Anh làm công việc khí tượng trên núi Yên Sơn cao 2600 m, không một ai bắt buộc anh đến cái nơi “khỉ ho cò gáy” này, và việc làm công tác khí tượng là sự lựa chọn của anh. Công việc của anh là đo gió, đo mưa, tích mây, đo chấn động mặt đất góp phần vào việc dự báo thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất và chiến đấu: “Gian khổ nhất là vào lúc 1 giờ sáng, dù mưa, gió tuyết lạnh thế nào cũng phải trở dậy ra ngoài làm việc”, “xách đèn ra vườn, gió tuyết và im lặng ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới.”. Sống ở nơi núi rừng Sa Pa, thử thách lớn nhất của anh chính là sự cô độc; Nhưng cái sự cô độc đó không khiến anh buồn rầu, chai sạn cảm xúc mà ngược lại, anh rất đỗi “thèm người”, cái thèm người ở đây là thèm được trò chuyện, được yêu thương và chia sẻ nhịp đập cảm xúc với nhau. Anh có những suy nghĩ thật đúng và sâu sắc về công việc đối với cuộc sống con người: “khi ta làm việc, ta với công việc là một, sao lại gọi là một mình được” và anh hiểu rằng công việc của anh còn “gắn với công việc của bao anh em đồng chí dưới kia”, anh không tô đậm sự gian khổ của công việc mà nhấn mạnh niềm hạnh phúc được làm việc mình chọn. Đối với công việc, anh yêu nó tới mức trong khi mọi người còn ái ngại cho cuộc sống ở độ cao 2600m thì anh lại ước ao được làm việc ở độ cao trên 3000m. Vì anh cho như vậy mới gọi là lý tưởng. Anh tự hào về nghề nghiệp của chính mình, anh sung sướng vì công việc có ích đã giúp quân và dân ta “bắn hạ phản lực Mỹ”. Với anh, hạnh phúc là được góp phần sức lực nhỏ bé của mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đem lại hòa bình cho đất nước.
Anh thanh niên còn có phong cách sống rất đẹp. Dẫu sống có một mình nhưng anh không để bản thân buông thả, bê tha, anh yêu đời, biết tổ chức và sắp xếp cuộc sống, gian nhà của anh gọn gàng, sạch sẽ, tô điểm bằng những bông hoa rực rỡ. Không những thế anh thanh niên còn trồng rau, nuôi gà để cung cấp cho mình thức ăn, không phụ thuộc vào người khác, sâu trong anh là sự chín chắn, tự lập. Anh còn mang trong mình những đức tính đáng quý khác – ham học hỏi, khiêm tốn và những nhận thức đúng đắn về cuộc sống. Khi nhận ra bác họa sĩ già đang phát họa khuôn mặt của mình, anh đã hô to lên: “Không, không, đừng vẽ cháu! Để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng cho bác vẽ hơn”. Anh giới thiệu với bác họa sĩ ông kỹ sư vườn rau dưới Sa Pa ngày qua ngày tìm cách tạo ra những củ su hào ngon, ngọt hơn trước cho người dân mình. Anh còn ca ngợi người cán bộ khoa học “đồng chí đang làm về một cái bản đồ sét riêng cho nước ta. Có bản đồ ấy thì lắm của lắm bác ạ. Của chìm nông, chìm sâu trong lòng đất đều có thể biết, quý giá lắm.” Thực tâm, anh cảm thấy bản thân không xứng đáng để được bác họa sĩ vẽ lại, anh cho rằng so với những con người được anh nêu tên kia, những thành tích của anh chẳng là gì. Anh vô cùng giản dị: cuộc đời riêng của anh thanh niên thu gọn lại một góc trái gian nhà với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách. Anh tặng bác lái xe củ tâm thất khi nghe tin vợ bác bị ốm, anh tặng giỏ trứng làm quà cho khách, anh vui vẻ cắt các cành hoa từ mấy bụi hoa đơn, thược dược, vàng, tím, đỏ,… anh trồng trước nhà để tặng cô kỹ sư, “anh rất tự nhiên như một người quen thân, trao bó hoa cho người con gái ấy”. Hành động của anh mang những thông điệp đầy nhân văn: hãy sống đẹp, hãy quan tâm đến nhau, hãy đến với nhau bằng tất cả tấm lòng cùng tình cảm và sự nhân ái.
Ngày nay, chúng ta có thể bắt gặp những “anh thanh niên” trong truyện như: Những người lính bảo vệ hải đảo xa xôi, canh giữ bầu trời, quanh năm gắn bó với gió biển mênh mông, với nắng cháy bờ cát, với bão táp và sóng vỗ rì rầm suốt ngày đêm; Những chiến sĩ truy bắt tội phạm không kể mưa nắng hay rừng núi đèo cao hiểm trở,... chỗ nào có tội phạm chỗ đó có anh, không nề hà gian khó nguy nan rình rập có khi đánh đổi bằng cả mạng sống để bắt được tội phạm; Những hiệp sĩ đường phố xả thân vì nghĩa, vì sự bình yên của mọi người đã làm cho bọn trộm cướp không còn đất sống; ... Hay mới đây trong chiến dịch đẩy lùi COVID-19 những người anh hùng áo blouse trắng – đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, vệ sinh khử trùng,... không kể ngày đêm, không kể có thể bị lây chéo vẫn triên trì khám chữa bệnh, sàng lọc, xét nghiệm một số lượng lớn bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm corona. Những quân nhân gấp rút chuẩn bị bệnh viên dã chiến, nơi ở, nơi cách ly, những đầu bếp phục vụ bữa ăn trong thời dịch bệnh. Đội ngũ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu căng mình, vận dụng hết sức lực, trí não để cho ra đời kit test xét nghiệm nhanh phát hiện người nhiễm COVID-19. Trong số họ có những người cả tháng không được về nhà, gặp gia đình, vợ con hoặc có gặp cũng chỉ là nhìn qua lớp kính, chẳng dám ôm con vì sợ con có thể bị lây nhiễm. Họ, hầu hết có tuổi đời còn rất trẻ giống như cách gọi “anh thanh niên” trong Lặng lẽ Sapa vậy. Họ âm thầm hi sinh, âm thầm chịu đựng mặc dù có không ít bệnh nhân, người cách li, ... có thái độ không đúng, thậm chí chê bai này nọ,... Họ vẫn miệt mài làm công việc của mình, giúp đất nước sớm thoát khỏi cơn đại dịch bệnh này. Họ đúng là những người anh hùng thầm lặng. Như lời một bài hát rằng “Đã có những hi sinh khó nói hết bằng lời nên đọng lại trong tôi những nghĩ suy ...”. Vâng, thật khó mà diễn tả hết nỗi nhọc nhằn, gian khó mà những “thanh niên” thầm lặng đã hiến dâng đời mình cho Tổ quốc, cho nhân dân, ... nên đọng lại trong mỗi chúng ta là niềm xúc động trào dâng, sự biết ơn vô hạn. Họ chính là những thanh âm khác nhau trong một bản nhạc hùng ca Tổ quốc, dân tộc, họ đã góp phần sức lực nhỏ bé của mình trong công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước, làm nên đất nước muôn đời thịnh. Xin chân thành cảm ơn những người thầm lặng cao cả, xin đa tạ các anh, các chị đã cống hiến hết mình để chúng em có được những gì tốt nhất cho cuộc sống hôm nay.
Có thể nói những người thầm lặng “có tuổi không tên” đã mang vẻ đẹp tâm hồn của trí thức mới, gắn bó với nghề, yêu cuộc sống, yêu con người, yêu đất nước. Những tấm gương hi sinh thầm lặng quên mình vì lý tưởng, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân - Những người đó có một nhân cách quá đỗi cao đẹp, họ đã sống một cuộc sống có ý nghĩa, có ích, có trách nhiệm, sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình. Họ đã làm cho chúng ta thêm niềm tin yêu vào cuộc đời, tin vào con đường mà chúng ta đã chọn - con đường đi lên xây dựng xã hội chủ nghĩa ngày một đàng hoàng hơn, tốt đẹp hơn.
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
(Nguyễn Khoa Điềm)