Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Bình giảng truyện cổ tích Tấm Cám

Thứ hai - 11/10/2021 04:25
Truyện Tấm Cám mở đầu bằng việc mụ dì ghẻ sai hai con ra đồng bắt tép, ai đầy giỏ thì được thưởng yếm đỏ. Khách quan và công bằng mà nói, thì lúc này với câu nói như vậy, mụ dì ghẻ chưa có thủ đoạn bất công hay âm mưu độc ác nào cả.
Sau đó, kẻ đã lừa dối và cướp công Tấm, bảo Tấm “hụp cho lâu” và trút sạch giỏ tép của Tấm là Cám. Cám hoàn toàn tự ý và chủ động, không hề có sự dặn dò, sai khiến nào của mẹ nó cả. Không nên và không thể chụp mũ, quy oan cho mụ dì ghẻ và làm giảm tội cho Cám trong việc này. Cám như vậy chỉ vì lòng tham, muốn chiếm phần “yếm đỏ” của Tấm mà thôi.

Ai đã rình mò, thẹo dõi việc “nuôi cá bống” của Tấm và báo cho mụ dì ghẻ biết? Ai đã lấy quần áo của Tấm, cướp chồng Tấm và giết Tấm năm lần bảy lượt? (giết chim vàng anh, chặt xoan đào, đốt khung cửi...). Kẻ đó chính là Cám. Cám trực tiếp nhúng
tay vào tội ác, liên tục tấn công, truy đuổi, hãm lại và cướp đoạt quyền lợi của Tấm, càng về sau càng quyết liệt, dã man. Mụ dì ghẻ chỉ tham gia một số việc, mà chủ yếu là tham gia bày mưu tính kế theo yêu cầu và lợi ích của Cám. Vì thế sự phản công của Tấm (ở kiếp sau) đều chủ yếu tập trung vào Cám.

Từng tiếng chim vàng anh:
Giặt áo chồng tao
Phơi lao, phơi sào
Chớ phơi bờ rào
Tao cào mặt ra!

hoặc:
Giặt mà không sạch
Tạo rạch mặt ra!.

đến tiếng khung cửi:
Kẽo cà kẽo kẹt
Lấy tranh chồng chị
Chị khoét mắt ra!.

Và đâu phải là ngẫu nhiên mà tác giả dân gian đã để cho Tấm trả thù Cám một cách nặng nề, khốc liệt đến mức trở thành vấn đề làm cho nhiều người phải băn khoăn, bàn cãi như thế?

Sự mâu thuẫn, xung đột giữa Tấm và người mẹ kế diễn ra một cách gián tiếp và không liên tục; nó góp phần bổ sung, làm tăng thêm sự phức tạp, nặng nề của xung đột giữa Tấm và Cám, chứ không thể làm mờ, lấn át hoặc thay thế cho xung đột Tấm - Cám. Vì thế Tấm cũng không trực tiếp trả thù người mẹ kế một cách nặng nề, quyết liệt như đã trả thù đối với Cám (vấn đề này sẽ được nói kĩ hơn ở phần sau).

Nếu cho rằng chủ đề của truyện Tấm Cám chỉ là, hoặc chủ yếu chỉ là xung đột dì ghẻ - con chồng thì sẽ không thể lí giải được sự phát triển hợp lý của cốt truyện, sự nhất quán và hài hòa vẻ nội dung và hình thức tác phẩm. Tóm lại, ở truyện Tấm Cám vừa có xung đột dì ghẻ - con chồng, vừa có xung đột chị em cùng cha khác mẹ, nhưng chủ yếu là xung đột giữa những người cùng thế hệ, giữa Tấm và Cám, giành quyền lợi giữa một bên là Tấm, một bên là Cám và người mẹ kế diễn ra liên tục từ thấp đến cao, từ hẹp đến rộng, từ trong nhà ra hội làng, đến tận cung vua, hết kiếp này sang kiếp khác, vô cùng dai dẳng và khốc liệt mà mở đầu chỉ là một sự việc giản đơn: Cám đã trút sạch giỏ tép của Tấm để chiếm phần “yếm đỏ” đáng ra là của Tấm.
Chính cái sự việc giản đơn đó đã bộc lộ rõ bản chất và chân tướng của nhân vật Cám.
Đoạn kết của truyện Tấm Cám làm cho cả người kể lẫn người nghe đều hả hê, sảng khoái vì thiện đã thắng ác, chính nghĩa đã tiêu diệt và hóa thân (thành chim vàng anh, xoan đào, khung cửi, cây thị). Ở đây thuyết luân hồi của đạo Phật đã trở thành chỗ dựa và phương tiện nghệ thuật, giúp cho tác giả dân gian thực hiện ước mơ công bằng xã hội và lí tưởng thẩm mĩ của mình một cách thuận lợi ở trong trí tưởng tượng và bằng trí tưởng tượng sáng tạo..

Sau khi “quả thị” về tay bà lão bán hàng với tất cả sự chăm sóc, nâng niu, ôm ấp của bà, Tấm mới chấm dứt được kiếp vật và trở thành người và nhờ miếng trầu cánh phượng làm trung gian, môi giới, nhà vua và Tấm mới gặp được nhau. Những chi tiết ấy thật độc đáo, nên thơ và giàu ý nghĩa nhân sinh, triết lí.

Nhưng một điều làm cho không ít người phải băn khoăn, bàn cãi, ở đoạn kết này là sự trừng phạt, trả thù của Tấm đối với mẹ con nhà Cám.

Tại sao Tấm lại làm như vậy và làm như vậy có phù hợp và thỏa đáng hay không? 

Nhiều người cho rằng, với mẹ con nhà Cám, trừng phạt như thế hoặc nặng hơn vẫn là phù hợp và thích đáng. Nhưng đối với Tấm thì cách trả thù nhự vậy không phù hợp với bản chất và tính cách hiền hậu của cô. Có người so sánh cách trả thù của Tấm và cách đối xử của Thạch Sanh với mẹ con Lí Thông và cho rằng cách xử lí của Thạch Sanh hay hơn, đẹp hơn và phù hợp với truyền thống nhân đạo khoan hồng, rộng lượng của nhân dân ta hơn cách làm của Tấm.

Nói chung sự thưởng phạt trong truyện cổ tích đều bắt nguồn từ triết lí ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác nhưng hình thức thưởng phạt cụ thể thì rất khác nhau, không truyện nào giống truyện nào. Không phải người thiện nào cũng được lấy công chúa và làm vua như Thạch Sanh, hoặc được lấy vua làm hoàng hậu như cô Tấm. Và cũng tương tự như vậy, không phải nhân vật phản diện nào cũng bị trời đánh như mẹ con Lí Thông, hay bị trừng trị như mẹ con nhà Cám. Việc để cho nhân vật chính diện trực tiếp trừng trị kẻ thù của mình hay để cho Trời, Phật, thần thánh trừng phạt kẻ ác cũng là quyền tự do sáng tạo của tác giả dân gian, không có một công thức chung nào cả! Người nghiên cứu, thưởng thức có quyền khen chê, bình phẩm nhưng phải xuất phát từ tác phẩm cụ thể và dựa trên những căn cứ xác đáng. Muốn so sánh hai nhân vật Thạch Sanh và Tấm thì cần phải so sánh một cách toàn diện và có hệ thống, đồng thời phải đặt nhân vật vào trong những mối quan hệ cụ thể trong tác phẩm mà xét. Chàng Thạch Sanh và cô Tấm đều là những hình tượng văn học dân gian đẹp, nhưng là những vẻ đẹp khác nhau. Ở Thạch Sanh cái hùng gắn với cái hiền lã sự độ lượng bao dung của người chiến thắng. Ở Tấm sự dịu hiền gắn với cái đáo để và nhu cầu trả thù của người bị áp bức, bóc lột. Thạch Sanh có rất nhiều kẻ thù nhưng hầu như không có chi tiết nào cho thấy chàng có nhu cầu trả thù sau mỗi lần chiến thắng. Chẳng những tha cho mẹ con Lí Thông mà Thạch Sanh còn khoan dung rộng lượng với quân sĩ của mười tám nước chư hầu, mặc dù chàng có đầy đủ sức mạnh và vũ khí diệu kì để tiêu diệt chúng. Còn cô Tấm lại có nhu cầu trả thù, nhu cầu trừng trị kẻ thù đã áp bức, bóc lột, hãm hại mình rất rõ. Khi được trở lại kiếp người và trở về cung vua, Tấm mới có điều kiện để trừng trị Cám, những nhu cầu và khát vọng ấy đã có rất sớm, ngay từ sau khi Tấm trèo cau và bị mẹ con nhà Cám giết chết trong ngày giỗ bố. Trước khi bị giết, Tấm hiền dịu, ngây thơ bao nhiêu thì sau khi bị giết cô lại đáo để và quyết liệt bấy nhiêu (tiếng chim vàng anh, tiếng kêu của khung cửi và hành động trả thù mẹ con Cám cuối cùng đều chứng tỏ điều đó). Trước khi bị giết, mỗi lần gặp khó khăn, thua thiệt hoặc bị đối xử bất công, thậm chí bị cướp bóc..., Tấm đều tỏ ra yếu đuối, chỉ biết khóc và nhờ vào sự phù trợ của ông Bụt. Nhưng ông Bụt giúp Tấm được bao nhiêu thì kẻ thù lại cướp đi hết bấy nhiêu và cuối cùng cướp luôn cả sinh mệnh của Tấm mà ông Bụt cũng bó tay, bất lực. Vì thế cho nên, ở giai đoạn hậu thân, Tấm phải tự mình đảm nhiệm phần việc mà ông Bụt đã không giúp và không thể giúp.

Lôgíc phát triển tính cách của nhân vật Tấm chính là như vậy. Và một khi đã thấy rõ mối quan hệ và sự phù hợp giữa hành động trả thù với lôgíc phát triển tính cách của Tấm thì sự băn khoăn về mức độ và hình thức trả thù của nhân vật này cũng không thành vấn đề phải đặt ra để bàn cãi nữa. Một điều rất đán chú ý là, ở truyện Tấm Cám có hai nhân vật có uy quyền lớn là ông Bụt và nhà vua - cả hai đều đứng về phía Tấm, nhưng cả hai đều đứng ngoài và bất lực trước sự ức hiếp hãm hại Tấm của mẹ con nhà Cám.

Ông Bụt chỉ giúp Tấm một số lần ở thời kì đầu cho đến khi Tấm đi dự hội và gặp được vua trở thành hoàng hậu. Sau đó Tấm tự vận động từ kiếp này sang kiếp khác theo thuyết luân hồi của đạo Phật.

Còn ông vua ở đây thì thật là đặc biệt và ít thấy, ngay cả trong truyện cổ tích. Trong nhà của vua có khung cửi, vợ vua cũng dệt vải và giặt áo cho chồng như dân thường. Sinh hoạt của nhà vua thật bình dị. Vua cũng đi dự hội làng, cũng ghé vào quán nước bên đường để ăn trầu uống nước như mọi người. Đặc biệt đáng chú ý hơn nữa là, nhà vua rất yêu thương Tấm, lại có đầy đủ quyền lực trong tay, mà từ khi mất Tấm cho đến khi gặp lại Tấm ở nhà bà lão bán hàng và đưa Tấm trở về cung, nhà vua không hề có một hành vi, một thái độ nào dù là rất nhỏ để trả thù Cám cả. Tất cả mọi việc (trong quan hệ với Cám) đều do Tấm giải quyết một mình, nhà vua hoàn toàn như là một người ngoài cuộc. Tại sao như vậy? Phải chăng, trong quan niệm của tác giả dân gian ở truyện này, nhà vua cũng như việc lấy vua của Tấm chỉ đơn thuần là một phần thưởng mà thôi. Nhà vua ở đây cũng hiền như Bụt và cũng xa vời như Bụt vậy.

Hoàng Tiến Tựu (Trích “Bình giảng truyện dân gian”)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây