Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Cảm nghĩ về ông của em

Thứ tư - 11/03/2020 09:28
Giờ đây, người ông thân yêu của tôi không còn nữa nhưng hình ảnh về ông sẽ mãi mãi là những kí ức đẹp trong trái tim tôi. Ông ơi, cháu nhớ ông vô cùng!
Tôi còn nhớ, ngày trước, cứ mỗi lần nhìn thấy bàn tay nhăn nheo điểm những chấm đồi mồi của ông là tôi lại cảm thấy xót xa biết nhường nào. Bàn tay ông nhăn nheo vì tuổi già, gầy gầy xương xương vì những năm ông cầm súng chiến đấu ở chiến trường miền Nam và đó còn là dấu tích của những ngày tháng ông vất vả tần tảo kiếm sống để nuôi bố tôi và các bác. Ôi chao! Bàn tay ông vĩ đại làm sao! Tôi nhớ mấy năm trước, khi ông còn khỏe mạnh, hôm nào ông cũng đón tôi bằng chiếc xe máy cũ. Có lần, giữa trưa hè nóng bức, ông đi đón tôi. Nhìn những giọt mồ hôi lăn trên gò má nhăn nheo của ông, tôi thương ông tôi quá. Tôi ước trời hãy bớt nắng gắt đi để ông đỡ vất vả. Mặc dù đã gần tám mươi tuổi nhưng ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động của khu phố. Chiều nào ông cũng cùng các ông bà trong khu đi bộ, tập thể dục để rèn luyện sức khỏe. Dù ông đã mất nhưng những lời nói của ông, tôi vẫn nhớ: “Cháu à, sức khỏe là thứ quan trọng nhất của con người. Có sức khỏe là có tất cả, vì vậy cần chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao thì mới có sức khỏe”.

Tôi nhớ, những đêm đông giá lạnh, thật sung sướng và hạnh phúc được gối đầu lên vòng tay ấm áp của ông, được ông xoa đầu, được nghe ông kể những câu chuyện cổ tích với các bà tiên cưỡi mây đi cứu giúp người hoạn nạn. Tuổi thơ tôi đã gắn liền với những câu chuyện êm đềm, những bài hát ru ngọt ngào, những ánh mắt trìu mến và cả những cử chỉ thân thương của ông. Có lần, tôi buột miệng hỏi ông: “Ông ơi, có ai sống mãi được không hả ông?”. Ông cười, xoa nhẹ lên đầu tôi: “Ai già cũng phải chết cháu à”. Bất giác, lúc ấy tôi nghĩ, nếu ngày nào đó, ông không còn nữa, thì tôi sẽ sống ra sao nhỉ? Chắc chắn đó sẽ là ngày buồn và đau đớn nhất của đời tôi.

Tôi nhớ, trước khi mất gần một tuần, ông ho nhiều hơn trước. Ông ho khù khụ, có lúc còn ho ra máu. Người ông gầy hẳn đi, hai gò má ông hóp lại. Đâu rồi cái dáng đi mạnh mẽ? Đâu rồi những ngày được ông đón đưa đi học? Đâu rồi giọng kể hào hùng về những năm tháng chiến tranh? ... Tất cả đã xa rồi, xa rồi. Ông nằm trên giường bệnh, mệt mỏi nhưng tôi vẫn cảm thấy nụ cười hiền hậu hạnh phúc trên đôi môi ông. Tôi thương ông quá. Tôi đến bên giường bệnh, nắm chặt lấy bàn tay gầy gầy của ông và nói: “Ông ơi, ông mau khỏi bệnh để còn chơi với cháu”. Ông mỉm cười: “Ông sẽ khỏi bệnh nhanh thôi, cháu yêu của ông”. Thế mà chỉ mấy hôm sau, đi học về, tôi sững sờ, bàng hoàng khi hay tin ông đã mất. “Ông mất thật rồi ư?”. Tôi không tin vào tai mình khi mẹ vừa khóc vừa nói với tôi : “Ông mất rồi con ơi”. Sao ông ra đi nhanh thế? Sao ông không chờ tôi đi học về, nói với tôi vài câu? Sao ông không sống thêm vài năm nữa xem cháu gái ông trưởng thành? ... Căn bệnh lao quái ác đã cướp đi mạng sống và biết bao hạnh phúc của ông.

Đứng trước bàn thờ ông, tôi khóc nức nở và thầm hứa với ông sẽ cố gắng học thật giỏi, ngoan ngoãn để nơi chín suối ông vui lòng. Ông ơi, cháu yêu và nhớ ông nhiều lắm.

Hoàng Đào Thanh Trang -Trường THCS Lê Quý Đôn

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây