Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Tố Hữu đã viết về thơ Nguyễn Du: Tiếng thơ ai động đất trời... Bằng một số tác phẩm đã học của Nguyễn Du, hãy làm rõ tiếng thơ ấy

Thứ tư - 27/01/2021 09:36
Dưới chế độ xã hội phong kiến cũ, khi mà văn học còn chịu ảnh hưởng nhiều của tư tưởng tôn giáo, giai cấp thì Nguyễn Du chính là người phá bỏ rào chắn ấy. Công xuất phát từ giai cấp phong kiến, nhưng ông có tư tưởng thấm nhuần chủ nghĩa nhân đạo. Cảm nhận sâu sắc cuộc sống cùng khổ của những người chung quanh mình, ông đã đưa tất cả vào thơ của mình, vẽ lại hiện thực đen tối với đầy rẫy những bất công bằng chính dòng máu trái tim. Đồng cảm với bậc tiền bối về thi ca, trong bài Kính gửi cụ Nguyễn Du, Tố Hữu đã viết:

Tiếng thơ ai động đất trời...
Có thể nói hầu hết tác phẩm của Nguyễn Du, tiêu biểu là Truyện Kiều, đã thể hiện được phần lớn những nét đặc trưng nhất của thơ Nguyễn Du, bút pháp xây dựng nhân vật của ông rất cụ thể, linh hoạt. Nhân vật hiện ra bộc lộ rõ tính cách của mình. Mỗi nhân vật, qua sự miêu tả của Nguyễn Du, trở thành biểu tượng với những nét đặc thù nhất của hình tượng. Từ Hải hiện ra với khí phách, diện mạo, tính cách tiêu chuẩn của người anh hùng: Thúy Kiều là nhân vật trung tâm với sắc đẹp tươi thắm và tính cách tuyệt vời: Mã Giám Sinh, Hoạn Thư, Tú Bà... những nhân vật phản diện với tất cả sự xấu xa độc ác... 

Mỗi nhân vật một vẻ, được khắc họa rõ nét trong thơ Nguyễn Du. Không chỉ thế, thơ Nguyễn Du còn có nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật sâu sắc. Thế nhưng những đặc điểm ấy chỉ là những nét điểm xuyết cho thơ thêm đẹp, còn cái đã làm cho tiếng thơ Nguyễn Du trở nên động đất trời chính là giá trị nhân đạo sâu sắc trong từng câu, từng bài thơ như ở đoạn đầu Truyện Kiều ông đã viết:

Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Sự đồng cảm với con người thể hiện ngay từ đầu bài. Không vì chỗ đứng giai cấp của mình, Nguyễn Du đã đồng cảm sâu sắc, cảm nhận được tất cả số phận bi kịch của những con người chung quanh, nhất là những người phụ nữ tài hoa bạc mệnh:

Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Nguyễn Du nhìn thấy được số kiếp tài hoa bạc mệnh không chỉ ở một Thúy Kiều:

Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa

mà còn ở rất nhiều người phụ nữ khác, như Đạm Tiên chẳng hạn:
Sống làm vợ khắp người ta
Hại thay thác xuống làm ma không chồng.

hay một Tiểu Thanh:
Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương.
(Độc Tiểu Thanh ký)

Không chỉ có thế, Nguyễn Du còn thấy trái tim thương cảm của mình đau đớn trước những người phụ nữ phải mang thân sống kiếp “buôn nguyệt, bán hoa”. Nguyễn Du không nhìn nhận họ như mọi người nhìn. Trong đôi mắt thơ rất nhân hậu của ông, họ là những người đáng thương hơn là đáng giận:

Sống đã chịu một đời phiền não
Chết lại nhờ hớp cháo lá đa.
(Văn chiêu hồn)

Sự đồng cảm sâu sắc đối với số phận con người trong thơ Nguyễn Du đã thể hiện rõ ràng không chỉ với Thúy Kiều, Đạm Tiên trong Truyện Kiều mà còn với Tiểu Thanh trong Độc Tiểu Thanh ký hay với những người phụ nữ lầu xanh trong Văn chiêu hồn... Ngoài đại diện của những sô phận bi thảm, thơ Nguyễn Du còn có biết bao kiếp người đau khố nữa, như những con người trong Văn chiêu hồn: những người có chí lớn nhưng thất bại, những đứa trẻ vô tội “lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha”, những người hành khất lang thang:

Sống nhờ hàng xứ chết vùi đường quán. 

Thơ Nguyễn Du còn nêu lên được những điều nghịch lý trong xã hội phong kiến, như cảnh ba mẹ con nghèo khổ lang thang, sắp chết đói, trong khi bọn quí tộc phong kiến ăn uống xa xỉ, chó còn được no (Sở kiến hành). Không chỉ đồng cảm với họ. Mà chính từ sự đồng cảm sâu sắc ấy, Nguyễn Du đã có thể vượt lên trên chỗ đứng giai cấp của mình để đứng về phía nhân dân, mơ ước cuộc sống tự do công bằng, tự do công lý. Ông đã xây đắp tình yêu tự do - một quan niệm hết sức mới mẻ qua hình tượng người anh hùng:

Dọc ngang nào biết trên đầu có ai.
Hơn thế nữa, thơ Nguyễn Du đã đứng về phía nhân dân để tố cáo chế độ phong kiến thối nát. Truyện Kiều chính là bản cáo trạng đanh thép bằng thơ, vạch trần bộ mặt xấu xa của bọn quan lại, phong kiến, bọn buôn người, phê phán bạo lực đồng tiền. Những nhân vật đại diện cho thế lực phong kiên hiện ra xấu xa đê tiện:

Ghế trên ngồi tót sỗ sàng...
(Mã Giám Sinh)

Bề ngoài thơn thớt nói cười
Bề trong nham hiểm giết người không dao
(Hoạn Thư)

Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình
(Hồ Tôn Hiến)

Những người thuộc giai cấp phong kiến khác trong Văn chiêu hồn, Độc Tiểu Thanh ký hay Sở kiến hành cũng là những kẻ độc ác, xấu xa. Chế độ phong kiến hủ lậu đã xô đẩy con người vào chỗ bế tắc của cuộc đời. Mỗi bài thơ của Nguyễn Du là một bản cáo trạng lên án chế độ phong kiến đầy rẫy áp bức bất công. Tuy rằng Nguyễn Du cũng chưa thể vượt hẳn ra khỏi giai cấp của mình, yêu nhân dân đó, nhưng ông chưa dám tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân. Thơ ông cũng phần nào chịu ảnh hưởng của thuyết luân hồi, định mệnh. Ông phải hy sinh nhân vật mơ ước của mình, nhân vật mà ông yêu mến. Nhưng Tiếng thơ Nguyễn Du vẫn là một sự đổi mới sâu sắc đối với xã hội.

Thơ Nguyễn Du đã thể hiện được sự đồng cảm sâu sắc với số kiếp đau thương của con người. Đồng cảm với mơ ước nguyện vọng của con người và cao nhất là thơ Nguyễn Du đã tố cáo bộ mặt xấu xa thối nát của chế độ xã hội phong kiến. Vì thế lời thơ ông đã làm xúc động lòng người và xúc động cả trời.
 
Nguyễn Hoàng Nguyên Tú
Trường THPT Châu Văn Liêm, Cần Thơ
Bài đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi cấp Thành phố, năm 2017
 

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây