Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Kể lại câu chuyện: Nhà tranh bị gió thu phá theo bài thơ của Đỗ Phủ

Chủ nhật - 01/03/2020 09:08
Tháng tám, trời thu cao nhưng không lặng như người ta vẫn nghĩ. Dưới mặt đất. gió thét gào từng cơn như muốn làm nổ tung mọi vật. Chống gậy đứng dậy. Đỗ Phủ lo lắng nhìn lên ngôi nhà tranh vẫn còn nguyên màu vàng mới. Mới tháng trước thôi, ông vẫn còn gắn bó cùng nó, vậy mà bây giờ nhìn nó vật lộn với gió bão, ông không khỏi chạnh lòng. Công sức cúa Đỗ Phủ, của con ông, bạn bè ông hay chính xác hơn là căn nhà ông đang ở - sẽ trụ được bao lâu dưới sự tàn nhẫn của thiên nhiên?
“Vù, vù!”. Chẳng mấy chốc mà cơn gió dữ đã cuốn mất ba lớp tranh trên mái nhà. Những mảnh tranh lớn bị gió đẩy tứ tung, bay sang sông rải khắp bờ, nghe xào xạc như những chiếc lá khổng lồ rơi rụng. Mảnh gặp lúc gió thổi mạnh được đưa tít đến khu rừng xa, treo lên những ngọn cây trơ trụi héo vàng. Mảnh gặp lúc gió thổi nhẹ hơn thì lại chao đảo lộn xuống con mương dài gần đấy cứ thế mà lững lờ trôi đi.

Đỗ Phủ đứng im một lúc lâu. Không phải vì ngạc nhiên mà ông chỉkhông ngờ sự việc lại diễn ra nhanh đến thế. Ông cảm thấy có phần lo sự. Nếu căn nhà này bị gió phá nát thật thì gia đình ông sẽ nương tựa vào đâu? Đang mãi chìm trong những suy nghĩ của mình, bỗng một miếng tranh bay xoạt qua mặt làm ông như sực tỉnh. Ông bỗng nhận ra nếu như muốn giữ được ngôi nhà thì phải hành động chứ không phải suy nghĩ. Ông bật cười rồi chạy ra nhặt những mảnh tranh bị gió cuốn bay. xếp lại thành đống. Công việc vất vả khiến Đỗ Phủ chỉ mong có người đến giúp mình. Thật tình cờ, một đám trẻ con thôn nam lại đi ngang qua. Chúng dừng lại, hết nhìn ông lại nhìn lên mái nhà. Hình như đám trẻ đã biết việc Đỗ Phú đang làm. Chúng tiến lại gần. Mừng rỡ. Đỗ Phủ dừng ngay công việc mà trên tay vẫn còn giữ khư khư mày miếng tranh vừa nhặt lại. Ông mỉm cười với đám trẻ nhỏ. Nhưng không, nụ cười của ông mấy chốc đã vụt tắt. Trong nỗi thất vọng, ông thấy chúng cướp những miếng tranh đã xếp lại thành đống, thậm chí có những đứa còn giật lấy những miếng tranh cuối cùng trên tay Đỗ Phủ. Từ hụt hẫng đến tức giận, ông lấy hết sức già mắng những đứa trẻ đang chạy nhanh vào lũy tre thôn dưới. Nhưng do bệnh tật già yếu, ông không thể cho chúng nghe được câu mắng của mình dù chỉ một từ. Chúng vẫn chạy đi chẳng mấy chốc bóng đã khuất xa. Mới ở tuổi ngũ tuần mà đã yếu như ông già bảy mươi. Đỗ Phủ chống gậy quay lại nhìn căn nhà trống huơ trống hoác mà lòng ấm ức: “Bọn trẻ con thôn nam khinh ta già không sức mà nỡ cướp đi của ta những miếng tranh lợp má, thật là nhục nhã quá!”.

Giây lát, gió lặng hẳn nhưng mây đen từ đâu lại ùn ùn kéo tới. Nền trời thu được bao trùm bằng một màu đen kịt, trong đêm tối lại càng tối hơn. Lát sau thì một cơn mưa kéo đến. Mưa nặng hạt, dày đặc, chỉ nghe tiếng mưa mưa mưa. Mái nhà Đỗ Phủ bị hổng, mưa cứ thế mà rơi lộp bộp. Khắp nhà không còn tìm được chỗ nào khô ráo. Đỗ Phủ nằm trong chăn ướt đẫm nước mưa mà cảm thấy nó lạnh tựa như sắt. Ông trằn trọc, quay sang nhìn những đứa con mình. Chúng chui rúc trong một chiếc chăn rách, cứ giành chăn của nhau, đạp đạp, kéo kéo khiến chẳng mây chốc mà tấm lót rách tung. Nhưng chúng vẫn cứ ngủ say và ngủ thật ngoan. Đỗ Phủ không muốn gây tiếng động cho chúng nhưng lại thầm nghĩ “Từ lúc triều đình rối loạn ta đã không ngủ được. Vậy mà bây giờ trong đêm dài ướt át thế này, hỏi ta làm sao không khỏi nghĩ tới vận dân, vận nước?”. Thế rồi ông đặt tay lên đầu, nhìn đêm mưa mà lòng xuyến xao bao ý nghĩ...

... Đã nửa đêm rồi mà Đỗ Phủ vẫn chưa chợp mắt được. Chuyện nước, chuyện dân đêm nào ông cũng nghiền ngẫm cho thật kĩ. Nhưng đến nay ông lại có thêm một điều suy nghĩ nữa. Ông đặt tay lên ngực, nhắm mắt và ước. Đỗ Phủ ước có một ngôi nhà rộng ngàn gian. Ngôi nhà ấy để cho tất cả từ những kẻ nghèo đến kẻ có học có thể ở lại mà chẳng sợ gió mưa. Đây chính là một đất nước yên bình, không có chiến tranh và luôn luôn vững mạnh. Ước đến đó. Đỗ Phủ mỉm cười vì ông biết một điều ước cũng phải có cái giá của nó. Ông như muốn hét lên để mọi người nghe thấy: “Nếu căn nhà ta ước thành hiện thực thì riêng lều ta nát, phải chịu chết rét cũng cam lòng!”...

... Lòng Đỗ Phủ đã bình yên trở lại. Ông vui với điều ước vừa rồi. Bỗng ông nhớ ra đám trẻ thôn nam đã khiến ông phải chịu cái rét đến buốt xương. Hoàn cảnh đã đẩy chúng đến con đường trộm cắp. Lòng thương cảm trào lên trong lòng Đỗ Phủ. Phía xa xa, mặt trời ửng hồng nhô lên sau cơn mưa dữ dội...

Trịnh Linh Chi (Trường PTDL Lương Thế Vinh)

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây