Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích một bài thơ của Hồng Nguyên

Chủ nhật - 31/01/2021 09:30
Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi “một, hai”
Súng bắn chưa quen
Quân sự mươi bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến...
Phân tích một bài thơ của Hồng Nguyên
Khổ thơ gợi lên không khí những năm đầu kháng chiến chống Pháp, thanh niên cùng lứa tuổi từ nhiều miền quê khác nhau hăng hái nhập ngũ. Họ là những người sống chân thực, khiêm tốn và cũng luôn náo nức với bao niềm vui của tuổi trẻ và trong cuộc đời mới.

Trong nhũng năm kháng chiến chống Pháp hình tượng người chiến sĩ có một vị trí quan trọng trong văn thơ. Ở họ qui tụ nhiều phẩm chất đẹp của quần chúng cách mạng. Văn học giai đoạn này tập trung viết nhiều về người chiến sĩ quân đội. Trong văn có Trần Đăng, Hồ Phương, Nam Cao, Nguyễn Đình Thi. Trong thơ có Tố Hữu, Chính Hữu, Hồng Nguyên, Quang Dũng. Bài thơ Nhớ của Hồng Nguyên được giải nhất trong cuộc họp Ban Văn nghệ Lam Sơn năm 1948 ở Thanh Hóa.

Bài thơ thể hiện chân thực hình ảnh người chiến sĩ quân đội trong thời kì đầu thành lập lực lượng vũ trang, những năm tháng gian khổ, thiếu thốn nhưng tinh thần chiến đấu vẫn tràn đầy quyết tâm. Viết về người chiến sĩ, các nhà thơ thường tìm tiếng nói gần gũi nhất với người chiến sĩ, Hồng Nguyên trong bài thơ Nhớ đã để cho chính người chiến sĩ nói về mình:

Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ.

Lúc này lực lượng võ trang mới hình thành. Có một cái gì rất thân mật, gần gũi trong không khí tập thể của quân đội. Tuy là những người tứ xứ, không hẹn mà quen, nhưng không hề có không khi xa lạ. Cụm từ “lũ chúng tôi” không có ý xem nhẹ hoặc thiếu tôn trọng với đối tượng miêu tả mà đây là cách nói về mình một cách gần gũi tự nhiên. Họ vốn là những thanh niên nông dân mặc áo lính, gắn bó với ruộng đồng, quen thuộc vối cuộc sống thanh bình, không quen chuyện binh đao. Trong giai đoạn này người lính còn bị hạn chế về trình độ văn hóa, nhiều người còn chưa biết chữ, rồi đây tất cả sẽ được khắc phục trong những năm tháng ở quân đội. Cái quan trọng nhất mà họ nhiệt tình yêu nước và tinh thần lạc quan. Không hề ngập ngừng, sợ hãi, họ chủ động tìm giặc mà đánh với những vũ khí thô sơ:

Lột sắt đường tàu
Rèn thêm dao kiếm
Áo vải chân không
Đi lùng giặc đánh.

Đây có thể xem là đoạn thơ tiêu biểu nhất cho quyết tâm giết giặc của những chiến sĩ trong giai đoạn này. Người lính dường như chỉ có tay không này sẽ tạo nên tất cả, thiếu giáo gươm họ sẽ rèn nên gươm giáo, thiếu súng đạn sẽ tìm ra súng đạn. Bài thơ biểu thị khí thế của cuộc chiến tranh nhân dân; nhân dân khi đã được giác ngộ lí tưởng cách mạng, với lòng yêu nước sâu sắc và tinh thần căm thù địch, mọi người đều thể hiện dũng khí trong chiến đấu. Đến với quân ngũ, người lính đã để lại ở hậu phương, gia đình và những người thân yêu:

Mái lều tranh
Tiếng mõ đêm trường
Luống cày đất đỏ ít nhiều người vợ trẻ
Mòn chân bên cối gạo canh khuya.

Tình cảm với hậu phương là một tình cảm phổ biến của người ra đi chiến đấu và đã được các nhà thơ thể hiện với nhiều sắc thái khác nhau. Trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi bộc lộ tâm trạng người lính:

Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu. 

Chính Hữu trong Đồng chi cũng miêu tả tấm lòng và nỗi nhớ của hậu phương:

Giếng nước gốc đa
Nhớ người ra lính.

Đời sống nơi quê hương còn nhiều khó khăn. Những người chiến sĩ nghĩ về hậu phương với tình cảm nhớ thương chia sẻ nhưng không hề có sự tủi buồn và nản lòng, trong tấm lòng nhớ về hậu phương thì tha thiết nhất là tình cảm nhớ thương người vợ. Hồng Nguyên cũng đã nói đến tình cảm trên qua một hình ảnh cụ thể gợi cảm: “ít nhiều người vợ trẻ, mòn chân bên cối gạo canh khuya”. Người lính ra đi chiến đấu nhớ thương vợ, nghĩ đến hình ảnh người vợ vất vả sớm hôm trong trách nhiệm của người phụ nữ với gia đình và trách nhiệm của hậu phương với tiền tuyến.

Hai chữ “mòn chân” gợi nhiều xúc động nhớ thương của người ra đi với người thân yêu ở hậu phương.

Nhớ là một bài thơ nói về người chiến sĩ thông qua nhiều mối quan hệ, bài thơ đã nói lên chân thực, sinh động tình đồng đội và sinh hoạt của người chiến sĩ trong quân ngũ, đời sống còn khó khăn nhưng họ rất vui, lạc quan. Tình đồng đội được biểu hiện sâu sắc, đằm thắm trong sinh hoạt hằng ngày. Trên những chặng đường hành quân còn ghi lại bao kỉ niệm, bình dị mà ân tình sâu sắc:

Chúng tôi đi
Nắng mưa sờn mép ba lô
Tháng năm bạn cùng thôn xóm
Nghỉ lại lưng đèo
Nằm trên dốc nắng
Kì hộ lưng nhau, ngang bờ cát trắng
Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa ...
- Đằng nớ vợ chưa? Đằng nớ
-Tớ còn chờ Độc lập
Cả lũ cười vang bên ruộng bắp
Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu.

Bài thơ cũng bộc lộ sâu sắc tình quân dân. Làng quê trong những năm đầu kháng chiến được miêu tả với tình cảm thân thiết, khai thác được nhiều cái mới của sinh hoạt tập thể, từ hình ảnh “nắng chiều đột kích mấy hàng cau” đến buổi “khai hội, yêu cầu, chất vấn”. Từ hình ảnh người mẹ già bắt rận cho những đứa con xa đến phút chia tay đầy lưu luyến và có sắc thái riêng độc đáo về động tác và ngôn từ:

Chúng tôi đi, nhớ nhất câu nì
Dân chúng cầm tay lắc lắc:
“Độc lập nhớ rẽ viền với chắc”. 

Làm sao không nhớ được những làng quê đẹp, bình dị, giàu tình người như thế. Hồng Nguyên đã thành công trong việc khai thác bức tranh quê đẹp chan chứa ân tình.
 
Lê Mỹ Quý
Trường THPT Đô Lương I - Đô Lương, Nghệ An
Bài đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi cấp Tỉnh năm 2012

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây