tích nào để mừng thọ Bác cả. Đúng rồi, tôi phải tiếp tục tập cắt chữ bằng được. Và tôi sẽ cắt một câu khẩu hiệu: Hồ Chủ tịch muôn năm để dán dưới ảnh Bác giữa nhà kia.

Thế là ngay buổi chiều ấy ăn cơm vừa xong, tôi lại lấy giấy, kéo ra ngồi tập cắt. Nhưng tập mãi vẫn chưa cắt được chữ nào. Tôi trách mẹ tôi mua kéo cùn quá nên cắt không đứt giấy. Tôi bỏ vào giường nằm khóc. Bố tôi phải cầm chiếc kéo đi mài. Trông chiếc kéo sáng loáng, tôi lại ngồi dậy cắt tiếp, lần này tôi tin là sẽ được. Không ngờ giấy vẫn trượt đi không đứt. Tôi biết không phải tại kéo mà do chân mình cầm quá ngờ nghệch làm hai lưỡi kéo không xít lại với nhau nên không đứt. Tôi không cầm kéo bằng chân nữa. Tôi đổi sang lồng một mắt kéo vào ngón chân cái và ngón chân trỏ, còn mắt kia để tựa xuống phản. Tôi bẻ cong hai lưỡi kéo cho sít lại với nhau, chân phải cầm kéo, chân trái cầm giấy. Chà, thế là được rồi! Tôi cắt thành chữ H, chữ T và chữ N nữa.

Chưa từng cắt và dán một chữ nào bao giờ; nay phải cắt và dán cả một khẩu hiệu quả là khó khăn và bỡ ngỡ vô cùng. Từ cách gấp, cách cắt và nét to, nhỏ tôi mầy mò xem mãi ở các chữ in mẫu mới tìm được. Ngồi cắt, thỉnh thoảng ngước lên ảnh Bác tôi lại thấy như Bác thầm nhắc tôi cắt thật đẹp. Tôi cẩn thận đưa nét kéo lên từng tí một. Khó nhất là cắt đến các chữ có nét vòng như chữ O. Khi lượn kéo theo những nét ấy, ngón chân tôi thường bị chuột rút co quắp, đau điếng. Nhiều chữ cắt gần xong, tôi lại làm rách mất. Tôi có ý định thôi không cắt chữ có nét vòng theo kiểu bình thường nữa. Tôi định cắt chúng theo kiểu chữ vuông, vì như vậy tôi sẽ toàn được cắt chúng theo nét thẳng cả. Ơ, không được. Trông chữ nào cũng vuông vức chành chạnh thật chán quá! Đã định cắt khẩu hiệu mừng ngày sinh nhật của Bác mà lại xấu như thế thì còn ra gì nữa. Nghĩ vậy, tôi lại tập cắt các chữ có nét tròn theo kiểu bình thường.

Nhiều lần đã cắt và dán xong, nhưng chỉ một chữ dán lệch, tôi cũng bỏ đi cắt lại. Thành ra mải mê suốt một tuần tôi mới hoàn thành câu khẩu hiệu... Mỗi lần đi học, về đến cửa, nhìn thấy chiếc khẩu hiệu đó tôi lại thấy Bác như đang mỉm cười âu yếm nhìn tôi và bảo tôi: Cố gắng nữa lên cháu nhé!
(Nguyễn Ngọc Kí - Trích Những năm tháng không quên)

Bài làm 3:
Trong lớp em trước đây, Hải vốn là người có chữ viết xấu nhất. Các bạn vẫn gọi là Hải “gà bới”. Bài làm của bạn lúc nào cũng bị trừ điểm kèm theo lời nhận xét của cô giáo: “Chữ viết quá cẩu thả”. Vậy mà giờ đây, có thể nói không chỉ so với lớp em mà ngay cả toàn trường không có một nét chữ bạn nào sánh kịp. Trong hội thi “Vở sạch chữ đẹp” cấp thành phố, Hải đạt giải nhất.

