Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Trong một lần giảng bài cho các học trò, thầy Mạnh Tử đã kể cho học trò nghe những câu chuyện cảm động về người mẹ dáng kính của mình. Đóng vai thầy Mạnh Tử, em hãy kể lại truyện “Mẹ hiền dạy con”.

Thứ sáu - 06/09/2019 21:01
A. Hướng dẫn làm bài
- Đề bài yêu cầu kể lại truyện Mẹ hiền dạy con bằng lời của thầy Mạnh Tử kể cho học trò (đóng vai thầy Mạnh Tử kể lại truyện cho học trò nghe).
- Các chi tiết, sự việc được xây dựng từ truyện Mẹ hiền dạy con. Ngoài ra, cần tưởng tượng thêm những suy nghĩ, tình cảm của nhân vật người kể chuyện (thầy Mạnh Tử).
- Truyện được kể bằng ngôi thứ nhất, nhân vật thầy Mạnh Tử kể chuyện xưng “ta” với các học trò. Chú ý vận dụng thêm phương thức biểu cảm (Những suy nghĩ, tình cảm thầy Mạnh Tử khi thấy người ta đào, chôn, lăn, khóc nơi nghĩa địa, khi thấy mẹ cắt tấm vải,...)
- Bài làm cần đủ những ý chính sau:
Mở bài:
+ Trong không khí của một giờ học, thầy Mạnh Tử kể về người mẹ của mình (một người mẹ hiền đức, luôn hết lòng vì con).
+ Giới thiệu chuyện dạy con của mẹ. ,
Thân bài:
+ Chuyện bà mẹ chuyển nhà:
• Nhà ở gần nghĩa địa, thấy người ta đào huyệt - khóc lóc cũng bắt chước -> thấy mẹ lo lắng rồi ít lâu sau thấy mẹ quyết định chuyển nhà.
• Nhà ở gần chợ, thấy người ta buôn bán đảo điên cũng bắt chước -> thấy mẹ lo lắng rồi ít lâu sau lại thấy mẹ quyết định chuyển nhà.
• Nhà ở gần trường, thấy người ta đi học cũng bắt chước —> thấy mẹ vui vẻ, nhà ở rất lâu không chuyển.
-> Sau này hiểu rằng mẹ đã chuyển nhà để tạo môi trường tốt cho Con học tập.
+ Chuyện người mẹ giữ lời với con: ngạc nhiên vì khi thấy mẹ nói rằng người ta thịt lợn cho con ăn -> nghĩ mẹ nói đùa -> rất bất ngờ khi thấy mẹ mua thịt vì nhà nghèo, trong những ngày lễ quan trọng mới được ăn thịt.
-> Sau này hiểu rằng mẹ dạy con bài học giữ lời hứa - chữ “tín”.
+ Chuyện được mẹ dạy về thái độ học tập: vô cùng ân hận khi vì mình mà mẹ đã cắt đứt tấm vải -> thấm thía bài học về thái độ học tập.
Kết bài:
+ Khẳng định rằng mẹ đã dạy cho mình những bài học thấm thía, vô cùng bổ ích.
+ Vô cùng cảm phục mẹ; nhắc nhở học trò phải ghi nhớ lấy những bài học trên và đặc biệt phải biết tôn kính, sống có hiếu với cha mẹ.

B. Bài văn mẫu
Ta là Mạnh Tử, ta được người đời tôn là một trong những ông tổ của Nho gia. Ta còn nổi tiếng bởi đạo đức trong sạch và sự chăm chỉ hiếm có. Sở dĩ ta được như vậy là vì được mẹ ta hết lòng dạy dỗ, bảo ban. Ta còn nhớ mãi những câu chuyện mẹ ta dạy ta thời thơ bé.

Ngày ta còn nhỏ, nhà ta ở gần một nghĩa địa. Hàng ngày, mẹ đi làm ruộng, ta ở nhà cùng đám trẻ đi chơi. Hàng ngày thấy cảnh người làng đi đưa ma, kẻ thì khóc lóc, người đào huyệt chôn thây kẻ chết chúng ta thấy lạ làm và thích thú vô cùng. Ta cùng đám bạn rủ nhau bắt chước. Một đứa được cử làm người chết cho những đứa khác khiêng. Bọn ta giả khóc lóc rồi đào huyệt, chôn người giống hệt một đám tang. Hôm ấy, “đám tang” đang diễn ra thì mẹ ta về. Bà thấy vậy hốt hoảng chạy lại hỏi han. Ta vô tư trả lời người: “Chúng con bắt chước những người kia” rồi chỉ tay về phía đám ma đang đào huyệt chôn thây người ở nghĩa địa. Chẳng hiểu sao mẹ ta buồn phiền lo lắng nói: “Chỗ này không phải chỗ con ta ở được". Rồi ít lâu sau mẹ bán dần đồ đạc trong nhà chuyển nhà ra gần chợ.

Ở gần chợ, ta lại thấy người người buôn bán tấp nập, mặc cả, cãi vã lẫn nhau. Ta thấy những điều đó khá lạ kì. Càng lạ kì hơn là những người cãi nhau càng lớn, mặc cả càng nhiều thì càng mua được nhiều đồ rẻ. Ta cũng bắt chước cách ấy, rủ mấy đứa trẻ con nô nghịch, buôn bán với nhau. Một ngày nọ, bọn ta đang chơi trò ấy thì mẹ ta về. Người nhìn thấy chúng ta thì làm rơi cả liềm cả cuốc, người lo lắng nói: “Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở được". Ít ngày sau, mẹ ta lại chuyển nhà ra gần một trường học.

Ở gần trường, ta thấy học trò đi học rất đông. Ta lại thấy họ lễ phép nghe lời thầy giáo, chăm chỉ học hành. Ta bèn bắt chước học tập lễ phép, cắp sách vở đi học. Mẹ ta thấy vậy thì vui vẻ mỉm cười: "Chỗ này là chỗ con ta ở được đây". Và nhà ta ở hẳn đấy đến giờ.

Một ngày nọ, ta thấy người hàng thịt giết lợn. Ta hỏi mẹ: "Người ta giết lợn làm gì?". Mẹ không nhìn ta mà nói: "Để cho con ăn đấy". Ta cứ nghĩ đó là một lời nói đùa bởi nhà ta nghèo ít khi được ăn thịt lợn. Vả lại, ta đã thấy nhiều nhà giết lợn nhưng đã thấy ai cho thịt bao giờ. Không ngờ, trưa hôm đó, ta thấy mẹ đi mua thịt lợn về cho ta ăn thật.

Khi ta lớn hơn một chút, ta được mẹ cho đi học. Một hôm, ta thấy bài học khó khăn bèn bỏ học về nhà chơi, về đến nhà, ta thấy mẹ đang dệt vải. Mẹ hỏi ta: “Vì sao con về?”. Ta đáp: “Con không muốn học”. Mẹ cầm dao cắt đứt tấm vải và bảo: "Con đang đi học mà bỏ học, thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy". Ta vô cùng ân hận vì dệt vải vất vả vô cùng, mẹ đã thức bao đêm mới dệt được phần vải ấy.. Chỉ vì ta mà người đã bỏ đi bao công sức của mình. Từ đó, mỗi lần nản việc học hành, ta lại nghĩ đến mẹ để cố gắng chuyên tâm học tập.

Ta học tập chuyên cần, khi lớn lên, nhớ lại những chuyện đã qua ta càng thấy thấm thía ý nghĩa sâu xa của những việc mẹ làm, từ những việc chuyện nhà hay cắt đứt tấm vải đang dệt dở. Sau này ta được người đời tôn vinh là bậc đại hiền, nổi tiếng về đạo đức và hiểu biết rộng chính là nhờ cách dạy con như thế của mẹ ta.

Làm con, ta thiết nghĩ trước hết phải lấy việc tôn kính cha mẹ làm đầu. Không những thế, để làm vui lòng cha mẹ, mỗi chúng ta cần phải ra sức học hành. Con cái học hành chăm chỉ, giỏi giang, đó cũng là ước nguyện, là niềm hi vọng muôn  đời của cha mẹ. Học hành chăm chỉ, giỏi giang, thiết nghĩ đó cũng là cách đền đáp công ơn có ý nghĩa nhất của con cái đối với cha mẹ của mình.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây