Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Cảm nghĩ về bà của em

Thứ hai - 09/03/2020 22:24
Mỗi lần hè về, chị em tôi đều háo hức vì được về thăm quê ngoại. Tôi có nhiều lí do đê thích về quê ngoại: được đi câu cá, thả diều.... nhưng có lẽ, lí do quan trọng nhất là tôi được gặp bà ngoại - người mà tôi hằng yêu thương. kính trọng....
Mỗi lần về quê, bà luôn là người đầu tiên ra đón tôi. Bà đã ngoài tám mươi nên đôi bờ vai đã gù xuống, lưng hơi còng, do vậy, lúc nào trông bà cũng có vẻ lom khom. Mỗi bước đi của bà đều khó nhọc. Trông thấy bà, tôi chạy lại, dìu bà đi.

Bà tôi có vẻ mặt khắc khổ. Khuôn mặt bà nhỏ, những nếp nhăn hằn sâu bên khóe mắt, quanh miệng - người ta bảo đó là dấu vết của tuổi già và của sự vất vả. Nằm sâu trên khuôn mặt bà là đôi mắt đã mờ đục. Hai mi mai ở trên nhăn lại, trĩu xuống một cách nặng nhọc. Nhìn đôi mắt bà, tôi nghĩ chắc hồi trẻ bà phải vất vả lắm . Nhưng đôi môi của bà lại trái ngược với đôi mắt. Môi bà đỏ đậm, rất đẹp. Đẹp hơn cả đôi môi tô son cuả mẹ tôi. Tôi cũng tự hỏi sao bà lại có đôi môi đẹp thế? Sau này tôi mới biết, môi bà đỏ là do ăn trầu. Mỗi khi bà nhai trầu lại lộ ra hai hàm răng chắc khỏe, đen bóng, trông đến là đẹp mắt. Ngoại thường bảo tôi rằng đen chính là nét đẹp của phụ nữ thời xưa. Ôm trọn lấy khuôn mặt ngoại là mái tóc dài. Trắng như cước, thường được ngoại búi gọn sau gáy. Mỗi lần bà gỡ tóc, tôi lại có dịp đếm xem bà còn bao nhiêu sợi tóc đen. Thời gian trôi nhanh quá. Mới hồi nào, khi tôi còn bé xíu, tóc bà đen nhánh, óng mượt, giờ đây, mái đầu ấy đã trắng xóa. Thời gian trôi, kéo theo tuổi trẻ của bà tôi. Còn bàn tay bà tuy đã nhăn nheo, đã điểm nhiều nốt đồi mồi nhưng vẫn không khác xưa - siêng năng, tuy có phần chậm chạp hơn. Bà vẫn chăn nuôi gà, trồng rau xanh để thỉnh thoảng lại gửi lên cho gia đình tôi.

Với tôi, bà không chỉ là bà ngoại mà còn như bà tiên trong truyện cổ tích. Từ hồi tôi còn bú mẹ, bà đã ở bên tôi, đưa nôi, hát ru tôi ngủ, bón cho tôi từng thìa cháo, vỗ về khi tôi ốm đau... Khi tôi lớn lên, biết suy nghĩ, bà dạy tôi cách sống, cách cư xử để trở thành người có ích. Tôi vẫn nhớ câu đầu tiên bà dạy khi tôi cắp sách đến trường: “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Tôi yêu bà ngoại của tôi lắm. Nếu không có sự chăm sóc dạy dỗ của bà chắc cũng không có Khánh Linh năm nào cũng được trường khen như ngày hôm nay. Con biết ơn bà nhiều. Dù di đâu về đâu con cũng không bao giờ quên bà.

Nguyễn Khánh Linh - Trường THCS Đồng Anh

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây