Hướng dẫn làm bài:
1. Giới thiệu
- Xưa nay, vấn đề tình nghĩa luôn được đặt ra trong cuộc sống của con người. Trọng tình và có nghĩa cũng luôn được đánh giá là phẩm chất tốt đẹp của con người mọi thời đại. Điều cần bàn là phạm vi rộng hay hẹp của tình nghĩa mà ta nên vun đắp để tạo nên mối quan hệ thực sự tốt đẹp giữa người với người.
- Câu chuyện nhỏ trong bài thơ Viếng chồng của Trần Ninh Hồ có thể là một gợi mở để mỗi người tự ngẫm nghĩ và tìm cho mình câu trả lời thích đáng.
2. Triển khai
a. Nội dung bài thơ:
- Tình huống éo le: Sự nhầm lẫn của một người phụ nữ khi đặt vòng hoa lên mộ không phải của chồng mình
+ Vòng hoa là biểu hiện của tấm lòng người vợ với người chồng đã khuất. Cùng với vòng hoa ấy là tình yêu và nỗi đau.
+ Cái khó xử của người vợ: đặt nhầm vị trí của vòng hoa song không thể và không nên sửa.
+ Cái khó xử của người lính: không thể nói rằng chị đặt hoa bên này, đừng đặt vào bên ấy - cả hai người nằm dưới mộ đều là đồng đội của anh - nói như vậy là bất kính và bất nhẫn với cả người đã khuất và người còn sống.
- Cách ứng xử đẹp và những tâm hồn đẹp:
+ Trong tình huống này, cái hay – dở của chuyện thăm viếng dồn cả lên vai người vợ vốn đã mang nỗi đau và bao khó nhọc khi lặn lội đến viếng chồng.
+ Câu trả lời giải tỏa mọi éo le, trắc trở và làm tỏa sáng phẩm chất cao thượng của con người: tấm lòng của người vợ với chồng và tấm lòng của người còn sống với người đã khuất. Con người cao thượng bởi trong nỗi đau vẫn biết sẻ chia những tình cảm quý giá rất con người.
b. Trình bày suy nghĩ về vấn đề tình nghĩa của con người
- Là phẩm chất quý giá và cũng là nhân tố tích cực quan trọng để tạo nên những mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người.
- Phạm vi tồn tại của tình nghĩa: không nên chỉ giới hạn trong quan hệ cá nhân, giữa những người thân, những người có quan hệ gần gũi máu thịt mà cần mở rộng ra với tất cả mọi người.
- Tình nghĩa luôn gắn với sự quan tâm, sẻ chia. Để sống có tình, mỗi người cần biết quan tâm và sẻ chia với người khác một cách chân thành. Khi sống có tình, con người cũng sẽ trở nên đáng quý đáng trọng hơn bởi chính cái tình là cơ sở nâng cao phẩm giá của con người.
3. Kết luận
- Không phải vô cớ mà chữ “tình” lại được đặt bên cạnh chữ “nghĩa”. “Tình” khiến ta gắn bó với nhau hơn song sự gắn bó này ít nhiều mang tính chất cảm tính và màu sắc cá nhân. “Nghĩa” khi đi liền với “tình” mới tạo nên sự gắn bó sâu sắc, đẹp đẽ và hơi ấm mà nó tạo nên mới có sức lan tỏa rộng và sâu.
- Cần vun đắp tình nghĩa để nó nảy nở trong mọi mối quan hệ con người vì đó là cách tốt nhất để cuộc sống này bớt chông chênh khi chúng ta dù cố gắng cũng không sao tránh hết được mọi bất trắc, biến động của đời sống.