Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Trình bày cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ: Những người vợ nhớ chồng ... đã hoá núi sông ta

Thứ ba - 26/11/2019 11:46
Đề:
Trình bày cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ sau:
“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho đất nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Những con rồng nằm yên góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho đất nước mình núi Bút non Nghiên
Con Cóc con Gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên ông Đốc, ông Trạng, bà Đen, bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi đất nước sau 4000 năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hoá núi sông ta”
(Đất nước - trích trường ca Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)
Hướng dẫn làm bài:
1. Giới thiệu
- Chương “Đất nước” là một chương quan trọng của trường ca Mặt đường khát vọng, nó thể hiện tập trung những đặc sắc nghệ thuật, những khám phá, sáng tạo của Nguyễn Khoa Điềm về một đề tài lớn: đề tài Đất Nước. Tư tưởng xuyên suốt, bao trùm toàn chương Đất nước là “Đất nước của Nhân dân”. Theo dòng suy tưởng của nhà thơ, mọi yếu tố địa lý - lịch sử - văn hoá của Đất nước đều gắn với cuộc đời của nhân dân, do nhân dân tạo dựng, giừ gìn và bồi đắp.
- Đoạn trích vừa thể hiện niềm tự hào về địa lý quê hương, vừa là tiếng nói tri ân với những công lao cha ông tạo nên vóc dáng núi sông cho quê hương, xứ sở.

2. Nội dung đoạn thơ
- Trong đoạn thơ, Nguyễn Khoa Điếm đã nhắc đến rất nhiều huyền tích trong kho tàng văn học dân gian của dân tộc: Sự tích về núi Vọng Phu, hòn Trống Mái, núi Bút non Nghiên, thắng cảnh Hạ Long... Nhà thơ không kể lại sự tích mà suy tưởng bằng sự tích: những sự tích là kết quả sáng tạo của người lao động xưa để giải thích về sự có mặt và tồn tại của những sự vật hiện tượng trong tự nhiên và trong đời sống. Điểm chung của mọi sự tích được nhắc đến ở đây là: Những mảnh đất, ngọn núi, con sông không phải tự nhiên mà có, nó là dấu tích còn lại của những cuộc đời, những con người, là kết quả của 1 cuộc hoá thân thầm lặng.
- Trong đoạn thơ, nhà thơ có nhắc đến những danh lam thắng cảnh, những di tích văn hoá nổi tiếng. Sự có mặt của những địa danh vừa gợi niềm tự hào, vừa gợi không khí thiêng liêng xúc động. Tự hào về vẻ đẹp mĩ lệ của sông núi quê hương, thiêng liêng xúc động bởi đó không là những vóc dáng vô tri mà là những vóc dáng có linh hồn: trong vóc dáng núi sông là linh lồn con người, diện mạo của đất nước phản ánh cái nhìn của con người về nó (núi Vọng Phu, hòn Trống Mái gợi ra hình ảnh Đất nước của tình yêu, “trăm ao đầm” gợi nhắc tới Đất nước của lịch sử chống ngoại xâm hào hùng, “99 con voi” gợi nhắc tới thời các vua Hùng dựng nước, hình ảnh núi Bút non Nghiên lại đem đến liên tưởng về Đất nước của những con người nghèo mà hiếu học, con Cóc con Gà gợi ra hình ảnh một Đất nước của những người lao động cần cù, ông Đốc ông Trang lại đem đến hình ảnh Đất nước của những bước chân mở cõi...). Từ cách nói của Nguyễn Khoa Điềm, ta thấy Đất nước đẹp bởi đâu đâu cũng là những kì quan, hơn thế nữa, Đất nước còn là cuốn sách đặc biệt chép lịch sử tâm hồn, tinh thần dân tộc. Từ hình ảnh của Đất nước: hiện lên qua những dòng thơ, ta còn có thể thấy rõ mối tương quan giữa con người và Đất nước.
- Tương quan ấy được làm nổi bật trong cách lặp cấu trúc câu thơ và cách sử dụng từ ngữ của nhà thơ. Cấu trúc trở đi, trở lại trong suốt đoạn thơ là con người (người vợ, người học trò nghèo, người dân ...) đã góp cho Đất Nước những hình sông dáng núi kì vĩ, mĩ lệ (núi Vọng Phu, Hòn Trống Mái, thắng cảnh Hạ Long ...). Từ “góp cho” vừa khẳng định những dâng hiến, hy sinh, vừa khẳng định công lao của Nhân Dân vô danh đã dâng hiến đời mình để làm nên cái hữu danh của quê hương đất nước.
- Từ những hiện tượng cụ thể, nhà thơ đưa đến một nhận xét có tính khái quát: mọi hình sông dáng núi, mọi dáng hình gò bãi, ruộng đồng trời khắp đất nước đều là sự hoá thân của vóc dáng và tâm hồn nhân dân, là sự đóng góp của bao thế hệ nhân dân trong suốt 4000 năm Đất Nước. Giọng thơ mềm mại, trầm lắng mà tha thiết, lời thơ chan chứa cảm xúc mà sâu sắc suy tư. Màu sắc, không khí đậm nét văn hoá dân gian.

3. Đánh giá
- Nằm trong mạch suy nghĩ và xúc cảm về Đất nước, những dòng thơ trong đoạn trích là những dòng cảm xúc và suy tưởng về công lao của bao thế hệ Nhân dân đã làm nên vóc dáng và linh hồn cho sông núi quê hương.
- Lòi thơ, câu thơ phóng khoáng tự do, vừa bay bổng với rất nhiều huyền thoại, truyền thuyết, cổ tích vừa trầm lắng da diết trong giọng điệu trữ tình. Chính màu sắc văn hoá dân gian đã khiến cho suy tưởng được thể hiện nhuần nhuyễn, tươi tắn và thấm thía hơn.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây