Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Hãy chứng minh bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta

Chủ nhật - 15/03/2020 10:19
Ai bảo rừng xanh là quái ác
​​​​​​​.....
Tôi bảo rừng xanh là quý giá.
Đó là những câu trong một bài hát rất nổi tiếng về rừng. Đúng, rừng xanh là quý giá, rừng chiếm một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống mỗi người.
Thế nhưng, hình như chúng ta đã và đang dần đánh mất thứ quý giá ấy tự lúc nào mà không hay. Vì vậy, ngay từ lúc này, chúng ta phải bảo vệ rừng bảo vệ nguồn sống của chúng ta. Rừng, đó là lá phổi xanh, là nhà máy lọc khí khổng lồ của trái đất, có quan hệ mật thiết với đời sống con người.

Chắc không ai phủ nhận vai trò quan trọng của rừng đối với cuộc sống con người, bởi đây là sự thật, rừng duy trì cuộc sống của chúng ta. Có ai trên trái đất này có thể sống được mà không cần đến oxi để thở? Chắc chắn là không một ai. Rừng đã cung cấp cho chúng ta một lượng oxi khổng lồ, giúp chung ta có thể thực hiện quá trình trao đổi khí với môi trường. Ban ngày, rừng còn tự thu về mình khí cácbônic, làm giảm đi sự ô nhiễm không khí, khiến môi trường trong sạch và thoáng đãng hơn. Nhưng rừng chỉ cho ta đâu có vậy. Rừng còn là nơi cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp trong nước và xuất khẩu. Làm sao các nhà máy chế biến gỗ có thể hoạt động tốt, làm sao đồ mây tre đan của Việt Nam có thể xuất khẩu ra thế giới nếu thiếu rừng? Ngoài ra, một nguồn thu nhập kinh tế khá lớn cho nhân dân Việt Nam là xuất khẩu cao su, chè, cà phê. Rồi biết bao nhiêu dược liệu quý phục vụ cho nhu cầu chữa bệnh và nâng cao sức khỏe của con người cũng từ rừng mà ra. Không chỉ trong công nghiệp mà rừng còn gắn bó mật thiết với cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Từ những thứ nhỏ nhất như tăm tre, đũa tre, hay những cái lạt buộc, những cái lá dong gói bánh chưng xanh truyền thống... cho đến gỗ làm nhà... tất cả đều nhờ rừng mà có. Ngoài ra, rừng còn có những thắng cảnh rất hấp dẫn. Hằng năm, những khu du lịch sinh thái đem lại tiền tỉ cho nhà nước đấy các bạn ạ. Nhưng vẫn chưa dừng lại ở đây. Những cánh rừng đầu nguồn còn là những tấm lá chắn kiên cường ngăn bão lụt, chống xói lở đất, chắn sóng, ngăn nước mặn tràn vào đồng ruộng, ôi, rừng mới kiên cường và anh dũng làm sao. Trong chiến tranh, rừng cũng góp sức mình vào đánh đuổi quân thù. Rừng che chắn cho bộ đội hành quân, rừng bủa vây quân giặc. Chính vì vậy mà nhà thơ Tố Hữu viết: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Và chắc giờ đây, bạn cũng đã hiểu vì sao Bác Hồ nói: “Rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu”.
 
Rừng quan trọng là thế đó. Vậy mà, ai cũng phải bàng hoàng với thực trạng rừng hiện nay. Rừng đang bị tàn phá một cách mạnh mẽ không thương tiếc. Hàng loạt những cánh rừng đầu nguồn, tấm lá chắn kiên cường của người dân, bỗng nhiên bị xóa bỏ. Có lẽ đây là nguyên nhân chính gây ra những trận lũ quét, lở đất. Rồi hiện tượng nước mặn xâm lấn đất liền, tràn vào những đồng lúa, vuông tôm... chẳng phải là do nạn khai thác rừng trái phép xảy ra ở khắp nơi, đặc biệt là những vùng rừng ngập mặn hay sao? Có những cánh rừng thông, rừng phi lao do con người trồng cũng bị chặt phá, khiến những cơn lốc cát không ngừng bay vào ruộng nương nhà cửa. Rồi những cánh rừng nhân tạo bị khai thác và không có kế hoạch trồng lại, rồi nạn khai thác khoáng sản trái phép... đang làm cho diện tích rừng ngày một thu hẹp. Hiện tượng lâm tặc hoành hành trên các cánh rừng là nguyên nhân khiến vết thương của rừng ngày một trầm trọng. Máu từ rừng chảy ra ngày càng nhiều, cũng do nạn đốt phá rừng không có kế hoạch và do nạn cháy rừng... Chính chúng ta đã gây cho rừng những nỗi đau thảm thiết. Có thể những việc làm trên đã và đang đem lại lợi nhuận cho con người, thế nhưng, có ai hiểu rằng, hậu quả mà chúng ta phải gánh chịu do tội lỗi của mình - tội lỗi đã gây ra những vết thương cho rừng - là khôn lường?

Chúng ta làm rừng kiệt quệ, vì vậy, chúng ta phải gánh chịu hậu quả của những hành động tàn bạo, vô nhân tính ấy. Chúng ta có thể chống lại giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm. Nhưng còn một loại giặc con người khó có thể khống chế được - giặc thiên tai. Hằng năm, những cơn lũ lụt, lở đất tràn vào cuốn phăng nhà cửa khiến nhiều làng bị xóa sổ hoặc bị cô lập với bên ngoài. Thậm chí, chúng còn cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, để lại những nỗi đau, những vết thương tinh thần khó lành lại được cho gia đình nạn nhân. Không chỉ vậy, hạ tầng cơ sở cũng bị phá hủy nặng nề. Biết bao con đường bằng phẳng đẹp đẽ giờ trở nên xác xơ, gồ ghề, biết bao cống rãnh sông ngòi bị tắc, cản trở giao thông. Tất cả khiến nhà nước phải chi một khoản tiền không nhỏ để khôi phục lại. Việc phá rừng cũng làm muông thú mất nơi trú ngụ và những động vật hung dữ có thể tấn công con người bất cứ lúc nào. Các bạn thấy đấy, nhiều dàn voi hung dữ đã kéo vào các bản làng tấn công con người, phá hoại hoa màu.

Và có lẽ nhắc tới lũ lụt không thể không nhắc tới hiện tượng sa mạc hóa ở các tỉnh miền Trung - hậu quả của việc phá những rừng thông đã mở đường cho bão cát đi vào đất liền... Bạn có bao giờ tự hỏi, nếu những cánh rừng bị khai thác mà không có kế hoạch trồng lại thì hậu quả sẽ ra sao không? Có lẽ các nhà máy chế biến gỗ phải đóng cửa nghỉ việc. Còn một số khu rừng nguyên sinh, khu du lịch sinh thái, thắng cảnh bị xâm hại làm ảnh hưởng đến cảnh quan của rừng. Tất cả những hậu quả này kìm hãm sự phát triển kinh tế của nước ta. Nhưng, hậu quả nghiêm trọng nhất của nạn phá rừng là làm biến đổi khí hậu toàn cầu khiến lượng oxi giảm một cách trầm trọng. Đó chính là mối lo lớn nhất của toàn nhân loại. Những cánh rừng, đang lên tiếng kêu gọi những trái tim xanh, mong hàn gắn lại được phần nào vết thương của mình.

Nếu kể đến những biện pháp để cứu rừng thì không thiếu. Trước hết là trồng rừng để phủ xanh đất trống đồi trọc. Nhà nước cần nghiên cứu và có những biện pháp xử lí nghiêm ngặt đối với việc khai thác, chặt phá rừng bừa bãi, ngoài ra, chúng ta có thể tuyên truyền với mọi người về việc bảo vệ rừng một cách gián tiếp để cứu rừng hay ít nhất cũng giảm bớt được phần nào tình trạng phá rừng nguy hiểm hiện nay. Còn rất nhiều biện pháp, cách khắc phục mà không thể kể hết được. Thế nhưng rừng vẫn bị phá tan tành. Tại sao? Vì những biện pháp ấy chưa được sử dụng hợp lí. Nhưng cái chính vẫn là ý thức bảo vệ rừng của mỗi người, bởi rừng rộng lớn như vậy, ai có thể quản lí hết được. Các bạn đồng ý với tôi chứ?

Vâng, một lần nữa, tôi xin được nhắc lại: bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Vậy, chúng ta cùng bảo vệ rừng, bạn nhé!

Trịnh Kiều Mi (Trường THCS Ngô Gia Tự)

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây