Về nghệ thuật, bài thơ có một vẻ đẹp dung dị với những lời thơ thuần khiết, mộc mạc, nhuần nhị, hồn nhiên. Đặc biệt là Nguyễn Khuyến đã phá bỏ ràng buộc về bố cục của bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú, tạo cho bài thơ một kết cấu riêng hết sức độc đáo với ba phần:
Phần 1: câu mở đầu (giới thiệu tình huống)
Phần 2: sáu câu giữa (trình bày hoàn cảnh)
Phần 3: câu kết (khẳng định quan niệm về tình bạn)
Ngoài ra, Nguyễn Khuyến cũng sử dụng rất khéo léo cách nói thậm xưng. Bởi một lẽ rất dễ biểu, là một ông quan lớn trong triều lui về quê sống an nhàn ẩn dật, dẫu có thanh bạch thì cũng không nghèo tới mức bạn quý tới chơi nhà mà đến miếng trầu cũng không có để tiếp đãi. Vả lại, qua lời giới thiệu với nghệ thuật liệt kê trong bài thơ, ta thấy cụ Tam Nguyên Yên Đổ rất tự hào về cuộc sống ẩn dật với thú điền viên của mình: ông có vườn rộng, có ao sâu thả cá, có gà, có cải, cà, bầu, mướp. Việc thất lễ với khách chẳng qua chỉ là do hoàn cảnh khách quan (trẻ đi vắng, chợ xa, ao sâu nước cả, vườn rộng rào thưa, rau quả chưa đến mùa thu hoạch). Câu kết khép lại bài thơ đã đưa ra một lời lí giải thật bất ngờ mà sâu sắc: Bác đến chơi đây, chỉ cần ta với ta là đủ.
Bài thơ trữ tình có sử dụng bút pháp trào lộng, nói quá để cười cho vui, nhưng ẩn sau đó là một tấm lòng chân thành, một quan niệm cao đẹp về tình bạn chân chính, để rồi khi đọc bài thơ, ta như cảm nhận được nụ cười hóm hỉnh và tấm lòng đôn hậu của cụ Nguyễn Khuyến gửi gắm trong từng chữ, từng lời.