Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Từ các bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử), Đây mùa thu tới, Thơ duyên (Xuân Diệu), Tràng giang (Huy Cận), Chiều xuân (Anh Thơ).... Hãy viết bài văn trình bày quan niệm của anh (chị) về lòng yêu quê hương

Chủ nhật - 23/02/2020 08:37
Hướng dẫn làm bài:
1. Giới thiệu
- Tình yêu quê hương là một tình cảm đẹp trong đời sống tâm hồn của con người, cũng là một nguồn mạch đẹp đẽ trong văn chương ở mọi thời, mọi dân tộc mà nếu thiếu nó, cả cuộc sống và văn chương đều thiếu đi một phần gốc rễ tạo nên tính vững chắc cho sự phát triển lâu dài.
- Ở mỗi thời kì, do điều kiện khác nhau của lịch sử, xã hội mà tình yêu quê hương lại cả những biểu hiện vô cùng phong phú. Đến với các bài thơ như Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử), Đây mùa thu tới, Thơ duyên (Xuân Diệu), Tràng giang (Huy Cận), Chiều Xuân (Anh Thơ)... người đọc hiểu thêm những khía cạnh kín đáo của tình yêu quê hương để từ đó hiểu và nuôi dưỡng tình yêu ấy trong chính tâm hồn mình.
2. Triển khai
a. Khái niệm về tình yêu quê hương
- Quê hương: nơi sinh ra ta, nơi gốc rễ, nguồn cội của ta để ta có một sự gắn bó tự nhiên về mặt tình cảm.
- Tình yêu: tình cảm nồng nhiệt tạo nên sự gắn bó và ý thức và trách nhiệm của con người.
- Tình yêu quê hương là tình cảm gắn bó yêu thương và ý thức trách nhiệm với nơi sinh thành, nơi nguồn cội, nơi có tổ tiên, gia đình, dòng họ, nơi hình thành và lưu giữ những giá trị tinh thần truyền thống của chính mình.
b. Tình yêu quê hương trong một số những bài thơ mới:
- Tình yêu đối với con người, cảnh vật quê hương:
+ Có khi, nhà thơ dựng nên cả một không gian quê hương trong bức tranh thơ với tất cả những gì tươi đẹp, thơ mộng, tràn đầy sức sống nhất (Đây thôn Vĩ Dạ) hoặc dựng lại một thế giới thôn quê với những gì bình dị, êm đềm, yên ả nhất (Chiều xuân - Anh Thơ).
+ Có khi, bóng dáng quê hương thấp thoáng trong xây dựng hình tượng nghệ thuật: Trong bài Tràng giang, hình tượng Tràng giang vẫn mang phảng phất bóng dáng sông nước quê hương với cánh bèo trôi dạt, cồn bãi lơ thơ, làng xóm xa mờ...
+ Có khi, những hình ảnh quen thuộc của quê hương vẫn có thể gợi cảm hứng và đem lại những sáng tạo thật bất ngờ, mới mẻ: liễu rủ bóng mà như những cô gái đứng chịu tang, màu áo mơ phai tươi sáng thanh thoát mà mơ hồ ám ảnh phôi pha của lá cây khi mùa thu tới, những chuyến đò thưa thớt nơi bến vắng khi chiều đã muộn, những cánh chim bay đi tránh rét... (Đây mùa thu tới). Không gian xanh thơ mộng của mùa thu, cánh cò phân vân khi chiều xuống (Thơ duyên).., Tất cả đều gợi một tình cảm quê hương kín đáo mà thấm thía.
- Nỗi buồn sông núi: là cảm xúc có thể cảm nhận ở bài thơ Tràng giang. Thực ra cảm xúc nổi trội ở Tràng giang là nỗi buồn của một cá nhân cô đơn không tìm được mối liên hệ gắn bó với con người và cuộc sống quanh mình song bên cạnh nguyên do đó còn có một nguyên do khác kín đáo hơn: cảm giác thiếu quê hương, nỗi nhớ quê hương da diết. Đây chính là cơ sở để Tràng giang được đánh giá là “bài thơ dọn đường cho lòng yêu giang sơn Tổ quốc”.
- Tình yêu tiếng việt: là biểu hiện thấm thía và cũng rất tiêu biểu cho tình yêu quê hương trong thơ mới - một thứ tình yêu đã lặn sâu vào tâm hồn, làm thành cái cốt cách riêng của nhà thơ Việt và người Việt, về điểm này, các nhà thơ mới một mặt góp phần bảo tồn tiếng nói dân tộc, một mặt tiếp thu các yếu tố hiện đại để làm giàu nó, khiến cho tiếng Việt trong thơ ca hiện đại trong sáng, phong phú, giàu khả năng biểu hiện và tăng tính thẩm mỹ để trở nên đẹp hơn và giàu khả năng hơn trong việc ghi lại một phần quan trọng bức chân dung tâm hồn người Việt Nam một thuở.
c. Quan niệm về tình yêu quê hương
c1. Tình yêu quê hương trong những hoàn cảnh khác nhau của lịch sử
- Nhận xét chung: Mỗi hoàn cảnh, mỗi thời kỳ lịch sử cụ thể lại đặt ra những yêu cầu riêng với con người. Gắn bó với quê hương bằng tình cảm tự nhiên trong tâm hồn mình là điểm chung trong tình yêu quê hương của mọi người, mọi thời. Song thực hiện trách nhiệm với quê hương lại là điểm khác của tình yêu quê hương ở những con người, những thời kỳ khác nhau trong lịch sử.
- Biểu hiện cụ thể:
+ Trong chiến tranh: căm thù giặc, đau đớn khi kẻ thù tàn phá, huỷ hoại quê hương, quyết tâm chiến đấu chông giặc cứu nước, sẵn sàng xả thân để bảo vệ quê hương đất nước mình.
+ Trong hoà bình: yêu thương, gắn bó, tự hào về những vẻ đẹp của quê hương, có ý thức bảo tồn và tôn vinh những giá trị truyền thống của quê hương, đất nước, quyết tâm phấn đấu xây dựng quê hương.
c 2. Tình yêu quê hương trong cuộc sống hiện nay
- Đặc điểm của cuộc sống hiện nay: sự tồn tại song song của hai nhu cầu phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hoá dặt ra nhiều thách thức, thực tế của xu huớng hội nhập và giao lưu toàn cầu khiến cuộc sống của mỗi người được mở rộng tối đa về phạm vi và tầm ảnh hưởng...
- Tình yêu quê hương trong cuộc sống hiện nay: vô cùng phong phú trong những biểu hiện.
+ Gắm bó cùng quê hương, bằng khả năng thực sự và lòng quyết tâm để xây dựng quê hương giàu đẹp.
+ Tôn tạo, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hoá của quê hương, tạo cho nó một vẻ đẹp riêng không nhoà lẫn với các nền văn hoá khác.
+ Phát triển tối đa các giá trị vật chất cũng như tinh thần của con người và đất đai quê hương để hình ảnh quê hương gợi được niềm yêu mến và sức hấp dẫn với bạn bè quốc tế.
+ Khẳng định tầm vóc trí tuệ và bản lĩnh người Việt để làm toả sáng giá trị Việt Nam trước thế giới.
+ Nhìn thẳng vào những thói hư tật xấu còn tồn tại trong đời sống cộng đồng, đấu tranh để loại bỏ nó để xây dựng hình ảnh người Việt mói, người Việt đẹp cũng là điều cần thiết hiện nay.
c. 3. Phê phán quan niệm chật hẹp về tình yêu quê hương
- Quan niệm thứ nhất: phải gắn bó với quê hương mới là yêu quê hương. Theo quan niệm này, tất cả những ai ra nước ngoài sinh sống đều là kẻ phản bội Tổ quốc. Điều đó không đúng. Người ta vẫn có thể có tình yêu quê hương ngay cả khi sống xa Tổ quốc của mình. Quan trọng là khi ấy, con người vẫn có bóng hình quê hương trong trái tim và biết sống có trách nhiệm với Tổ quốc, quê hương.
- Quan niệm thứ hai: phải ca ngợi quê hương mới là yêu quê hương. Đây cũng là một sai lầm. Ca ngợi cái tốt, điều hay là việc tất yếu nên làm. Song nếu chưa thực có cái tốt cái hay mà cố tình ca ngợi sẽ là giả dối, gây phản cảm. Điều quan trọng không ở chỗ ca ngợi hay phê phán mà ở động cơ và thái độ cụ thể. Nếu phê phán mà xuất phát từ trách nhiệm và mong muốn sự phát triển tốt đẹp thì cũng là việc mà người yêu quê hương nên làm.
- Quan niệm thứ ba: phải có những hành động, những đóng góp cụ thể hữu ích cho quê hương mới là yêu quê hương. Đây là một quan niệm cứng nhắc vì hành động, đóng góp phải trên cơ sở những hoàn cảnh, điều kiện và khả năng cụ thể, không thể lúc nào cũng xuất hiện, không thể với ai cũng đặt ra vì tình yêu quê hương bên cạnh ý nghĩa trách nhiệm còn là tình cảm tự nhiên, thuần khiết trong tâm hồn con người, có được tình cảm gắn bó tự nhiên ấy cũng đã là yêu quê hương, không nhất thiết cứ phải bộc lộ tình yêu bằng những đóng góp cụ thể.
c.4. Rút ra bài học
- Mỗi người có thể có rất nhiều cách để bộc lộ tình yêu quê hương nên điều quan trọng không phải là cách thức bộc lộ mà là việc nuôi dưỡng cho tình yêu quê hương còn mãi trong tâm hồn mình bởi có tình yêu sẽ có sự gắn bó, tìm thấy ý nghĩa thiêng liêng của quê hương cũng là thấy thêm ý nghĩa cho cuộc sống của mình.
- Không nên cứng nhắc khi đánh giá tình cảm với quê hương ở người này hay người khác. Vì mọi quan niệm chật hẹp về tình yêu quê hương có thể sẽ dẫn đến sai lầm trong đánh giá, tạo nên những khoảng cách và sự hiểu lầm không đáng có giữa những người cùng quê hương và cũng có tình yêu quê hương trong tâm hồn.
3. Kết luận
- Tình yêu quê hương là một tình cảm đẹp đẽ và không thể thiếu để làm nên một sự phát triển cân bằng và hoàn thiện của đời sống tâm hồn. “Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nỗi thành người” (Đỗ Trung Quân).
- Mỗi người không được quên đi nguồn cội, gốc gác, quê hương bởi nuôi dưỡng tình cảm với quê hương là nuôi dưỡng tâm hồn để con người được làm người theo nghĩa đầy đủ nhất. Song bên cạnh đó, cần đặt tình cảm với quê hương trong quan hệ với tình yêu đất nước, cần hướng về quê hương song không có nghĩa là chỉ hướng về mảnh đất nơi mình sinh ra mà phải biết tôn trọng và yêu quý tất cả những gì thuộc về Tổ quốc.
- Tình yêu bao giờ cũng gắn liền với trách nhiệm. Mỗi người biết yêu quê hương sẽ thực hiện trách nhiệm với quê hương trong phạm vi khả năng của chính mình.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây