Hướng dẫn làm bài:
1. Giới thiệu
- Trong cuộc sống, hạnh phúc nhất là khi được sống thật với chính mình vì chỉ khi ấy con người mới có được cảm giác thoải mái, thanh thản để đón nhận những điều mình mong muốn, giải quyết những yêu cầu của đời sống và bộc lộ, chia sẻ những suy nghĩ tình cảm để tìm kiếm sự sẻ chia.
- Nhà văn Lưu Quang Vũ trong vở kịch Hồn Trương Ba - da hàng thịt đã để nhân vật Trương Ba bày tỏ quan niệm của mình về cách sống qua câu nói “Không thể bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo”.
2. Triển khai
a. Cắt nghĩa
- “Bên trong”: là thế giới nội tâm của con người (gồm nhận thức, tư tưởng và khát vọng). Đây là phần làm nên ý thức, chất người cao quý giá trong con người. Nếu thế giới bên trong đạt được sự toàn vẹn, hoàn thiện, con người sẽ có được những phẩm chất tốt đẹp, quý giá, sống một đời sống tinh thần phong phú, sâu sắc. Đây cũng là một phần mà người ta không nhìn thấy được, chỉ có thể cảm nhận qua tiếp xúc, tìm hiểu và gắn bó.
- “Bên ngoài”: là cái có thể quan sát, nhận biết bằng thị giác (gồm hình thức, hành vi, lời nói, việc làm)
- Quan hệ giữa bên ngoài và bên trong: thường là quan hệ thống nhất - cái bên ngoài là biểu hiện cụ thể của cái bên trong và ngược lại cái bên ngoài cũng được cái bên trong quy định, chi phối.
- “Bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo”: không có sự hài hoà, thống nhất của bên ngoài và bên trong, tức là lời nói, việc làm không thống nhất với suy nghĩ, tình cảm, nhận thức. Sự không thống nhất này sẽ khiến con người rơi vào tình trạng hoặc là sống giả tạo, hoặc trở lên lệch lạc, mất thăng bằng - dù ở trường hợp nào cũng là bi kịch.
- Ý nghĩa chung: thể hiện một quan niệm sống - cần phấn đấu để đạt sự hài hoà , cân bằng giữa nhận thức và hành vi, giữa cái bên trong và cái bên ngoài, đó chính là cách sống để con người đạt được sự thanh thản.
b. Phân tích - lí giải:
b.1. Thực tế cuộc sống của nhân vật Trương Ba
- “Bên trong”: gắn liền với phần hồn Trương Ba - một người làm vườn chăm chỉ, cần cù, khéo léo tinh tế đã nâng niu chăm sóc vườn cây, một con người mẫu mực, sống đạo đức và giàu tình nghĩa (yêu thương vợ con, chăm sóc các cháu, quan tâm tới xóm giềng). Đó là những phẩm chất quý giá khiến Trương Ba được mọi người nể trọng, quý mến.
- “Bên ngoài”: gắn liền với xác hàng thịt - là người thô bạo, tham lam, coi trọng sự hưởng thụ vật chất.
- Vì một sự nhầm lẫn nên cả hai con người này đã bị đẩy vào một tình thế éo le: hồn Trương Ba phải sống nhờ trong xác anh hàng thịt. Vấn đề là ở chỗ hồn Trương Ba vẫn có những nhu cầu về tinh thần song lại không thể điều khiển được xác anh hàng thịt - tuy chỉ là thân xác âm u đui mù song vẫn có tiếng nói riêng, vẫn đòi hỏi được thoả mãn nhu cầu về vật chất. Cả nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần đều tự nhiên, chính đáng song trong trường hợp này nó lại trở nên mâu thuẫn, không thể cùng tồn tại.
- Kết quả: trong sự xung đột, nhu cầu thể xác lại có phần thắng thế và cái thể xác phàm tục kia lại có thể lên tiếng nhạo báng nhu cầu cao quý của linh hồn- cái nhu cầu mà nếu được đáp ứng sẽ khiến con người sống thanh thản và đẹp đẽ hơn. Đây là một điều phi lí và đau lòng bởi phần xác đã xúc phạm, đã làm tổn thương đến phần hồn.
b. 2. Trong cuộc sống của con người hiện nay
- Ở một số người có sự hoà hợp giữa bên trong và bên ngoài. Đó là khi cái bên trong - đời sống tinh thần - thật sự mạnh mẽ để tạo thành một bản lĩnh sống, bản lĩnh văn hoá có thể chi phối điều khiển lời nói, việc làm để cái bên ngoài thực sự là biểu hiện của thế giới bên trong. Khi ấy, con người được sống là mình, con người khẳng định được cái tôi của bản thân đồng thòi cũng tạo cho mình một khả năng để chinh phục, thu hút người khác - tức là không chỉ sống tốt mà còn được mọi người yêu mến.
- Có một bộ phận không nhỏ những người không tạo được sự hài hoà giữa bên ngoài và bên trong:
+ Bên trong tốt đẹp, có nhân tính, có lương tâm, có khả năng nhận thức, hiểu biết nhưng không thắng được hoàn cảnh, bị hoàn cảnh xô đẩy đến chỗ có những hành vi trái với lương tâm, trái với chuẩn mực đạo đức, đó là trường hợp con người phải sống lệch lạc, mất thăng bằng.
+ Bên trong kém cỏi, tầm thường song ở vào vị trí buộc phải tỏ ra mình có đạo đức, có hiểu biết, có tình cảm cao thượng- đó là trường hợp con người phải sống giả tạo.
c. Đề xuất ý kiến
- Trang bị cho mình nhận thức, hiểu biết để có thể phân biệt đúng- sai, rèn luyện bản lĩnh để có thể tự kiểm soát mọi hành vi, để không chạy theo dục vọng tầm thường, không sa đà vào lối sống buông tuồng dung tục. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến bản thân mình, quan tâm đến những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng dù là bình thường nhất để được sống một cách thoải mái tự nhiên.
- Cố gắng tìm sự hài hoà giữa nhu cầu về tinh thần và nhu cầu về vật chất để tạo nên một cuộc sống cân bằng ở mức độ nhất định. Đây là cách đối xử công bằng và nghiêm túc với bản thân mình, tạo cho mình quyền được hạnh phúc.
3. Kết luận
- Trong vở kịch Hồn Trương Ba - da hàng thịt, nhân vật Trương Ba cũng đã bày tỏ mong muốn: “tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Được là mình đương nhiên là hạnh phúc, nhất là khi mình vốn là người có thiện tâm, có sự trong sáng và phong phú của tâm hồn. Song bên cạnh mong muốn được sống là mình, mỗi người cần có sự kiểm soát để đánh giá đúng về bản thân, tự điều chỉnh bản thân cho phù hợp với chuẩn mực chung của xã hội.
- Hạnh phúc khi được sống là mình song hạnh phúc sẽ trọn vẹn hơn khi biết tự thanh lọc bản thân để trở nên hoàn thiện.