Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Có ý kiến cho rằng Nguyễn Khoa Điềm đã làm nên Đất nước từ ca dao thần thoại nhưng cũng có ý kiến cho rằng Đất nước được dựng xây từ tư tưởng đất nước của nhân dân.

Thứ sáu - 03/04/2020 22:32
Anh/chị đồng ý không?
BÀI LÀM
“Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều”.
(Tố Hữu)
Đất nước từ lâu đã trở thành đề tài muôn thuở của thơ ca. Đất nước đẹp hiền hoà, Đất nước anh dũng đấu tranh. Đất nước là lời ru dịu ngọt. Và Đất nước còn là suối nguồn chảy từ ca dao thần thoại thấm nhuần tư tưởng của dân - do dân - vì dân qua bao thế hệ. Có không ít nhà thơ đã phải lòng với Đất nước để rồi viết lên những bản trường ca non sông gấm vóc. Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ thuộc về trường hợp ấy. Với Đất Nước và cái nhìn mới lạ về dân tộc này, Nguyễn Khoa Điềm đã góp một tiếng đàn riêng trong dàn hợp xướng về Đất Nước của thơ ca giai đoạn 1945 - 1975. Nhận xét về tiếng đàn riêng ấy, có ý kiến cho rằng: “Nguyễn Khoa Điềm đã làm nên Đất nước từ ca dao thần thoại “nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng “Đất nước được dựng xây từ tư tưởng đất nước của nhân dân”. Đến với bài thơ này, ta sẽ khám phá ra chiều sâu nhân bản ấy.

Trường ca Mặt đường khát vọng được Nguyễn Khoa Điềm hoàn thành ở chiến trường Bình Trị - Thiên máu lửa năm 1971. Đất Nước chính là phần đầu chương V của tác phẩm này. Có thể thấy xuyên suốt đoạn trích, tư tưởng “Đất Nước của nhân dân” nhuần nhụy trong hình thức “Đất Nước của ca dao thần thoại” như một sợi chỉ đỏ tạo nên mạch chảy đâm sâu, tha thiết của cảm xúc nhà thơ. Ý kiến “Đất Nước của ca dao thần thoại” là ý kiến nhằm khẳng định vẻ đẹp đất nước với vốn văn hoá dân gian đặc sắc cùng bao phong tục, tập quán tươi đẹp. Điều đó được Nguyễn Khoa Điềm thể hiện sống động trong từng lời thơ Đất Nước. Ý kiến thứ hai nhà thơ dùng “Đất Nước của nhân dân” thành một luận điểm chính để ngợi ca về công lao của nhân dân trong việc dựng xây đất nước và bảo vệ thành quả ấy.

Hai ý kiến ấy không tách rời mà cộng hưởng vào nhau, bổ sung cho nhau để làm sáng tỏ giá trị nội dung và nghệ thuật của chương thơ Đất Nước. Mở đầu đoạn trích là lời giới thiệu về đất nước.

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa”... mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.


Tuổi thơ ai mà chẳng đắm chìm trong những câu chuyện cổ tích của bà và của mẹ. Đất nước như con thuyền đưa ta về với ấu thơ để gặp lại bao hình tượng từng một thời làm ta say mê lứa tuổi mộng vàng. Đất nước không phô trương hào nhoáng mà giản dị như một điều tự nhiên, thấp thoáng trong vầng trăng cổ tích “ngày xửa ngày xưa”. “Trầu cau” với thủy chung nồng hậu. Dạy con người ta bài học đạo lí về tình yêu thương. “Thánh Gióng” với sức mạnh phi thường như khúc hùng ca về người Việt Nam buổi đầu đánh giặc giữ nước. Và còn rất nhiều cô Tấm, Thạch Sanh, ... tạo thành dòng chảy của con sông truyền thuyết dài không đếm xuể. Nhưng dù là câu chuyện nào, nhân vật nào, khía cạnh nào trong cuộc sống thì cũng ẩn hiện hình ảnh đất nước thân thương.

Nguyễn Khoa Điềm đã chứng minh khái niệm Đất nước không phải bắt đầu từ những cái gì quá to lớn, trừu tượng, xa xôi. Mà đơn giản đó là nơi con người ta sinh ra để rồi đi đâu cũng để nhớ để thương:

“Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nơi nhớ thầm.
Đất là nơi “con chim Phượng Hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá Ngư ông móng nước biển khơi”.

Ngòi bút của nhà thơ một lần nữa đưa ta hoà vào thế giới ca dao dân ca vô cùng phong phú của dân tộc. Ta như nghe thấy cả tiếng rơi trong bài ca dao “Khăn thương nhớ ai” mà đã khéo léo gợi ra. Câu hò Bình Trị Thiên cùng được nhà văn tóm gọn lại trong hình ảnh “con chim Phượng Hoàng” và “con cá Ngư Ông”. Dường như ta dần cảm nhận được rằng, trong mỗi câu thơ, tất cả đều thấm nhuần những chất liệu văn học dân gian gần gũi. Theo mạch suy tưởng, tác giả tiếp tục đắm mình vào Đất nước với huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ “đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”, truyền thuyết Hùng Vương ngày giỗ Tổ. Những câu thơ gợi cảm xúc trang trọng, thiêng liêng khi hướng về nguồn cội cha ông. Những giá trị truyền thống, phong tục, văn hóa bền vũng ấy tạo nên mạch ngầm chảy từ quá khứ nối liền hiện tại và tương lai:

“Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu làm đầu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”.

Để rồi từ đó nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm của mỗi người phải biết nhớ về nguồn cội, tự hào dòng máu Lạc Hồng đang chảy trong huyết mạch, phát triển giống nòi và tiếp bước cha ông đưa đất nước ngày một phát triển. Đó là những trọng trách to lớn về Đất nước được gửi găm qua truyền thuyết, thần thoại, thơ văn.

“Để Đất Nước này là Đất nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
Dạy anh biết yêu em từ thuở trong nôi
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
Biết trông tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu ...”

Quả là một định nghĩa giản dị và bất ngờ về Đất nước. Đất nước của ca dao thần thoại nhưng vẫn thể hiện những phương diện quan trọng nhất của truyền thống nhân dân, của dân tộc: Thật đắm say trong tình yêu, biết quí trọng tình nghĩa và cũng thật quyết liệt trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Bởi lẽ, đã từ lâu, con người Việt Nam được hội tụ những tinh tuý của trời đất, đúc kết nên phẩm chất quý báu về cách làm người, về cách sống sao cho tròn đạo lý. Thuỷ chung như gừng cay với muối mặn, những tình cảm bắt đầu từ sự đồng điệu trong tâm hồn được người con gái con trai nâng lên thành vĩnh cửu nhờ son sắc một lòng một dạ hướng về nhau.

Phải thấu hiểu, trân trọng những giá trị văn hoá, tinh thần như thế thì Nguyễn Khoa Điềm mới có cái nhìn vô cùng sâu sắc vào truyền thống: nghe ca dao, sáng tác ca dao, sống với ca dao - Nghe thần thoại, sáng tác thần thoại, sống với thần thoại của dân tộc ta. Từ đó nổi bật lên “con người Đất nước” dần dần thành hình thành dáng qua từng ca dao thần thoại ấy. Lòng quyện vào nhau, cùng nhau đi qua gió bụi thời gian và cùng nhau làm dày thêm lịch sử. Nguyễn Khoa Điềm đã xây dựng Đất nước từ ca dao thần thoại như thế đó. Thật tuyệt vời làm sao! Mà cũng logic làm sao!

Chưa dừng lại ở đó, một câu hỏi tưởng chừng bối rối khi trả lời nếu có ai đó vô tình hỏi chúng ta: “Quả thật, thì Đất nước này là của ai trong chúng ta?” Phải chăng là của những vị thần xa xôi phương trời nào đó có công dời núi, lấp biển trong truyền thuyết xưa? Hay phải chăng là những sức mạnh vô hình vô định từ thiên nhiên mà gầy dựng nên đất nước bây giờ? Tất cả đều là những câu trả lời không thoả mãn. Hãy nhìn hẹp hơn, xung quanh chúng ta và trong cuộc sống hằng ngày, không phải là những gì quá cao lớn to tát cả. Vì đó chính là: Nhân dân!

Tư tưởng “Đất nước của nhân dân” trước hết được thể hiện qua sự biết ơn sâu nặng của nhà thơ đối với nhân dân đã “góp” cuộc đời mình, tuổi tên mình, số phận mình để hoá thân thành những địa danh, thắng cảnh. Nhũng địa danh, thắng cảnh ấy gắn với cuộc sống, số phận, tính cách của nhân dân:

“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất nước mình núi Bút, non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Nhùng người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm”.

Những câu thơ như trải rộng mãi cùng cái nhìn, toàn cảnh thiên nhiên đất nước từ Bắc xuống Nam, từ biển lên rừng. Đôi mắt thi nhân tưởng như muốn ôm trọn những cảnh quan mĩ lệ, kì thú của non sông. Đây có lẽ chính là đoạn thơ cao điểm của tư tưởng cốt lõi “Đất nước của nhân dân” ấy. Nhà thơ đã sử dụng vô cùng thành công nghệ thuật liệt kê tên danh lam thắng cảnh cùng động từ “góp” để diễn tả sự phong phú, trải dài trên hình dáng lãnh thổ những cảnh đẹp tuyệt vời do không ai khác chính nhân dân hoá thân, xây dựng nên.

Ở miền Bắc, có núi Vọng Phu, hòn Trống Mái biểu tượng cho vẻ đẹp của tình yêu thuỷ chung bền vững. Nếu không có những người vợ mòn mỏi chờ chồng ra đi vì tiếng gọi của Tổ quốc, chống ngoại xâm, đuổi quân thù thì làm sao có núi Vọng Phu?

“ Đồng Đăng có phố Kì Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh”.

Người xứ Lạng có lẽ đã quá quen thuộc với hòn Vọng Phu gắn tích nàng Tô Thị bồng con chờ chồng đến hoá đá. Hay hòn Trống Mái ở Sầm Sơn Thanh Hoá, tương truyền do hai vợ chồng yêu nhau hoá thân thành. Thời gian đã đi qua, đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Vẻ đẹp thuỷ chung, nghĩa tình cùng với thời gian đã trở thành bất tử. Còn nhớ truyền thuyết về người anh hùng Thánh Gióng lớn nhanh như thổi, sức mạnh hơn người đã nhổ tre làng đánh tan quân giặc. Khi trở về với trời đất đã để lại những “ao đầm” hình móng chân ngựa mọc đầy quanh chân núi Sóc Sơn Hà Nội. Hay quần thể núi non hùng vĩ bao quanh núi Hi Cương ở Phú Thọ gợi hình ảnh “chín mươi chín con voi” nơi đền thờ các Vua Hùng. Hai hình ảnh ấy nhắc nhở chúng ta không quên truyền thống đánh giặc và công lao to lớn của 18 vị Vua Hùng dựng nước giữ nước. Để ngày hôm nay chúng ta có thể học tập, vui chơi và sinh sống. Và “con cóc con gà” góp cho Hạ Long trở thành danh thắng để người Việt Nam được tự hào về vẻ đẹp quê hương, để cả thế giới đều phải ngưỡng mộ.

Ở miền Trung, ta được nhà thơ đưa đến Quảng Ngãi để chiêm ngưỡng “núi Bút non Nghiên”. Là biểu tượng cho truyền thống hiếu học của nhân dân từ bao thế hệ. Dân tộc Việt Nam ta là một dân tộc thông minh và có truyền thống hiếu học. Những tấm gương hiếu học của ông cha phần lớn đã được ghi vào sử sách, song cũng có nhiều tấm gương ít được biết đến. Khương Công Phụ - Người đổ tiến sỹ đầu tiên của nước ta; Nguyễn Hiền - Trạng nguyên 13 tuổi, hay Lương Thế Vinh, Mạc Đỉnh Chi,... đã làm rạng danh nước nhà thời phong kiến xa xưa và còn lưu giữ tiếng thơm muôn đời cho đến hôm nay, mai sau.

Ở miền Nam, dòng sông Cửu Long như “những con rồng” cuồn cuộn hoà chung dòng chảy vào biển lớn. Mạnh mẽ và hệt như món quà của tạo hoá dành cho dân tộc ta. “Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm” họ là những người lao động hiền hoà, chăm chỉ khai phá vùng đất mới, góp tên làng tên xã trong những chuyến di dân. Họ đã làm cho tên họ mình trở nên thật đẹp đẽ khi từng cái tên ấy đi vào bất tử với nước non. Nhũng câu thơ ca ngợi vẻ đẹp của cảnh sắc quê hương với một tâm hồn lạc quan phơi phới. Tất cả ào ạt tuôn chảy trong tâm trí người đọc những tí tách reo vui.

“Và ở đâu trên khắp ruộng đồng, gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...”

Hai câu đầu đã một lần nữa khẳng định lại dáng hình nhân dân cũng chính là dáng hình của Đất nước. Những con người quá đỗi giản dị ấy bỗng chốc trở nên thật kì vĩ trong mắt thế hệ đi sau, vì họ không chỉ góp danh thắng tươi đẹp mà còn góp cả giá trị tinh thần, phong tục, tập quán, lưu giữ lại những gì tinh tuý nhất trong đất trời quê hương để trở thành văn hoá lưu truyền mãi về sau: “Giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng”, “truyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi”, “truyền giọng điệu cho con tập nói”, ...

Và rồi,
“Cớ biết bao người con gái con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết, Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên Nhưng họ đã làm ra Đất nước”.

Chiến tranh là những điều chắc chắn rằng trong mỗi con người yêu hoà bình như chúng ta không hề mong muốn. Nhưng nhìn vào lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước là ngập tràn máu chiến sĩ ngã xuống vì tấc đất cho dân tộc, là ai oán tiếng mẹ khóc con, vợ khóc chồng, con khóc đòi cha vì phải li biệt người hậu phương - người mặt trận. Còn có cả tiếng kêu cứu của những vùng đất bị bom đạn tàn phá, những thửa ruộng khô cằn. Giặc ngang ngược xâm chiếm lãnh thổ, tàn bạo cướp đi bao sinh mạng vô tội của đông bào ta, đàn áp, khủng bố khiến cho từ Bắc chí Nam không nơi nào yên ổn nổi. Vì thế, đất nước lâm nguy, sao có thế ngồi yên bình chân như vại, vì trong mỗi chúng ta đều đang chảy cùng một dòng máu Lạc Hồng, gọi nhau hai tiếng “đồng bào” thân thuộc. Và từ đó đã xuất hiện vô vàn những con người anh dũng dứt áo ra đi, “gian nhà không mặc kệ gió lung lay”. Họ có thể đều xuất phát từ những người nông dân “cày sâu cuốc bẩm”, rong ruổi trên những cánh đồng bờ ruộng để “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Nhưng, ai dám bảo họ chỉ là những người lao động yếu đuối, nhẫn nhịn không dám đứng lên? Không! “Tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, người đàn bà, mỗi người phải tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một cây dụ, một cây rựa. Ai không có thì vót chông...” Thế đấy, vì hoà bình tự do của Đất nước mà “ngày giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh”, có thể gạt hết mọi thú vui riêng, ích kỷ riêng để tất cả chiến đấu vì Đất nước. Nguyễn Khoa Điềm đã chọn cách rất khác biệt để ca ngợi công lao “làm ra” đất nước của những người bình dị chân lấm tay bùn. Cống hiến mà không cân trả ơn, tung hô, ghi tên vào sử sách. Đoàn kết “có ngoại xâm thì chống ngoại xâm, có nội thù thì vùng lên đánh bại”. Trận chiến ấy sẽ chiến thắng trong nay mai để mãi mãi “Đất nước này là Đất nước của nhân dân”.

Như vậy, tư tưởng “Đất nước của nhân dân”“Đất nước của ca dao thần thoại” không hề mâu thuẫn hay tách rời. Chúng đan cài vào nhau, góp phần mang đến thành công của đoạn trích Đất Nước.

Thật cảm ơn tác giả Nguyễn Khoa Điềm bằng giọng thơ tâm tình, có sự hoà quyện giữa trữ tình và chính luận, ngôn từ, hình ảnh vừa gần gũi quen thuộc vừa mang tính khái quát, đã đưa đến cho chúng ta những suy nghĩ, phát hiện mới mẻ về vai trò của nhân dân cũng như ca dao thần thoại trong lịch sử. Đồng thời khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương trong lòng mỗi người. Nhắc nhở chúng ta phải biết ra sức giữ gìn những nét đẹp văn hoá, những phẩm chất cao đẹp từ bao đời. Phải không ngừng cố gắng để giúp Đất nước ngày càng phát triển, “sánh vai với các cường quốc năm châu” và dù đi đâu làm đâu, cũng khắc ghi vào dạ công ơn gây dựng nước nhà của nhân dân. 

(Dương Gia Mẫn - THPT Ngô Quyền - Biên Hòa - Đồng Nai)

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây