Học sinh ngồi nhầm lớp hay học sinh dốt là vấn nạn chung của ngành giáo dục. Vì áp lực thành tích, làm đẹp hồ sơ cuối năm mà giáo viên trực tiếp đôn học sinh lên lớp, thậm chí có trường hợp “cầm tay chỉ việc” hoặc “làm bài hộ” cho học sinh để có điểm trong bài kiểm tra. Vì sao giáo viên lại dám làm việc “tày trời” như thế, nếu không phải là do áp lực từ hiệu trưởng? Vì thành tích chung của trường? Vì đánh giá viên chức cuối năm? … Việc làm này đã góp phần làm cho nạn “mù chữ” trở lại và lợi hại hơn xưa! Gây tổn thất nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục, làm suy yếu thế hệ tương lai của đất nước.
Vậy làm sao để khắc phục tình trạng này? Trước tiên, phải nói đến cái “Tâm” của nhà giáo ngay từ cấp học đầu tiên. Chất xám của mỗi người khác nhau nên trí thông minh cũng khác. Trẻ lanh lợi, nhớ nhanh thì học tập khá, tiếp thu bài tốt, còn trẻ chậm nhớ thì cần phải dạy đi, dạy lại nhiều lần, phải có phương pháp cụ thể, tìm hiểu căn nguyên của từng em để có cách giáo dục phù hợp. Nhưng với vấn nạn cơm áo gạo tiền không giáo viên nào đủ thời gian để quan tâm, theo dõi việc học của học sinh như con của mình được. Có chăng chỉ là sự qua loa đại khái trên lớp để rồi tích cực trong những giờ học thêm ở nhà mà thôi.
Tiếp đến phải kể đến trách nhiệm phụ huynh. Nếu phụ huynh quan tâm con cái, kèm cặp cho con học hành thì việc học của con sẽ được theo dõi thường xuyên, có chỗ nào không hiểu, không biết phụ huynh sẽ dạy bảo, uốn nắn ngay từ đầu. Nhưng ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số dân trí thấp, kinh tế thiếu thốn thì có muốn giúp con cũng chẳng giúp được. Chính vì thế mà ở Sóc Trăng, Gia Lai, … học sinh ngồi nhầm lớp khá nhiều. Đến nỗi lên lớp 6 rồi mà còn chưa đọc, chưa viết được. Nếu để em học tiếp thì không biết dạy cách nào, mà cho em xuống học lại lớp 1 thì em sẽ tự ti xấu hổ dễ bỏ học giữa chừng.
Cuối cùng là trách nhiệm của những người làm ngành giáo dục. Nếu Bộ không ban hành những quy định ói ăm đánh giá giáo viên và nhà trường qua thành tích học sinh thì đâu đến nỗi. Nếu hiệu trưởng không chạy đua thành tích thì đâu đến nỗi. Nếu giáo viên có trách nhiệm thì đâu đến nỗi. Gánh nặng áo cơm và thời buổi kinh tế thị trường đã tác động không nhỏ đến việc dạy học. Làm cho mỗi người làm việc trong ngành giáo dục lơ là học sinh của mình, ai biết thì học, ai không biết thì cho không biết luôn. Cũng chẳng chết ai mà tiền lương vẫn nhận đều, thậm chí được tăng lương hằng năm nữa.
Việc để học sinh “ngồi nhầm lớp” hay học sinh dốt, trách nhiệm trước tiên là thuộc về giáo viên. Nếu giáo viên nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc dạy học thì sẽ có biện pháp phù hợp, biết phân loại học sinh giỏi – khá – trung bình – yếu – kém, phân học giỏi kèm học sinh yếu, kém, những em nào không tiến bộ thì giáo viên trực tiếp kèm cặp, theo dõi tìm hiểu căn nguyên giúp những em ấy học được, nắm được kiến thức cơ bản nhất. Trách nhiệm tiếp theo là hiệu trưởng, tiếp đến là Sở, Bộ giáo dục. Đừng chạy theo thành tích, đừng dối trá, đừng làm giàu trên sự ngu dốt của học sinh thì việc học sinh “ngồi nhầm lớp” sẽ được giải quyết.