Đúng như câu tục ngữ đã nói : “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Hải tâm sự với em: “Có được những nét chữ như bây giờ mình phải trải qua một quá trình khổ luyện hết sức vất vả đấy ! Nhưng đó là kỉ niệm mình không bao giờ quên”.

Khi còn học lớp ba, mẹ kiểm tra sách vở mình đều nhắc nhở :

- Mẹ xem những quyển tập của con mà chẳng đọc được ! Không biết con viết những bài đó cho ai đọc ?

Mẹ mình chỉ nói vậy, rồi bận công việc cơ quan và chăm sóc em bé nên cũng quên. Một hôm, cô giáo chủ nhiệm đến nhà chơi, trao đổi với mẹ về chữ viết của mình. Sáng ra mẹ gọi mình dậy nói chuyện :

- Mẹ rất mừng là con học khá tốt. Chỉ có điều chữ con quá xấu nên bài kiểm tra luôn bị trừ điểm. Từ hôm nay, mỗi ngày con phải dành một tiếng đồng hồ để rèn chữ viết.

Mình vâng vâng, dạ dạ cho mẹ vui lòng. Nhưng kì thực mình chỉ cố gắng chút ít. Rồi chứng nào tật ấy vẫn tiếp diễn. Hôm bố đi công tác về, mẹ nói với bố điều gì không biết. Cơm tối xong, bố gọi mình lên phòng khách, đưa toàn bộ tập vở theo. Sau khi xem xong, bố rút cây thước bảng bảo mình xòe bàn tay ra. Lúc đó mình nghĩ : “Bố chỉ dọa thôi vì bố rất cưng mình”. Đâu ngờ: Vút ! Vút ! Vút ! Ba cái thước như trời giáng, bàn tay mình tê cứng, bèn rút tay lại. Bố bảo tiếp :

- Đưa tay ra !

Mình lại rụt rè đưa từ từ lên. “Vút !”. Thước thứ tư mới đau làm sao! Lúc này mình mới vội vã nói :

- Con xin bố'! Con xin bố!

Vẻ mặt bố nghiêm lại :

- Con nghe đây ! Kể từ hôm nay, mỗi ngày con viết một bài chính tả đúng hai trăm chữ không dư không thiếu. Ngày nào bố cũng kiểm tra. Còn những lúc bố đi công tác thì giữ đấy. Đến lúc về bố sẽ kiểm tra tất cả. Thiếu ngày nào con sẽ bị đòn giống như hôm nay. Con nghe rõ chưa ?

Kể từ hôm ấy, ngày nào mình cũng thực hiện đúng theo yêu cầu của bố. Những ngày đầu thật vất vả. Mình cẩn thận gò từng chữ một cho đúng nét, thẳng hàng. Nhiều lúc viết cứng cả tay, chuột rút đau không thể tưởng. Thời gian đầu đúng là cực hình đối với mình. Có những lúc tưởng bỏ cuộc. Nhưng nghĩ lại, cô giáo nhắc nhở mình, mẹ thì động viên, bố thì bắt buộc, tất cả chỉ vì sự tiến bộ của mình. Mình cố gắng luyện tập. Tháng sau chữ của mình tiến bộ trông thấy. Dần dần mình không thấy mỏi tay hay chuột rút nữa. Mình viết nhanh hơn, đẹp hơn. Còn bố, mỗi lần kiểm tra chữ viết của mình chưa bao giờ thấy bố khen mình một tiếng nên nghĩ: “Chắc bố chưa vừa ý. Mình phải cố gắng nhiều hơn nữa”. Chỉ có mẹ và cô giáo luôn động viên và khuyến khích. Ba tháng sau kể từ ngày bị trận đòn nhớ đời, chữ viết của mình đã thay đối hẳn. Một bài chính tả, giờ mình hoàn thành chỉ nửa giờ nhưng đều tắp. Có được những nét chữ mềm mại, đẹp đẽ như bây giờ mình thầm cảm ơn bố mẹ và cô giáo.

Chuyện của Hải là như vậy. Hải đã trở thành một tấm gương cho lớp em và toàn trường về tinh thần kiên trì vượt khó.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây