Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Viết bài văn giới thiệu bức tranh chùa Một Cột

Thứ hai - 09/10/2017 06:59
Các bạn thân mến! Mời các bạn đến với chùa Một Cột, một di tích văn hoá nổi tiếng trong lòng Thủ đô Hà Nội. Cùng với Hồ Tây, Hồ Gươm, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh..., chùa Một Cột là một địa chỉ văn hoá, là linh hồn của Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Nhìn tổng thể, đó là một công trình kiến trúc vừa tôn nghiêm, cổ kính vừa hết sức bình dị, mộc mạc, mô phỏng hình tượng bông sen vươn lên giữa đầm hồ. Chùa Một Cột là cụm kiến trúc gồm ngôi chùa và toà đài sen xây dựng giữa hồ vuông. Cả cụm vốn có tên gọi là chùa Diên Hựu và đài Liên Hoa. Đài này lâu nay quen gọi là Chùa Một Cột. Chùa nằm trên đất thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía Tây hoàng thành Thăng Long đời Lí, nay thuộc phố Chùa Một Cột, quận Ba Đình, Hà Nội, ở bên phải lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chùa hình vuông, mỗi bề rộng khoảng 3 mét, mái cong, dựng trên cột đá hình trụ. Cột có đường kính 1,2 mét, cao 4,0 mét (chưa kể phần chìm dưới đất) đỡ toàn bộ hệ thống những thanh gỗ tạo khung sườn kiên cố cho ngôi đài dựng bên trên, tựa một đoá hoa sen vươn thẳng trên khu ao hình vuông, có lan can bằng gạch bao quanh. Từ bên ngoài có lối nhỏ bằng gạch đi qua ao đến một chiếc thang xinh xắn dẫn lên Phật đài. Trên cửa Phật đài có biển đề “Liên Hoa Đài” (Đài hoa sen) ghi nhớ sự tích nằm mộng của vua Lí dẫn tới việc xây chùa. Sử chép: vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) chiêm bao thấy Phật Quan Âm trên toà sen đưa tay dắt vua lên toà. Khi tỉnh dậy, vua kể cho các quan nghe, có người cho là điềm không lành. Sư Thiên Tuế khuyên nhà vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa hồ, làm toà sen của Phật Quan Âm như đã thấy trong mộng. Chùa xây xong, đài sen nghìn cánh đỡ toà Phật sắc hồng, trong đặt tượng Phật vàng lấp lánh. Các nhà sư đến làm lễ, đi vòng quanh chùa niệm phật cầu phúc cho vua sống lâu, vì thế đặt tên là chùa Diên Hựu. Sự tích ấy còn thể hiện lòng tin vào những điều tốt đẹp của Phật giáo, hướng con người đến sự thanh lọc tâm hồn, đồng thời cũng cho thấy thị hiếu thắm mỹ của người Việt Nam ta.
 
Thời gian trôi qua và sự tàn phá của chiến tranh đã làm cho chùa Một Cột không còn giữ được vẻ đẹp lúc ban đầu. Tuy nhiên sức sống và linh hồn của nó thì không hề phai giảm. Đó là biểu tượng thiêng liêng cho con người Việt Nam, văn hoá việt Nam và cả sức sáng tạo tuyệt vời của người nghệ sĩ. Chừng nào còn những bức tranh chùa Một Cột thì chừng ấy chúng ta còn háo hức tìm hiểu những nét đẹp hoà quyện trong công trinh kiến trúc độc đáo đó.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây