Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Bài dự thi: Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật (Bài 3)

Thứ sáu - 09/10/2015 09:06
Bài dự thi: Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật: Vấn đề tai nạn giao thông
BÀI DỰ THI HÙNG BIỆN
"CÂU CHUYỆN TÌNH HUỐNG ĐẠO ĐỨC VÀ PHÁP LUẬT"
         
Kính thưa Ban giám khảo, quí thầy cô giáo cùng các bạn học sinh thân mến!
          
Em tên là Hồ Quang Vinh, học sinh lớp 7/9. Em rất vui và vinh dự khi được tham dự hội thi “Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật” ngày hôm nay. Em xin được phép trình bày bài hùng biện mang tên “Ám ảnh”.

Hiện nay, tình trạng giao thông ở Việt Nam rất quen thuộc đối với chúng ta. Nhưng, nó vẫn là một vấn đề nóng hổi, nó không những gây không ít sự chú ý của dư luận mà còn làm đau đầu các nhà quản lý. Để mở đầu bài hùng biện, em sẽ kể cho ban giám khảo, quí thầy cô cùng các bạn nghe một câu chuyện về tình trạng giao thông ở nước ta hiện nay mà em đã từng chứng kiến:

Ánh hoàng hôn nhạt dần, những tia nắng vội vã len lỏi nhau qua từng kẽ lá. Con đường từ trường về nhà của em trở nên đẹp hơn bao giờ hết. Trên đường, từng tốp học sinh đang cười nói vui vẻ đạp xe đi về. Đi trước em là một chị học sinh cấp Ba, chừng lớp mười một, mười hai, mặc tà áo dài trắng cùng với nụ cười duyên dáng. Em đang ngẩn ngơ nhìn thì bỗng, một cảnh tượng kinh hoàng xuất hiện! Chị gái kia, đang nằm dưới đường với một vũng máu! Em sững sờ nhìn đám người náo loạn trên đường… Mấy ngày sau, em nghe được tin chị ấy đã không thể qua khỏi. Bỗng dưng, em thấy buồn quá. Nụ cười ấy, tà áo dài ấy cứ mãi ám ảnh em. Em nghĩ, nỗi đau của người thân chị ấy khó có thể nào mà nguôi ngoai. Tai nạn giao thông đã cướp đi nụ cười không chỉ của một mà còn của nhiều người.

Đất nước ta phát triển khá nhanh nhờ sự khởi sắc của nền kinh tế và đời sống xã hội, nhưng, qua câu chuyện trên, chúng ta đã thấy, dường như lĩnh vực giao thông không đáp ứng kịp nhu cầu của thời đại. Tình trạng tai nạn giao thông hiện nay đã đến mức báo động đỏ và được xếp vào thứ hạng cao trong khu vực Đông Nam Á. Có thể nhận thấy rằng, giao thông ở Việt Nam đang là một lĩnh vực tồi tệ bởi các vụ tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra. Cứ trung bình có khoảng ba mươi lăm người chết mỗi ngày, mỗi năm hơn chục nghìn người chết vì tai nạn giao thông. Những con số ngày một tăng lên không có dấu hiệu dừng lại. Chiến tranh đã qua hơn ba mươi năm nhưng đến hiện tại, chúng ta lại mất mát hơn rất nhiều so với những năm đạn lửa khi xưa. Bác Hồ đã từng nói, có ba thứ giặc cần phải tiêu diệt, đó là: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, nhưng bây giờ, chúng ta lại phải đối phó với một loại giặc cũng gây khó khăn không kém chính là giặc tai nạn giao thông. Nó là nguyên nhân của bao đau thương, gây nên bao thảm cảnh như: vợ mất chồng, chồng mất vợ, cha mẹ mất con, con mất cha mẹ,…

Con người thiệt mạng vì tai nạn giao thông hầu hết nằm ở độ tuổi lao động, nó đã cướp đi một nguồn nhân lực đáng kể trong nền kinh tế của từng gia đình nói riêng và của Việt Nam nói chung. Tình trạng giao thông trở thành một vấn nạn, nó không chỉ làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của con người mà còn làm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, đồng thời làm ảnh hưởng đến sự nhìn nhận, đánh giá của bạn bè quốc tế về giao thông Việt Nam. Mọi người hãy nghĩ xem, nếu là một du khách, khi tìm hiểu thông tin về một nơi nào đó mình muốn đến, bất chợt nhìn thấy những con số khủng khiếp về giao thông như ở Việt Nam thì liệu rằng mọi người vẫn còn giữ ý định đến nơi đó? Chắc chắn là không! Vì thế, vấn đề an toàn giao thông trở thành vấn đề quan trọng và cấp bách nhất đối với việc phát triển đất nước. Nhìn nhận vào thực tế thì chúng ta dễ dàng thấy được rằng, nguyên nhân chủ yếu gây nên tai nạn giao thông chính là do con người, do ý thức và hành động vi phạm luật giao thông. Dường như, cái ý thức của con người khi tham gia giao thông xuất phát từ cái ích kỷ, chỉ vì không ai muốn nhường đường cho ai, ai cũng vội vàng để kịp giờ làm, giờ học nên mới chen lấn nhau, vượt đèn đỏ là chuyện quá bình thường. Không tuân thủ, chấp hành luật giao thông đã đành, ngay cả việc bảo vệ bản thân cũng lơ là. Học sinh đi học không đội mũ hiểm, học sinh đi chơi lại càng không đội mũ bảo hiểm. Ấy mới thấy, gốc gác sâu xa chính là do con người, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó là sự tha hóa của một bộ phận không nhỏ những người chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn giao thông. Họ sẵn sàng vì đồng tiền mà từ bỏ trách nhiệm của mình, đó là những con người đáng phê phán. Hiện tại, giao thông Việt Nam có số lượng phương tiện đi lại rất nhiều, trong khi cơ sở vật chất thì đang xuống cấp nặng nề, điều đó làm cho tai nạn giao thông ngày càng tăng nhiều.

Mọi người thấy đấy, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông rất nhiều, nhưng chủ yếu là ý thức của người tham gia giao thông. Giá như cái gã say rượu kia đừng lái xe vào lúc không thể kiểm soát thì chị gái với nụ cười xinh xắn ấy đã có thể nở nụ cười đẹp hằng ngày, giá như những người tham gia giao thông có ý thức hơn thì những đứa trẻ sẽ không bị mất đi mái ấm. Thật buồn và thương tâm biết bao khi nhiều người phải ra đi chỉ vì tai nạn giao thông. Bây giờ không phải là sớm nhưng cũng chưa phải là quá muộn để mỗi con người chúng ta nhận thức được rằng: việc chấp hành luật giao thông là rất quan trọng. Mỗi người chúng ta, nhất là các bạn học sinh chỉ cần bỏ ra một ít thời gian để hiểu rõ hơn về Luật An toàn gian thông, bỏ ra một ít nhẫn nại để hành động đúng đắn khi tham gia giao thông thì những hậu quả kinh khủng như em đã nói ở trên sẽ giảm đi rất nhiều. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng ban ngành cũng cần phải có sự quan tâm, giám sát kịp thời trong các trường hợp vi phạm giao thông, vấn đề hạ tầng phải được cải thiện.

Bản thân em đang là một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, em luôn tự giác tìm hiểu luật giao thông và luôn nghiêm chỉnh chấp hành. Bên cạnh đó, em còn tham gia tuyên truyền luật giao thông cho người dân địa phương và các bạn học sinh để họ có thể hiểu rõ hơn, cùng nhau xây dựng nên tuyến đường giao thông an toàn ở nơi sinh sống.

Lời nói và suy nghĩ phải đi đôi với hành động. Ngay bây giờ, chúng ta, sẽ trở thành những công dân có ích cho xã hội, cùng nhau chung sức vì một xã hội bình yên hạnh phúc, lấy khẩu hiệu “An toàn là bạn, tai nạn là thù” đặt làm mục tiêu phấn đấu, giảm số lượng tai nạn giao thông đến một cách tối thiểu. Hãy bỏ qua bản thân để vẹn toàn cho xã hội. Những bạn học sinh trẻ trung, bản lĩnh và năng động, hãy cùng nhau nắm tay, nối ý chí, quyết tâm vì môi trường giao thông an toàn, đưa đất nước ngày càng phát triển!

Bài hùng biện của em đến đây là kết thúc. Xin cảm ơn ban giám khảo, quí thầy cô cùng các bạn học sinh đã chú ý lắng nghe.

Em xin trân trọng kính chào.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây