Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Bạc đầu vẫn miệt mài học chữ

Thứ năm - 29/05/2014 11:37
Vượt lên sự mặc cảm, tự ti, những học sinh mái đầu đã bạc, có con cháu đủ đầy vẫn đều đặn đến lớp, ê a những con chữ đầu tiên.
Những năm gần đây, tại các tỉnh Quảng Nam, Thanh Hóa, An Giang đã xuất hiện nhiều mô hình xóa mù chữ (XMC) hiệu quả do các tổ chức phi chính phủ tài trợ hoặc cá nhân tự đứng ra mở lớp.
 
Cả đời cống hiến cho ngành giáo dục, năm 2001, cô giáo Nguyễn Thị Thông (68 tuổi, thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) nghỉ hưu, tự đứng ra mở lớp học dạy chữ cho học sinh nghèo, tàn tật. Ban đầu, lớp học được dựng lên ở con hẻm nhỏ ngay nhà cô, bàn ghế là những cánh cửa gỗ ọp ẹp kê tạm. Trong hơn 13 năm, cô Thông đã XMC cho hàng trăm trẻ em. Hơn 50 người từ 35 tuổi trở lên ở địa phương cũng được cô Thông dạy cho biết đọc, biết viết.
 
Nhiều năm gieo chữ, cô nhớ mãi một người đàn ông tên T, trong gần 1 năm ròng rã tối nào cũng chạy xe hơn 30 km đến nhà cô để học."Nỗ lực của các học sinh lớn tuổi đã động viên tôi rất nhiều. Sắp tới, tôi sẽ mở thêm một lớp XMC cho người lớn, hiện đã có hơn 10 người đăng ký theo học", cô Thông tâm sự.
 
Giữa nơi bản sâu của núi rừng Phước Sơn, Quảng Nam, cứ đêm đêm lại vang lên tiếng đọc bài của những phụ nữ luống tuổi trong lớp học xóa mù chữ. Trong lớp học ấy, vài chiếc bàn nhựa được đặt ngay ngắn, mỗi phụ nữ sắm một cái bảng nhỏ tập viết hoặc một cuốn vở. Bảng đen lớn được chia làm đôi để 2 cô giáo mỗi người một bên dạy kiến thức lớp 3, lớp 1. Những phụ nữ "học sinh" nước da ngăm đen, mặc váy lịch sự hướng mắt lên bảng nghe giảng bài, nhiều người cõng cả con lên lớp.
 
Đã có 9 người con, 8 đứa cháu, chị Hồ Thị Nhoãn (50 tuổi) vẫn hào hứng đi học để "có việc cần lên xã làm giấy tờ được dễ dàng". Hai cô con gái của chị Nhoãn đã lập gia đình cũng đi học tại lớp này. "Ngày trước ở đây khó khăn lắm, không có điều kiện, người cỡ tuổi mình không ai biết chữ hết, con của mình cũng không được đi học. Nay có lớp học, mình mong được học để biết chữ lắm! Giờ mình và 2 đứa con đã viết được tên rồi", người "bà" học sinh nói. 
 
Mỗi buổi đi rẫy về mệt mỏi nhưng khi lên lớp thấy các bà, các mẹ "học sinh" của mình vui vẻ, hăng say học tập, cô giáo Hồ Thị Lan (22 tuổi) cũng vui lây. Học hết lớp 12 do điều kiện khó khăn, cô Lan phải nghỉ học. Thấy người dân trong vùng không biết chữ rất thiệt thòi, cô giáo 22 tuổi ấy đã tình nguyện dạy lớp 3 cho mọi người. Mở từ tháng 12/2013, đến nay lớp học XMC ở xã Phước Mỹ có 21 phụ nữ từ 22-50 tuổi theo học.
 
Tại tỉnh An Giang, nhiều lớp học XMC cho đồng bào Khmer cũng được tổ chức ở các xã Lương Phi, Lê Trì, Châu Lăng (huyện Tri Tôn) hoặc xã An Cư (huyện Tịnh Biên).
 
Ông Trần Văn Út, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn, cho biết nhờ có các sư sãi cùng tham gia nên phật tử trong phum sóc thấy vậy mà nghe theo rồi chăm chỉ học tập. Phần lớn các điểm học cũng là các chùa do chính người Khmer biết chữ dạy lại cho người chưa biết chữ. Cũng như nhiều người tự nguyện đứng lớp dạy miễn phí tại địa phương, chị Thạch Thị Phi (ấp Phnom Pi, xã Châu Lăng) không kể nhiều về mình mà lại tỏ ra áy náy khi những lớp học còn thiếu thốn trăm bề, đến bàn ghế, bảng đen… cũng phải đi mượn.
 
Ông Thạch Chinh - một học viên ở ấp Phnom Pi, xã Châu Lăng - hóm hỉnh nói: “Bà con ở đây còn đề nghị học luôn lúc cúp điện vì sợ quên mặt chữ. Mình cũng cố gắng học cho mau biết chữ để còn thi lấy bằng lái xe máy nữa chứ”.
 
Không biết chữ, quê lắm!
 
Vừa gặp chúng tôi, ngư dân Lê Văn Dũng (42 tuổi, ngụ thôn Vạn Hà Lang, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã hỏi xin tờ báo để đọc tin tức. Ông Dũng kể cách đây 3 năm, mỗi lần có người thân gửi thư về hay muốn đi làm thủ tục gì ông cũng phải nhờ người giúp vì không biết chữ. Thậm chí, trong cuốn sổ đỏ, cán bộ nhà đất ghi sai tên lót của ông mà ông không phát hiện. Rồi nhà có chiếc xe máy, cứ mỗi lần ra huyện làm thủ tục, ông cũng nhờ con cái chở đi vì không có bằng lái.
 
“Không biết chữ quê lắm, phiền phức cho nhiều người nữa. Vậy nên cách đây 2 năm, tôi quyết bám lớp học XMC. Giờ tôi đã có thể đọc báo, học bằng lái xe, làm thủ tục thông thường mà không nhờ đến ai nữa” - ông Dũng hào hứng khoe.
 
Còn ngư dân Nguyễn Thạ (ngụ làng Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) kể: “Hồi mới đi học, tôi thấy con chữ như con cá đang nhảy múa nhưng vì cái nhục không biết chữ nên quyết tâm học. Nay tôi đã biết đọc, biết viết, biết tính toán, mua tài liệu liên quan đến nuôi trồng thủy sản để về nghiên cứu ứng dụng làm ăn nên cuộc sống không khó khăn như trước nữa”. 

Người lao động

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây