Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Cảm nghĩ về bà của em (Bài 2)

Thứ tư - 11/03/2020 09:18
“Cái cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”.
Giữa trưa hè nắng gắt, đang đạp xe về nhà, tôi chợt nghe, trong một căn nhà nào đó sau lũy tre xanh, tiếng bà ru cháu ngủ. Tôi bỗng nhớ, bà ngoại đang ở nhà mong cô cháu gái bé nhỏ đi học về.

Bà ngoại tôi năm nay ngoài tám mươi tuổi. Lưng ngoại đã còng. Tôi nhớ, từ khi tôi còn nhỏ, lưng ngoại đã như thế rồi. Có lẽ do lưng còng nên bà đi chậm lắm. Nhìn lưng ngoại, nhìn bà đi lại, tôi rất thương. Đúng là bà “bán lưng cho trời”. Không ra đồng được nên suốt ngày bà quanh quẩn bên mảnh vườn cạnh nhà. Hết cho gà ăn lại chăm bẩm luống rau, cây quả,... Sợ bà mệt, nhiều khi tôi bảo bà cứ nghỉ ngơi nhưng bà bảo làm thế cho khỏe người mà lại đỡ được tiền mua thực phẩm.

Da ngoại tôi màu bánh mật, đã sạm đen và chi chít vết nhăn vì nắng gió. Hai mắt ngoại đã mờ, không nhìn xa được nhưng vẫn ánh lên vẻ trìu mến, hiền dịu khi nhìn con cháu. Những vết chân chim bám chặt lấy hai đuôi mắt bà. Gò má bà nhô cao vì hai bên má đã hóp lại. Miệng bà móm, hiện rõ các nếp hằn sâu xung quanh nhưng vì vẫn giữ được tục ăn trầu từ xưa nên môi bà rất đỏ. Mỗi lần muốn ăn trầu, bà cho trầu cau vào một cái cối nhỏ bằng đồng, rất xinh rồi nghiền nát ra cho vào miệng. Đôi khi tôi cũng giúp bà giã trầu. Những lúc đó, bà xoa đầu tôi, bảo: “Miếng trầu này bà ăn chắc ngon lắm đấy”. Còn tôi thì sung sướng vì đã giúp được bà.

Đôi tay ngoại gầy, cứng, da rất khô và nhăn nheo, các đường gân nổi hẳn lên. ngoằn ngoèo như những cái rễ cây nhỏ. Nhìn chúng, tôi không sợ mà chỉ thấy thương bà hơn. Ông ngoại tôi hi sinh, chắc bà phải bươn chải lắm mới nuôi được mẹ tôi và các bác ăn học đến nơi đến chốn. Có lần bà ốm, bác Gái hàng xóm sang thăm, cầm tay bà, xót xa: “Cháu hãy nhìn tay bà để biết ngày trước bà vất vả thế nào”.

Bà tôi là người ngay thẳng. Ai sai bà nói ngay, không bao giờ để bụng nên hàng xóm ai cũng quý bà. Tuy tuổi cao nhưng bà vẫn được mọi người tín nhiệm bầu làm Trưởng ban hòa giải.

Bà rất yêu con thương cháu. Còn nhớ một lần, bố mẹ đều đi công tác, tôi bị ốm, phải nghỉ học, thế là một tay bà chăm sóc tôi. Mỗi khi tôi khát, bà vắt cam cho tôi uống. Khi tôi sốt cao, bà lấy khăn, lấy đá chườm cho tôi. Khi tôi rét, bà lấy chăn ủ cho tôi. Mỗi khi tôi mê sàng, bà ôm ấp vỗ về tôi... Lúc tôi khỏi bệnh cũng là lúc tôi thấy bà xọp hẳn đi.

Bà tôi kể chuyện rất hay. Tối tối, bà lại kể cho tôi nghe những chuyện chiến đấu ngày xưa của bà. Có những chuyện bà kể đi kể lại nhưng tôi thấy vẫn hấp dẫn, vẫn muốn nghe. Bà kể về những gương chiến đấu dũng cảm, về sự hi sinh quên mình cứu đồng đội, về sự ác liệt của chiến tranh... Bà bảo tôi: “Những ngày gian khổ ở chiến trường, bà nhớ mãi không bao giờ quên. Cháu hãy nhớ, biết bao người đã hi sinh xương máu của mình để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, để cháu có được cuộc sống như ngày hôm nay. Cháu phải biết ơn họ, phải cố gắng học tập sao cho xứng đáng với sự hi sinh lớn lao ấy”.

Ôi, bà ngoại của tôi. Tôi yêu bà và biết ơn bà biết bao nhiêu. Dù đi đâu tôi vẫn nhớ về bà. Tỏi sẽ cố gắng trở thành con ngoan trò giỏi cho bà vui lòng.

Đinh Thanh Hà - Trường THCS Đông Ngạc

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây