Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích nhân vật Thạch Sanh trong truyện cổ tích “Thạch Sanh”.

Thứ ba - 10/09/2019 11:44
A. Hướng dẫn làm bài
- Đề bài yêu cầu phân tích nhân vật Thạch Sanh (chỉ ra những đặc điểm của nhân vật rồi lấy các chi tiết, sự việc trong truyện để làm sáng tỏ đặc điểm ấy; trả lời câu hỏi: Thạch Sanh đại diện cho kiểu người, lớp người nào trong xã hội).
- Lấy dẫn chứng từ truyện cổ tích Thạch Sanh.
- Bài làm cần đủ những ý chính sau:
Mở bài:
+ Giới thiệu truyện cổ tích Thạch Sanh.
+ Giới thiệu nhân vật Thạch Sanh, khái quát những đặc điểm của nhân vật.
Thân bài:
+ Vị trí của nhân vật trong truyện: là nhân vật chính.
+ Nguồn gốc nhân vật: kì lạ; hoàn cảnh bất hạnh: sớm mồ côi cha mẹ, nhà nghèo.
+ Thật thà, chất phác, chăm chỉ...
+ Dũng cảm, giàu lòng nhân ái, vị tha, yêu hòa bình, có tài năng xuất chúng: giết xà tinh, cứu công chúa, không nghĩ đến tội của Lí Thông, cứu con vua Thủy Tề, kêu gọi quân mười tám nước chư hầu đình chiến và cung cấp lương thực cho họ...
+ Thạch Sanh thể hiện ước mơ của nhân dân về sức mạnh, đạo lí công bằng, hòa bình...
Kết bài:
Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Thạch Sanh.

B. Bài văn mẫu
“Đàn kêu: Ai chém chằn tinh
Cho mày vinh hiển dự mình quyền sang
Đàn kêu: Ai chém xà vương
Đem nàng công chúa triều đường về đây?”

Những câu thơ Nôm ấy khiến người đọc nhớ ngay tới câu chuyện cổ tích xưa với hình ảnh chàng dũng sĩ Thạch Sanh. Nhân vật ấy đã để lại trong lòng độc giả ấn tượng sâu sắc.

Thạch Sanh cũng như bao nhân vật ổ tích khác được xây dựng bằng bút pháp dân gian, đơn giản và không có đời sống tâm lí. Nhưng bằng sự tài hoa của mình các tác giả xưa vẫn tạo ra được những dấu ấn riêng cho các nhân vật. Nói đến Thạch Sanh người đọc nhớ ngay tới chàng dũng sĩ diệt chằn tinh, diệt đại bàng cứu người bị hại, vạch mặt kẻ vong ân bội nghĩa và chống quân xâm lược với những phẩm chất, tài năng đáng quý.

Dũng sĩ Thạch Sanh sinh ra không bình thường như những đứa trẻ khác. Chàng là con trai của Ngọc Hoàng được cử xuống trần gian đầu thai nên mang trong mình nhiều yếu tố thần kì. Nhưng Thạch Sanh cũng có một số phận hẩm hiu và chịu nhiều gian khổ. Vừa mới lớn khôn, chàng đã mồ côi cả cha lần mẹ. Từ đó, chàng phải sống đơn côi một mình với cả gia tài chỉ là lưỡi búa do cha để lại. Đến lúc có mái ấm gia đình với mẹ con Lí Thông thì chàng lại bị lừa đến nỗi phải trốn đi. Số phận đưa Thạch Sanh gặp lại tên Lí Thông gian ác ấy khi giải cứu công chúa. Hắn không những cướp công của chàng mà còn lập mưu hại Thạch Sanh nhằm bắt chàng ở dưới hang sâu mãi mãi. Hết lần này đến lần khác, Thạch Sanh gặp nạn. vẫn chưa hết, sau khi về ở lại gốc đa, chàng bị hồn chăn tinh và đại bàng hãm hại. Thế là Thạch Sanh bị bắt giải vào ngục tối. Cuộc đời Thạch Sanh thật chông gai và có nhiều bất hạnh như bao nhân vật cổ tích khác. Một mình chàng phải đương đầu với tất cả sóng gió. Nhưng qua mỗi lần như thế ta càng cảm phục hơn bởi sức mạnh kiên cường bên trong của chàng.

Những thử thách tác giả dân gian đưa ra đã thể hiện được tài năng cũng như phẩm chất cao đẹp của Thạch Sanh. Đầu tiên ta thấy Thạch Sanh là chàng trai khỏe mạnh, hiền lành và tự lập. Nhờ có sức khỏe nên khi về ở với Lí Thông, chàng đã giúp hắn làm giàu lên nhanh chóng. Cũng nhờ có sức khỏe Thạch Sanh đánh thắng được chằn tinh, đại bàng cứu giúp nhân dân và công chúa.

Thạch Sanh còn là chàng trai thật thà, tốt bụng, vốn tính hiền lành nên khi nghe Lí Thông lân la gợi chuyện, chàng đồng ý về ở cùng hai mẹ con hắn. Chàng chăm chỉ làm việc giúp hai mẹ con Lí Thông, coi như hai người thân yêu của mình. Nhưng ngược lại, mẹ con Lí Thông chỉ lợi dụng chàng, xem chàng như công cụ giúp chúng làm giàu. Cũng vì thật thà, Thạch Sanh bị hắn lừa đi trông miếu để thế mạng. Khi chàng giết được chằn tinh, Lí Thông lại lừa chàng để cướp công, về sau, trong lúc giải cứu công chúa, do tính vốn tin người Thạch Sanh một lần nữa lại bị Lí Thông lừa. Hết lần này qua lần khác, chàng bị người ta phản bội nhưng không vì thế mà có ý định trả thù. Khi được nhà vua cho quyền xử tội mẹ con Lí Thông, Thạch Sanh không những không giết mà còn tha cho về quê làm ăn. Tấm lòng của Thạch Sanh càng khiến lòng người cảm phục. Những phẩm chất cao đẹp ấy đã giúp chàng vượt qua mọi gian nan.

Thạch Sanh vốn là con Trời được phái xuống nên mang trong mình nhiều tài năng cùng với tố chất thông minh làm cho chàng càng có thêm sức mạnh. Vừa mới lớn lên, Thạch Sanh đã được Ngọc Hoàng sai thiên thần xuống dạy cho đủ các môn võ nghệ và mọi phép thần thông. Tài năng kì diệu ấy chàng luôn đem ra cứu giúp dân lành không bao giờ tư lợi. Chàng vô cùng thông minh, khéo léo khi vạch mặt kẻ vong ân bội nghĩa Lí Thông. Ngồi trong ngục tối, chàng lấy đàn ra gẩy “Đàn kêu tích tịch tìm tang. Ai đem công chúa dưới hang trở về...” Tiếng đàn thiết tha, vang đến tai công chúa Quỳnh Nga. Bao oan ức của chàng được sáng tỏ, kẻ xấu Lí Thông bị lộ chân tướng. Sự thông minh của chàng được thể hiện rõ nhất qua việc dẹp loạn chư hầu. Vốn yêu chuộng hòa bình, có tầm nhìn xa trông rộng, Thạch Sanh không vội vàng động binh. Muốn dùng nhân nghĩa để xoay chuyển lòng người, làm cho đối phương tâm phục khẩu phục, Thạch Sanh dũng cảm một mình cầm cây đàn thần ra trước quân giặc. Tiếng đàn của chàng vừa cất lên thì quân sĩ mười tám nước bủn rủn chân tay, không nghĩ tới chuyện đánh nhau nữa. Thế là chúng phải giơ tay xin hàng. Quân ta chiến thắng vẻ vang, không tôn một hòn tên mũi đạn cũng không mất một binh sĩ nào. Để an ủi lòng quân sĩ đối phương, Thạch Sanh sai dọn một bữa Cơm thết đãi. Nhưng lạ thay chỉ có một niêu cơm tí xíu, ai nhìn cũng bĩu môi, không muốn ăn. Chi tiết niêu cơm thần ấy đã đưa Thạch Sanh lên tầm một vị thánh cứu tinh của đất nước. Niêu cơm nhỏ mà kì diệu thay, tướng sĩ mười tám nước ăn mãi không hết, cứ vơi lại đầy. Cuối cùng chúng phải cúi đầu lạy tạ và kéo nhau về nước trong sự kính nể, tôn sùng Thạch Sanh. Như vậy, với tài năng, trí tuệ và tấm lòng nhân ái của mình, không cần dùng sức Thạch Sanh đã đương đầu và chiến thắng kẻ thù, chiến thăng vẻ vang, ngạo nghễ.

Thạch Sanh tuy là nhân vật cổ tích nhưng được gửi gắm trong đó nhiều ước mơ của nhân dân ta thời xưa: ước mơ, niềm tin về đạo đức, công lí và lí tưởng nhân đạo, yêu hòa bình. Mãi mãi, chàng dũng sĩ Thạch Sanh sẽ tồn tại trong đời sống tinh thần dân tộc.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây