Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Trình bày hiểu biết của anh (chị) về tư tưởng nhân nghĩa của thi hào Nguyễn Trãi thể hiện qua áng “thiên cổ hùng văn” Bình Ngô đại cáo

Thứ sáu - 27/10/2017 05:26
Các nhà phê bình sẽ chẳng quá khó khăn để tìm hiểu một nhà thơ Nguyễn Trãi phong tình, trong trang thơ, “Cầm đuốc chơi đêm bởi tiếc xuân” (Trích cảnh, 6), một tấm lòng yêu nước “Đêm ngày cuồn cuộn người triều đông” (Thuật hứng, 5). Và thiết nghĩ, sẽ chẳng ai quên Bình Ngô đại cáo khi nhắc tới một Ức Trai. Điều kì diệu là chính tác phẩm được viết ra trước hết để làm một đại cáo, một văn kiện lịch sử, lại đã được nhìn nhận như một hùng văn, đưa tác giả lên hàng đầu trong số các tác gia văn học của một “nước Đại Việt ta lấy văn hiến giữ nước” (Ngô Thì Nhậm). Phải chăng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, một tầm tư tưởng vượt quá sức chứa của “đêm trường trung cổ” đã góp phần lớn nhất làm nên sự kì diệu ấy?
Lẽ dĩ nhiên, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi trước tiên vần là một sự kế thừa. Vì hiển nhiên là khái niệm nhân nghĩa với nội dung cơ bản của nó, đã có nguồn gốc từ Nho giáo.
 
Tuy nhiên, nếu như tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi chỉ là sự thay bình, đổi vỏ mà vẫn là rượu cũ thử hỏi làm sao có hình ảnh rất đẹp của một triết gia trong người nghệ sĩ ấy? Tôi còn nhớ khá rõ và thực sự thấy kì lạ trước sức sống của một bài ca dao:
 
“Câu thơ ba chữ rành rành
Chữ trung, chữ hiếu, chữ tình là ba
Chữ trung thì để phần cha,
Chữ hiếu phần mẹ, đôi ta chữ tình”
 
Dường như có một sự tương giao giữa cốt cách của nhân vật trữ tình trong bài ca trên với tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi chăng? Vẫn biết sự so sánh ấy quá ư khập khiễng thì chúng ta vẫn thấy sự vượt mẫu, phá khuôn rất đẹp trong câu ca và sự phát huy tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi đều gợi cho ta tới một sức sống Việt Nam mãnh liệt lắm. Với Ức Trai, nhân và dân đã xích gần và hòa hợp hơn bao giờ hết, ông đã có thể thấy được cái nhân trong những kiếp người mà ta vẫn gọi là dân đen, kẻ “mạnh lệ”. Và cũng hợp lí thôi khi chữ nghĩa của Nguyễn Trãi là những việc làm vì dân mà không tư lự, đắn đo lợi thiệt bản thân. Thiết nghĩ đấy đâu chỉ là sự sáng tạo đơn thuần mà hẳn là bước chuyển về chất trong tư tưởng. Phạm Văn Đồng đã rất tinh tường sâu sắc khi nói về Ức Trai: “triết lí nhân nghĩa của Nguyễn Trãi chẳng qua là lòng yêu nước, thương dân (v.v...)”. Cũng như ai đó viết: “Triết thuyết nào cũng chỉ để cứu rỗi cái tệ của một thời mà thôi. Muốn đánh giá một triết thuyết thì phải đặt vào thời của nó (v.v...)”. Nguyễn Trãi thuộc vào số người được lịch sử đặt lên vai trách nhiệm cứu lấy một dân tộc đang trong họa diệt chung của ngoại xâm. Trong hoàn cảnh ấy, nhân nghĩa, yêu nước thương dân là phấn đấu đến cùng chông ngoại xâm, diệt bạo tàn, vì độc lập của nước, hạnh phúc của dân.
 
Yêu nước thương dân nên trong người anh hùng nặng trĩu một niềm đau cho nỗi thống khổ của tầng lớp đông đảo nhất trong xã hội - tầng lớp “dân đen”, “con đỏ”. Lần đầu tiên trong văn học trung đại ta bắt gặp những hình ảnh miêu tả chân thực đến vậy:
 
“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”
 
Không, xin chớ nghĩ rằng đây là đôi ba nét phóng đại trên nền bút pháp ước lệ. Lịch sử còn ghi rõ lắm những tội ác, bạo hình dã man của quân giặc mà dân ta phải chịu: rút ruột người treo lên cây, phanh thây phụ nữ có thai, nấu thịt người lấy dầu thắp trông quân, nướng sống người làm trò vui, đắp mồ tập thể làm kỉ niệm v.v... Nào “dân đen”, nào “con đỏ” đã đi vào từng trang của Đại cáo với những vết thương còn hằn lên trong nỗi đau mất nước:
 
“Người, bị ép xuống biển còng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập, thuồng luồng
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu nước độc”.
 
Rồi cũng chính tình yêu lớn ấy cháy lên thành lòng căm thù những kẻ cuồng bạo “thừa cơ gây hoạ”. “Thiên triều” (Trung Hoa) vẫn tự hào về một ông đế như mặt trời, một cõi giang sơn của những kẻ cao quý giữa bốn bề toàn những man di thì Nguyễn Trãi lại cho thấy chính bọn chúng mới là hình ảnh của một lũ quỷ man di, mọi rợ:
 
“Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán”
 
Khi mà sự chịu đựng không còn đủ cho những đau đớn lớn đến vậy, lòng căm thù sẽ bùng nổ. Nguyễn Trãi bằng những hình ảnh liên tiếp đã lột tả sinh động và sâu sắc tội ác chồng chất của giặc Minh:
 
“Vét sản vật, bắt dò chim trả, chốn chốn lưới chăng,
Nhiễu nhân dân, bắt bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt”
 
Và lòng căm thù ấy như căng lên tới đỉnh điểm khi tội ác của giặc đã động tới cả những cõi linh thiêng tôn nghiêm của vũ trụ khiến người và thần đều phẫn uất:
 
“Bại nhân nghĩa nát cả đất trời
Nặng thuế khoá sạch không đầm núi”
 
Nếu như trong Hịch tướng sĩ lòng cầm thù được Trần Quốc Tuấn khắc hoạ ở nỗi nhục của kẻ: “làm tướng triều đình phải hầu qiíân giặc mà không biết tức, nghe nhạc Thái Thượng để đãi yến ngụy sứ mà không biết căm”, nhằm khơi lên ý chí dân tộc, lòng yêu nước thì Nguyễn Trãi hoàn toàn đứng trên lập trường của dân tộc và nhân dân để tố cáo chủ trương cai trị thâm độc và tội ác của giặc v.v...
 
Yêu nước thương dân nên người anh hùng nung nấu hi vọng cứu dân cứu nước:
 
“Tấm lòng cứu nước, vẫn đăm đăm muốn tiến về đông
Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả”
 
Trong những năm tháng khó khăn của cuộc khởi nghĩa, khi mà con đường chiến thắng còn mịt mù giữa chốn bể khơi, khi mà “lương hết mấy tuần”, “quân không một đội” thì sự trằn trọc, trăn trở, bồn chồn hơn bao giờ hết càng canh cánh trong lòng Nguyễn Trãi:
 
“Đau lòng, nhức óc, chốc đã mười mấy năm trời,
Nếm mật, nằm gai, há phải một hai sớm tối.
Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh,
Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kĩ”
 
Một nỗi niềm như thế chắc chán không thể có một xuất phhát điểm nào khác hơn là tình yêu nóng bỏng và sâu nặng với nước với dân, là nỗi đau khôn tả của người vong quốc, là lòng khát khao được báo quốc thù.
 
Rồi cũng chính yêu nước, thương dân đã khiến Nguyễn Trãi sung sướng phấn khích khi cuộc chiến đấu đi gần đến chiến thắng hoàn toàn. Chiến công dồn dập chiến công:
 
“Ngày mười tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế
Ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu,
Ngày hăm lăm, bá tước Lương Minh bại trận tử vong,
Ngày hăm tám, thượng thư Lí Khánh cùng kế tự vẫn”.
 
Nguyễn Trãi với giọng kể liên hồi, sung sướng miêu tả thật sống động cái khí thế hừng hực của nghĩa quân; niềm vui thấm vào từng câu chữ tưởng như cuốn theo nhịp trông trận, nhịp quân đi, tiếng vó ngựa. Không còn những hình ảnh vương vấn bi thương. Lời cáo, tới đoạn này đâu đâu cũng rạng ngời tin tất thắng:
 
“Hẹn đến giữa tháng mười diệt giặc”
 
Và khi chiến thắng đã tới, ta thấy rõ hơn bao giờ hết yêu nước thương dân chính là trong lí tưởng an dân của Nguyễn Trãi. Giặc đã hàng nhưng tàn quân của chúng vẫn đó. Hơn nữa trong chiến tranh đã mất đi bao sinh mạng, kể xiết bao những cảnh goá bụa, mồ côi tang tóc v.v... Không! Không thể chất chồng thêm đau khổ được nữa! Chữ nhân của nhà nhàn đạo ấy hiện lên, lớn đẹp xiết bao:
 
“Ta lấy tàn quân là hơn để nhân dân nghỉ sức”
 
Nếu có điều gì còn muốn được nói thêm về lòng nhân nghĩa thì phải chăng điều ấy chính là niềm vui lớn trước chiến thắng của cuộc khởi nghĩa. Sau cơn bĩ cực, “giang sơn từ đây đổi mới”, Nguyễn Trãi không giấu nổi niềm vui sướng, xúc động trước đại thắng:
 
“Than ôi:
Một cõi nhung y chiến thắng, nên công oanh liệt ngàn năm”
 
Chữ xô vào chữ, niềm hạnh phúc tự nó căng trào ra, không còn bó hẹp trong cái hữu hạn của ngôn từ:
 
“Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật
Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”
 
Rồi:
 
“Sĩ khí đã hăng
Quân thanh càng mạnh”
 
Và lại nữa:
 
“Gươm mài đá, đá núi cũng mòn,
Voi uống nước, nước sông phải cạn.
Đánh một trận, sạch không kình ngạc
Đánh hai trận tan tác chim muông”
 
Yêu nước - thương dân, cái nghĩa lớn lao ấy đã làm nên những chiến thắng huy hoàng, oanh liệt; đánh tan tác đội quân xâm lược tuy hùng cường nhưng bất nhân bất nghĩa. Cái thảm bại khủng khếp của quân thù:
 
“Lạng Giang, Lạng Sơn, thây chết đầy đường
Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước”
 
Chỉ thêm phần điểm rõ cho thế thắng tất yếu của nghĩa quân:
 
“Nổi gió to quét sạch lá khô
Thông tổ kiến phá toang đê vỡ”
 
Và cái bi, cái thê lương của cảnh chiến trường đã làm cho:
 
“Ghê gớm thay, sắc phong vân phải đổi
Thảm đạm thay, ánh nhật nguyệt phải mờ”
 
Tất cả điều đó, suy cho cùng chỉ như nét khắc hoạ gián tiếp cho sức mạnh, chiến thắng vốn đã quá đỗi oai hùng của nghĩa quân. Sức mạnh, chiến thắng ấy một lần nữa lại cùng từ một lòng yêu nước thương dân rất đẹp mà ra.
 
Như thế Nguyễn Trãi người con của lòng nhân nghĩa có thể coi như người đầu tiên đã thành hệ thống một tư tưởng sáng suốt, tiến bộ, có sức vượt qua giới hạn của không gian và thời gian. Cáo bình Ngô, áng văn đọc trong ngày lễ trọng chung của dân tộc mà ăm ắp trong đó biết bao nhiệt huyết riêng của bậc thi hào. Dù rằng người anh hùng đã ra di trong nỗi thảm oan, thì trong lòng chúng ta, ông không chỉ như một quân sư, một nhà văn, một nghệ sĩ mà còn như một con người có tấm lòng nhân đạo trời bể. Thật tự hào khi nhờ ông, người dân Đại Việt đã có thể nghĩ tới một ngày:
 
“Xã tác từ đây vững bền,
Giang sơn từ đây đổi mới”
 
trong một nền thái bình vững chắc muôn thu.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây