Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Chiếc mền MTC

Thứ tư - 14/11/2018 03:32
Khi tôi lên 7, 8 tuổi, vào hừng đông mỗi ngày tôi lại bắt gặp hình ảnh mẹ dậy lui cui nấu nước uống trà hay bắc nồi cơm. Nhìn hình bóng của mẹ được ánh lửa hồng phản chiếu in to trên vách đất, tôi cứ tưởng tượng đó là hình bóng của một bà tiên vừa đi ra từ quả thị trong giấc chiêm bao của mình.
Tôi ráng ngủ nán thêm một chút để hình bóng bà tiên luôn đầy giấc mơ, cho đến khi tiếng chén đũa khua tôi biết mẹ đã chuẩn bị xong bữa ăn sáng tươm tất cho gia đình. Mẹ có tài làm đồ ăn ngon nên bữa sáng bao giờ cũng làm tôi vững bụng để cắp sách đến trường, còn ba tôi ăn để “đắp” hai đầu gối cho cứng chuẩn bị đi làm đồng.

Thỉnh thoảng ngày chủ nhật, cả gia đình tôi cùng về ruộng. Ngồi trên chiếc xe bò cọc cạch do ba tôi đánh, tôi và mẹ mặc sức chuyện trò ríu rít cho quên đoạn đường dài gập ghềnh, khúc khuỷu. Về đến ruộng, ba mẹ tôi lao ngay xuống chăm sóc lúa, lúc nhổ cỏ lúc rải phân, còn tôi chịu trách nhiệm đưa hai con bò đi ăn cỏ. Có hôm vì mải mê theo tiếng dế trống gáy, hai con bò đã đi ăn xa. Tôi cũng thích dầm mình dưới mưa để đuổi bắt mấy con chim chiền chiện tập bay bị ướt cánh.

Lớn lên học cấp II, tôi hiểu vì ba mẹ tôi ít học nên đã cố gắng cả đời lam lũ nuôi sáu anh em tôi ăn học. Đến bây giờ anh chị em tôi ai cũng có nghề nhất định trong xã hội. Riêng ba mẹ tôi vẫn một đời chân lấm tay bùn, chưa thật sự sung sướng một ngày trọn vẹn.

Mẹ tôi luôn quan tâm đến việc học hành của tôi. Ở nhà mẹ thường bảo tôi mở sách ra đọc khi rảnh, còn lúc nào học được điểm mười về khoe mẹ thế nào cũng được mẹ thưởng cho cái bánh tráng mè nướng thật thơm.

Biết tính tôi thích kẹo đậu phộng nên mẹ làm cất sẵn trong hũ keo lớn, hằng ngày tôi đi học mẹ gói theo vài miếng để ra chơi tôi có cái ăn với bạn bè. Có lần mẹ bắc chảo đường tán sôi chảy ra, chỉ chờ đổ đậu phộng vào trở vài bận rồi chan vào cái mâm là món kẹo hoàn thành.

Lúc đó không biết tôi táy máy như thế nào mà nguyên chảo đường nóng đổ ụp xuống mu bàn chân trái. Tôi khóc thét lên. Mẹ hốt hoảng vớt mấy con giấm đắp vào chỗ phỏng cho mát, và hơn cả tháng sau ngày nào tôi cũng được mẹ cõng cả cây số đến trạm xá thay băng, uống thuốc.

Trước khi tôi xa nhà đi học, mẹ tôi căn dặn đủ điều: nào là về Sài Gòn nhớ tránh chơi chung với bạn xấu dễ bị tiêm nhiễm thói ăn chơi đua đòi, nào là ráng học cho giỏi cho tốt để sau này giúp ích cho đời, cho xã hội, gia đình mình cũng nở mặt nở mày với bà con xóm giềng...

Trong hành trang tôi mang đi, mẹ còn cẩn thận gói ghém thêm chiếc mền vải mà mẹ may ghép từ những mâu vải vụn đủ màu sắc, kích cỡ. Mẹ tôi vốn là thợ may khéo tay nên chiếc mền trông cũng xinh xắn lắm. Giữa mền mẹ lại nắn nót may thêm hình con thỏ, dưới có ba chữ in hoa MTC. Tôi suy nghĩ về ba chữ ấy mà không rõ viết tắt từ cụm từ nào.

Mãi sau này khi ra trường đi dạy học, lựa dịp vui tôi mới hỏi thì mẹ cười bảo: “Cái thằng lớn xác đã đi dạy học rồi mà không nghĩ ra từ gì. MTC là: mẹ thương con!”. Tôi nghe mẹ nói sao mà ngọt ngào, đầy ắp tình nghĩa. Chữ chân phương, ý mộc mạc mà tình cảm của mẹ lai láng biết chừng nào!

Giờ ngôi ôn nhớ lại kỷ niệm về mẹ, viết ra ít dòng cảm xúc ngắn ngủi này thì mẹ tôi đã mất tám năm. Chiếc mền vải ấy giờ vẫn còn, thỉnh thoảng tôi mang ra giặt giũ, rồi nâng niu rờ rẫm mấy con chữ, mà mường tượng ra hình bóng mẹ. Kỷ niệm xưa ùa tràn về để rồi ứa nước mắt thương tiếc mẹ. Mẹ ơi! Con nguyện luôn là đứa con ngây thơ của mẹ, xứng với ba chữ MTC mẹ tặng cho.

Trần Văn Tám

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây