Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Kể lại câu chuyện Nhà tranh bị gió thu phá theo bài thơ của Đỗ Phủ (Bài 2)

Chủ nhật - 01/03/2020 09:10
Mùa thu năm 755, tướng An Lộc Sơn dấy quân nổi dậy chống triều đình nhà Đường. Đất nước rơi vào cảnh loạn lạc, nhân dân lầm than. Giữa lúc chiến tranh thác loạn, vận nước đang nguy vẫn có những tấm lòng cao cả không suy nghĩ cho riêng mình mà lo cho nước, cho dân, điển hình là Đỗ Phủ. Trong cảnh khổ đau. Thiếu thốn, tấm lòng của Đỗ Phủ đã vượt lên trên tất cả để nghĩ cho thiên hạ, cho muôn vạn người.
... Bây giờ là tháng tám. Trời thu cao vút nhưng gió lại ầm ầm gào thét. Gió làm lay chuyển cả khu rừng. Gió cuốn lá khô và bụi bay cuồn cuộn. Gió điên cuồng lồng lộn, vẫy vùng như muốn cuốn phăng đi tất cả những thứ gì cản bước nó.

Căn nhà tranh của Đỗ Phủ cũng không phải là ngoại lệ. Ngôi nhà nhỏ bé, yếu ớt và cô độc phải gồng mình lên để chịu những đòn chí tử của gió. Và cuối cùng, gió đã là kẻ thắng trong cuộc chiến không cân sức. Từng tấm tranh trên mái nhà bung ra. bay tứ tung theo chiều gió, rải khắp bờ sông. Có mảnh bay tít vào tới bìa rừng. Có mảnh chao đảo trên không rồi rơi thẳng xuống mương, trôi nhanh theo dòng nước. Còn có mảnh bị cuốn đi xa tít tắp, không nhìn thấy nữa.

Thấy tranh bị gió cuốn đi. Đỗ Phủ vội bước ra nhặt lại. Thoạt đầu, ông hơi loạng choạng nhưng rồi cũng dần lấy lại được thăng bằng. Vừa nhặt được máy tấm, ông nhìn thấy một lũ trẻ từ thôn nam đi tới. Lũ trẻ cũng đã nhìn thấy một ông già râu tóc đã bạc quá nửa, gầy gò ốm yếu đang lúi húi nhặt tranh. Chúng nháy mắt với nhau rồi cùng chạy lại. Đỗ Phủ mừng lắm, nghĩ thầm : “Chà, chắc chúng đến giúp mình đây! Con cái nhà ai ngoan thế nhỉ?”.

Lũ trẻ đã chạy tới gần. Ông nở một nụ cười phúc hậu để chào đón chúng, hai tay vẫn giữ một tấm tranh.

- Các cháu đến giúp ông à?

Đám trẻ đứa nào đứa nãy đều rách rưới gầy gò, đen đúa. Đứa lớn nhất khoảng mười một tuổi nhìn Đỗ Phủ bằng ánh mắt lầm lì, phảng phất chút ranh ma làm ông hơi chờn chợn. Nó nói:

- Vâng, chúng cháu đến giúp ông đây!

Tức thì cả lũ xúm lại, đứa thì cướp mấy tấm tranh ông đã xếp thành đống, đứa thì nhặt nót chỗ tranh còn sót lại ở bờ sông. Đứa lớn nhất nắm lấy hai mép tấm tranh Đỗ Phủ đang giữ trong tay, giật mạnh. Đỗ Phủ mất thăng bằng, suýt ngã sấp, còn tấm tranh đã ở trong tay thằng bé. Lũ trẻ cười vang, cầm tranh chạy biến.

Đỗ Phủ bàng hoàng, sững người. Thoáng chốc, chợt như tỉnh ra, ông gào to:

- Quay lại! Quay lại đã!

Nhưng lũ trẻ cứ lờ đi như không nghe thấy, chạy thẳng về phía lũy tre, mặc cho chủ căn nhà tranh gào đến khô cả cổ. Tiếng cười xa dần rồi tắt hẳn. Đỗ Phủ đứng trước cửa nhà, nhìn trân trối theo bóng đám trẻ. Hồi lâu, ông mới chống gậy quay bước vào nhà, lòng vừa buồn bã vừa xót xa. Ông thầm than thở trong lòng: “Trời ơi! Vậy là bao công sức của bạn bè và người thân đã tan thành mây khói mất rồi!”. Bỗng dưng, những kỉ niệm xưa tràn vào lòng ông, hiện lên rõ mồn một. Công sức của mọi người dựng lên ngôi nhà. Niềm vui của ông khi bước vào căán nhà mới...Những kỉ niệm hiện lên càng làm ông thêm cay đắng... Nhớ về lũ trẻ gầy gò, nhem nhuốc, ông lại không khỏi chạnh lòng. Bước vào căn nhà, ông ngồi xuống giường, suy nghĩ ngổn ngang trong lòng. Một lát sau, gió lặng. Mây đen lại kéo tới thế chỗ gió. Trời tối sầm. Mưa bắt đầu giáng khắp nơi.

Màn đêm buông xuống nhanh đến không ngờ. Trời đã tối lại càng thêm mù mịt. Trong căn nhà rách nát lũ trẻ đã chui vào trong chăn. Căn nhà dột tứ tung, không tìm được chó nào khô ráo. Chiếc chăn bông thấm nước mưa lạnh như sắt. Lũ trẻ bị lạnh, đứa nào cũng ra sức kéo chăn, đạp đến rách cả chăn, bật cả bông.

Đỗ Phủ khẽ khàng ngồi dậy, tựa lưng vào vách. Mưa vẫn nặng hạt, quất vào mặt. vào người ông như roi quất. Đỗ Phủ đưa mắt nhìn quanh toàn một màu đen đặc. Ông ngồi tư lự suy nghĩ: ‘‘Cảnh nhà ta thật khổ. Ngoài kia còn nhiều cảnh đời còn đau khổ hơn ta. Ước gì có được một căn nhà rộng muôn ngàn gian, che chở cho tất cả mọi kẻ sĩ nghèo, cho họ không còn đói rét, lầm than! Nhưng, trời ơi, đến bao giờ mới có được căn nhà như thế! Nếu ta phải chịu chết rét trong cái lều nát này để căn nhà ấy sừng sững dựng trước mắt, để mọi người hân hoan vui sướng thì ta cũng cam lòng”. Nghĩ tới đây, ông chợt thấy lòng thanh thản, nhẹ nhõm và ám áp. Ngoài trời mưa vẫn rơi tầm tã.

Đỗ Phủ đúng là một vị "Thánh sống” của người dân lúc bây giờ. Tuy ông bất lực. không thể làm gì giúp dân thoát khỏi cánh lầm than nhưng tấm lòng nhân ái, khoan dung, độ lượng bao la của ông mãi được người đương thời và hậu thế trân trọng, cảm phục.

Nguyễn Thị Thủy - Trường PTDL Lương Thế Vinh

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây