Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng qua chương sách Hạnh phúc của một tang gia.

Thứ sáu - 08/05/2020 10:41
DÀN Ý:
- Hoàn cảnh sáng tác:
- Giới thiệu nghệ thuật trào phúng ,  .
- Phân tích nghệ thuật trào phúng trong chương “Hạnh phức của một tang gia”:
+ Nhan đề trào phúng: Hạnh phúc >< tang gia
+ Chân dung trào phúng:
Cụ cố Hồng: háo danh.
Văn Minh: háo lợi.
Cô Tuyết: một cô gái mới với nét buồn lãng mạn.
Cậu Tú Tân: kì công trong mỗi bức ảnh.
Bạn bè cụ cố Hồng: đám trưởng giả học làm sang và đồi bại.
Min đơ, Min toa: hạnh phúc cực điểm vì đã chấm dứt tình trạng “thất nghiệp” kinh điển.
Xuân Tóc Đỏ: lũng đoạn cả xã hội thượng lưu.
+ Nghệ thuật miêu tả đám đông: khi đưa tang và lúc hạ huyệt.
+ Ngôn ngữ trào phúng: ngôn ngữ giễu nhại, mỉa mai châm biếm...
+ Chi tiết xuất thần, phóng đại, gây cười: 1872 câu gắt “Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi” của cụ cố Hồng; tiếng khóc của Phán Mọc sừng “Hứt! Hứt! Hứt!”...
- Giá trị, ýnghĩa:
+ Tiếng cười tố cáo, tiếng cười tái sinh.

BÀI LÀM:
Nghệ thuật trào phúng là nghệ thuật sử dụng những chi tiết, hình ảnh, ngôn ngữ, hành động, có tác dụng "đánh địch”, “chửi địch” bằng tiếng cười đả kích sâu cay. Trong "Số đỏ”, Vũ Trọng Phụng đã sử dụng nghệ thuật trào phúng bậc thầy của minh để tạo ra tiếng cười nhiều cung bậc: có cái cười mỉm, có cái cười mỉa mai chua chát, có cái cười phê phán tố cáo... vừa tự nhiên vừa hợp lý. Ở đoạn trích "Hạnh phúc của một tang gia”, nghệ thuật trào phúng được thể hiện qua ý nghĩa nhan đề cũng như qua những bức chân dung biếm họa, chân dung đám đông, qua ngôn ngữ, giọng điệu... hài hước châm biếm. Có thể coi chương XV này là một màn kịch mà mỗi nhân vật đều có "đất diễn” cho sự lố lăng kệch cỡm của mình.

Nhan đề "Hạnh phúc của một tang gia” là tín hiệu trào phúng đầu tiên. Là một nhà báo, Vũ Trọng Phụng đã khéo léo sắp đặt nhan đề gợi sự tò mò của người đọc đồng thời đặt tất cả các nhân vật của mình vào một hoàn cảnh "trớ trêu” buộc phải bộc lộ bản chất. Chọn thời điểm tang gia là lúc gia đình đương bối rối nhất để làm bật lên niềm hạnh phúc cực điểm là cách mà nhà văn gợi ra mâu thuẫn chính yếu của toàn chương: mâu thuẫn giữa hình thức và bản chất nhân vật. Tình huống oái oăm biến đám ma thành đám hội tạo nên sự "lệch chuẩn” phi đạo đức: đó là niềm hạnh phúc của một gia đình vô phúc khi cụ tổ qua đời, đám con cháu bất hiếu cuối cùng cũng nhận được một phần gia sản mà bấy lâu nay chúng thèm muốn. Một người nằm xuống làm cho bao nhiêu người sung sướng hạnh phúc chính là phép thử cho tình người và tính người mà Vũ Trọng Phụng đã mở ra.

Tiếp theo, nhà văn đã dày công miêu tả những tất bật, lo toan của các thành viên trong và ngoài gia đình cụ cố Hồng trong việc tổ chức đám ma. Những lo lắng, bận rộn, "đăm đăm chiêu chiêu”, “buồn lãng mạn” cũng chỉ xoay quanh cái gia tài kếch xù của người quá cố, bởi nó là nguồn gốc mở ra biết bao câu chuyện về tình và tiền, danh và lợi: từ chuyện lo cưới chạy tang cho Tuyết, chuyện hối hôn đến chuyện lăng xê các mẫu tang phục của tiệm may Âu hóa; từ chuyện “Vì sao Xuân không đến” đến chuyện "mãi mà phái già chưa ra lệnh phát phục”... Bên cạnh niềm vui chung là “từ nay cái chúc thư kia sẽ đi vào thời kì thực hành chứ không còn là lý thuyết viễn vông nữa”, mỗi thành viên lại có những "nỗi niềm” riêng tạo nên những chân dung biếm hoạ khác nhau. 

Bức chân dung biếm họa đầu tiên là chân dung của cụ cố Hồng - con cụ cố tổ, vị trưởng bối đứng đầu một đại gia đình danh gia. Mới 50 tuổi nhưng ích được gọi là “cố”, con người chỉ mơ màng nghĩ đến lúc “mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu, để cho thiên hạ phải chỉ trỏ: “úi giời, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa”. Đám tang là dịp để người ta trông vào và là “cơ hội” cho cụ cố Hồng thể hiện ngôi vị trưởng tộc đáng kính trọng mà đầy đau thương của mình. Trong khi bố mình vừa mới qua đời, cụ cố Hồng đã tìm niềm vui nơi 60 điếu thuốc phiện và phải gắt lên đến 1872 câu: “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Đứa con trai. không có một phút giây nào nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mình, cố Hồng đại diện cho loại người háo danh trong xã hội thượng lưu.

Niềm hạnh phúc lớn lao của Văn Minh (cháu cụ cố tổ) là “cái chúc thư kia đã đi vào thời kì thực hành chứ không còn là lý thuyết viễn vông nữa”. Chính vì thế mà việc khám liệm tử thi diễn ra qua loa bởi Văn Minh còn bận lăng xê những mốt quần áo của tiệm may Âu hoá. Bên cạnh niềm hạnh phúc chung thì Văn Minh cũng có “nỗi niềm riêng” khi không biết xử trí ra sao với Xuân Tóc Đỏ bởi Xuân có “hai cái tội nhỏ, một cái ơn to”. Cái tội quyến rũ một em gái của Văn Minh, tố cáo cái hoang dâm của một em gái khác đã bị lu mờ đi trước cái ơn làm cho “ông cụ già chết thật”. Điều này khiến Văn Minh “đăm đăm chiêu chiêu” rất hợp với gia cảnh của nhà có đám! Văn Minh đại diện cho loại người hám lợi trong xã hội.

Đối vối ông Phán mọc sừng, niềm hạnh phúc lớn lao nhất là được chia thêm một gia tài lớn, “một số tiền là vài nghìn đồng” khiến hắn vui sướng đến ngỡ ngàng không tin vào bản thân mình nữa “chính ông ta cũng không ngờ cái giá của đội sừng trên đầu mình lại to như thế”. Trong niềm hạnh phúc ấy ông Phán đã sớm trù tính một công việc “doanh thương” với ngài Xuân, đã quyết định giữ chữ tín bằng cách dúi vào tay Xuân một tờ giấy bạc năm đồng gấp tư khi hạ huyệt. Hành động đó của tên cháu rể quý hóa thật là bỉ ổi, dám mua bán lương tâm trên huyệt mộ. Tên cháu rể của người chết chính là đại diện tiêu biểu cho táng tận lương tâm vì dám đem cái xấu xa ra mà tán tụng, khen thưởng.

Cô cháu gái của người chết có cái tên rất trong trắng là Tuyết thì dành hết tâm trí của mình vào việc quảng cáo trang phục Ngây thơ để khoe tấm thân trắng nõn nà của mình. Cái động cơ tâm lý của Tuyết là “để cho thiên hạ biết rằng chưa đánh mất cả chữ trinh” bởi đám tang là nơi hội tụ của đầy đủ những giới thượng lưu, Tuyết sẽ có cơ hội cho người ta thấy mình... còn trinh một nửa. Tuyết hôm nay có “một vẻ buồn lãng mạn một cách rất đúng mốt của một nhà có đám” nhưng nỗi buồn của Tuyết không hướng tới cái chết của ông nội mà vì Tuyết không nhìn thấy bóng dáng của “bạn giai” Xuân đâu cả.

Cậu Tú Tân cùng đại diện cho “phái trẻ” trong gia đình cụ cố Hồng. Niềm hạnh phúc của cậu là có cơ hội được sử dụng đến mấy cái ảnh mà mãi chưa có dịp dùng tới. “Dịp may” đã đến, cậu cùng bạn bè rầm rộ chụp ảnh như đang tham gia một cái hội chợ và ta vẫn không tìm thấy sự buồn bã của một nhà có đám trên gương mặt và suy nghĩ của cậu.

Có thể nói, mỗi thành viên của gia đình cố Hồng đều có điểm chung: đều đóng rất đạt vẻ ngoài buồn buồn, mất mát, hợp mốt của nhà có đám tang. Nhưng mỗi người lại theo đuổi một niềm đam mê riêng. Thật là hạnh phúc của một gia đình vô phúc, thật là ngược đời, thật là rởm đời!

Bên cạnh các thành viên trong gia đình cố Hồng, những người ngoài gia đình cũng nhân đây mà có niềm vui riêng cho mình.

Hai viên cảnh sát Minđơ - Mintoa cảm thấy sung sướng đến cực điểm vì được mời thuê giữ trật tự cho đám ma, giữa thời buổi không có ai đáng phạt mà phạt này, chính thức chấm dứt tình trạng thất nghiệp kinh niên.

Bạn bè cụ cố Hồng đi tham dự đám tang mà như đi duyệt binh. Họ khoe mốt râu: “hoặc dài hoặc ngắn, hoặc đen hoặc hung hung, hoặc lún phún hay rầm rậm, loăn quăn”; họ khoe mốt huy chương: Bắc Đẩu bội tinh, Vạn tượng bội tinh... Nỗi xúc động của họ là khi nhìn thấy làn da trắng nõn thập thò sau làn áo voan mỏng của Tuyết - để rồi cảm động hơn khi nghe thấy tiếng kèn xuân nữ ai oán. Họ đại diện cho xã hội trưởng giả học làm sang, ngu dốt và háo danh trong xã hội.

Sư cụ chùa Tăng Phú thì sung sướng, vênh váo. Cụ đến đám tang như đi đến chiến trường để có dịp chứng minh cho mọi người biết cụ đã đánh đổ “hội phật giáo”, nhà sư cũng biến thành sư hổ mang, biến đám ma thành nơi tranh giành đấu đá.

Xuân tóc đỏ, trong chương thứ XV này không xuất hiện nhiều nhưng: biết chọn thời điểm để tự lăng xê bản thân mình. Xuân xuất hiện trong sự  mong chờ/ không mong chờ của rất nhiều người nên khi thấy đoàn xe của hắn len vào chiếm chỗ sau 5 lá cờ đen ở trên phố, người ta đã khen nó hoặc ghen tị với nó, nghĩa là Xuân luôn trở thành trung tâm trong mỗi lẩn xuất hiện. Hắn không còn là kẻ ngơ ngáo giữa xã hội thượng lưu mà đã thực sự trưởng thành để hoành hành trong xã hội ấy ngay giữa thanh thiên bạch nhật.

Như vậy, chỉ có cụ cố tổ nằm trong quan tài là lạnh ngắt. Và giá cụ cố chứng kiến tất cả cảnh này, cụ sẽ thấy tâm hồn những người còn sống cũng giá lạnh như cái chết của cụ. Trong cái “tấn trò đời” đó, mỗi nhân vật là một tâm hồn, sự băng hoại về đạo đức.

Bút pháp trào phúng châm biếm còn bộc lộ qua nghệ thuật miêu tả đám đông nhố nhăng, nhặng xị khi đi đưa tang của Vũ Trọng Phụng.

Từ một gia đình, niềm hạnh phúc đã lây lan ra cả một đám đông lớn. Ai cũng trông thấy một đám ma linh đình với “lợn quay đi lọng, kiệu bát cống... lốc bốc xoảng, kèn bú dích …” lại thêm kèn xuân nữ ai oán, với mấy trăm cái vòng hoa câu đối như sự hỗn tạp của các nền văn hóa Đông Tây. Vũ Trọng Phụng đã lùi xa để thu được cái toàn cảnh sự di chuyển vô hồn của đám đông trong một đám rước, đám hội hơn là một đám ma. Cái đám đông ấy trở thành công cụ quảng cáo để khoe danh khoe của, khoe các mẫu mốt quần áo tang và là phông nền cho sự xuất hiện của Xuân Tóc Đỏ. Sau cái nhìn ra xa để thu toàn cảnh, Vũ Trọng Phụng lại tinh quái khi len lỏi vào giữa đám đông ấy để lắng nghe lời đối thoại: “Gớm cái ngực, đầm quá đi mất”, “ai chứ con ấy thì bạc tình bỏ mẹ”... Đám tang là nơi để họ “chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau bằng vẻ mặt của người đi đưa ma. Cứ thế cảnh đi đưa tang diễn ra trong sự đông đúc, tấp nập, vui vẻ và rạng ngời.

Cảnh hạ huyệt cũng được nhà văn miêu tả bằng những chi tiết đặc sắc. Đám tang cũng là công cụ để ông Phán Mọc Sừng trả nghĩa đối với ngài Xuân Tóc Đỏ cho nên giữa lúc oặt người đi và khóc mếu thì Phán vẫn đủ tỉnh táo để dúi vào tay Xuân tờ bạc 5 đồng gấp tư. Cụ cố Hồng thì ra sức khóc nghẹn, ho khạc, Tú Tân cùng bạn bè cậu thì rầm rộ nhảy lên những mả khác để chụp cho ảnh khỏi giống nhau... Ai cũng làm tròn vai diễn của mình nhưng không ai có thể qua mặt được đôi mắt quan sát tinh tường của Vũ Trọng Phụng. Những giọt nước mắt giá lạnh của tình người đang được phô bày trong giờ khắc cuối cùng tưởng chừng như phải thiêng liêng thành kính. Có thể nói trong đám tang của cụ cố to có đầy đủ mọi thứ nhưng lại thiếu một điều quan trọng nhất: thiếu tình thương. Thiếu tình người, đám tang trở thành một lễ hội, một đám rước vui vẻ hạnh phúc! 

Vũ Trọng Phụng cũng chú ý chộp lấy những chi tiết xuất thần, phóng đại, gây cười.

Chính những chi tiết này có tác dụng rất lớn trọng việc lột trần bản chất của nhân vật. Chỉ riêng chi tiết cậu Tú Tân bắt người này người nọ tạo dáng để cậu chụp ảnh, còn bạn bè cậu rầm rộ nhảy lên những ngôi mả khác để chụp ảnh cho khỏi giống nhau cho thấy cậu xuất hiện như một đạo diễn phim hài về một bộ phim mà thật - giả lẫn lộn khó phân biệt được.

Đỉnh cao của màn trào lộng này phải kể đến tiếng khóc “hứt hứt hứt” của Phán Mọc Sừng. Tiếng khóc với điệp âm “ứt” lặp lại đến ba lần như khóc nghẹn, như bóp nghẹt cảm xúc của người đọc, khiến họ cũng phải nín thở mà lắng nghe cái âm thanh lạ lùng phát ra giữa trăm ngàn âm thanh hổ lốn của cái đám ma to tát dường ấy.

Ngôn ngữ trào phúng cũng là một tài năng nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng. Tác giả sử dụng triệt để thủ pháp cường điệu, nói ngược, nói mỉa; “Ba hôm sau ông cụ già chết thật”- chết thật nghĩa là từng nhiều lần chết hụt, nghĩa là đám con cháu kia từ nay thôi hụt hẫng, nhấp nhổm vì cái gia tài kếch sù của người quá cố.

“Thật là một đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu”.

“Và còn nhiều câu nói vui vẻ, ý nhị nữa, rất xứng đáng với những người đi đưa đám ma”.

"Thật là giai thanh gái lịch, nên họ chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau, bằng những vẻ mặt buồn rầu của người đi đưa ma”...

Đám tang đã mở ra ít nhiều hạnh phúc cho mỗi một người tham dự, duy chỉ có cụ cố tổ là lạnh ngắt trong quan tài. Vũ Trọng Phụng bằng lời văn mỉa mai giễu cợt trên tất cả các cấp độ, bằng việc xây dựng các chân dung biếm hoạ độc đáo cũng như cảm nhận toàn cảnh về đám tang đã thể hiện 1 nghệ thuật trào phúng đặc sắc có giá trị tư tưởng nghệ thuật lớn lao.

Đám tang giống như hình ảnh một xã hội thu nhỏ, đằng sau đám tang là cái bịp bợm, nhố nhăng của cái xã hội thượng lưu đương thời. Cái xã hội ấy đang tiễn đưa cụ cố tổ về nơi an nghỉ cuối cùng nhưng cũng là tiễn đưa chính mình về hành trình huyệt mộ.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây