Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Giải thích câu tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”

Thứ hai - 24/02/2020 09:07
Để nói về sự quan trọng của vẻ đẹp nội dung so với vẻ đẹp hình thức, ông bà ta thường sử dụng câu tục ngữ: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Vậy câu tục ngữ trên có ý nghĩa như thế nào?
Giải thích câu tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”
Nghĩa đen của câu tục ngữ cho rằng: “gỗ” tốt, bền không phải nhờ “nước sơn” đẹp bóng quét lên. Chính giá trị sử dụng lâu dài của gỗ làm cho nó trở nên quí giá. Còn nghĩa bóng của câu tục ngữ khuyên ta hãy coi trọng vẻ đẹp nội dung, bản chất hơn vẻ đẹp hình thức của con người, sự vật, hiện tượng...

Tại sao: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”? Trong thực tế cuộc sống, hình thức đẹp luôn thể hiện ra trước mắt chúng ta, còn nội dưng bên trong cao quý, tốt đẹp hay xấu xa khó có thể nhận biết ngay được mà đòi hỏi phải có một thời gian dài để đánh giá, suy nghĩ, tìm hiểu... Nhưng cuối cùng, con người chiêm nghiệm ra rằng: bản chất bên trong tốt đẹp là cái quý báu nhất.

Thật vậy, trong xã hội hiện nay, có không ít những thanh niên khỏe mạnh, cường tráng, ăn mặc bảnh bao, đi xe đời mới phân khối lớn trông rất sang trọng, tử tế nhưng lại chuyên cướp giật, đua xe lạng lách trên đường phố hay giở trò lừa gạt những người nhẹ dạ cả tin.

Hiện nay, có một bộ phận học sinh thật đáng chê trách, những học sinh ấy có bề ngoài rất lịch sự: đầu tóc hớt cao hoặc đeo khăn quàng, đồng phục ủi thẳng tắp, chân mang giầy, tay ôm chiếc cặp chứa đầy sách vở. Cha mẹ họ rất hài lòng và hạnh phúc khi thấy con mình đi học nhưng thật ra chúng dối cha mẹ, lừa thầy cô, bỏ học đi chơi hoặc tụm năm, tụm bảy đánh bài, chửi thề nói tục. Thậm chí một số học sinh còn vướng vào tệ nạn nghiện ngập xì ke ma túy, đua xe phân khối lớn.

Trái lại, có không ít bác đạp xe xích lô, ba gác, da đen cháy, mồ hôi nhễ nhại hễ nghe đồng bào miền Trung, miền Tây bị lũ lụt là luôn có mặt ở các tòa soạn báo, các trung tâm cứu trợ để gởi những đồng tiền kiếm được trong ngày nhằm chia sẻ với đồng bào ruột thịt, thân thương đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Dù hình thức bên ngoài của họ không đẹp nhưng các bác có tấm lòng vàng.

Ở một số nơi, có những học sinh gia đình nghèo khổ, lam lũ, không có những bộ quần áo mới, thiếu thốn sách vở và các dụng cụ học tập nhưng các bạn luôn cố gắng vươn lên trở thành những học sinh giỏi.

Theo em câu tục ngữ có nhiều ưu điểm nhưng cũng cố một số hạn chế cần được bổ sung. Một cái tủ hay một chiếc ghế nếu làm bằng gỗ tốt nhưng xấu xí mà sử dụng được lâu dài còn hơn một chiếc tủ đẹp, sơn khéo léo, chạm trổ tinh vi nhưng chỉ sử dụng được một thời gian ngắn vì chất liệu gỗ không tốt. Một con người tuy không đẹp về mặt hình thức nhưng có đức độ và tài nàng thì luôn được xã hội trọng dụng. Nhưng chúng ta cần xem xét đến môi quan hệ tương quan giữa nội dung và hình thức. Vẻ đẹp nội dung và hình thức phải luôn đi đôi với nhau để nâng cao hơn nữa cái đẹp của con người, sự vật, hiện tượng. Nếu một con người vừa đẹp về hình thức vừa có phẩm chất đạo đức tốt đẹp thì thật là hoàn hảo biết bao.

Tại cuộc thi hoa hậu hoàn vũ năm 1992, Ban giám khảo ở vòng chung kết đã đặt câu hỏi: “Nếu được làm thủ tướng chị sẽ làm việc gì đầu tiên?”, Hoa hậu Zămbia đã trả lời: “Việc dầu tiên là tôi sẽ gặp gỡ các em bé và các bà mẹ”. Chúng ta dễ nhận ra rằng hoa hậu Zămbia chẳng những đẹp về hình thức mà còn có một tấm lòng nhân hậu. Trong khi đó, một hoa hậu khác đã trả lời rằng nếu làm thủ tướng thì việc đầu tiên cô làm là xây nhà máy dụng cụ thể thao. Câu trả lời này làm giảm đi vẻ đẹp của hoa hậu ấy nhiều lắm.

Vậy để nhận xét, đánh giá một sự vật, một con người, ta phải dựa trên cơ sở nội dung lẫn hình thức. Nội dung và hình thức phải bổ sung cho nhau để đánh giá được chính xác, đầy đủ. Chúng ta hãy coi trọng nội dung vì trước hết nó là cốt lõi tạo nên giá trị bên trong, còn hình thức góp phần tạo nên cái đẹp, cái bền cho vật dựng. Khi đánh giá ta phải coi trọng chất lượng của vật cũng như khi nhận xét về một con người ta phải chú ý đến thành quả công việc của họ, xem xét mối quan hệ tình cảm của họ đối với gia đình, xã hội. Đó là cách hiệu quả, cách áp dụng đúng đắn nhất phương châm xử thế mà câu tục ngữ đã khuyên dạy chúng ta.

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” - câu tục ngữ đã cho ta một phương châm đúng đắn trong cách nhìn, cách sống và cách quan hệ ở cuộc sống. Chúng ta cần tu dưỡng đạo đức, rèn luyện tài năng để trở thành con người toàn diện về nội dung lẫn hình thức. Hiểu được câu tục ngữ, vận dụng nó một cách đúng đắn chúng ta sẽ bớt lầm lẫn, vấp ngã trong cuộc đời đồng thời ta cũng biết cách tự rèn luyện nâng cao mình hơn nữa. Ta phải sống thực chất bằng chính giá trị con người mình, đừng mánh khóe lừa dối, giả tạo. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn nhưng nếu tốt cả gỗ và tốt cả nước sơn thì đó là điều mà ta cần mong ước, phấn đấu, hướng tới...

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây