Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Biểu cảm về món quà tuổi thơ

Thứ sáu - 13/03/2020 12:07
Trong cuộc đời mỗi người, khi còn thơ bé, có ai là không có lấy một lần nhận quà? Tôi cũng có một món quà để chơi mà tôi yêu quý nhất. Đó là chiếc mặt nạ chú Tễu bằng giấy bồi.
Biểu cảm về món quà tuổi thơ
Tôi nhớ, chiếc mặt nạ ấy là món quà tết Trung thu của mẹ dành cho tôi hồi tôi lên sáu tuổi. Hôm đó, mẹ đưa tôi lên phố Hàng Mã chơi, tôi và mẹ đi từ đầu phố đến cuối phố mà tôi chưa chọn được món đồ chơi nào yêu thích. Không phải vì do tôi quá kĩ tính mà do tôi biết nhà mình không khá giả. Tôi sợ mẹ phải bỏ nhiều tiền để mua một món đồ chơi. Chợt, một gian hàng đập ngay vào mắt tôi bởi nó bày toàn những chiếc mặt nạ làm bằng tay đủ màu sắc. Tôi biết món đồ chơi này giá cũng không đắt nên hí hửng kéo tay mẹ vào gian hàng đó. Chiếc mặt nạ hình chú Tễu làm tôi để ý nhất. Tôi xem kĩ chiếc mặt nạ, trông nó thật ngộ nghĩnh và buồn cười biết bao. Thế là, chỉ trong chốc lát, tôi đã sở hữu chiếc mặt nạ ấy. Tôi vui sướng ôm chiếc mặt nạ vào ngực. Không hiểu sao, tôi lại thấy vui đến thế! Vì cũng không hiểu sao, gian hàng ấy, món đồ chơi này lại làm tôi ấn tượng hơn những món đồ chơi đắt tiền khác! Có lẽ, lúc ấy, chị Hằng đã thấu hiểu tôi và... chiếc mặt nạ mà cho chúng tôi làm bạn chăng?

Đến bây giờ, xem kĩ lại chiếc mặt nạ, tôi vẫn thấy nó đáng yêu. Chiếc mặt nạ chú Tễu này được đánh một “kíp phấn trắng bóc”. Đôi môi của chú Tễu được tô son. miệng cười toe toét. Phần mắt được đục hai lỗ để người đeo có thể nhìn qua. Mí mắt được đánh một lớp phấn mắt màu xanh và chuốt mi trông rất lạ. Gò má chú Tễu được vẽ hai bông hoa nhỏ trên đó, trông rất duyên. Đặc biệt chú có chiếc mũi vừa hếch, vừa tẹt (theo quan niệm thì mũi như thế là rất xấu) vậy mà trông rất đáng yêu và buồn cười nữa chứ! Trông chú Tễu thật ngộ nghĩnh!

Chiếc mặt nạ làm tôi cười mỗi khi tôi buồn. Tôi nhớ, hồi đó, tôi quý chiếc mặt nạ đến nổi lúc ăn, khi ngủ tôi cũng ôm mặt nạ đi theo. Tôi yêu chiếc mặt nạ như một người bạn vậy. Tôi cố gắng giữ chiếc mặt nạ không bị bôi bẩn khi chơi.

Vậy mà, hồi đó, lúc tôi đang ngồi học cùng mặt nạ, tôi nhỡ tay quệt một vết bút vào chính giữa miệng của chú. Vết bút đen nổi bật trên nền trắng, trông thật là xấu. nhìn cứ y như rằng chú bị sứt vậy. Tôi xót lắm! Tôi thầm nghĩ trong lòng rằng: “Chiếc mặt nạ mẹ mới mua chưa được bao lâu mà mình đã làm hỏng thế này, nhìn trông mất cảm tình quá! Mà bỏ đi thì thật là phí!’’. Lúc ấy, tôi chợt nảy ra một sáng kiến. Tôi liền cầm ngay cây bút đen ấy vẽ lên vết bút mà mình nhỡ tay quệt vào. Tôi vẽ hai cái răng cửa màu đen. Một cái tôi còn cố tình vẽ bị sứt, thành ra ngắn hơn cái kia. Từ đó, chiếc mặt nạ lại đẹp như cũ... Thậm chí, theo tôi thấy, nó còn đẹp hơn trước rất nhiều. Thế là chiếc mặt nạ lại gắn bó với tôi như ngày xưa.

Hồi nhỏ, một lần, tôi đem chiếc mặt nạ ấy đi chơi Trung thu. Bọn trẻ con hàng xóm cũng thích chiếc mặt nạ như tôi. Chúng đòi tôi xem bằng được chiếc mặt nạ. Cuối cùng, chúng cứ truyền tay nhau xem. Tôi cảm thấy hơi bực và sốt ruột khi thấy chúng mãi mà không đưa lại cho tôi. Chiếc mặt nạ rơi vào tay hai đứa nghịch ngợm nhất xóm. Chúng giằng co nhau để xem và đeo thử mặt nạ. Tôi sợ mặt nạ đau, hét lên rằng : “Thôi, đưa cho tớ đi!’’. Nhưng hai bạn ấy giằng nhau ác quá! Tôi là con gái, không sao gỡ ra được. Đành bất lực. Tôi sợ giằng thêm thì chiếc mặt nạ lại rách. Đến lúc đỉnh điểm, một tai của chú Tễu sắp lìa ra. Tôi khóc thét lên rồi chạy lại xô ngã một đứa. Mình mẩy tôi đau nhức. Bọn trẻ con trong xóm lại chạy đi hết cả. Lúc ấy, tôi chẳng còn ai để “bắt đền”. Tôi xem lại chiếc mặt nạ. Trời ơi! Tai của chú Tễu đã bị lìa một phần rồi. Còn cái dây chun mỏng manh người ta ghim đằng sau cũng đứt phựt. Tôi thầm trách : “ Mặt nạ của người ta bằng giấy báo bồi, có phải mặt nạ nhựa đâu mà co với kéo cơ chứ!”. Tôi hậm hực đi về nhà. Tối hôm đó, tôi lấy tất cả các loại keo, băng dính trong nhà ra để “cứu chữa” cho chú Tễu. Hì hục một lúc lâu, tôi mới “hàn” được cái tai cho nó. Rồi lại cẩn thận phết đè lên vết rách một lớp sơn trắng cho đỡ lộ. Hồi lâu, tôi mới kiếm được dây chun, ghim sau chiếc mặt nạ để đeo. Giờ đây, chú Tễu không còn lành lặn nữa. Nhưng mỗi khi nhìn vào vết thương ấy, nó như nhắc nhở tôi rằng : Hãy giữ gìn đồ chơi cẩn thận! Tôi cảm thấy chiếc mặt nạ như vậy có một phần lỗi của tôi. Tôi đã không quản lí được đồ chơi của mình. Chú Tễu được băng bó cẩn thận rồi, nhưng chắc vẫn đau lắm.

Chiếc mặt nạ dần gắn bó với tôi, tự nhiên và tình cờ như lúc tôi gập nó vậy. Nhưng sao, tôi và nó lại thân thiết đến thế? Lại quý nhau đến thế? Mỗi dịp Trung thu, mẹ lại đưa tôi đi chơi phố Hàng Mã. Gần đây, tôi thấy người ta chuộng đồ chơi nhựa của Trung Quốc hơn. Đồ chơi ấy nhiều màu sắc, bắt mắt trẻ con, lại bền. Đó là ưu điểm. Nhưng đồ chơi bền thì còn đâu vui thú mà dần trở nên nhàm chán. Mỗi dịp ra phố Hàng Mã là mỗi lần tôi thấy đồ chơi cổ truyền dần ít đi. Tôi cảm thấy buồn và sợ vì những món đồ chơi ấy đã và đang có thể bị lãng quên. Tôi mong mọi người hãy nhận ra vẻ đẹp của đồ chơi cổ truyền và hãy quan tâm đến nó. Giữ gìn nó là giữ lại một nét đẹp phong tục Việt Nam. Nếu không như vậy, một ngày nào đó, sẽ không còn gian hàng nào bán thứ đồ chơi ấy nữa!

Lúc ấy, tôi mới biết chiếc mặt nạ chú Tễu của tôi có giá trị đến nhường nào. Giờ đây nó đã trở thành một kỉ vật lưu giữ quá khứ. Mỗi khi nhìn vào nó, mọi kỉ niệm thơ ấu lại tràn về trong tôi. Mỗi khi nhìn vào nó, tôi cảm thấy một niềm vui từ một đồ chơi có hồn (Có lẽ người làm ra nó đã thổi hồn vào nó chăng ?). Và tôi nhận thấy, mình đã lớn rồi. Nhưng chiếc mặt nạ ấy sẽ mãi là bạn tôi.

Trần Thùy Linh

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây