Đua không phân biệt lứa tuổi
Mấy ngày vừa qua, dư luận xôn xao trước việc cả nghìn người tập trung trước cổng Cục Thuế Hà Nội để nộp hồ sơ thi tuyển công chức kín cả vỉa hè và lòng đường. Hay tại TP Hải Phòng, thí sinh xếp hàng 3 ngày vẫn chưa đến lượt nộp hồ sơ thi tuyển công chức vào Cục Thuế Hải Phòng.
Theo số liệu sơ bộ cho thấy, Cục Thuế Hà Nội tiếp nhận 9000 bộ hồ sơ, trong khi chỉ tiêu là 340; Cục Thuế Hải Phòng tiếp nhận gần 1000 hồ sơ khi chỉ tiêu chỉ là 90; tại Cục Thuế TP Hồ Chí Minh nhận 5000 hồ sơ với chỉ tiêu tuyển dụng là 540 người.
Như vậy, tỷ lệ trúng tuyển tại Cục Thuế Hà Nội năm nay là 1 chọi 26, tại Hải Phòng tỷ lệ là 1 chọi 11,1; còn tại Tp HCM là 1 chọi 9,3.
Nhìn những con số “tỷ lệ chọi”, người ta giật mình nhận ra rằng: đâu phải cứ học đi thi mới tính tỷ lệ chọi, mà xin đi làm cũng có tỷ lệ chọi. Nếu tỷ lệ chọi thời phổ thông là những cuộc đua vào trường chuyên, lớp chọn thì tỷ lệ chọi vào công chức là cuộc đua tìm việc, tìm kiếm cơ hội đổi đời.
Còn nhớ, đầu tháng 7 vừa qua, có phụ huynh ở Hà Nôi đã xếp hàng từ 4h sáng với hy vọng mua được hồ sơ cho con vào trường mầm non ở Hà Đông. Thế mới biết, cuộc đua xuất hiện sớm như thế nào, bắt đầu từ lớp mẫu giáo.
Lên lớp 1, với mong muốn cho con được học tập ở ngôi trường tốt nhất, phụ huynh lại tiếp tục cùng con vào cuộc đua ghi danh lớp 1 trường điểm. Hơn 1000 trẻ được tiến hành đo nghiệm vào Trường tiểu học Thực nghiệm năm 2014 với chỉ tiêu chỉ lấy 160 em.
Lên lớp 6, cuộc đua vào trường điểm lại tiếp tục. Chỉ tiêu vào Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam là 200 học sinh trong khi có 4.156 thí sinh đăng ký. Như vậy, để dành được một suất vào trường, mỗi học sinh phải vượt qua hơn 20 thí sinh khác để vào trường.
Vào học cấp 3 là một bước ngoặt quan trọng, ta lại nghe tiếp cuộc đua vào lớp 10, cuộc đua vào trường công lập, trường chuyên, vào lớp chọn.
Cuộc đua lại tiếp tục để giành một tấm vé vinh quang vào đại học. Vào đại học đâu có dễ khi tỷ lệ chọi trường nào cũng có. Nên nhớ là với khoảng 1,4 triệu hồ sơ dự thi đại học, cao đẳng năm 2014 trong khi tổng số chỉ tiêu tuyển sinh chỉ là khoảng 650 nghìn.
Những tưởng sau 4 năm học tập tại ngôi trường đại học, sinh viên tốt nghiệp sẽ có cơ hội phục vụ cho đất nước, phục vụ quê hương. Nhưng vào thời buổi kinh tế khó khăn, hơn 160 nghìn cử nhân ra trường thất nghiệp, tìm một công việc là điều không hề dễ dàng. Vậy nên không cách nào khác, người ta buộc phải tiếp tục cuộc đua với tên gọi “tìm việc”.
Sau cuộc đua tìm việc còn cuộc đua nào nữa không? Thực không dám trả lời.
Những cuộc đua có “tiếp sức”
Để giành được một vị trí trong số tỷ lệ gắt gao như thế, người ta không cách nào khác là “đua”. Nhưng đua cũng có nhiều kiểu, có người chọn cách đua bằng chính năng lực của bản thân, cũng có người chọn cách đua bằng các mối quan hệ, bằng vật chất...
Con cứ thi, còn mọi việc cứ để cha mẹ lo. Những cuộc đua vì thế có sự tiếp sức nhiệt tình từ phía phụ huynh. Và những đứa trẻ bắt đầu hình thành tư duy “tiếp sức” trong thi cử. Lớn lên, tư duy "tiếp sức" lại tiếp tục được vận dụng triệt để với mục tiêu duy nhất là giành chiến thắng trong các cuộc đua.?
Vụ nộp hơn 1 tỉ tiền chống trượt cao học tại Thanh Hóa vừa rồi, thử hỏi nếu tất cả những người tham gia nộp tiền đều đỗ như ý nguyện thì vụ việc liệu có bị phanh phui? Hay như thi tuyển công chức vào Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương lùm xùm vụ lộ đề, thí sinh trúng tuyển đều là “con ông cháu cha”... Thử hỏi đây là thi bằng gì?
Giống như những cuộc đua trong thể thao đều có luật chơi, có trọng tài phân thắng thua, những cuộc đua ngoài đời cũng có luật của nó, cũng có người thắng kẻ thua, cũng có người phân định thắng thua. Sự công bằng, minh bạch trong những cuộc đua được quan tâm và đặt lên hàng đầu.
Vậy mà bên ngoài sự minh bạch người ta vẫn giật mình trước chiêu trò gian lận của vận động viên như sử dụng chất kích thích doping, bán độ, sự công bằng còn đâu khi trọng tài không còn là “người cầm cân nảy mực”...
Và cuộc đua thi cử cũng vậy, liệu bên ngoài khẩu hiệu công bằng và minh bạch có bao nhiều phần trăm sự thật bên trong?
Những cuộc đua ấy bắt nguồn từ đâu? Có phải do ''sự học'' mà nên hay vì lý do sâu xa nào khác nữa?