ĐỀ CƯƠNG THI KỂ CHUYỆN
TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH
- Kính thưa: Ban Giám Khảo
- Kính thưa: Quý Vị Đại Biểu
- Kính thưa: Toàn thể Hội thi
Hơn ba mươi năm bôn ba hải ngoại, nơi chân trời góc bể để tìm đường cứu nước. Bác của chúng ta đã trải qua trăm ngàn khó khăn gian khổ, thậm chí cả lao tù. Những ngày tháng gian khổ đầy thử thách ấy đã hun đúc Người thành một bậc đại nhân, đại trí đại dũng đã hình thành ở Người một nhân cách vĩ đại: giàu lòng nhân ái, vị tha, khoan dung nhân hậu, luôn luôn tin tưởng con người, hết mực vì con người. Trọn đời mình, Người đã phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người và nhân loại. Người tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh nhân dân, kính trọng nhân dân và hết lòng phục vụ nhân dân. Là một vị Chủ tịch nước Bác vẫn giữ nếp sống khiêm tốn giản dị phi thường, vẫn cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư coi đây là thước đo phẩm chất đạo đức cách mạng đầu tiên của mọi cán bộ, đảng viên.
Bác là một danh nhân văn hóa thế giới, là một vị anh hùng giải phóng dân tộc ta là người Thầy nghiêm khắc nhưng khoan dung nhân hậu, là Người cha vĩ đại, mẫu mực mà gần gũi thân thương, là một thánh nhân nhưng rất giản dị, đời thường.
Khi Bác đi xa, cố nhà thơ Tố Hữu, trong bài thơ “Bác ơi” đã nghẹn ngào:
Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch chẳng vàng son
Mong manh áo vải, hồn muôn trượng
Hơn tường đồng phơi những lối mòn
Vâng! Bác của chúng ta đã đi xa nhưng cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức của người mãi mãi là khối di sản văn hóa phi vật thể vô giá mà toàn Đảng, toàn dân cần phải biết quý trọng, gìn giữ, nâng niu và phố biến rộng khắp để học tập và làm theo tấm gương đạo đức vĩ đại của Người.
Vì vậy, đọc những bài viết về Bác, nghe kể chuyện về Bác là một điều may mắn, hạnh phúc của tất cả chúng ta và được kể về Bác như là một niềm kiêu hãnh, tự hào. Cảm ơn Huyện Hội Phụ Nữ đã tổ chức: Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hôm nay, cảm ơn cán bộ, hội viên và phụ nữ xã cho tôi vinh dự được đứng lên trên diễn đàn này kể chuyện về Bác. Trong dung lượng thời gian có hạn tôi chỉ xin kể một câu chuyện nhỏ, thể hiện Bác là một bậc đại nhân, đại trí và đại dũng, giàu lòng nhân ái, vị tha, khoan dung nhân hậu, luôn luôn tin tuởng ở con người và hết mực vì con người.
Câu chuyện có tiêu đề là “Bài học về chữ liêm”, trang 117, trích trong cuốn: “Sáng ngời đạo đức Hồ Chí Minh”, do Tạ Hữu Yên sưu tầm và biên soạn.
Câu chuyện có nội dung như sau:
Lớp chỉnh huấn chính trị của một số đông cán bộ vào mùa thu năm 1954 sắp kết thúc. Ai cũng mong Bác đến thăm và huấn thị cho lớp học. Nội dung lớp học gồm nhiều vấn đề quan trọng, học thông suốt rồi, nhưng mọi người đều muốn Bác đến thăm và nói thêm những vấn đề trọng yếu.
Bác đến. Lần này, Bác đeo một cái túi dết bên cạnh Người. Bác nói chuyện và mở túi dết ra lấy một quyển sổ nhỏ. Bác mở một trang và đọc những số liệu cụ thể mà ban lãnh đạo nhà trường đã báo cáo với Bác.
Bác nói:
- Các chú xem đây. lớp học mới có từng này cán bộ mà đã tham ô, lãng phí như vậy, thử hỏi, nếu cán bộ trong toàn quân, toàn quốc mà cũng phạm khuyết điểm như các chú ở đây thì thiệt hại cho công quỹ của nhà nước, của nhân dân biết bao nhiêu.
- Tất cả học viên ngồi lặng đi. Những số liệu Bác vừa dẫn chứng là do mỗi học viên tự giác kiểm điểm, đấy là những “con số biết nói” mà khi nghe, mỗi người càng thấm thía về khuyết điểm, hơn nữa, về tội lỗi của mình.
Vẫn nói giọng ấm áp, Bác nhìn từng hàng ghế học viên ngồi - cái nhìn vừa nghiêm vừa sáng, rồi Bác hỏi:
- Ở đây những chú nào có vợ rồi thì giờ tay ?
Cả lớp học có khoảng phân nữa số cán bộ giơ tay . Nhìn những cánh tay giơ cao lên ở nhiều hàng ghế, Bác hỏi tiếp:
- Bây giờ những chú nào có con rồi thì giơ tay ?
Lần này, số giơ tay khoảng một phần 3 lớp học, như vậy số cán bộ có “gánh nặng hậu phương” không phải là ít. Bác nhìn khắp lượt rồi bác bảo các chú bỏ tay xuống.
Rồi Bác chỉ vào cán bộ ngồi ở hàng ghế đầu, hỏi rất chân tình:
- Bác hỏi thật: có bao giờ chú ăn bớt phần cơm của con mình không ?
- Thưa Bác, không ạ! Không bao giờ ạ!
Bác nhìn đồng chí cán bộ vừa trả lời với ánh mắt thông cảm, rồi Bác nhìn khắp hội trường và nói:
- Thế tại sao của cải của nhân dân, tiêu chuẩn của chiến sỹ hở sểnh ra, là có đồng chí lấy rồi đút vào túi dết.
Câu nói của Bác rất nghiêm. Và Bác mở túi dết ra làm động tác vơ vét rồi nhanh nhẹn bảo vào cái túi đeo cạnh người. Lời nói đi đôi với động tác “biểu diễn” của Bác, làm tất cả mọi người trong hội trường và cán bộ lãnh đạo, phục vụ lặng đi, thấm thía đến nghẹn ngào.
Ngừng một lát, Bác tiếp tục phân tích cái tệ nạn rất xấu này. Bác nói rõ tham ô, lãng phí là một tệ nạn, một thói xấu . Tệ nạn này, nó giống như một lũ sâu mọt đục khoét của cải của nhân dân. Chính nó làm vẩn đục chế độ tốt đẹp mà chúng ta đang ra sức xây dựng và nó làm xói mòn đạo đức, phẩm chất của cán bộ, đảng viên ta.
Qua lớp chỉnh huấn chính trị này, tất cả cán bộ đều ghi nhớ lời dạy của Bác: đã là cán bộ cách mạng thì đạo đức và phẩm chất đều đặt lên hàng đầu và mỗi ngày phải luôn luôn tự rèn luyện mình, luôn luôn xem xét mình.
Liêm khiết, đây là một đòi hỏi thường xuyên đối với mỗi cán bộ không kể cấp nào.
Kính thưa ban giám khảo, thưa toàn thể hội thi:
Sinh thời Bác ghét nhất cái ác. Một trong những cái ác, theo Bác, là chủ nghĩa cá nhân. Bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí là một trong những bệnh nguy hiểm sinh ra từ chủ nghĩa cá nhân và cần phải diệt trừ, vì theo Bác, chủ nghĩa cá nhân là kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội, là một thứ vi trùng rất độc. Vậy mà khi tiếp cận với nó Bác vẫn điềm tĩnh. vẫn khoan dung nhân hậu - đó là đại dũng. Tin tưởng ở sự thức tỉnh trước cái sai, hướng về cái thiện của con người - đó chính là đại nhân. Cách phê bình, giáo dục nhẹ nhàng, giản dị và vô cùng sâu sắc, thâm thúy khiến người bị phê bình không cảm thấy xúc phạm về nhân cách, tổn thương về danh dự mà hiệu quả của việc phê bình đạt ở mức cao nhất - đó chính là đại trí. Trong cuộc sống cũng như trong công việc, Người luôn coi trọng cả đức và tài, song đức là gốc. Đức chính là gốc của con người và Người từng dạy rằng:
Có gốc phải giữ gốc
Gốc còn thân mới nên
Và bản thân Người đã nêu một cái gương sáng về việc giữ “gốc” ấy.
Các Mác từng nói: “Không cái gì thuộc về con người mà xa lạ đối với tôi”. Câu đầu tiên trong Tam Tự Kinh cũng nói rằng: “Nhân chỉ sơ tánh bản thiện”. Trong ứng xử ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm qua câu: “lạt mềm buộc chặt”. Việc vận dụng một cách tài tình, sáng tạo, khéo léo, nhuần nhuyễn tinh hoa văn hóa của nhân loại, dân tộc, triết học Mác - Lê nin, tinh túy của triết học cổ kim Đông Tây trong mỗi hành vi ứng xử là một vẻ đẹp vĩ đại luôn tỏa sáng trong nhân cách của Người.
Bất kỳ một cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể nào muốn thực sự vững mạnh thì việc phê bình kiểm điểm, góp ý xây dựng lẫn nhau là việc làm cần thiết và phải được tiến hành, duy trì thường xuyên nhưng làm sao để đoàn kết nội bộ được giữ vững, mọi người tiến bộ, có ý thức vươn lên và cùng nắm tay nhau xây dựng huyện trẻ vững mạnh về mọi mặt, xây dựng hội LHPN Việt Nam nói chung, hội LHPN huyện nói riêng trở thành một lực lượng nòng cốt góp phần thúc đẩy sự nghiệp CNH - HĐH đất nước tiến nhanh trên con đường hội nhập với nên kinh tế toàn cầu. Đó là bài học đầu tiên mà chúng ta rút ra được qua câu chuyện này.
Và mỗi chúng ta dù chức vụ lớn hay nhỏ cũng đều là một người cán bộ, do sự phân công của tổ chức, mỗi người có một nhiệm vụ khác nhau nhưng cùng mục đích là: phụng sự đoàn thể phụng sự nhân dân. Vì vậy muốn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình thì đừng bao giờ làm “quan cách mạng” mà hãy là một “đầy tớ” thật trung thành của nhân dân. Muốn vận động tốt các chương trình công tác Hội phát triển các phong trào của Hội thì phải gần dân, nắm bắt tâm từ nguyện vọng của nhân dân, phải đặt quyền và lợi ích của nhân dân lên lợi ích của bản thân mình. Và nếu một lúc nào đó vì hoàn cảnh gia đình, vị trí công tác, tinh thần, tư tưởng của chúng ta dao động chao đảo trước cám dỗ của vật chất và quyền lực thì xin một lần lắng nghe lương tâm của chúng ta nhắc lại lời Bác dạy “Các chú biết đấy mà vẫn làm…”, “ Đã bao giờ các chú ăn bớt cơm của con mình chưa …”. Vâng ! Tình cảm cha con là đạo lý muôn đời, người cán bộ phải yêu dân như con đó là thước đo phẩm chất đạo đức đầu tiên của người cán bộ thời đại Hồ Chí Minh. Đó là bài học thứ hai mà ta rút ra được qua câu chuyện nhỏ này.
Thưa các bạn:
Vào tháng 6 năm 1949 trong tác phẩm “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” Bác viết: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của đời sống mới, là nền tảng của thi đua ái quốc”
Trời có 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Đất có 4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có 4 đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính
Thiếu 1 mùa thì không thành Trời
Thiếu 1 phương thì không thành Đất
Thiếu 1 tính thì không thành Người
Vậy mà mấy năm gần đây sự thoái hóa biến chất về tư tưởng chính trị, suy giảm về đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã gây nên những thảm họa đau lòng. Rút ruột công trình, tham ô lãng phí gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng của vụ PMU 18 chưa kịp lắng xuống thì vụ sập cầu Cần Thơ gây nên cái chết bi thảm của gần 60 người lao động lương thiện và hàng trăm ngàn tỷ đồng vùi chôn trong đống đổ nát cho thấy rằng: Đã đến lúc gióng hồi chuông báo động về tình trạng xuống cấp, thoái hóa nghiêm trọng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ở mọi cấp, mọi ngành. Cũng chính vì vậy mà câu chuyện trên đã xảy ra gần 60 năm qua nhưng vẫn còn mang tính thời sự nóng bỏng. Và để ngăn chặn khắc phục tình trạng này vai trò, trách nhiệm, vị trí xung yếu của mọi cán bộ hội viên Hội LHPNVN là điều không thể thiếu.
Cố nhà thơ Tố Hữu từng khẳng định rằng:
Giọng của Người không phải sấm trên cao
Ấm từng tiếng thấm vào lòng mong ước
Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước
Tiếng ngàn xưa và tiếng cả mai sau ..
Câu chuyện trên là một minh chứng hùng hồn cho ý thơ đó.
Là một người suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập dân tộc, vì tự do hạnh phúc của nhân dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân - Bác vĩ đại mà gần gũi thân thương, cao mà không xa, sáng mà không chói. Người chính là:
Cái vầng sáng nghìn sau còn trong suốt
Cho gần xa soi lại đời mình …
(Trong lòng người viếng Bác - Nguyễn Đức Mậu)
Bác của chúng ta đã đi xa nhưng hình bóng người vẫn mãi mãi trường tồn với non sông Việt Nam gấm vóc, tư tưởng đạo đức của Người mãi mãi là hòn ngọc bích tỏa sáng lung linh, đẹp một cách hoàn mỹ, là một dấu son chói lọi trong lịch sử phát triển nền văn hóa nước nhà.
Vì vậy Sống, Chiến đấu, Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vĩ đại không nhũng là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của toàn thể cán bộ, đảng viên hôm nay và mai sau, mà đó còn là tình cảm thiêng liêng cao quý, lòng biết ơn tôn kính của nhân dân Việt Nam mọi thế hệ đối với vị Cha già kính yêu của dân tộc và cũng là thực hiện đạo lý, truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của ông cha ta mà Bác là người suốt đời thực hiện trọn vẹn đạo lý ấy.
Vì sao phải học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ? Theo tôi trước hết là để trở thành một con người đúng nghĩa. Cố nhà thơ Tố Hữu từng khẳng định rằng:
“Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”
(Sáng tháng năm)
“…Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”
(Bác ơi)
Vâng đó chính là chân lý.
Và làm sao để đọc Bác, nghe và kể chuyện về Bác trở thành nhu cầu tình cảm, thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân ta mọi thế hệ, thành một nét đẹp văn hóa trong thời kỳ đất nước vươn lên hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, theo tôi không những là một nhiệm vụ chính trị, yêu cầu cấp bách, cần thiết của Đảng, chính quyền các cấp, của các ban, ngành, đoàn thể, của mọi cán bộ đảng viên mà đó còn là nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân Việt Nam mọi thời đại. Sống Chiến đấu và Học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là phải ngay từ bây giờ, ngay hôm nay và phải học suốt đời !