Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Tiếng cười trong thơ trào phúng của Tú Xương có đủ sắc điệu nhưng nổi lên một cả tính nghệ thuật độc đảo là tính dữ dội, quyết liệt khác với tiếng cười của Nguyễn Khuyến

Thứ sáu - 29/01/2021 09:05
Bình luận ý kiến sau đây về tiếng cười của Trần Tế Xương: “Tiếng cười trong thơ trào phúng của Tú Xương có đủ sắc điệu nhưng nổi lên một cả tính nghệ thuật độc đảo là tính dữ dội, quyết liệt khác với tiếng cười của Nguyễn Khuyến, nghiêng về sự hóm hỉnh, thâm thúy, chế giễu có tính chất răn bảo, mặc dù cả hai tiếng cười đều phát ra từ cội nguồn của tâm huyết với  nước, với dân, với đời”. 
Tiếng cười trong thơ trào phúng của Tú Xương có đủ sắc điệu nhưng nổi lên một cả tính nghệ thuật độc đảo là tính dữ dội, quyết liệt khác với tiếng cười của Nguyễn Khuyến

BÀI LÀM


Sống trong “buổi chợ chiều” của nền Nho học, trong cơn chuyển mình phức tạp của đất nước, trước bao điều “kỳ lạ”, nhố nhăng mà xã hội thực dân phong kiến đẻ ra, vì “tài cao, phận thấp, chí khí uất”... tất cả đã tạo nên ở nhà thơ trào phúng, vĩ đại nhất Việt Nam - Trần Tế Xương một tiếng cười rất lạ, có một thanh âm riêng mà không ai “theo” được. Như Giáo sư Nguyễn Đình Chú đã viết: “Tiếng cười trong thơ trào phúng của Tú Xương có đủ sắc điệu, nhưng nổi lên một cá tính nghệ thuật độc đáo là tính dữ dội, quyết liệt; khác với tiếng cười của Nguyễn Khuyến, nghiêng về sự hóm hỉnh, thâm thúy, chế giễu có tính chất ràn bảo, mặc dù cả hai tiếng cười đều phát ra từ cội nguồn của tâm huyết với nước, với dân, với đời”.

Vấn đề đầu tiên đặt ra là: “Tiếng cười trong thơ trào phúng của Tú Xương có đủ sắc điệu”. Quả như vậy, tiếng cười của Tú Xương rất đa dạng, dành cho nhiều đối tượng khác nhau: có tiếng cười cay độc, thẳng thừng ném mạnh vào những suy thoái, băng hoại của xã hội như trong Đất Vị Hoàng, Phố Hàng Song, Năm mới chúc nhau... có tiếng cười pha lẫn tiếc nuối, xót xa cho những đạo học, nếp cũ đã tàn tạ và đang trên đường bị phủ định: Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu, Đi thi, Than sự thi, Than đạo học... có tiếng cười uất ức, cay đắng ngạo đời cho chính số kiếp lận đận, long đong chẳng phải vì kém tài của mình: Phá hỏng thi khoa Canh Tý, Thủ cô dầu; May mà tớ hỏng... lại có tiếng cười yêu, cười để mà nói lên lòng kính trọng, tình thương của mình với vợ: Ba cái lăng nhăng, Văn tế sống vợ... Dù trong tiếng cười nào, Tú Xương cũng thể hiện rõ một con mắt nhìn đời tinh tế, một ngòi bút điêu luyện, tài năng, một cá tính nghệ thuật độc đáo. Cá tính nghệ thuật ấy là “tính dữ dội, quyết liệt”, tính chất là tiếng cười của một thị dân uất ức, bất bình trước thế sự, khác với tiếng cười hóm hỉnh, thâm trầm của Nguyễn Khuyến, tiếng cười của một nhà Nho đạo mạo, thâm trầm.

Tính dữ dội, quyết liệt ấy xuất phát từ đâu nếu không phải từ hoàn cảnh xã hội mà Tú Xương sống? Dù Nho học dần đi đến chốn suy sụp, quên lãng, nhưng trước những trò “quái dị”, “lo lắng”, “dơ dáng” thừa cơ lẻn theo gót giày của thực dân Pháp, một nhà Nho như Tú Xương hết sức ghê tởm, cảm thấy bàng hoàng và bực bội tột đỉnh. Đó là cái cảnh:

Cờ kéo rợp trời quan sư đến
Váy lê quét đất mụ đầm ra 

Một trường thi của quốc gia, nơi nuôi dưỡng các nhân tài đất Việt, tương lai sẽ phục vụ cho đất Việt, chắc chắn phải do triều đình đứng ra tổ chức, thật nghiêm túc, trang trọng. Thế mà hãy xem, cùng với quan sư của Pháp đến trong sự tung hô nồng nhiệt của bọn bợ đỡ, ký sinh là một mụ đầm lôi thôi với “váy lê quét đất”. Tú Xương quyết liệt mà rất sâu cay, coi đó là hình ảnh đối với “cờ kéo rợp trời”. Tiếng cười phát ra từ đó, nhưng thấm đậm nỗi chua chát, đắng cay, cười mà cứ chực trào nước mắt.

Quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa ở Đất Vị Hoàng:

Nhà kia lỗi phép con khinh bố
Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng
Keo cú người đâu như cứt sắt
Tham lam chuyện thở rặt hơi đồng.

Thế là hết những đạo đức Khổng Tử, Nho gia. Mà hơn thế nữa, đã mất hết những đạo đức tối thiểu mà một kẻ dù xấu xa bao nhiêu cũng cần có. Đâu đâu cũng là sự đảo lộn của quy củ, phép tắc. Nơi nơi đều rặt những sức mạnh của nén bạc, đồng tiền. Và Tú Xương đã thấy, đã cười quyết liệt, cay nghiệt như thế nào.

Có lúc, ông không chỉ cười mà còn như chửi thẳng mặt, bêu chúng ra cho toàn thiên hạ khinh bỉ:

Lẳng lặng mà nghe chúng chúc sang
Đứa thời mua tước đứa mua quan
Phen này ông quyết đi buôn lọng
Vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng.

Nghĩ mà khinh thật. Mua bán quan tước để lấy danh hão rồi, chúng còn chẳng chịu kém nhau, đua nhau nào lọng xanh, tán vàng, cờ ngũ sắc. Để làm gì hỡi một lũ dốt nát, bất tài trong khi xã hội còn bao nhiêu phiền nhiễu, khổ đau? Ấy thế mà có chửi vào mặt chúng, chúng cũng lăn vào mà mua, cốt sao cho “bằng anh bằng em”. “Con gà tức nhau tiếng gáy”. Có cười như vậy mới hả dạ, mới bằng lòng, mới đỡ uất ức và bực bội.

Đôi khi ông thẳng thừng “súc vật hóa” lũ quan lại, biến chúng thành những kẻ dị dạng, dơ bẩn.

Thánh thì đen kịt, Đốc thì lang.

Đen thì “đen kịt”, đen như trôn chảo, đít nồi. Nước da thì loang lổ, dơ bẩn, bệnh hoạn. “Lang” khiến ta liên tưởng đến lũ lợn lang ở nông thôn. Ôi, những phụ mẫu của dân! Tú Xương mạnh bạo, thẳng thừng thật!

Quả thật, ngoài Tú Xương, ta không tìm đâu được tiếng cười dữ dội, quyết liệt như vậy. Ở Nguyễn Khuyến, một nhà Nho đạo mạo, tiếng cười khác xa Tú Xương. Hãy nghe:

Ba vuông phấp phới cờ bay dọc
Một bức tung hoành váy xắn ngang.
(Lấy Tây) 

Dù rất ác, rất thâm khi đối quốc kỳ Pháp với chiếc váy của một cô gái Việt Nam, nhưng xét ra, nó vẫn thâm thúy, trào lộng, không giống như “cờ kéo rợp trời...Váy lê quét đất...”.

Trước cảnh bán nước mua quan, Nguyễn Khuyến cũng chẳng đốp chát vào mặt chúng, mà chỉ khẽ khàng: “Cái giá khoa danh ấy mới hỡi” hay “Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi” (Vịnh tiến sĩ giấy), cũng như trước tầng lớp dân chúng bị mê hoặc bởi “Hội Tây”, bởi trò hề của bọn thực dân, Nguyễn Khuyến cười hóm hỉnh:

Bà quan tênh nghếch xem bơi trải
Thằng bé lom khom nghé hát chèo
Cậy sức cây đu nhiều chị nhún
Tham tiền cột mỡ lắm anh leo.

Và sau tiếng cười ấy, nếu có châm biếm thì cũng là châm biếm của nhà Nho (khẽ khàng và thiên về ràn bảo):

Khen ai khéo vẽ trò vui thế
Vui thế bao nhiều, nhục bấy nhiêu.

Rõ ràng, cùng là nhà Nho, nhưng bởi đỗ đạt cao, được trọng vọng, cũng phục vụ hết sức cho Tổ quốc (dù tâm nguyện chẳng được hoàn toàn - có thể nói là thất bại), cách nhìn của Nguyễn Khuyến khác nhiều cách nhìn của Tú Xương. Và vì vậy cũng đã tạo nên một thanh âm nhẹ nhàng mà sâu xa, thiên về răn bảo, đưa Nguyễn Khuyến thành nhà thơ cổ điển nói riêng và thơ Việt Nam nói chung vĩ đại nhất.

Dù khác nhau như vậy, nhưng chắc chắn phải nhìn nhận rằng “cả hai tiếng cười đều phát ra từ cội nguồn của tâm huyết với nước, với dân, với đời”.

Ở Nguyễn Khuyến, có lẽ không cần bàn luận nhiều khi rõ ràng trong thơ ông, cười là để răn bảo, để sống tốt hơn, yêu nước và ý thức sâu sắc hơn. Ở Tú Xương thì điều này khó nhận thấy được. Phải chăng cay cú vì hỏng thi, vì nghèo khó nên Tú Xương cười đời, chửi đời cho hả dạ, gột bỏ uất ức trong lòng? Dứt khoát không. Ta cũng cần nên biết, một Tú Xương cười ngạo toang toang, dữ dội như vậy cũng có lúc là Trần Tế Xương trầm mặc, ngẫm đời với bao trăn trở, day dứt khôn nguôi. Một con người như vậy lẽ nào lại làm thơ để “trả thù xã hội”? Thực sự, những tiếng cười của Tú Xương có sức mạnh rất lớn để tống tiễn xã hội cũ về chỗ diệt vong trong vui vẻ, tạo điệu kiện cho một xã hội tốt đẹp hơn ra đời. Hãy xem, trong “Lễ xướng danh khoa thi Đinh Dậu” sau tiếng cười dài là nỗi lòng sâu nặng:

Nhân tài đất Bắc nào ai đó
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.

Hay như tiếng cười đều nhắm vào lũ thực dân tàn bạo, bọn quan lại nhiễu nhương, một tầng lớp xâu xa, thoái hóa, những cảnh dị hợm, nhố nhăng. Hoàn toàn cười là để xây dựng, để nhân dân và cả lịch sử sau này nhìn rõ hơn, bao quát hơn về một xã hội cũ nát đã qua và rất có thể trở lại nếu không cảnh giác. 

Nếu không có một tâm huyết, một tấm lòng với dân, với nước, với đời thì làm sao có thể viết nên những vần thơ như vậy, mạnh mẽ, quyết liệt và rất giàu cảm xúc thật từ con tim.

Lời nhận định của giáo sư Nguyễn Đình Chú về sắc điệu, cá tính nghệ thuật độc đáo riêng của Tú Xương là hoàn toàn đúng. Và tiếng cười của Trần Tế Xương sẽ mãi mãi vang lên trong hiện tại, trong tương lai như đã từng vang trong quá khứ. Tiếng cười ấy đã, đang và sẽ được kế tục với những Tú Mỡ, Đỗ Phồn, Đồ Bì... để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, vì lợi ích con người. Tú Xương góp một phần công lớn, là lá cờ đầu của thơ văn trào phúng Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng cho sự tiến bộ của xã hội.
 
Nguyễn Xuân Tùng
Trường THPT Châu Văn Liêm, Cần Thơ
Bài đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi cấp Thành phố, năm 2016

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây