Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Trong kho tàng ca dao, dân ca Việt Nam, có nhiều bài nói về người mẹ rất hay và rất đẹp

Thứ sáu - 29/01/2021 08:56
Trong kho tàng ca dao, dân ca Việt Nam, có nhiều bài nói về người mẹ rất hay và rất đẹp.
1. Hãy phân tích một số bài ca dao để làm sáng tỏ nhận định trên.
2. Tại sao ca dao Việt Nam viết về người mẹ lại có số lượng nhiều và thường là hay?
Trong kho tàng ca dao, dân ca Việt Nam, có nhiều bài nói về người mẹ rất hay và rất đẹp

BÀI LÀM


“Mẹ” là tiếng gọi thiêng liêng muôn thuở, muôn nơi của triệu triệu trái tim con người. Nhắc đến mẹ, chúng ta như nhắc đến dòng suối mát ngọt ngào của tình thương. Mẹ là ánh nắng ban mai sưởi ấm đời chúng con. Mẹ là những bông hoa tươi thắm tô điểm cho đời con thêm đẹp. Mẹ như ánh trăng dịu hiền đêm rằm soi sáng từng bước đi của con trước ngưỡng cửa vào đời, thật hạnh phúc cho những ai còn mẹ. Mẹ đi vào đời chúng ta bằng những lời ru ngọt ngào, êm dịu, những làn điệu dân ca, bằng những sự hy sinh to lớn của mình để chúng ta nên người. Trong kho tàng ca dao dân ca Việt Nam, cũng có nhiều bài viết về mẹ rất đẹp. Công ơn sinh thành của mẹ được thể hiện rất rõ:

Ơn cha nặng lắm ai ơi
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cứu mang.

“Ơn cha” - “Nghĩa mẹ” vô cùng to lớn. Cha mẹ có công sinh ra ta. “Chín tháng cưu mang” là một thời gian dài và khó nhọc. Mẹ lo cho con không biết có sao không, mẹ luôn mong sinh ra con sẽ đẹp đẽ, khỏe mạnh. Vì thế mà công ơn sinh thành được ví bằng trời như biển, như nguồn nước không bao giờ cạn:

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha.
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Đã sinh ra con thì mẹ luôn lo cho con. Lo từng miếng cơm, manh áo, giấc ngủ cho đến việc dựng vợ gả chồng. Khi thời tiết thay đổi, mẹ thường lo con ngủ không ngon, kéo chăn đắp cho con. Những đêm lạnh, con trở giấc, con khóc, giật mình hoặc một tiếng ú ớ trong cơn sốt, hơi thở không đều thì lòng mẹ luôn xốn xang, đau đớn: 

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chày thức đủ năm canh.

Hay:
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương.

Khi con khôn lớn, mẹ đã già. Trong một phút ngồi nhớ lại, nhớ mẹ khôn nguôi. Mẹ nuôi con không quản khó nhọc, “miệng nhai cơm búng” sợ con không ăn được nên “lưỡi lừa cá xương”. “Mẹ ta xưa” ở đây không phải là mẹ ngày xưa, lại càng không phải là mẹ của ai. Thật bất ngờ là làm sao nhớ được thuở còn ẳm ngửa trên tay là ăn cơm mẹ mớm. Ở đây có chút gì “siêu thực”, giọng thơ vừa rất mộc mạc nhưng lại có chút hư ảo.

Nuôi con tuy có khổ cực nhưng đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc của mẹ. Mẹ dành tất cả tình thương cho con. Hồi chưa có gia đình, chưa có con, mẹ còn chăm chút cho mình, nhưng khi có chồng, có con thì mẹ coi con là niềm an ủi, niềm vui duy nhất của mẹ. Mẹ hy sinh tất cả vì con để cho con được sung sướng, hạnh phúc. Hình ảnh cao đẹp ấy được thể hiện qua hình ảnh “con cò” nay thác mai ghềnh, chịu hiểm nguy vì con cho đến lúc tính mạng bị đe dọa:

Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.

Khi tảo tần nuôi con, mẹ vẫn luôn nhớ về con. Hình ảnh con cò đi ăn đêm thật thanh tao biết bao, thật đẹp biết bao! Và cũng vì lo cho cò con mà vô ý đậu phải cành mềm nên “lộn cổ xuống ao”? Với những chi tiết đơn giản, dễ hiểu như trên đã diễn tả hết các sự kiện trong bài ca dao này: “xáo măng - nước trong - nước đục - đau lòng cò con”. Cho đến chết cò mẹ vẫn luôn hướng về con. Mong muốn hình ảnh mình trong mắt con vẫn đẹp như ngày nào. Với cách so sánh ngầm, nhân hóa tuy mộc mạc vẫn mang đầy đủ ý nghĩa đã làm tăng thêm nét đẹp của người Việt Nam.

Người phụ nữ nào mà chẳng muốn có con. Đúng với tâm trạng ấy, có con là niềm hạnh phúc rất lớn của người phụ nữ. Chính vì thế mà khi sinh ra con, con đi lấy chồng xa, nhớ về mẹ:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau, chín chiều.

Hoặc:
Chiều chiều ra đứng bến sông
Muốn về quê mẹ mà không có đò.

Tại sao thời điểm ở đây lại là “chiều chiều” mà không là “sáng” hay “trưa”? Trước hết, “chiều chiều” ở đây có lẽ là lúc công việc nhà và công việc đồng áng đã tạm xong.

Cô gái mới về nhà chồng, công việc còn nhiều. Chỉ có buổi chiều là ít việc, cô gái mới dám ra “ngõ sau” hoặc “bến sông” là nơi vắng vẻ, ít người qua lại để ý để “trông về quê mẹ”. Đây chính là sự lặp lại. “Chiều chiều” là thời điểm người con gái đó trở lại với chính mình, với những tâm trạng của mình. Đâu phải tự nhiên mà ca dao, dân ca ngân vang lên những âm điệu như vậy. Lúc ấy, con chim đang bay về tổ ấm. Con đò trở về với bến xưa, tất cả đều về với nguồn cội và mái ấm của mình. Ấy vậy mà thời điểm này thì người phụ nữ lấy chồng xa vẫn phải bơ vơ nơi “đất khách quê người”. Vì thế mà mỗi khi tiếng hát chiều chiều cất lên thì ta nghe văng vẳng đâu đây tiếng của một người con gái khóc than, luôn nhớ về quê mẹ và người mẹ thân thương. Âm thanh như lắng xuống bởi những giọt nước mắt. “Ngõ sau”“bến sông” là những nơi trống vắng, heo hút. Không gian ấy vẫn còn gắn với thân phận người phụ nữ phải luôn ở dưới bếp, không được đi lên nhà chính cùng chồng. Người con gái đi lấy chồng là đã sang sông, qua đò rồi, đến một bến bờ khác của cuộc đời. Giờ đây, người phụ nữ ấy đang nhìn về quê mẹ cũng chính là nhìn về những kỷ niệm xưa, một quá khứ thật đẹp nhưng không bao giờ trở lại.

Trở lại với những là điệu dân ca, ta lại càng thấy có những bài hát viết về người mẹ. Trong ca dao cũng vậy, chúng ta vẫn luôn bắt gặp rất nhiều bài viết về người mẹ rất hay và rất đẹp. Tại sao lại có quá ít bài viết về người cha? Có lẽ đây là một vấn đề khiến chúng ta phải suy ngẫm. Công cha lớn lao như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Cũng chỉ từ một bài ca dao nhỏ nhưng chúng ta cũng có thể tưởng tượng ra hình ảnh người cha cao lớn, vững chãi, là trụ cột của gia đình và lo cho cuộc sống gia đình, cho những đứa con thơ. Nhưng hình ảnh người mẹ hiện ra còn đẹp hơn! Mẹ như dòng suối dịu dàng, trong lành không bao giờ cạn, tắm mát đời con. Càng đẹp nữa khi mẹ luôn gắn bó với con, lo lắng, vất vả vì con từ khi còn bi bô cho đến khi khôn lớn thành người.

Con ơi mẹ bảo câu này
Học buôn, học bán cho tày người ta
Họ hàng ghét bỏ người ta chê cười.

Khi con lớn mẹ vẫn không quên dạy con từng lời ăn tiếng nói cho đến dáng đứng bước đi:

Chim khôn hót tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.

Và nếu là con gái, thì mẹ càng sâu sắc hơn, tuyệt vời hơn trọng cách chỉ bảo con ăn mặc nên kín đáo để gìn giữ nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Á Đông:

Cá lên khỏi nước cá ươn
Làm thân con gái lõa lồ ai khen.

Mẹ hy sinh vì con, nuôi con không kể tháng ngày:

Chim trời ai dễ đếm lông
Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày. 

Ngoài việc nuôi con, mẹ còn có lòng yêu nước thiết tha, chống lại giai cấp bóc lột, giặc cướp nước ngay từ những câu hát ru, câu nói vui cho con nghe:

Con ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.

Từ những hành động cụ thể, góp công, góp sức phục vụ tổ quốc như Bà má Hậu Giang trong thơ Tố Hữu, Bà mẹ đấu tranh trong thơ Lê Anh Xuân, mẹ Sáu, chị Sứ trong tiểu thuyết của Anh Đức, tất cả những hình ảnh đó đều toát lên những nét đẹp riêng, không bút mực nào tả xiết. Có lẽ con cũng có nhiều điều muốn nói với mẹ. Mẹ đã hy sinh tất cả vì con và cũng từ những hình ảnh người mẹ thật thanh cao, thật trong sáng, giản dị nhưng chứa đựng biết bao tình cảm mà các tác giả dân gian lại viết nhiều bài ca dao về người mẹ đến như vậy.

Viết đến đây, tôi như muốn cùng chia sẻ, thông cảm cho những ai mất mẹ mới cảm nhận được đức hy sinh cao cả của mẹ.

Nguyễn Ngọc Minh Trang
Trường THPT Quảng Ninh
Bài đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi cấp Tỉnh năm 2018

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây