Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Tư tưởng “Đất nước của Nhân dân” đã thể hiện như thế nào trong đoạn trích Đất nước

Thứ ba - 26/11/2019 11:32
Nguyễn Khoa Điềm là một trong những gương mặt nổi bật của thế hệ những nhà thơ trẻ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Thơ Nguyễn Khoa Điềm không kém sự say đắm mà vẫn đem đến rất nhiều những suy nghiệm sâu xa. Là một thanh niên trí thức có những trải nghiệm trong thực tế đấu tranh với kẻ thù dân tộc nên khi viết về đất nước, nhà thơ có thể huy động cả vốn kiến thức thực tế cũng như vốn văn hoá sâu rộng của mình. Trong trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm đã nói về đất nước bằng niềm xúc động, thái độ thành kính, sự suy tư sâu sắc và đem đến một hình tượng đất nước vừa quen thuộc lại vừa mới mẻ.
1. Giới thiệu
- Trong kháng chiến chống Mĩ, cả dân tộc đã lên dường đánh giặc, ở thời điểm ấy, tư tưởng “Đất nước của nhân dân” đã trở thành một chân lí của thời đại đoạn trích Đất nước trong trường ca Mặt đường khát vọng đã lí giải một cách sâu sắc và thuyết phục chân lí này.
- Trường ca Mặt đường khát vọng dược viết năm 1971 tại chiến khu Trị Thiên. Đoạn trích Đất nước là phần đầu chương V của trường ca này. Nó được viết trong những ngày mưa triền miên sau Tết. “Đó là thời kì máy bay Mĩ đánh giá dữ dội. B52 dội liên tục làm cho mọi thứ tối tăm mù mịt. Chúng tôi ngồi trong hầm và viết cảm xúc được cộng hưởng bởi tiếng bom nổ, khói bom và mưa rừng. Có khi viết xong, một trận bom làm bản thảo tung toé...”
- Nếu trong giai đoạn 1930 - 1945, các nhà thơ chủ yếu khai thác đề tài tình yêu nam nữ thì văn học 1945 - 1975 lại tự nhận ra đất nước chính là đề tài cuốn hút nhất. Có rất nhiều nhà thơ đã sáng tác về đề tài này. Cũng viết về đất nước song Nguyễn Khoa Điềm đã không hề lặp lại. Từ hình thức nghệ thuật đến nội dung tư tưởng đều có những sáng tạo mới mẻ. Nhà thơ trước hết đã lựa chọn thể loại trường ca - một thể thơ có dung lượng lớn, quy mô đồ sộ để khắc hoạ tầm vóc kì vĩ của đất nước trong những thời khắc thiêng liêng nhất của lịch sử.

2. Phân tích
a. Hình thức nghệ thuật
- Nguyễn Khoa Điềm đã lựa chọn hình thức trữ tình là lời tâm tình đằm thắm của một người con trai với một người con gái. Những đôi lứa yêu nhau khi tình tự thường nói đến những gì riêng tư nhất song ở đây họ lại nói đến đất nước. Bởi vì trong những năm tháng chiến tranh, đất nước chính là mối quan tâm lớn nhất, thường trực nhất của người Việt Nam. Nội dung chính luận thường có vẻ khô khan song nhờ được thể hiện qua hình thức này mà trở nên thấm đẫm màu sắc trữ tình tươi mát.
- Trong đoạn trích, chất liệu văn hoá dân gian đã trở thành chất liệu cơ bản để xây dựng hình tượng, thể hiện tư tưởng. Nguyễn Khoa Điềm đã lựa chọn và sử dụng rất nhiều yếu tố của văn hoá dân gian: thành ngữ, tục ngữ, ca dao, truyền thuyết, cổ tích và cả kiến thức về những phong tục, tập quán lâu đời của người Việt. Ngay từ câu thơ mở đầu đoạn trích, nhà thơ đã gợi ra bầu không khí quen thuộc của cổ tích qua “những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể”. Đất nước là một khái niệm thiêng liêng, một hình vóc lớn lao song thật ra nó đã thấm thía trong tâm hồn ta từ thời thơ ấu - có từ chính những gì đơn sơ, bình dị nhất vẫn bao bọc xung quanh cuộc sống của chúng ta. Đó là miếng trầu, cây tre, gừng cay muối mặn, cái kèo cái cột, hạt gạo một nắng hai sương... Đó là nơi anh đến trường, nơi em tắm, nơi ta hò hẹn, nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm... Phát hiện ra điều này, Nguyễn Khoa Điềm đã dùng chính chất liệu văn hoá, văn học dân gian, cái thứ chất liệu đặc biệt luôn sẵn có trong tâm thức người Việt để thể hiện và truyền đạt tư tưởng “đất nước của nhân dân”. Mật độ các yếu tố văn hoá - văn học dày đặc. Đặt trong đoạn trích làm cho toàn bộ đoạn trích như được bao bọc trong bầu khí quyển dân gian. Có lẽ không gì tốt và hay hơn là dùng chính chất liệu dân gian, kết tinh tài năng và tâm hồn nhân dân lao động để thể hiện tư tưởng “Đất nước của nhân dân”.

b. Nội dung
Khái niệm đất nước thường được hiểu trên các phương diện địa lí, lịch sử, văn hoá trong mối quan hệ với con người. Mang tư tưởng “Đất nước của nhân dân”, Nguyễn Khoa Điềm đã khẳng định rõ trong đoạn trích này: Địa lí là hoá thân cuộc đời nhân dân, lịch sử do nhân dân tạo thành và văn hoá cũng do nhân dân xây dựng trong quá trình sinh sống.

b.1. Địa lí của nhân dân: Khác với nhà khoa học, nói tới địa lí là nói tới ranh giới lãnh thổ, địa phận, nói đến những thông tin số liệu về cái vùng miền và có thể mô hình hoá thành bản đồ, biểu đồ... Nguyễn Khoa Điềm đã gợi niềm tự hào về địa lí quê hương bằng cách gợi ra những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử - văn hoá của đất nước. Mỗi địa danh ấy đều gắn với một truyền thuyết, một huyền thoại do nhân dân lao động sáng tạo để giải thích nguồn gốc sự hình thành của nó. Trong các truyền thuyết, mỗi ngọn núi, con sông đều là hoá thân của một con người. Trong tích truyện xưa, những con người ấy có thể có tên hoặc không tên, song trong cách nói của Nguyễn Khoa Điềm, họ đều là những con người vô danh. Người vợ nhớ chồng, cặp vợ chồng yêu nhau, người học trò nghèo, người dân nào... Những con người vô danh ấy đã hoá thân và làm nên cái hữu danh cho đất nước. Trong mỗi vóc dáng của núi sông gò bãi đều có dấu ấn cuộc đòi và tâm hồn cha ông. Với cách nói này, Nguyễn Khoa Điềm không những đã khẳng định địa lí quê hương được làm nên bởi nhân dân mà còn thể hiện sự tri ân với công lao nhân dân đã làm nên đất nước.

b.2. Lịch sử của nhân dân: Cũng nói về 4000 năm lịch sử song Nguyễn Khoa Điềm không nói đến các sự kiện, các nhân vật nổi tiếng, các biến cố hay quá trình vận động. Nhà thơ đã nhìn vào chiều sâu của cả quá trình lịch sử 4000 năm để nhận ra một quy luật bất biến của sự sống, của nhịp sống: đó là “cần cù làm lụng” lúc hoà bình và “ra trận” khi có giặc. Chính việc chiến đấu và dựng xây, vun đắp và bảo vệ mới làm nên một đất nước hôm qua, hôm nay và cả mai sau. Và những ai đã “làm lụng”“ra trận”? Đó chính là “những người con gái con trai bằng tuổi chúng ta” cách nói này vừa khẳng định nhân dân vô danh đã làm nên lịch sử, vừa tạo nên liên tưởng về một sức mạnh vô hình gắn kết mọi thế hệ là lịch sử của sức sống, sự sống dân tộc, vừa khẳng định lịch sử được làm nên bởi lớp lớp “những người con gái con trai bằng tuổi chúng ta”, vừa khẳng định rằng chính chúng ta có trách nhiệm viết tiếp trang sử mới của dân tộc, của đất nước mình.

b.3. Văn hoá của nhân dân: nhà thơ đã gợi ra một cuộc chạy tiếp sức không ngừng nghỉ của các thế hệ nhân dân (họ) để nuôi dưỡng, bồi đắp, lưu truyền dòng chảy văn hoá để kết nối các thế hệ. “Hạt lúa”, “ngọn lửa” là biểu tượng văn hoá vật chất của nền văn minh lúa nước ở Việt Nam; “giọng nói”, “tên xã tên làng” là biểu trưng thiêng liêng của văn hoá tinh thần (“tiếng nói” lưu giữ và biểu hiện đời sống tâm hồn, tinh thần, “tên xã tên làng” gợi nhắc cội nguồn, truyền thống). Văn hoá tinh thần còn bộc lộ trong cách ứng xử với những thế lực đố kị với sự sống dân tộc (ngoại xâm và nội thù). Văn hoá tinh thần kết tinh cao nhất, sâu sắc nhất trong ca dao, thần thoại. Nhà thơ đã sử dụng một cách sáng tạo, tài hoa những câu ca dao đặc sắc tiêu biểu cho diện mạo tinh thần người Việt: say đắm trong tình yêu, quý trọng tình nghĩa song cùng thật mãnh liệt và dữ dội trong căm thù. Những vẻ đẹp ấy được ca dao thần thoại lưu truyền từ đời này sang đời khác để làm nên khuôn mặt tinh thần đặc sắc của người Việt Nam.

3. Bình luận, đánh giá
Quan niệm về đất nước đã xuất hiện nhiều trong văn học: Nam quốc sơn hà, Bình Ngô đại cáo, Việt Nam quốc sử diễn ca... song trong các tác phẩm ấy, chủ thể sở hữu đất nước không phải là nhân dân: là vua trong Nam quốc sơn hà, là các triều đại trong Bình Ngô đại cáo, là các anh hùng trong Việt Nam quốc sử diễn ca. Phải đến những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, các nhà thơ khi gắn số phận mình với số phận dân tộc mới nhận ra đất nước là của nhân dân. Đất nước vĩ đại vì có nhân dân vĩ dại.
- Với thể thơ tự do, những câu thơ dài ngắn khác nhau thể hiện rất linh hoạt những cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ tình, ngôn ngữ thơ, hình ảnh thơ lạ; giàu tính triết lí có khả năng khơi gợi những liên tưởng xa và rộng, Nguyễn Khoa Điềm đã khẳng định vẻ đẹp kì diệu, vĩ đại của đất nước qua tư tưởng đất nước của nhân dân. Từ nhận thức đúng đắn này, lớp trí thức trẻ tuổi miên Nam trong những năm đánh Mĩ đã tự nguyện “gắn bó”, “san sẻ”“hoá thân” cho đất nước, nghĩa là xuống đường hoà nhập với cuộc đấu tranh chung của dân tộc.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây