Thưa các bạn!
Truyện thần thoại Việt Nam kể rằng, các dân tộc Việt Nam đều có nguồn gốc từ những đứa con được sinh ra trong bọc trứng.
Người bố là Lạc Long Quân thuộc họ nhà Rồng, người mẹ là Âu Cơ thuộc họ nhà Chim, tức giống Tiên. Cho nên, người Việt Nam luôn tự hào mình là “con Rồng cháu Tiên”.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt Nam đã luôn vươn lên để chiến thắng thiên nhiên, điều đó được ghi lại trong truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh. Sơn Tinh là vị thần của núi rừng; còn Thủy Tinh là vị thần trị vì sông nước.
Nhân dân Việt Nam còn luôn phải đương đầu với các thế hệ ngoại xâm để bảo vệ quốc gia, lãnh thổ. Điều đó đã được phản ánh trong truyện Thánh Gióng, một cậu bé lên ba không biết nói biết cười bỗng ngồi bật dậy, trở thành tráng sĩ, nhờ ngựa sắt, giáp sắt, nón sắt, gậy sắt, đánh tan lũ giặc.
Các truyền thuyết như Sự tích bánh chưng bánh dày, Sự tích dưa hấu, Sự tích trầu cau... đã cho thấy dân tộc Việt Nam từ thời Hùng Vương đã có nền văn minh rất phát triển.
Rồi đất nước Việt Nam phải trải qua thời kì bi ai của lịch sử. Truyện An Dương Vương và Mỵ Châu, Trọng Thủy phản ánh tấn bi kịch mất nước, mở đầu thời kì một ngàn năm Bắc thuộc...
Văn học dân gian Việt Nam còn có một kho tàng truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn hết sức phong phú. Nhân dân Việt Nam đã thổi trí tưởng tượng vào các nhân vật cô Tấm, Thạch Sanh., hun đúc thành những nhân vật tiêu biểu cho tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam. Cô Tấm xinh đẹp, hiền thục nết na, dù phải trải qua bao thất bại cay đắng nhưng cuối cùng, nhờ Tiên Phật giúp đỡ, cũng chiến thắng mẹ con nhà Cám độc ác và trở thành hoàng hậu. Thạch Sanh tài năng, trung hậu, dẫu trải qua trăm nghìn nỗi cực khổ gian truân, cuối cùng vẫn chiến thắng Lí Thông, một kẻ gian xảo, quỷ quyệt tham lam, độc ác. Thạch Sanh được Viện Vương gả công chúa và truyền ngôi cho.
Đến với Việt Nam, ngoài những pho truyện cổ tích li kì, bạn còn được nghe cả một rừng cười (người Việt Nam gọi truyện cười là “tiếu lâm”, nghĩa là “rừng cười”). Rồi bạn sẽ được tiếp xúc với cả “rừng” ngụ ngôn đầy chất trí tuệ hóm hỉnh.
Chưa hết, văn học dân gian Việt Nam còn có một kho tàng ca dao - dân ca, tục ngữ... vô cùng phong phú. Những bài ca dao được sáng tác, lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đó là lời hát giao duyên ngọt ngào, tình tứ của vùng quê Kinh Bắc, lời ca ấm áp, mặn nồng, dịu ngọt của xứ sở miền trung, hay lời ca sầu thảm cất lên từ Đồng Tháp Mười. Khắp các miền thôn quê, đâu đâu cũng có lời ca tiếng hát, thể hiện cuộc sống nội tam, cùng các sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Việt Nam thật là phong phú và sâu sắc.
Thưa các bạn! Tục ngữ Việt Nam có câu: “Đi một ngày đường học một sàng khôn”. Các bạn đã vượt cả ngàn dặm đường tới đây, hi vọng sẽ học được nhiều “sàng khôn”, tức học được kho tàng văn hóa văn học dân gian của người Việt.
Chúc các bạn hạnh phúc và thành công!